CÁC PHÁP CHẲNG HIỆP VỚI NHAU

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT

Trích: Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Tu Tập Đúng; Hán dịch: Pháp Sư Cưu Ma La Thập; Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh; NXB. Đồng Nai

Lúc tu tập bảy môn không, đại Bồ Tát chẳng thấy sắc hoặc tương ứng hay không tương ứng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc tương ứng hay không tương ứng, chẳng thấy sắc hoặc sanh tướng hay diệt tướng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc sanh tướng hay diệt tướng, chẳng thấy sắc hoặc cấu tướng hay tịnh tướng, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc cấu tướng hay tịnh tướng, chẳng thấy sắc hiệp với thọ, chẳng thấy thọ hiệp với tưởng, chẳng thấy tưởng hiệp với hành, chẳng thấy hành hiệp với thức. Tại sao vậy? Vì tánh của các pháp vốn rỗng không nên không có pháp nào hiệp với pháp nào

Nầy Xá Lợi Phất! Trong sắc không chẳng có sắc, trong thọ không, tưởng không, hành không, thức không chẳng có thọ, tưởng, hành, thức.

Nầy Xá Lợi Phất! Vì sắc rỗng không nên không có tướng não hoại, vì thọ rỗng không nên không có tướng thọ, vì tưởng rỗng không nên không có tướng biết, vì hành rỗng không nên không có tướng tác giả, vì thức rỗng không nên không có tướng tri giác. Tại sao vậy? Vì chẳng phải sắc khác với Không, cũng chẳng phải Không khác với sắc, mà sắc chính là Không và Không chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức chính là Không và Không chính là thọ, tưởng, hành, thức.

Nầy Xá Lợi Phất! Tướng rỗng không của các pháp vốn chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiên tại, vì thế nên trong Không pháp ấy không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý, không có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, nhẫn đến không có ý thức giới, không có vô minh cũng không có vô minh tận, nhẫn đến không có lão tử, cũng không có lão tử tận, không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí cũng không có đắc, không có Tu Đà Hoàn và quả Tu Đà Hoàn, không có Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật và Phật, cũng không có quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi Phật và quả Phật.

Đại Bồ Tát tu tập đúng như vậy gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thấy Bát nhã ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng, cũng chẳng thấy Đàn na ba la mật, Thi la ba la mật, Sằn đề ba la mật, Tỳ lê gia ba la mật và Thiền na ba la mật hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng. Đại Bồ Tát cũng chẳng thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thấy nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý, chẳng thấy sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, chẳng thấy nhãn giới đến ý thức giới hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng. Đại Bồ Tát cũng chẳng thấy tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần, nhẫn đến nhứt thiết chủng trí hoặc tương ứng hay chẳng tương ứng.

Như trên đây, nầy Xá Lợi Phất! Phải biết đó là đại Bồ Tát tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, Không chẳng hiệp với Không, vô tướng chẳng hiệp với vô tướng, vô tác chẳng hiệp với vô tác. Tại sao vậy? Vì không, vô tướng, vô tác chẳng có hiệp với chẳng hiệp.

Đại Bồ Tát tu tập đúng như vậy gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Lại nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát nhập vào tự tướng Không của các pháp, nhập xong nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức, Bồ Tát chẳng cho là hiệp chẳng cho là chẳng hiệp, sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng hiệp với tiền tế cũng chẳng hiệp với hậu tế, chẳng hiệp với hiện tại. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát chẳng thấy tiền tế, chẳng thấy hậu tế cũng chẳng thấy hiện tại.

Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật, vì tam tế là danh từ rỗng không, nên tiền tế chẳng hiệp với hậu tế, hậu tế chẳng hiệp với tiền tế, hiện tại chẳng hiệp với tiền tế, hậu tế, tiền tế với hậu tế cũng chẳng hiệp với hiện tại. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật. Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, nhứt thiết trí chẳng hiệp với đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại. Tại sao vậy? Vì đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại đều còn chẳng thể thấy huống là có hiệp. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể thấy, vì nhãn đến ý chẳng thể thấy, vì sắc nhẫn đến pháp chẳng thể thấy, vì nhãn thức nhẫn đến ý thức chẳng thể thấy nên sắc, thọ đến ý thức đều chẳng hiệp với nhứt thiết trí. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật

Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, vì Đàn na ba la mật đến Bát nhã ba la mật đều chẳng thể thấy nên Đàn na đến Bát nhã ba la mật chẳng hiệp với nhất thiết trí. Vì tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần nhẫn đến thập lực, thập bát bất cộng pháp đều chẳng thể thấy nên tất cả đều chẳng hiệp với nhất thiết trí. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, Phật và bồ đề chẳng hiệp với nhứt thiết trí. Tại sao vậy? Vì Phật chính là nhứt thiết trí, bồ đề cũng chính là nhứt thiết trí, nhứt thiết trí chính là Phật cũng chính là bồ đề. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng tu tập sắc là hữu hay là vô, chẳng tu tập sắc là hữu thường hay là vô thường, chẳng tu tập sắc là khổ hay là lạc, chẳng tu tập sắc là ngã hay là phi ngã, chẳng tu tập sắc là tịch diệt hay là chẳng phải tịch diệt, chẳng tu tập sắc là rỗng không hay là chẳng phải rỗng không, chẳng tu tập sắc là hữu tướng hay là vô tướng, chẳng tu tập sắc là hữu tác hay là vô tác; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng có quan niệm là ta thật hành hay chẳng thật hành Bát nhã ba la mật, cũng chẳng có quan niệm chẳng phải thật hành cùng chẳng phải chẳng thật hành. Như đây gọi là tương ứng với Bát nhã ba la mật.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BÁT NHÃ BA LA MẬT – ĐẠI TRÍ ĐỘ LUẬN
  2. PHÁP TÁNH TỎA KHẮP
  3. TÁNH VÀ TƯỚNG CHẲNG RIÊNG

Bài viết khác của tác giả

  1. TÁNH KHÔNG THANH TỊNH
  2. TÁNH KHÔNG LÀ NỀN TẢNG CỦA BA THỪA
  3. TU TẬP ĐÚNG

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?