PHÁP TÁNH TỎA KHẮP

TỔ QUY SƠN

Cho dù pháp tánh tỏa khắp, chớ chấp có không, thường đoạn.
———————

Câu trên, chứng được pháp tánh. Câu dưới khế hợp với lý. Đã chẳng ngăn che người, cho nên tự nhiên tỏa khắp. Pháp tánh tức là muôn vật muôn cảnh. Tâm chẳng khởi vọng thì mỗi mỗi pháp toàn chân. Ở trong loài hữu tình, gọi là Phật tánh, ở trong loài vô tình, gọi là pháp tánh. Pháp tánh vốn tự Như Như. Thể thường tịch diệt, giống như hư không, khắp cùng vô số thế giới. Nắm giữ nó là mê, lìa bỏ nó thì mất.

Nếu dứt đoạn hoặc nếu tương tục, tức là rơi vào đoạn thường. Chẳng lấy bỏ, mới là khế hợp, tương ưng một cách mầu diệu. Nếu có thể đắc chánh tánh của muôn pháp, thì nằm dài nơi pháp giới, tự nhiên thông khắp, tự do vô ngại vậy.

Nếu tâm khởi vọng chấp theo tướng, bèn theo cảnh sanh diệt, cho nên hoặc là dứt đoạn hoặc là tương tục. Chân tâm thì không dính mắc, nên tùy thuận mà tỏa khắp. Tỏa khắp nên không trụ. Không trụ nên rỗng suốt khắp vô số thế giới.

Quốc sư Thanh Lương nói: Đạo rốt ráo vốn ở ngay tâm, tâm thì vốn vô trụ; tâm thể vô trụ ấy thấu biết sáng suốt chẳng có chút mê mờ. Tánh tướng vắng lặng như nhiên, bao trùm cái đức của muôn dụng, gồm nhiếp trong ngoài, sâu rộng không bờ, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng sanh, chẳng diệt, không đầu, không cuối. Cầu nó chẳng thể đắc, bỏ nó chẳng thể lìa. Mê cái hiện tiền thì nghiệp nghi lầm gây khổ lăng xăng. Ngộ được tánh mình thì rỗng sáng thấu suốt.

Tuy rằng tức tâm tức Phật, duy chỉ người chứng mới biết. Nhưng thấy có chứng có biết, thì mặt trời trí huệ đắm chìm nơi cảnh có. Còn không chiếu không ngộ thì mây tối che lấp cửa Không.

Nếu một niệm không sanh, thì mé trước mé sau dứt mất. Thể chiếu sáng tự bày, vật với ta đều Như, thẳng suốt nguồn tâm, không có trí, cũng không có đắc, chẳng lấy chẳng bỏ, không đối, không tu.

Nguồn: Quy Sơn Cảnh Sách

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHÁP TÁNH TỎA KHẮP
  2. GIẢN DỊ
  3. MONTAIGNE (1533-1592), PHÁP

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN