TUỆ GIÁC QUANG MINH

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII


Thiền có nghĩa là nhận biết rồi sau đó làm quen với tự tánh của mình. Trước hết, con phải hiểu được bản tánh cơ bản của tâm. Tâm này có một nền tảng duy nhất nơi mà tất cả chúng ta là một. Một khi nhận biết được tự tánh của mình thì con phải luôn luôn duy trì trưởng dưỡng mà không để cho mình bị rơi vào tình trạng phóng tâm. Làm quen với sự tỉnh thức hiện tiền này là thiền.

Cho dù bất kỳ điều kiện bên ngoài nào khởi lên, dù là hạnh phúc hay khổ đau thì con không bao giờ nên xa rời cái tuệ giác sáng rõ vốn nhận thức được vạn pháp khởi sinh này. Con phải thực hành tỉnh thức trong mọi hoạt động; đây là đạo hạnh hoàn hảo. Tri kiến, thiền và đạo hạnh đều là tâm với một nền tảng duy nhất (đồng một thể). Lúc nào cũng có nhiều tư tưởng khởi sinh, nhưng tư tưởng là vô thường; tư tưởng đến rồi tư tưởng lại đi. Tuy nhiên, tâm nơi mà từ đó tư tưởng khởi sinh, vẫn trụ lại như hư không; tâm chẳng đến mà cũng chẳng đi. Tâm luôn luôn ở đó, đã luôn luôn ở đó và sẽ luôn luôn ở đó. Bản tâm giống như hư không, như một đại dương mênh mông hay một tấm gương.

Tâm chẳng đi đâu cả, cũng giống như hư không vậy. Do đó, đừng bám luyến vào những tư tưởng phù du. Có bám luyến chúng nhiều đến đâu đi chăng nữa thì trong thực tế thì cũng chẳng giữ chúng lại được, vì bản tánh của chúng là vô thường. Ngược lại, hãy quan sát cái luôn trụ lại một chỗ, cái đó chính là tuệ giác quang minh, là cái nhận biết được các tư tưởng đang khởi sinh. Tuệ giác này là Phật trong con, là bản tánh đích thực của con. Đừng chạy theo bất kỳ tư tưởng nào đang khởi lên, dù đó là các tư tưởng tiêu cực, sự ưu phiền hay các cảm xúc phiền não, mà hãy tiếp tục quan sát với sự tỉnh thức.

Khi sự tỉnh thức được duy trì, các tư tưởng khởi sinh sẽ biến mất một cách tự nhiên mà không cần phải chủ động buông bỏ. Tuệ giác này cần được phát huy, không chỉ trong các thời khóa công phu, mà còn trong mọi hoạt động của con. Cho dù trải nghiệm của con có là gì đi chăng nữa, hạnh phúc hay khổ đau, thì tuệ giác này vẫn không bị tác động; tuệ giác vẫn luôn luôn hiện hữu đích thực như nó là. Bản tánh này là Phật tánh mà mọi chúng sanh đều có.

Điều quan trọng nhất là trưởng dưỡng Bồ đề tâm, tình yêu thương và lòng bi mẫn trong mọi hoạt động của con. Không có lòng bi mẫn thì con chẳng thể nào hiểu được tự tánh của mình (chân tâm). Không có lòng bi mẫn thì tâm giống như nước dơ bẩn. Con không thể thấy được bản tánh trong sáng đích thực của nước vẩn đục. Nếu con phát khởi lòng bi mẫn thì con sẽ hiểu được chân tánh của mình rất dễ dàng.

Nguồn: Những Lời Khai Thị Từ Bậc Tôn Quý.
Người dịch: Konchog Kunzang Tobgyal, 2013

Bình luận

[…] muốn rời bỏ Tiểu thừa mà cầu cái Bồ Đề Vô Thượng. Nay chỉ cho đó là Tánh Diệu Chân Như, thì hoang mang ngơ ngác, chẳng hiểu ra sao, như người nói ra tên thuốc, mà cái […]


Bài viết liên quan

  1. LỜI NGUYỆN BỒ ĐỀ TÂM
  2. MONTAIGNE (1533-1592), PHÁP
  3. PHẬT TÂM CA

Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG