STEPHEN R. COVEY
Trích: 7 Thói Quen Để Thành Đạt; Biên dịch: Vũ Tiến Phúc; NXB First News;
Hãy hình dung trong tâm trí tình huống sau.
Bạn gặp ai đó đang miệt mài cưa một cái cây trong rừng, bạn hỏi:
“Anh đang làm gì đó?”
“Anh không nhìn thấy à?”, người nọ có vẻ bực mình, “Tôi đang đốn cây”.
“Anh trông mệt lắm rồi đấy! Anh cưa được bao lâu rồi?”
“Hơn năm tiếng rồi”, anh ta đáp, “Tôi kiệt sức mất thôi. Đây quả là một công việc
nặng nhọc”.
“Vậy tại sao anh không nghỉ một lát và mài sắc lại lưỡi cưa”, bạn hỏi, “Tôi tin rằng anh sẽ cưa nhanh hơn rất nhiều”.
“Tôi không có thời gian để mài cưa”, người đàn ông trả lời, “Tôi quá bận cưa cây rồi!”.
Thói quen thứ bảy là dành thời gian để mài giũa bản thân. Nó nằm xung quanh các thói quen khác trong mô thức 7 Thói quen, giúp cho các thói quen khác được vận dụng vào thực tế cuộc sống
1. BỐN KHÍA CẠNH CỦA TỰ ĐỔI MỚI
Thói quen thứ bảy là PC (năng lực sản xuất) của cá nhân. Nó bảo tồn và tăng cường tài sản lớn nhất của bạn – con người bạn. Nó đổi mới bốn mặt của con người bạn – thể chất, tinh thần, trí tuệ và quan hệ xã hội/tình cảm. Mặc dù cách dùng từ khác nhau, nhưng hầu hết các triết lý của cuộc sống đều đề cập công khai hoặc ẩn dụ bốn mặt trên. Nhà triết học Herb Shepherd mô tả một cuộc sống cân bằng lành mạnh gồm bốn giá trị: viễn cảnh (tinh thần), tự chủ (trí tuệ), liên kết (xã hội) và bền vững (thể chất). Một lý thuyết khác về động cơ cho rằng một tổ chức đúng đắn bao gồm bốn mặt (hay bốn động cơ): kinh tế (thể chất), cách cư xử với con người (xã hội), cách phát triển, sử dụng con người (trí tuệ) và sự đóng góp của tổ chức (tinh thần).
Rèn giũa bản thân về cơ bản phải thể hiện được cả bốn động cơ này, có nghĩa là rèn luyện cả bốn mặt của con người một cách thường xuyên, nhất quán và hợp lý.
Để làm được điều này, chúng ta phải là người luôn chủ động. Dành thời gian để rèn giũa bản thân là hoạt động thuộc Phần tư thứ hai, mang tính chủ động, trái ngược với hoạt động thuộc Phần tư thứ nhất, do tính chất khẩn cấp của nó nên chúng ta bị động và luôn phải chịu sức ép từ nó.
Cần phải thúc đẩy PC cá nhân cho đến khi nó trở thành bản chất thứ hai, một thói quen lành mạnh. Vì nó nằm ở giữa Vòng tròn Ảnh hưởng của chúng ta, nên chỉ có chúng ta, chứ không phải ai khác, mới có thể điều khiển được.
Đây là đầu tư lớn nhất chúng ta có thể thực hiện trong đời – đầu tư vào chính mình, đầu tư vào công cụ duy nhất chúng ta có được để đương đầu với cuộc sống và cống hiến cho cuộc sống. Chúng ta là công cụ để thực hiện mục đích của mình, và để thành đạt, chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của việc thường xuyên rèn giũa bản thân ở cả bốn mặt sau đây.
Thể chất
Rèn luyện thể chất nghĩa là luôn quan tâm chăm sóc cơ thể mình – ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, thư giãn và luyện tập sức khỏe thường xuyên.
Luyện tập là một trong các hoạt động thuộc Phần tư thứ hai, là những hoạt động có sức bật lớn mà đa số chúng ta không làm thường xuyên bởi vì nó không phải là việc cấp bách. Và vì chúng ta không làm, nên sớm muộn gì, chúng ta cũng sẽ rơi vào Phần tư thứ nhất – đối phó với vấn đề sức khỏe và khủng hoảng xảy ra – như một hậu quả tất yếu của sự thiếu chăm sóc bản thân.
Đa số chúng ta nghĩ rằng mình không có đủ thời gian để rèn luyện sức khỏe. Thật là một mô thức méo mó! Chúng ta có thời gian, nhưng chúng ta không muốn làm! Sáu giờ một tuần hay tối thiểu 30 phút một ngày, lượng thời gian đó không thể nói là quá nhiều, nếu xét đến lợi ích nó mang lại cho 160 giờ còn lại trong tuần.
Rèn luyện thể chất cũng không đòi hỏi bạn phải có dụng cụ tập luyện đặc biệt nào. Còn nếu có điều kiện, bạn cũng có thể đến câu lạc bộ hay các phòng thể dục thẩm mỹ để dùng các thiết bị ở đó, hoặc chơi các môn thể thao đòi hỏi kỹ năng như quần vợt, bóng rổ. Nhưng để rèn giũa bản thân thì điều đó không cần thiết lắm.
Một chương trình rèn luyện sức khỏe tốt là chương trình bạn có thể thực hiện ở nhà, và rèn luyện cho cơ thể bạn ba phẩm chất: sức chịu đựng, sự dẻo dai và sức mạnh.
…
Nếu bạn chưa bao giờ luyện tập, cơ thể của bạn sẽ chiều theo thói quen được nghỉ ngơi thoải mái. Tuy nhiên, bạn hãy luôn chủ động và cố gắng luyện tập, dù lúc đầu có thể phải miễn cưỡng. Dù trời có mưa vào đúng buổi sáng bạn có kế hoạch tập chạy bộ thì bạn vẫn cứ tập. Trời mưa ư, càng tốt! Bạn sẽ rèn luyện cả thể chất lẫn ý chí.
…
Tinh thần
“Rèn giũa” tinh thần mang lại sự định hướng cho cuộc sống của bạn. Điều này có quan hệ chặt chẽ với Thói quen thứ hai. Tinh thần là cốt lõi, là trung tâm, là sự cam kết của bạn đối với hệ thống giá trị của mình. Đây là lĩnh vực rất riêng tư nhưng cực kỳ quan trọng của cuộc sống. Nó sẽ huy động các nguồn lực để tạo nguồn cảm hứng, nâng cao tâm hồn và gắn bạn với những chân lý muôn thuở của nhân loại. Mỗi người thực hiện điều này rất khác nhau.
Tôi “rèn giũa” tinh thần hàng ngày qua sự suy ngẫm kinh thánh, vì nó đại diện cho hệ thống giá trị của tôi. Khi tôi đọc và suy ngẫm, tôi cảm thấy mình được đổi mới, được tiếp thêm sức mạnh, tập trung và củng cố quyết tâm để cống hiến.
Đắm chìm vào tác phẩm văn học hay âm nhạc cũng có thể làm đổi mới tinh thần cho một số người. Có người lại tìm thấy sự đổi mới tinh thần của mình thông qua sự giao tiếp với thiên nhiên; thiên nhiên ban ơn cho những ai đắm mình vào nó. Khi bạn rời khỏi thành phố ồn ào và nhốn nháo để đắm mình vào khung cảnh hài hòa và êm ái của một vùng quê, bạn sẽ thấy tâm hồn mình như được thanh lọc.
Arthur Gordon từng chia sẻ với chúng ta câu chuyện thú vị về sự đổi mới tinh thần của chính ông. Trong câu chuyện nhỏ có nhan đề “Nước triều dâng”, ông kể về một thời kỳ nhàm chán và đơn điệu trong cuộc đời mình, không có sự nhiệt tình, không còn nỗ lực sáng tác. Ông cảm thấy cuộc đời vô nghĩa. Cuối cùng, ông quyết định nhờ một bác sĩ y khoa giúp đỡ.
Bác sĩ bảo ông dành cả ngày hôm sau đến một nơi mà ông có nhiều kỷ niệm nhất khi còn nhỏ. Ông có thể mang theo đồ ăn nhưng đừng nói chuyện với ai, cũng không được đọc, viết hay nghe đài. Tiếp theo, bác sĩ viết cho ông bốn đơn thuốc và bảo ông mở từng cái ra xem lúc 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và 6 giờ tối.
Thế là sáng hôm sau, Gordon đi ra bãi biển. Khi mở đơn thuốc thứ nhất ra đọc, trên đó ghi “Hãy lắng nghe cẩn thận”, ông nghĩ là bác sĩ mất trí. Nhưng vì đã đồng ý làm theo chỉ dẫn của bác sĩ nên ông cố kiên nhẫn ngồi lắng nghe. Ông nghe thấy tiếng sóng biển vỗ rầm rì, tiếng chim chóc gọi nhau ríu rít… Ông bắt đầu suy nghĩ về những bài học mà biển đã dạy khi ông còn nhỏ – sự kiên trì, tôn trọng và sự nhận thức về tính tương thuộc giữa các sinh vật. Ông tiếp tục lắng nghe trong sự im lặng, và cảm thấy sự thanh thản trong tâm hồn tăng lên. Đến trưa, ông mở tờ giấy thứ hai ra và đọc thấy dòng chữ “Cố gắng quay trở lại”. “Quay trở lại cái gì mới được chứ?”, ông thắc mắc. Có thể là thời thơ ấu, có thể là những kỷ niệm, có thể là quãng thời gian hạnh phúc đã qua. Ông nghĩ về quá khứ của mình, về những khoảnh khắc của niềm vui. Ông cố gắng hồi tưởng… Và trong khi nhớ lại như vậy, ông cảm thấy lòng mình ấm áp hẳn lên.
Đến ba giờ chiều, ông mở tờ giấy thứ ba ra đọc. Đơn thuốc này dường như có chút gì đó khó thực hiện hơn những cái trước: “Hãy kiểm tra lại các động cơ”. Ông bắt đầu nghĩ về những điều ông muốn – thành công, công nhận, an toàn – và biện minh cho tất cả điều đó. Thế rồi, ông chợt phát hiện ra rằng những động cơ đó không được tích cực cho lắm và có thể đó là câu trả lời cho tình trạng bế tắc hiện nay của ông. Ông xem xét các động cơ của mình sâu hơn. Ông suy nghĩ về niềm hạnh phúc đã qua. Và cuối cùng, ông đã tìm ra câu trả lời.
Ông viết: “Tôi đột nhiên nhận ra một sự thật rằng, động cơ lệch lạc sẽ chỉ kéo theo những điều sai trái. Không có gì khác nhau, dù bạn là người đưa thư, thợ cắt tóc, nhân viên bán bảo hiểm, người nội trợ, hay bất cứ ngành nghề gì.
Bạn sẽ là người làm tốt công việc của mình, miễn bạn cảm thấy đang phục vụ cộng đồng. Nhưng nếu bạn chỉ quan tâm chăm lo cho bản thân thì bạn sẽ làm việc kém đi. Đó là một quy luật không thể lay chuyển được”.
Đến sáu giờ tối, với đơn thuốc cuối cùng, ông không mất nhiều thời gian để hoàn thành. Trên mảnh giấy có dòng chữ “Hãy viết những ưu phiền lên cát”. Thả mảnh giấy bay đi, ông cúi xuống nhặt một mảnh vỏ sò và viết tất cả những nỗi ưu phiền của mình lên mặt cát. Sau đó ông quay bước đi mà không nhìn lại, biết rằng sau lưng mình, thủy triều đã sắp lên…
…
(Hai khía cạnh còn lại)
- Trí tuệ
- Quan hệ xã hội/tình cảm