THƯ GỬI TRƯỜNG HỌC – CUỐN I Ngày 1-3-1979

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Phụ lục: Thư Gửi Trường Học; NXB Thời Đại.

Các thư này được viết trong tinh thần bằng hữu; chúng không có ý khống chế cách suy nghĩ của bạn hay thuyết phục bạn tuân theo cách suy nghĩ và cảm nhận của người viết, chúng không được dùng để tuyên truyền. Đây thực sự là một cuộc đối thoại giữa bạn và người viết, hai người bạn đang trao đổi, thảo luận các vấn đề của nhau, và trong tình bạn bè tốt lành nên không bao giờ có ý tranh đua hay khống chế nhau. Bạn cũng phải quan tâm tình trạng của thế giới và của xã hội chúng ta và phải có một cuộc thay đổi tận gốc trong lối sống của con người, trong quan hệ với nhau, với thế giới như một toàn thể nguyên vẹn thống nhất và trong bất kỳ phương cách khả thi nào cũng được. Ta đang thảo luận với nhau cả hai cùng quan tâm sâu sắc, không chỉ cái ‘tôi’ đặc biệt của ta mà cả của người học trò mà bạn đang hoàn toàn chịu trách nhiệm nữa. Trong trường học, thầy cô giáo là người quan trọng nhất vì tương lai hạnh phúc của nhân loại tùy thuộc vào cô hoặc thầy. Đây không phải là một lời nói suông. Đây là một sự kiện tuyệt đối và không thể thay đổi. Chỉ khi nào nhà giáo dục tự mình cảm thấy công việc của mình là cao cả và đáng tôn kính mới tri giác rằng dạy học là một nghề nghiệp tối thượng, vĩ đại hơn cả người làm chính trị, vĩ đại hơn cả ông hoàng, bà chúa của thế giới này. Người viết hiểu hết ý nghĩa của mỗi từ ông ta dùng, do đó xin các bạn vui lòng đừng gạt bỏ hết xem như một lời cường điệu hay một ý đồ khiến bạn cảm nhận lầm lẫn về một tầm quan trọng vốn không có. Bạn và những người học trò phải cùng nảy nở trong tính thiện hay lòng từ.

Ta đã vạch rõ sự hư hoại hay các nhân tố gây suy thoái của trí não. Bởi vì xã hội đang trên đà tan rã, phân hóa nên các trường học loại này phải là những trung tâm có nhiệm vụ làm hồi sinh trí não. Không phải là tư tưởng. Tư tưởng không bao giờ có thể hồi sinh được, bởi vì tư tưởng luôn luôn bị hạn chế, nhưng hồi sinh toàn thể trí não là điều có thể làm được. Tính cách có thể này không phải là một thực tại khi ta quan sát sâu vào mọi đường đi nước bước của tình trạng suy thoái. Trong các thư trước, ta đã khám phá một số đường đi nước bước đó.

Bây giờ, ta cũng phải tra xét cái bản chất mang tính hủy diệt của truyền thống, của tập quán và cái lối lặp đi lặp lại của tư tưởng. Chạy theo, chấp nhận truyền thống như tạo một cảm giác an toàn khi sống, bên ngoài cũng như bên trong. Cầu an bằng bất cứ đường lối nào đều là động cơ, sức mạnh sai khiến phần lớn hành động của ta. Đòi hỏi an toàn tâm lý làm đen tối sự an toàn vật lý và do đó, khiến cho sự an toàn vật lý thành bất an. Sự an toàn tâm lý là nền tảng của truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua từ ngữ, nghi thức, tín điều – dù thuộc lĩnh vực tôn giáo, chính trị hay xã hội. Ta hiếm khi đặt vấn đề các chuẩn mực đạo đức đã được công nhận, nhưng nếu có thì chắc chắn ta lại rơi vào bẫy rập của một mô hình mới khác. Đây là một lối sống từ trước đến giờ của ta, bỏ cái này và lấy cái khác. Lấy cái mới vì nó hấp dẫn, thu hút hơn và bỏ lại cái cũ cho thế hệ đã qua. Nhưng cả hai thế hệ đều bị vướng mắc trong các mô hình, trong những hệ thống và đấy là vận hành của truyền thống. Chính từ này có nghĩa là tuân thủ, rập khuôn, bắt chước, dù là hiện đại hay cổ thời. Không có truyền thống tốt hay xấu, chỉ duy có truyền thống, sự lặp lại vô ích nghi thức lễ bái thờ phụng trong các giáo đường, đền, viện. Chúng cực kỳ vô nghĩa, nhưng cảm xúc, tình cảm, sự lãng mạn, trí tưởng tượng đã tô vẽ màu sắc cho chúng và đẩy chúng vào ảo tưởng. Đây là bản chất của sự mê tín và mọi nhà truyền giáo đều khuyến khích điều này. Cái tiến trình chạy theo hay đầu tư vào những điều vô nghĩa là một sự hoang phí năng lượng làm cho trí não suy thoái. Ta phải tri giác sâu sắc các sự kiện này và chính sự chú tâm phá tan ảo tưởng.

Bây giờ đến vấn đề tập quán hay thói quen. Không có tập quán tốt hay xấu, chỉ duy có tập quán. Ta rơi vào tập quán một cách cố tình hoặc bị thuyết phục do tuyên truyền, hoặc do sợ hãi, ta rơi vào những phản xạ tự vệ. Cũng tương tự như khoái lạc, việc chạy theo một thói quen hay tập quán, dù hữu hiệu và cần thiết trong cuộc sống đời thường ra sao đi nữa, nói chung, có thể dẫn đến một cuộc sống máy móc. Ta có thể làm lặp đi lặp lại cùng một công việc, cùng một thời gian hàng ngày, mà không trở thành thói quen nếu ta giác những gì ta làm. Chú tâm xua tan thói quen. Chỉ khi nào không có sự chú tâm, tập quán mới hình thành. Bạn có thể thức dậy đúng một giờ giấc nào đó mỗi buổi sáng và bạn biết vì sao bạn thức dậy. Cái giác này đối với người khác có thể dường như là một thói quen, tốt hoặc xấu, nhưng thực sự nó đối với người tri giác, chú tâm, thì không phải là thói quen chi cả. Ta rơi vào tập quán hay thói quen tâm lý bởi vì ta nghĩ đó là một lối sống thoải mái hơn cả, nhưng khi ta quan sát thật kỹ ngay cả các thói quen đã được hình thành trong mối quan hệ cá nhân hay này khác, ta thấy có sự lười biếng, không quan tâm và thờ ơ. Tất cả mọi tính cách ấy tạo ra một cảm giác không thân thiết, bất an và dễ dàng có thái độ thô bạo, dữ dằn. Trong bất cứ thói quen nào đều có sự nguy hiểm: thói quen hút thuốc, hành động lặp đi lặp lại, việc sử dụng từ ngữ, tư tưởng và thái độ cư xử. Thói quen, tập quán ấy làm cho trí não hoàn toàn mất đi sự nhạy cảm và tiến trình suy thoái đó dễ dàng tìm thấy một hình thái an toàn hão huyền nào đó như cộng đồng dân tộc, một tín ngưỡng hay một lý tưởng và bám chấp vào đó. Chính các nhân tố này hủy diệt sự an toàn đích thực. Ta sống trong một thế giới làm bằng tin tưởng và thế giới ảo đó trở thành hiện thực. Đặt vấn đề đối với ảo tưởng này, ta hoặc trở thành một người cách mạng hoặc sống buông thả. Cả hai đều là các nhân tố dẫn đến suy thoái.

Xét cho cùng, não bộ với các khả năng phi thường của não đã bị qui định hết thế hệ này sang thế hệ khác để chấp nhận cái sự an toàn sai lầm này hiện đã trở thành một thói quen thâm căn cố đế. Để phá thói quen này, ta trải qua nhiều hình thái tự hành hạ, tra tấn khác nhau, nhiều cuộc lẩn trốn kể không xiết, hoặc tự quăng ném mình vào một xã hội không tưởng cực kỳ duy tâm và v.v… Vấn đề của nhà giáo dục là tra xét khám phá và cái năng lượng sáng tạo của nhà giáo ẩn mình trong động thái quan sát vô cùng kỹ lưỡng chính sự qui định thâm căn cố đế của chính nhà giáo và người học. Đây là một tiến trình hỗ tương, không phải bạn tra xét khám phá trước sự qui định của bạn và sau đó mới truyền đạt khám phá của bạn cho người khác mà cùng nhau khám phá và thấy sự thật của vấn đề. Việc làm này đòi hỏi một tinh thần nhẫn nại, không phải nhẫn nại thông qua con đường thời gian mà là kiên trì quan tâm quan sát với tinh thần trách nhiệm tuyệt đối.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THƯ GỬI TRƯỜNG HỌC – NGÀY 1 – 9 – 1978
  2. THƯ GỬI CÁC THẦY CÔ GIÁO

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG