THƯ GỬI TRƯỜNG HỌC – NGÀY 1 – 9 – 1978

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG ; Bản dịch: Đào Hữu Nghĩa; Công ty sách Thời Đại & NXB Thời Đại

 

Bởi vì tôi muốn giữ mối tiếp xúc thường xuyên với tất cả các trường ở Ấn Độ, Brockwood Park ở Anh Quốc, Oak ở Ojai, California nên tôi có ý định cứ mỗi nửa tháng viết một lá thư gửi về cho tất cả các trường nếu có thể. Việc đích thân tôi tiếp xúc thường xuyên với các trường, tự nhiên là điều khó khăn rồi, do đó, nếu có thể, tôi rất muốn viết những lá thư này để chuyển tải những phương hướng hoạt động của  các trường phải như thế nào, cũng như xác nhận với những người có trách nhiệm ở trường rằng những ngôi trường này không chỉ xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ về mặt chuyên môn mà còn phải hơn thế nhiều lắm.  Các trường học loại này đặc biệt chú trọng đào luyện, trau giồi, bồi dưỡng con người toàn diện. Các trung tâm giáo dục loại này phải giúp đỡ sinh viên học sinh và nhà giáo dục nảy nở và phát triển một tự nhiên. Động thái nở hoa vốn vô cùng quan trọng, nếu không, giáo dục đơn thuần trở thành tiến trình máy móc, chỉ lo định hướng nghề nghiệp hay một ngành chuyên môn nào đó. Có nghề nghiệp chuyên môn, như toàn bộ xã hội này đang tồn tại, là điều không thể tránh nhưng nếu tất cả tầm quan trọng đều đặt lên đó thì sự tự do để nảy nở và phát triển sẽ dần dần tàn lụi. Ta đã xem trọng quá mức việc thi cử và giật được mảnh bằng ưng ý. Đó không phải là mục đích chính yếu dựa vào đó các ngôi trường loại này được thành lập, điều này không có nghĩa trường người học sinh sẽ yếu về mặt chuyên môn, nghề nghiệp. Trái lại, cùng với trạng thái nở hoa trí tuệ nơi người thầy và trò, ngành nghề chuyên môn sẽ có chỗ thích hợp của nó. Xã hội và văn hóa trong đó ta sống, khuyến khích và đòi hỏi sinh viên học sinh phải được hướng nghiệp để có việc làm đảm bảo an toàn đời sống vật chất. Đấy là áp lực triền miên bất tận của tất cả mọi xã hội; nghề nghiệp trước hết đã, mọi thứ khác đều phụ thuộc. Ta đang thử làm ngược lại tiến trình này bởi vì con người không thể sống hạnh phúc chỉ vì tiền. Khi tiền bạc trở thành nhân tố thống trị trong cuộc sống thì rõ ràng có sự mất thăng bằng trong sinh hoạt đời thường của ta. Do đó, nếu có thể, tôi muốn tất cả các nhà giáo thấu hiểu một cách nghiêm túc điều này và thấy hết ý nghĩa của nó. Nếu nhà giáo hiểu tầm quan trọng của điều này và đặt nó đúng  vào chỗ của chính nó ngay trong cuộc sống của mình, lúc đó nhà giáo mới có thể giúp người học trò bị thúc ép bởi cha mẹ  và xã hội biến nghề nghiệp thành tối quan trọng. Do đó, tôi muốn trong lá thư đầu tiên ngày hôm nay nhấn mạnh điểm này và chủ trương luôn luôn duy trì trong các trường học loại này một lối sống lấy việc đào luyện và trau giồi con người toàn diện làm đầu.

Bởi vì phần đông các nền giáo dục đều dạy ta thu thập kiến thức nên biến ta ngày càng máy móc hơn, trí não ta vận hành dọc dài theo rãnh trượt nông cạn của tập quán dù đó là kiến thức khoa học, triết học, tôn giáo, kinh doanh hay công nghệ mà ta thu thập được. Lối sống của ta, cả trong gia đình và ngoài xã hội, và khuynh hướng chuyên biệt hóa trong một ngành nghề đặc biệt đang khiến trí não ta ngày càng nhỏ nhen hẹp hòi, bị hạn chế  và thiếu sót hơn. Tất cả mọi điều ấy dẫn đến một lối sống máy móc, một tâm thần được tiêu chuẩn hóa, và rồi từng bước, nhà nước, thâm chí nhà nước dân chủ, cũng ra lệnh chúng ta trở thành cái gì, cái gì. Phần đông những người tính ý một chút đều tự nhiên nhận ra điều này, nhưng bất hạnh ở chỗ dường như họ chấp nhận và sống thỏa hiệp. Do đó, tình thế này đã trở nên nguy hiểm đối với sự tự do.

Tự do là một vấn đề vô cùng phức tạp và để thấu hiểu tính phức tạp này, động thái nở hoa của trí não là điều cần thiết. Tự nhiên là mỗi người sẽ có một định nghĩa khác biệt về động thái nở hoa này của con người, tùy vào văn hóa, cái gọi là giáo dục, kinh nghiệm, sự mê tín tôn giáo – nghĩa là tùy vào sự qui định của từng người. Ở đây, ta không đặt vấn đề dựa vào ý kiến hay thành kiến mà là hiểu không thông qua ngôn từ những ý nghĩa hàm súc và những hậu quả của trạng thái nở hoa trí não. Động thái nở hoa là động thái bộc lộ và khai mở hoàn toàn của trí tâm và cái thân vật chất của ta. Tức là, sống tuyệt đối hài hòa trong đó không có đối kháng hay mâu thuẫn giữa chúng nữa. Trí não chỉ có thể nảy nở và phát triển khi có tri giác sáng suốt khách quan, trong đó không còn có cá nhân cá thể chi nữa, hoàn toàn cởi bỏ mọi áp đặt. Đó không còn phải là nghĩ gì mà là nghĩ cách nào thật sáng suốt. Qua nhiều thế kỷ, bằng tuyên truyền ta đã khuyến khích con người phải nghĩ gì. Đa số các nền giáo dục hiện đại đều dạy như thế chứ không phải dạy tra xét khám phá sâu toàn bộ chuyển động của tư tưởng, niệm tưởng. Nở hoa có ý nói tự do, tựa như bất lỳ loài cây nào khác để nẩy nở và phát triển đều cần có tự do.

Ta sẽ đề cặp và xử lí vấn đề này qua các khía cạnh khác biệt trong từ lá thư suốt những năm tới đây: trước hết là đánh thức con tim, không phải để có tình cảm lãng mạn hay trí tưởng tượng mà là để có tính thiện, lòng tốt phát sinh từ lòng từ ái, từ tình yêu và đồng thời chăm sóc bồi dưỡng thân thể bằng thức ăn thích hợp, tập luyện đúng đắn khiến sinh tính nhạy cảm, sâu sắc. Khi cả ba hoàn toàn hoài hòa – đó là tâm, trí và thân, bấy giờ động thái nở hoa trí tuệ đến một cách tự nhiên, dễ dàng và tuyệt diệu. Đấy là việc làm trong tư cách nhà giáo dục của chúng ta, đó là trách nhiệm của chúng ta và dạy học là một nghề vĩ đại nhất trong cuộc sống.

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO – CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
  2. GIÁO DỤC TÔN GIÁO NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG? (*)
  3. LOẠI HÌNH GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT