TAITETSU UNNO
Tiến sĩ Unno dạy đại học ở Mỹ, được phong pháp sư trong truyền thống Tịnh độ Chân tông và phục vụ ở chùa Phật giáo Chân tông ở Los Angeles sáng lập và điều khiển Giáo đoàn Phật giáo Chân tông ở Massachusetts.
Câu hỏi thường được hỏi nhất với một Phật tử Tịnh độ là, cái gì là sự thực hành của bạn? Câu trả lời hiển nhiên là sự thực hành lòng bi. Là Phật tử, công việc của chúng ta là biểu lộ lòng bi trong đời sống hàng ngày, bắt đầu với những thành viên trong chính gia đình chúng ta và trải rộng cho toàn xã hội. Nhưng khi thực sự thực hành lòng bi, biểu lộ quan tâm, chăm sóc, thấu cảm và tình thương, trong khi tôn trọng sự tự trị và phẩm giá của người khác, người ta gặp một chướng ngại khổng lồ. Và chướng ngại ấy không bao giờ là người khác, mà chính là cái tôi quy ngã của mình. Sự tỉnh biết này là điểm bắt đầu của con đường Phật giáo Tịnh độ Chân tông.
Giữa nhiều nhánh Phật giáo, những cái được biết tốt hơn ở Bắc Mỹ ngày nay là những hình thức khác nhau của Thiền, Phật giáo Tây Tạng và Vipassana, nhưng có nhiều nhánh khác được tìm thấy ở châu Á. Một trong số đó là nhánh tình độ của Phật giáo Đại thừa, mà những gốc rễ của nó từ thế giới Nam Á, đã có nhiều kinh, gồm những kinh Tịnh độ, trong thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Một nhánh chính của nhóm này khởi phát từ thế kỷ mười ba ở Nhật là Tịnh độ Chân tông hay Phật giáo Chân tông.
Trong khi Phật giáo Theravada thờ chỉ một đức Phật, đức Thích Ca Mâu Ni lịch sử, thì Phật giáo Đại thừa có nhiều đức Phật với những chức năng chính yếu trong những điểm khác nhau. Đó là Phật A Súc, Phật Di Lặc, Phật Đại Nhật, Phật Dược Sư, và Phật Vô Lượng Quang (Amitabha) và Vô Lượng Thọ (Amitayus) – được phối hợp thành A Di Đà (Amita hay Amida).
Hai kinh căn bản của Tịnh độ phát sanh từ Ấn Độ được gọi là Kinh Sukhavati – vyuha đại bản (Kinh A Di Đà đại bản) và Kinh Sukhavati – vyuha tiểu bản (Kinh A Di Đà tiểu bản). Sukhavati – vyuha nghĩa là “sự trang hoàng của cõi Phúc Lạc”. Một kinh thứ ba gốc Trung Á hay Trung Hoa, khoảng thế kỷ thứ tư sau Công nguyên, là Kinh Quán Phật Vô Lượng Thọ. Ba kinh này được gọi là Ba Kinh Phật giáo Tịnh độ.
Kinh Đại bản diễn tả công hạnh của một Bồ tát tên là Dharmakara (Pháp Tạng) phát 48 lời nguyện trước Phật Thế Tự Tại Vương. Những lời nguyện hứa làm giải tan những khổ đau của người ta và thay thế bằng bình an và hạnh phúc. Khi Dharmakara làm tròn mọi lời nguyện, ngày đạt đến Phật quả với danh hiệu là Phật A Di Đà. Cái quan trọng nhất trong đó là Lời Nguyện thứ Mười Tám, cũng được gọi là Bổn nguyện, biểu lộ lòng bi ôm lấy tất cả và không phê phán của A Di Đà.
Kinh Tiểu bản là một mô tả đẹp đẽ cõi giác ngộ theo những từ rất cụ thể: hàng rào và lưới, cây nạm ngọc, ao tắm với cát bằng vàng và những bậc cấp bằng vàng, bạc, đá da trời, pha lê; những sảnh đường nạm ngọc xây trên đất bằng vàng. Không khí đầy nhạc trời, chim quý hiếm, và gió nhẹ thổi qua hàng cây báu tạo ra hòa âm kỳ diệu. Sự diễn tả phong phú rực rỡ này được nói là một biểu lộ của tánh Không thể hiện chính nó một cách tự do không ngăn ngại. Bởi vì thực tại là không có thực thể thường còn, và mọi sự thay đổi liên tục, nó có thể khoác bất cứ hình thức nào.
Kinh Quán bắt đầu với bi kịch của Rajagriha xảy ra trong thời gian đức Phật lịch sử. Hoàng tử Ajatasatru (A Xà Thế) do Devadatta (Đề Bà Đạt Đa), một người em họ và cạnh tranh với Thích Ca Mâu Ni, xúi dục, đã nhốt vua cha và sau đó, hoàng hậu mẹ mình. Trong khốn khổ lớn lao, hoàng hậu Vaidehi kêu cầu đức Phật chỉ bảo. Đức Phật chỉ bày vô số Tịnh độ, trong đó Vaidehi chọn Tịnh độ của A Di Đà và mong muốn sanh vào đó. Đức Phật diễn tả mười sáu hình thức quán tưởng có thiền định và không thiền định để chắc chắn được sanh vào Tịnh độ.
Những kinh Tịnh Độ phổ thông ở Trung Hoa và nhiều dòng thực hành phát sanh từ chúng. Những bình giảng và nghiên cứu quan trọng xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ tư. Khi những kinh điển này được đưa vào Nhật ở thế kỷ thứ sáu chúng không hấp dẫn nhiều chú ý nhưng dần dần chúng gây cảm hứng cho những tăng ni trong sáu tông phái thời Nara (710 – 794) theo đuổi những thực hành Tịnh độ.
Tuy nhiên vào thời Heian (794 – 1191) những niềm tin Tịnh độ bắt đầu có một ảnh hưởng chính trong một số cơ sở tu viện và văn hóa đại chúng. Nó trở nên một cảm hứng cho nghệ thuật và kiến trúc, cũng như cho thơ ca và văn chương, chẳng hạn tác phẩm kể chuyện chính yếu đầu tiên Chuyện Gengi bởi Quý bà Murasaki trong thế kỷ thứ mười một. Hai tông phái của Heian, Chân ngôn và Thiên Thai, cũng thu nhập những phương diện của giáo lý Tịnh độ, nhưng chính sự thực hành của Thiên Thai tông là Samadhi của Thực hành Thường trực là có ý nghĩa cho những mục tiêu của chúng ta. Sự thực hành này do Trí Khải (538 – 597), người sáng lập Thiên Thai tông ở Trung Hoa, trong mười chín ngày nhiễu quanh tượng Phật A Di Đà, trong khi thường xuyên tụng Danh hiệu A Di Đà hầu như không ngủ nghỉ.
Năm 1175 một khuôn mặt lôi cuốn là Pháp Nhiên, một vị tăng thuộc Thiên Thai tông, xuất hiện và tuyên bố thành lập một tông độc lập gọi là Jodo -shu (Jodo là Tịnh độ, shu là tông). Giáo lý căn bản của ngài được tóm lại trong một câu, “Trong con đường của những bậc thánh người ta hoàn thiện trí huệ và hoàn thành giác ngộ; trong con đường Tịnh độ người ta trở lại với cái tôi ngu si để được A Di Đà cứu độ”. Sự thực hành căn bản Pháp Nhiên đòi hỏi là nhất tâm niệm Phật, danh hiệu của A Di Đà: Nam mô A Di Đà Phật.
Sự thực hành niệm Phật này thay đổi dòng chảy của Phật giáo Nhật, vì những con đường tu viện, do triều đình và giai cấp quý tộc đỡ đầu, đã loại bỏ những đám đông quần chúng cho đến khi Pháp Nhiên thiết lập Tông Tịnh độ độc lập. Bấy giờ những cánh cửa giải thoát và tự do mới mở rộng, chào đón những người bấy lâu bị bỏ quên: phụ nữ mọi giai cấp; thợ săn, người giết mổ, người đánh cá, người lấy mạng sống làm nghề sinh nhai; nông dân và buôn bán được xem là ngu dốt và “xấu” trong con mắt những tầng lớp cao; những tăng và ni phạm giới.
Trong nhiều người theo Pháp Nhiên, có Thân Loan (1173 – 1263) đi theo những bước chân của Pháp Nhiên để thâm nhập những năng lực bên trong của việc niệm Phật, từ chối cách lập lại máy móc và soi sáng nguồn cội của nó là lòng bi vô biên của Phật A Di Đà. Như thế, việc niệm Phật được xem một cách căn bản là một lời kêu gọi từ A Di Đà, nhưng đồng thời nó là sự trả lời của chúng ta với lời kêu gọi ấy. Là một học trò tín thành của Pháp Nhiên, Thân Loan không nhận ai theo, nhưng dòng của ông vẫn giữ ký ức về ông và những lời dạy, sau cùng trở thành một tông Tịnh độ khác, được biết như Tịnh độ Chân tông. Dù Thân Loan đã dùng từ Tịnh độ Chân tông để chỉ “giáo lý chân thật của Tịnh độ (như được dạy bởi Pháp Nhiên)”, ngày nay nó được dùng như tên của một tông độc lập.
Phật giáo là con đường lạc quan tối cao, vì trong những nguyên lý căn bản của nó là không có cuộc đời hay kinh nghiệm con người là uổng phí, mà tất cả sẽ được chuyển hóa thành một nguồn của đời sống năng động, trí huệ sâu xa, và cuộc sống bi mẫn. Trên cấp độ kinh nghiệm hàng ngày, Phật giáo Chân tông nói đến sự chuyển hóa này là “những mảnh gạch vụn biến thành vàng”.
Ẩn dụ này đến từ Từ Mẫn (680 – 748), đại sư Tịnh độ Trung Hoa thế kỷ thứ tám đã đi học ở Ấn Độ, tuyên bố công việc của lòng bi vô biên được gọi là A Di Đà, đức Phật của Ánh Sáng và Đời Sống vô lượng, như sau:
Đức Phật, trong giai đoạn tu nhân, đã phát lời nguyện vũ trụ:
Khi chúng sanh nghe Danh hiệu tôi và nghĩ đến tôi,
tôi sẽ đến đón từng người,
Không phân biệt nghèo giàu và xuất thân,
Không phân biệt bẩm sinh tốt xấu,
Không chọn lựa người có học, người giữ giới,
Không từ chối người phá giới, người nặng nghiệp.
Chỉ khiến chúng sanh xoay về và niệm nhiều danh hiệu,
Tôi có thể làm gạch vụn biến thành vàng.
Khi chúng ta ý thức mặt chểnh mảng của bản thân chúng ta, che giấu bóng tối, che ám sự thực hành lòng bi trên một căn cứ thường xuyên và thấu đáo, chúng ta đã được ánh sáng của lòng bi vô biên tức là Phật A Di Đà chạm đến. Ánh sáng này không chỉ soi sáng bóng tối của chúng ta, nó chuyển hóa bóng tối, đến độ chúng ta cố gắng tốt nhất để bi mẫn với một cảm thức khiêm hạ và biết ơn, chánh niệm với những giới hạn nghiệp của chúng ta. Khiêm hạ sanh khởi do được chỉ cho tự ngã bị nghiệp trói buộc của chúng ta, nhưng biết ơn vì lòng bi vô biên gây cảm hứng để hành động với một cảm kích và mạnh mẽ đối với đời sống.
Tất cả được chứa đựng trong niệm Phật : Nam mô A Di Đà Phật. Nó gồm hai phần hòa nhập thành một: con người tự rào tường mình, quy ngã sâu sắc, tượng trưng bởi Nam mô, được so sánh và chuyển hóa bởi lòng bi vô biên, A Di Đà Phật.
Niệm Phật là tiếng gọi tuôn ra của Phật Ánh sáng Vô Lượng và Đời sống Vô Lượng, đến từ chính trung tâm không đáy của bản thân đời sống, cũng là sự trả lời của chúng ta với tiếng gọi mà không có ngại ngần hay tính toán. Như vậy nó không phải là một hành động cầu xin, một sự lập lại máy móc không tâm hồn, hay một thần chú với những năng lực huyền bí.
Sự kêu gọi này của niệm Phật đánh thức chúng ta với năng lực giải thoát và thiêng liêng hóa tất cả đời sống, bởi vì nó không đến từ một tâm nhỏ hẹp luôn luôn toan tính cuộc đời theo được mất, thắng thua. Sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ trả lời sự kêu gọi ấy, vì bao giờ chúng ta cũng biết một cảm thức an toàn và hạnh phúc. Nếu tôi dịch niệm Phật ra tiếng Anh, nó sẽ là “Danh hiệu Kêu gọi”, vì nó kêu gọi chúng ta thức tỉnh với tiềm năng trọn vẹn của chúng ta để trở nên những con người chân chính và thành thật.
Bấy giờ, điều thiết yếu không phải là số lần được phát âm, thậm chí không phải là tấm lòng thanh tịnh, mà chỉ là sự lắng nghe sâu xa Danh hiệu kêu gọi mà chúng ta muốn trả lời. Mục đích của lắng nghe sâu xa là đưa đến một thay đổi nền tảng trong cuộc sống của chúng ta, đến độ chúng ta chứng ngộ giải thoát và tự do ở giữa sự rối rắm của thế gian, những trách nhiệm hàng ngày, và xáo động thường trực. Con đường này dành cho bất cứ ai, đặc biệt là người ở đời, trong thế giới hiện thời của chúng ta, bởi vì con đường niệm Phật không có những đòi hỏi ngoại trừ sự nhận biết một sự kiện không thể bàn cãi: những vấn đề rắc rối trong đời sống hàng ngày của chúng ta có thể được chuyển hóa rốt ráo vào những cội nguồn của tự hiểu biết và trí huệ nhận được.
Tiến trình lắng nghe sâu xa hoàn tất với sự sanh của chúng ta trong Tịnh độ, nhưng Tịnh độ không phải là mục đích tối hậu. Nó chỉ là một trạm để từ đó chúng ta trở lại thế giới sanh tử. Bây giờ được phú thêm trí huệ và lòng bi, sự lợi lạc và cứu độ cho tất cả chúng sanh trở thành quan tâm hậu. Sự trở lại, tuy nhiên, là không tách lìa với sự ra đi, cả hai có thể được là do lực ly tâm của lòng bi vô biên. Đó là sự mở rộng và làm sâu rốt ráo của lý tưởng Bồ tát, làm tan vỡ suốt những ý niệm quy ước của thời gian và không gian.
Theo Thân Loan, sự thức tỉnh tôn giáo là sự chứng ngộ cái thời gian không có thời gian trong mỗi khoảnh khắc của hoạt động hàng ngày. Chiều kích tối hậu phá vỡ vào chiều kích lịch sử, cái không có thời gian thâm nhập vào thời gian. Theo lời ngài “Một niệm (thought – moment) là thời gian ở giới hạn tối hậu của nó, nơi sự chứng ngộ shinjin (tín tâm) xảy ra”.
Cái “một niệm” nhấn mạnh giá trị tối hậu, không thể thay thế của cái ở đây và bây giờ. Chính trong cái khoảnh khắc mà thời gian chiều thẳng đứng vở vào thời gian chiều nằm ngang hay tuyến tính, cái tối hậu thâm nhập cái tương đối. Trong diễn ngôn Phật giáo nó cũng được gọi là khoảnh khắc của thực tại vô tướng, gọi là Pháp thân, xuất hiện như Bổn nguyện của A Di Đà trong ý thức con người.
Một kinh nghiệm thời gian như thế là căn cứ cho sự diễn giảng lại của Thân Loan về “sanh trong Tịnh độ”, biến đổi sự vốn nhấn mạnh về tương lai thành một khẳng định căn bản cái ở đây và bây giờ. Ngài giải thích kinh điển, “Rồi họ đạt được sự sanh”, gợi ý một sự tức thời không rõ ràng trong bản gốc. Như vậy, trong bình giảng của ngài, Thân Loan nói: “‘Rồi’ nghĩa là tức thời; ‘tức thời’ nghĩa là không có sự đi qua của thời gian, không có sự đi qua của những ngày”.
Theo lịch sử, hơn một ngàn năm, Tịnh độ tượng trưng những lý tưởng khác nhau của đời sống tôn giáo. Hàng đầu trong số đó là tượng trưng cõi toàn thiện để theo đuổi con đường giác ngộ, không bị ngăn che bởi sự ồn ào, chấn động, và những rối rắm của thế giới sanh tử. Nó cũng là nơi chốn người chết đến và được Phật A Di Đà và tùy tùng những Bồ tát xuống từ bầu trời tiếp đón. Thật vậy, một nghi lễ nơi giường chết đã được phát triển ở Nhật thời trung cổ để bảo đảm thành công cho việc sanh vào Tịnh độ. Một tấm màn vẽ Phật A Di Đà, nhìn xuống từ những đỉnh núi, được đặt trên giường người chết. Một sợi dây nối với trái tim của A Di Đà kéo dài và được người chết nắm chặt, để cho không lạc mất trên đường đến Tịnh độ.
Thân Loan bác bỏ nghi lễ dân gian nơi giường chết này như là gây ra lo âu lớn hơn cho sự chết, cũng như làm lộ một sự thiếu niềm tin vào Bổn nguyện.
Ngài nói:
Ý tưởng A Di Đà đi đến vào lúc chết là cho những người tìm kiếm được sanh vào Tịnh độ do cử hành những thực hành tôn giáo, bởi vì họ là những hành giả của tự lực. Lúc chết là quan tâm chính của những người như vậy… Người tín tâm chân thật, tuy nhiên, an trụ trong cấp độ của thực sự an định, vì nó đã được nắm lấy, không bao giờ bị bỏ rơi. Không cần chờ đợi trước phút giây chết, không cần phải dựa vào sự đến của A Di Đà. Vào thời điểm tín tâm trở nên an định, sự sanh cũng trở nên được an định; không cần những nghi lễ nơi giường chết sửa soạn cho sự đến của A Di Đà.
Không cần những nghi lễ nơi giường chết như vậy, bởi vì sanh vào cõi Tịnh độ xảy ra lúc thức tỉnh tín tâm ở đây và bây giờ. Tín tâm là một loại tin cậy, nơi không có nghi ngờ và xác nhận dù bất cứ loại nào đều không cần thiết. Nó khác với những ý niệm thông thường về tin tưởng chứa đựng nhiều loại nghĩa, nhất là đặt trên cơ sở một quan điểm nhị nguyên tập trung vào một đối tượng ở ngoài mình. Thích hợp hơn là dùng những từ của đời sống bình thường để dịch tín tâm sang tiếng Anh, như tin cậy, tự tin, kiên định, xác quyết, chúng không mang nghĩa nhị nguyên. Cũng bởi vì nó không liên hệ gì với tâm chập chờn của con người, tôi dịch tín tâm là “giao phó chân thật”, một sự giao phó được làm cho có thể bởi cái chân và thật, tức là A Di Đà.
Trong sự dấn thân ban đầu, cả A Di Đà Phật và Tịnh độ được xem như những đối tượng quan niệm một cách nhị nguyên, nhưng ở mức độ trưởng thành những cái trở thành một phần hòa nhập của một thức tỉnh nền tảng, đến độ hành giả và A Di Đà/ Tịnh độ được kinh nghiệm là thực tại bất nhị.
Mục tiêu hàng đầu của Phật giáo Chân tông là đời sống trưởng thành với Phật pháp. Mục đích tối hậu của lắng nghe sâu xa không phải là ngộ (satori) hay giác ngộ mà là giao phó. Theo lời của Thân Loan:
Đối với người ngu và vô minh bao giờ cũng chìm đắm trong sanh tử, vô số kiếp chuyển dời, không phải sự đạt đến quả giác ngộ vô thượng là khó; mà sự khó khăn đích thực là chứng ngộ tín tâm chân thật.
Sự “khó khăn đích thực” đến từ sự chấp ngã mọc rễ sâu xa của chúng ta không mở ra với “tín tâm chân thật”, đây là quà tặng vô điều kiện của lòng bi vô biên. Thân Loan diễn tả tín tâm chân thực theo những kiểu khác nhau: như kim cương, vì nó không dựa vào cái tôi tự ngã, và do đó bất khả hoại; như trạng thái an định, vì không thuộc về những xáo trộn cảm xúc; và như bất thối chuyển, vì không trượt lui vào mê lầm và bóng tối. Về cuối đời, Thân Loan gọi tín tâm là một trạng thái ngang với như lai hay Phật; nó không đồng nhất với Phật quả mà ngang bằng với nó, bởi vì giác ngộ tối thượng sẽ được đạt đến một cách tất yếu như kết quả tự nhiên của nó.
Khi giải thích cẩn thận những tác phẩm của những đại sư quá khứ của truyền thống Tịnh độ từ chính kinh nghiệm đọc của mình, Thân Loan kết luận rằng ba thái độ căn bản được đòi hỏi trong Lời nguyện thứ Mười Tám – tâm thành, giao phó hoan hỷ, và nguyện vọng Tịnh độ – có thống nhất như là nhất tâm của A Di Đà làm việc trong những chúng sanh phàm tục để đưa đến giao phó chân thật.
Thân Loan thường dùng thành ngữ “trở về đại dương Bổn nguyện” để chỉ tín tâm. Ngài ví nó với đại dương không phân biệt tốt xấu, già trẻ, nam nữ, cao quý và thấp hèn. Không có sự khác biệt giữa hành giả và không phải hành giả, đốn và tiệm, quán đúng vào quán sai, một lần kêu gọi và nhiều lần kêu gọi. Công việc của tín tâm là rốt ráo “không thể quan niệm, không thể giải thích và không thể diễn tả. Nó giống như phương thuốc nhổ sạch mọi thứ chất độc. Phương thuốc Lời nguyện của Như Lai phá hủy thuốc độc của trí tuệ và ngu si của chúng ta”.
Khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã đạt được loại trí huệ nào đó, nó không là gì khác hơn sự kiêu ngạo của chúng ta, và như vậy nó thấm chất độc vào chúng ta và những người quanh ta. Chỉ thuốc niệm Phật mới có thể nhổ gốc tình trạng bị nhiễm độc. Nhưng cũng như một người thường không biết những chất căn bản trong một toa thuốc, nhưng có được tốt đẹp từ đó, hành giả con đường Chân tông không thể dò thấu chiều sâu của đời sống niệm Phật, nhưng nhận được những lợi lạc không thể quan niệm từ nó.
Phật giáo Chân tông không có những đòi hỏi thái quá nơi tín đồ, về thể chất hay cái gì khác, ngoại trừ một điều: từ bỏ cái tôi tự ngã. Nhất quán với giáo lý nguyên thủy của Phật Thích Ca, Chân tông xem tự ngã như cấu trúc khác của con người nhưng mọc rễ sâu vào nghiệp quá khứ đến độ không thể từ bỏ. Do đó đôi khi nó được gọi là tự ngã do nghiệp, nhưng vì nó tạo ra khổ đau cho chính mình và người khác, nó cũng được gọi là tự ngã của nghiệp xấu. Bởi vì những gốc rễ sâu thẳm của nó trong vô số đời quá khứ, thoát khỏi tự ngã để cho bản tánh chân thật khởi lên không phải là chuyện dễ. Đây là nơi công việc của lòng bi vô biên trong hình thức Bổn nguyện đến để làm tiêu tan tự ngã và chuyển hóa nó thành cái đối nghịch. Bởi vì mọi công việc được làm bởi Tha Lực vô hình, con đường Tịnh độ được cho là Con đường Dễ, nhưng để kinh nghiệm nó trong tất cả chiều sâu và chiều cao là một việc khác. Thế nên những kinh điển nhắc nhở chúng ta rằng, “Con đường thì dễ dàng nhưng ít có người dùng nó”.
Theo truyền thống Tịnh độ, triết gia Nagarjuna (Long Thọ, thế kỷ thứ hai và thứ ba sau Công nguyên) là người đầu tiên xác định tính cách con đường Tịnh độ là “con đường dễ”, ngược với con đường của những bậc thánh trí huệ được đặt tên là “con đường khó”. Trong khi khó nhọc mang một vật nặng trên lưng và đi bộ để đến mục đích, thì dễ dàng hơn nhiều khi được chở trên một cái phà đi trên nước đến cùng một chỗ. Như thế, Bổn nguyện của A Di Đà, Phật của Ánh sáng Vô lượng và Đời sống Vô lượng, thì giống như một chiếc tàu lớn mang tất cả chúng sanh qua bờ bên kia của giác ngộ, theo lời của Thân Loan:
Nó là ngọn đuốc lớn trong đêm dài vô minh;
Chớ than khóc rằng con mắt trí huệ của bạn tối đen.
Nó là chiếc tàu trên đại dương bao la của sanh tử
Chớ lo buồn rằng những nghiệp chướng của bạn nặng nề.
Con đường Tịnh độ có thể bị hiểu lầm, nếu được nhìn qua những ý niệm phổ thông của tôn giáo định hướng theo đức tin. Vấn đề ngày càng nặng nề thêm bởi bộ đôi “tự lực” và “Tha Lực ” – được Đàm Loan trình bày trong đầu thế kỷ thứ sáu. Khi tự lực được đồng hóa với con đường khó khăn của những bậc thánh và Tha Lực với con đường dễ dàng của Tịnh độ, sự quan tâm của chúng ta là với hiện hữu của tự lực ở trong Tha Lực. Nghĩa là, tự lực là khuynh hướng tự nhiên xác định năng lực của cái tôi tự ngã để đạt đến một mục đích, nhưng cần thiết phải chứng nghiệm rằng cuối cùng nó không hiệu quả trên con đường giác ngộ tối thượng. Nhưng đồng thời, đó là một giai đoạn cần thiết trên con đường nơi tự lực cũng được hiểu, trong suy nghĩ, như là công việc của Tha Lực.
Mối liên hệ của hai từ này có thể được minh họa bởi ví dụ dong thuyền trên biển. Để cho thuyền buồm bắt gió (Tha Lực), người lái phải là một số công việc khác nhau (tự lực). Dĩ nhiên những cánh buồm phải được dương lên, nhưng vô số những sửa soạn không thấy được điều cần thiết: nghiên cứu những dự báo thời tiết, phán đoán những chuyển động nhanh chậm của những luồng gió, rành sử dụng những dụng cụ hàng hải khác nhau. Mọi cái này đòi hỏi thời gian, nỗ lực và làm việc cật lực, tương tự công việc sơ bộ đòi hỏi trên con đường Tịnh độ.
Tuy nhiên mọi chuẩn bị này không làm chiếc thuyền chuyển động. Khi mọi chuẩn bị đã hoàn tất và những cánh buồm đã dương lên, bây giờ người ta phải chờ với kiên nhẫn và cảnh giác đến khi gió thổi. Cần một trạng thái chờ đợi như vậy bởi vì gió Tha Lực thì vượt khỏi sự kiểm soát của con người. Khi gió thổi, tuy nhiên, chiếc thuyền buồm sẽ phóng đi nhanh nhẹ không cố gắng trên biển.
Đó hẳn là cảm giác của Thân Loan, sau hai mươi năm tìm cầu không ngừng nghỉ như một nhà sư Thiên Thai, đã từ bỏ cho con đường niệm Phật. Niềm vui của ngài được diễn tả cách hớn hở:
Giờ đây, khi tôi cưỡi trên chiếc thuyền của lời nguyện đại bi và dong buồm trên đại dương bao la của ánh sáng kỳ diệu, gió nhẹ của đức hạnh cao nhất thổi an bình và làm dịu những ngọn sóng của đớn đau và buồn khổ. Nhanh chóng tôi sẽ đến cõi của ánh sáng vô lượng và đạt được bình an và tự do.
Khi thoát khỏi những thiết kế và tính toán ích kỷ, đời sống mở bài một cách tự do, mặc cho những khó khăn phải có. Nhưng một loại mới của trí tuệ được ban cho, khiến người ấy có thể thu xếp qua mê cung được gọi là cuộc sống. Trí huệ này không phải là cái gì sở đắc hay đạt được, như trong Con đường của những bậc Thánh; đúng ra, nó được ban cho người niệm Phật, người đó là một kẻ ngu si.
Thân Loan không bao giờ tuyên bố có một thông điệp đặc biệt, ngài cũng không kêu lên rằng ngài đến để cứu độ thế giới. Tiêu điểm của ngài luôn luôn nhắm vào công việc của Phật Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ quang minh cho phép ngài thấy xuyên qua những giả dối và lầm lẫn khiến bản thân ngài là một chúng sanh bình thường. Trong thời đại của những vị thầy tâm linh, những guru, và những thầy giả, thật khỏe khoắn khi nghe lời nói của Thân Loan viết ra vào tuổi tám mươi sáu:
Không thực sự biết đúng và sai,
Không thực sự biết giả và thật,
Tôi thiếu ngay cả tình thương nhỏ và lòng bi nhỏ,
Và nhưng, do tiếng tăm và tên tuổi, hoan hỷ dạy cho những người khác.
Nhưng vì chính lý do ấy, ngài tự thấy mình là ứng viên hàng đầu cho sự chuyển hóa bởi lòng bi vô biên. Như vậy, ngài có thể nói mà không kiêu căng hay huênh hoang:
Dù tôi không có hổ thẹn hay hối hận
Và hoàn toàn thiếu chân lý và thành thật,
Danh hiệu A Di Đà hướng đến tôi
Khiến cho những công đức tràn đầy khắp mười phương vũ trụ.
Trong lịch sử lâu dài và vĩ đại của Phật giáo, Thân Loan cho hi vọng rằng người ngu dốt nhất, lạc lõng và mê mờ, có thể được chuyển hóa thành cái đối cực, vì năng lực của lòng bi vô biên có thể làm “gạch vụn biến thành vàng”.
Ánh sáng vô ngại đầy khắp mười phương
Chiếu trên những chúng-sanh tối tăm vô minh
Và chắc chắn đem đến chứng đắc niết bàn
Người thể nghiệm được một niệm của niềm vui
Qua lợi lạc của ánh sáng vô ngại
Chúng ta thấu hiểu tín tâm của những công đức huy hoàng, bao la,
Và băng của những phiền não mù quáng của chúng ta nhất định tan chảy,
Tức thời thành nước của giác ngộ.
Những che ám của nghiệp xấu chuyển thành những công đức;
Giống như liên hệ của băng và nước:
Băng càng lớn thì nước càng nhiều;
Những che chướng càng lớn thì những công đức càng nhiều.
Đại dương của Danh hiệu không thể nghĩ bàn không giữ nguyên.
Những xác chết của năm trọng tội và hủy báng pháp;
Vô số dòng sông của hành động xấu xa, khi vào trong ấy,
Trở thành một vị với đại dương nước những công đức.
Những dòng sông của phiền não mù quáng, khi vào đại dương
Lời nguyện đại bi
Của ánh sáng vô ngại đầy khắp mười phương
Trở thành một vị với biển trí huệ.