TIẾP TỤC TRONG TRẠNG THÁI THAM THIỀN PHƯƠNG PHÁP CỦA TỰ GIẢI THOÁT

GARAB DORJE

Trích: Những chữ vàng của GARAB DORJE, dịch giả: John  Myrdhin Reynolds, NXB. Thiện Tri Thức, 2002)

Rigpa, hay tánh Giác tức thời vốn sẵn, vốn đã giải thoát từ vô thủy; nó giải thoát một cách bổn nguyên.

Tuyên bố thứ ba của Garab Dorje liên quan đến sự liên tục của chúng ta trong trạng thái tham thiền, trong đó bất cứ cái gì khởi lên trong tâm thức đều tự giải thoát. Đã được trực tiếp đưa vào tánh giác Rigpa, và đã xóa bỏ mọi nghi ngờ về Rigpa qua thực hành thiền định có hiệu quả, bấy giờ chúng ta có thể tiếp tục trạng thái tự giải thoát một cách tự tin. Tuyên bố chót của Garab Dorje liên hệ với Bộ Upadesha của những giáo lý Dzogchen. Những bản văn Upadesha thường giả định rằng chúng ta đã được đưa vào Rigpa và chúng ta đã biết làm sao đi vào trạng thái này. Phương pháp ở đây là ném học trò vào nước một cách tức thời; nó sẽ hoặc chìm hoặc biết bơi.

Rigpa, hay tánh Giác tức thời vốn sẵn, vốn đã giải thoát từ vô thủy; nó giải thoát một cách bổn nguyên. Từ ngữ tin (gdengs) trong ngữ cảnh nay ám chỉ một sự tin cậy vào tiến trình giải thoát những tư tưởng lan man ngay khi chúng sanh khởi. Lúc làm vững chắc thiền định và an định trong tham thiền, chúng ta tự do khỏi mọi ý niệm chủ thể và khách thể, và như thế, những tư tưởng không bám níu cũng không nắm bắt; chúng được để cho tự giải thoát vào thể trạng xưa nay của chính chúng, đó là tánh Không. Nhưng nếu chúng ta không tin cậy vào phương pháp tự – giải thoát này, mà chỉ thiền định, buông xả mình vào một trạng thái an bình của tâm thức và tiếp tục thực hành Shamatha như trước, bấy giờ chúng ta sẽ không vượt qua sự tái sanh chỉ trong những thế giới cao hơn, những bình diện của Sắc giới. Một thực hành và một kết quả như vậy chỉ là một sự lệch lạc.

“Những Dhyana (Thiền) và những Samapatti (Tam ma bát đề): Tái Sanh trong những Thế Giới Cao Hơn”

Tổng quát, từ ngữ Dhyana có thể được dịch là “tập trung”, nhưng nó cũng có nghĩa một cấp độ tập trung đạt được trong thực hành thiền định. Nếu chúng ta chết vào lúc chúng ta chìm vào một cấp độ tập trung (dhyana, thiền – như tứ thiền, bát định) đặc biệt, chúng ta sẽ tái sanh vào một bình diện tâm thức tương đương, cũng gọi là Thiền của Sắc giới. Đây là trường tập hợp khi ta tập trung vào một đối tượng thiền định, nhưng nếu chúng ta thực hành thiền định không có đối tượng, bấy giờ chúng ta sẽ sanh vào những bình diện tâm thức cao hơn của thức vũ trụ, những Samapatti của Vô Sắc giới. Chẳng hạn, nếu chúng ta làm chủ Dhyana Thứ Nhất (Sơ Thiền), chúng ta sẽ được sanh vào giữa những chư Phạm thiên Brahmakayika, Brahmapurohita và Mahabrahma. Những bình diện tâm thức vi tế này thuộc về Brahmaloka (cõi Phạm thiên) nằm rất cao trên những bình diện của Dục giới, nơi các chư thiên còn bị ái dục thống trị. Những Phạm thiên Brahma không bị tham dục và đam mê làm phiền não, mà chỉ còn những thôi thúc trí thức tinh tế. Họ có những thân thể bằng thức rất vi tế, có hào quang lớn và những cái này còn rực rỡ, tinh vi hơn nhiều so với những thân thể của các chư thiên ở Dục giới. Tuy nhiên, các cõi Phạm thiên vẫn là một trạng thái bị quy định và bởi thế thuộc vào sanh tử. Dù cuộc đời trong một cõi Phạm thiên cực kỳ lâu dài, tính bằng hàng triệu năm con người, nó cũng không vĩnh cửu và trường tồn.

Nhờ làm chủ được các Thiền cao hơn, được biết là những Samapatti, hay định (trong thuật ngữ tứ Thiền bát Định), hành giả có thể đạt đến tái sanh trên một trong bốn bình diện thức vũ trụ thuộc về Vô Sắc giới, nằm trên những cõi Phạm thiên của Sắc giới. Bốn phạm vi này của thức vũ trụ, theo thứ tự đi lên là Akashanantya, “không vô biên xứ”, Vijnananantya, “thức vô biên xứ”, Akinchanya, “vô sở hữu xứ”, và Naivasanjnanasanja, “phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Những phạm vi này được gọi là “vô sắc” bởi vì thức của ta phát tán khắp không gian, và dù người ta có một loại thân thể tâm thức cùng cực vi tế, nó là một cái gì không có hình sắc thấy được. Nhiều truyền thống tôn giáo xem sự đạt đến những Samapatti này hay những cấp độ thức vũ trụ này (một kinh nghiệm chung của những nhà huyền bí khắp thế giới), như tương đương với sự chứng nghiệm Thượng Đế tánh hay hợp nhất với Thượng Đế. Những kinh nghiệm thần bí này có tính chất lạc (bde – ba), quang minh (sgal – ba) và trống trải hay vô niệm (mi rtog – pa), gợi nhớ đến công thức Satchitananda của Upanishad. Tuy nhiên, những Samapatti này không phải là tánh giác Rigpa. Chúng chỉ là những kinh nghiệm thần bí đặc tính phúc lạc, ánh sáng, không có những giới hạn không gian… Chúng là những trạng thái bị quy định của thức (Skt. Samskrta – dharma), và như vậy đều vô thường và không vĩnh cửu. Chúng không là mục đích tối hậu, cái này là hiện hữu không bị quy định, không có điều kiện (Skt. Asamskrta – dharma).

Như vậy, một tái sanh về những vị thiên sống lâu, hay những thiên thần trên thiên đường, không là sự giải thoát rốt ráo khỏi sanh tử, trong ánh sáng của giáo lý Phật giáo. Những trạng thái của chư thiên hay thiên thần là những trạng thái của thức bị quy định, tùy thuộc điều kiện được tạo ra bằng những nguyên nhân trước đó, và khi kho thiện nghiệp đã cạn, họ sẽ lại tái sanh ở chỗ khác. Chẳng hạn, vào những thời xa xưa, nhân loại chúng ta đã sống hàng triệu, thậm chí hàng tỷ năm trong một trạng thái của thức vũ trụ. Sau đó, từ cuộc sống tuyệt vời trong phúc lạc và ánh sáng như các vị trời Phạm thiên ở Abhasvara Brahmaloka, “phạm vi thanh tịnh của tịnh quang”, chúng ta sa đọa và thấy mình tái sanh như nhân loại mới trên mặt của trái đất này. Đây là Huyền Thoại Sáng Thế của Phật giáo. Như vậy, thực hành thiền định hay Shamatha – bhavana, và làm chủ các Thiền chỉ để tìm kiếm tái sanh ở các cõi trời tương ứng với những cấp độ tâm thức cao hơn, là một sự lạc hướng. Một lạc hướng là sự lìa khỏi trung tâm, hay đi lạc khỏi con đường tâm linh.

Hơn nữa, dù chúng ta làm chủ được các Thiền này nhờ sự thực hành Shamatha, chúng ta cũng không thể kiểm soát được những nguyên nhân phụ (rkyen) làm phát sanh các samskara (hành), tức là những thúc đẩy vô thức trong dòng thức làm bộc phát những phiền não hiển lộ trên bề mặt ý thức như sân, tlham. Chúng ta cũng không khai triển được tin cậy vào việc khám phá tánh giác Rigpa của mình. Chẳng hạn, chúng ta có thể thăm viếng vô số lần căn phòng nhiều lần thế nào, cũng không thể giống như việc đem vật thể huyền bí đó ra ngoài ánh sáng và mang nó theo với chúng ta bất cứ nơi đâu chúng ta đi trong thế giới. Có thể làm như thế tạo ra sự tin cậy không thắc mắc nghi ngại. Chúng ta không cầm giữ sự tham thiền trong những thời thiền định nữa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG CHỮ VÀNG: THAM THIỀN
  2. NHỮNG CHỮ VÀNG: TÂM VÀ BẢN TÁNH CỦA TÂM
  3. ĐIỂM THIẾT YẾU CỦA CÁI THẤY HIỂU

Bài viết khác của tác giả

  1. NHẬN BIẾT BẢN TÁNH CỦA NHỮNG TƯ TƯỞNG VÀ KINH NGHIỆM
  2. ĐỊNH TÂM VÀ HỌC BUÔNG XẢ
  3. BỐN CÁCH THỨC GIẢI THOÁT

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG