NHỮNG CHỮ VÀNG: THAM THIỀN

GARAB DORJE

 Phương pháp của Tự – Giải Thoát.

Tuyên bố thứ ba của Garab Dorje liên quan đến sự liên tục của chúng ta trong trạng thái tham thiền, trong đó bất cứ cái gì khởi lên trong tâm thức đều tự giải thoát. Đã được trực tiếp đưa vào Rigpa, và đã xóa bỏ mọi nghi ngờ về Rigpa qua thực hành thiền định có hiệu quả, bấy giờ chúng ta có thể tiếp tục trong trạng thái tự giải thoát một cách tự tin. Tuyên bố chót của Garab Dorje liên hệ với Bộ Upadesha của những giáo lý Dzogchen. Những bản văn Upadesha thường giả định rằng chúng ta đã được đưa vào Rigpa và chúng ta đã biết làm sao đi vào trạng thái tham thiền. Bởi thế, những bản văn Upadesha này chủ yếu cho những chỉ dạy về cách làm sao liên tục trong trạng thái này. Phương pháp ở đây là ném học trò vào nước một cách tức thời ; nó sẽ hoặc chìm hoặc biết bơi.

Rigpa, hay tánh Giác tức thời vốn sẵn, vốn đã giải thoát từ vô thủy ; nó giải thoát một cách bổn nguyên. Từ ngữ tin (gdengs) trong ngữ cảnh này ám chỉ một sự tin cậy vào tiến trình giải thoát những tư tưởng lan man ngay khi chúng sanh khởi. Lúc làm vững chắc thiền định và an trụ trong tham thiền, chúng ta tự do khỏi mọi ý niệm chủ thể và khách thể, và như thế, những tư tưởng không bám níu cũng không nắm bắt ; chúng được để cho tự giải thoát vào thể trạng xưa nay của chính chúng, đó là tánh Không. Nhưng nếu chúng ta không tin cậy vào phương pháp tự-giải thoát này, mà chỉ thiền định, buông xả mình vào một trạng thái an bình của tâm thức và tiếp tục thực hành Shamatha như trước, bấy giờ chúng ta sẽ không vượt qua sự tái sanh chỉ trong những thế giới cao hơn, những bình diện của Sắc giới. Một thực hành và một kết quả như vậy chỉ là một sự lệch lạc.

✨ Hiểu Biết (Trí Huệ) như Nền Tảng của Giải Thoát.

Tiếp tục xác tín trong tham thiền thì giống như một con sư tử uy quyền, vua của các loài thú, dạo bước nhàn du khắp rừng rậm không sợ sệt. Trong cách này, không bám luyến hay ghét bỏ nào, chúng ta phải nhận biết bất kỳ cái gì khởi lên thật ra là sự biểu lộ của năng lực sáng tạo của tánh Giác Rigpa. Cái hiểu biết hay trí huệ (ye-shes) này là nền tảng nguyên thủy của giải thoát. Tương tự, trong truyền thống Gnosis (Trí trực quan) ở Tây phương thì chính hiểu biết (Hy Lạp gnosis) đưa tới cứu độ chứ không phải niềm tin (Hy lạp pistis) ; bởi vì niềm tin dù có được giáo hội hay kinh điển củng cố hay không, thì vẫn chỉ là tạm thời, và rốt cuộc nó tiêu biểu cho vô minh. Chúng ta có niềm tin vào những giáo lý và vào khả năng giải thoát và giác ngộ cho đến lúc chúng ta sở hữu một hiểu biết hay trí huệ tức thời về cái này nhờ kinh nghiệm trực tiếp của mình. Cứu độ chỉ được thực hiện qua sự hiểu biết trực tiếp này ; nó không đến qua giáo hội hay trung tâm giáo pháp tự cho là trung gian giữa cá nhân và một thực tại cao hơn và ban phát sự cứu độ cho những thành viên của nó. Mọi tuyên bố của các giáo sĩ và đền thờ nói rằng họ sở hữu một độc quyền về phương tiện cứu độ đều giả tạo và chỉ để quyến rũ lôi kéo người ta. Một nhà thờ hay một tu viện, một trung tâm giáo pháp, như bất kỳ cơ sở xã hội nào, đều thuộc điều kiện và vô thường. Những cơ sở này chỉ là những phương tiện, có ích hay không ; chúng không phải là mục đích. Cộng Đồng thực sự của các vị Thánh, Arya Sangha (Thánh Tăng Già), siêu vượt mọi cơ chế trần thế, bởi vì cái sau chỉ luôn luôn bị điều kiện hóa theo lịch sử, xã hội và văn hóa.

Nhận Biết Bản Tánh của những Tư Tưởng và Kinh Nghiệm.

Nếu chúng ta không có xác tín vào con đường đến giải thoát này, xác tín vào sự tự-giải thoát của những tư tưởng lan man ngay khi chúng sanh khởi trong tâm thức, và không lấy nó làm điểm thiết yếu của thực hành, bấy giờ một lần nữa chúng ta lại rơi vào tiềm năng biến thành đa dạng của tâm thức. Chúng ta sẽ thấy mình lại sống trong những bóng dáng phản chiếu và những cảnh tượng luôn luôn đổi thay của giấc mộng sanh tử. Và chúng ta càng sớm thấy mình bị tràn ngập bởi những dòng chảy ngầm của tư tưởng như nước ẩn dưới những lớp cỏ cao trong vùng đầm lầy. Lần nữa, chúng ta thấy mình bị mắc bẫy, tiếp tục tích tập nghiệp và lưu chuyển trong sanh tử. Tuy nhiên, những tư tưởng của chúng ta, dù thô dù tế, nếu chúng được tự giải thoát không chút dấu vết, như những đám mây tan trong bầu trời, bấy giờ chúng ta sẽ không sản sinh nghiệp mới nào nữa. Như vậy, bất cứ tư tưởng mới nào khởi lên, chúng không được để cho trở thành một dòng chảy ngầm những vọng tưởng sinh sôi. Nếu khác đi chúng ta sẽ mắc vào một mạng lưới ký ức do tâm thức tạo ra. Nhưng hơn thế, chúng ta phải tiếp tục ở trong một trạng thái tỉnh biết tự nhiên tự xảy ra và không bao giờ lìa khỏi trạng thái đó. Trong đường lối đó, chúng ta đến chỗ nhận biết bản tánh của bất kỳ tư tưởng nào khởi sanh. Ở đây chìa khóa là nhận biết. Tư tưởng khởi sanh, chúng ta xoay sự chú ý của mình vào chúng, nhận biết chúng thực sự là gì, và không theo chúng, để cho chúng ở trong thể trạng bẩm sinh của chính chúng và tan biến về phần chúng. Điều này cũng giống như gặp người nào trên đường phố chúng ta đã từng gặp trước đó. Chúng ta chào mừng nhau và rồi đường ai nấy đi. Đây là điểm thiết yếu của thực hành và phương pháp này được biết là gcer-grol, “giải thoát qua sự chú ý thuần túy”.

Trong ngữ cảnh hiện giờ, dran-pa, thường có nghĩa là “trí nhớ”, “nhớ”, có nghĩa là tỉnh biết, chánh niệm (Skt. smrti, Pali sati). Chánh niệm là sự thăng bằng của Rigpa, sẵn sàng hướng sự chú ý của nhận biết đến bất kỳ tư tưởng nào khởi sanh nơi chân trời. Điều này ví như một thợ săn kiên nhẫn chờ đợi trong một chỗ kín đáo, cung tên sẵn sàng khi con nai xuất hiện. Anh ta đợi, tâm thức cảnh giác và tỉnh biết, không chút xao lãng, dù có chờ hàng giờ. Nếu anh xao lãng, anh sẽ lỡ dịp khi con nai xuất hiện. Ở một mức độ nào, sự chú ý và tiến trình nhận biết này là công việc của tâm thức, như nhận ra một khuôn mặt thân quen giữa đám đông hay một người đi săn thấy được một con nai giữa cây cối. Nhưng khi một tư tưởng khởi sanh, nếu chúng ta nghĩ “Ồ, một tư tưởng đã sanh ; ta phải giải thoát nó !” thì đây là một lỗi lầm trong thực hành. Sự nhận biết phải gần như tự động và tức khắc, và rồi người ta để cho tư tưởng giải thoát bởi chính nó. Chúng ta ở trong tham thiền tất cả thời gian và không trụ vào hoặc can thiệp vào tư tưởng. Chúng ta để cho nó vận hành theo cách của nó mà không theo nó. Bấy giờ nó sẽ tan biến về phần nó. Chúng ta để cho những tư tưởng tan biến vào bầu trời tâm mà không để lại dấu vết. Chúng ta chỉ quan sát những đám mây biến mất trong bầu trời để có một cảm nhận về tiến trình này. Những tư tưởng trong tâm tan biến trong tâm ; chúng không có chất thể hơn hạt sương buổi sớm.

Chúng ta tiếp tục thực hành vào lúc ban đầu như vậy. Nhưng nếu chúng ta không đi đến cùng tiến trình, nếu chúng ta không tịnh hóa những tư tưởng của chúng ta bằng cách để cho chúng tự giải thoát mà chỉ nhận biết chúng như là tư tưởng, bấy giờ chúng ta sẽ không thành công trong việc cắt đứt dòng hoạt động lưu chuyển của tâm thức. Điều này giống như thấy chính mình trong một giấc mộng minh bạch. Chúng ta nhận biết giấc mộng là một giấc mộng, trong trường hợp này, thật dễ dàng trôi tuột trở lại vào vô thức, lầm lẫn giấc mộng cho là cái gì có thực. Thế nên, trước hết chúng ta nhận biết mỗi tư tưởng là một tư tưởng, không có những ý niệm hay hoạt động của trí óc xen vào. Chúng ta nhận biết trí huệ (ye-shes) mà chúng ta đã từng gặp trước kia, trí huệ biết những tư tưởng là trống không, và tuy vậy biết rằng chúng là những biểu lộ của năng lực, và chúng ta ở trong trạng thái đó. Nhưng đồng thời với sự nhận biết này, chúng ta để cho tư tưởng tự giải thoát bởi chính nó, tan biến vào hiện trạng bổn nguyên của nó là tánh Không và tiềm năng thanh tịnh mà không để lại dấu vết. Như thế, sự nhận biết này và sự giải thoát này phải xảy ra đồng thời.

—-—-

Trích “Những Chữ Vàng”
Thiền Tối Thượng Thừa Của Phật Giáo Tây Tạng
GARAB DORJE
Với bình giảng của
Dza Patrul Rinpoche
Dịch: Thiện Tri Thức.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI THẤY CỦA DZOGCHEN
  2. THIỀN SƯ ĐẠO NGUYÊN
  3. NỀN TẢNG – ĐẠI TOÀN THIỆN

Bài viết khác của tác giả

  1. NHẬN BIẾT BẢN TÁNH CỦA NHỮNG TƯ TƯỞNG VÀ KINH NGHIỆM
  2. ĐỊNH TÂM VÀ HỌC BUÔNG XẢ
  3. BỐN CÁCH THỨC GIẢI THOÁT

Bài viết mới

  1. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG
  2. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  3. HƯƠNG GIỚI HẠNH