TÌNH YÊU TỪ VIỆC QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Cách đây nhiều năm, tôi đã có một buổi tối thật đặc biệt với hai cậu con trai của mình. Cả ba bố con đi chơi dã ngoại, đấu vật, nhào lộn, ăn xúc xích, uống nước cam và sau đó xem phim.

Khi bộ phim chiếu được một nửa, Sean, lúc đó mới 4 tuổi, ngủ gà ngủ gật ngay trên ghế. Thằng anh trai Stephen, 6 tuổi, vẫn mở mắt thao láo, tiếp tục xem nốt bộ phim cùng với tôi. Khi phim hết, tôi bế Sean trên tay, mang ra xe, đặt nó nằm ở ghế sau. Tối hôm đó trời rất lạnh nên tôi cởi áo khoác của mình ra, nhẹ nhàng đắp lên người thằng bé.

Khi về tới nhà, tôi bế Sean vào giường. Sau khi Stephen thay áo ngủ và đánh răng xong, tôi nằm xuống cạnh thằng bé, trò chuyện về buổi đi chơi tối vừa rồi.

–         Con thấy thế nào, Stephen?

–         Được, bố ạ. – Thằng bé trả lời.

–         Con thấy vui không?

–         Có ạ.

–         Con thích trò nào nhất?

–         Con cũng không biết nữa. Chắc là trò chơi nhào lộn.

–         Ừ, đúng đấy. Nhào lộn như thế thật vui, đúng không? Thằng bé chỉ ậm ừ. Tôi tự hỏi tại sao Stephen lại nói ít thế.

Thường ngày, mỗi khi gặp chuyện vui, nó nói líu lo. Tôi thoáng thất vọng một chút, ngờ ngợ có điều gì đó không ổn. Thằng bé đã im lặng suốt dọc đường đi, về đến nhà thì lăn ra giường đòi ngủ.

Đột ngột, Stephen quay mặt vào tường. Tôi không  rõ vì sao, nên choàng dậy và nhìn thấy mắt cậu bé đang ngân ngấn nước.

–         Con làm sao vậy, Stephen? Có chuyện gì vậy?

Thằng bé quay lại, bối rối vì đã khóc, đôi môi run run.

–         Bố ơi, nếu con bị lạnh, bố cũng lấy áo đắp cho con chứ?

Qua những việc xảy ra vào buổi tối đặc biệt đó, tôi thấy mình đã thiếu nhạy cảm khi chăm sóc cậu con trai nhỏ một cách quá vô tư mà không để ý đến suy nghĩ của cậu lớn. Tôi đã học được một bài học về tầm quan trọng của việc quan tâm tới người khác.

Trong các mối quan hệ, những chuyện dù nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Một người phụ nữ kể, trên tường bếp của nhà cô có ghi một câu nói như sau: “Việc nhỏ nếu được  làm một cách cẩn thận và chân thành thì sẽ không còn là việc nhỏ nữa”.

Điều mà tôi nhớ nhất về tuổi thiếu niên của mình là cảm giác bị quá tải. Tôi đã chịu áp lực phải cố gắng học thật tốt ở trường, ngoài ra còn tham gia cùng lúc vào ba hay bốn hoạt động khác nữa.

Khi về nhà, thỉnh thoảng tôi thấy phòng mình đã được lau dọn sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, và có một mẩu giấy nhỏ, trên đó ghi: “Yêu con, thiên thần nhỏ của mẹ”. Tôi  biết  rằng  mẹ muốn giúp tôi được thoải mái, vì tôi đã quá mệt mỏi với những việc ở trường.

Mọi áp lực đối với tôi bỗng nhẹ hẳn. Tôi bước vào phòng, nhủ thầm: “Ôi! Con cảm ơn mẹ. Cảm ơn mẹ nhiều lắm!”.

Những sự quan tâm nho nhỏ sẽ giúp xây dựng các mối quan hệ dựa trên niềm tin và tình yêu vô điều kiện. Hãy nghĩ về tác động của những câu nói đơn giản như cảm ơn, làm ơn, xin lỗi, bố giúp được gì cho con không trong gia đình bạn. Hãy làm những việc bất ngờ như giúp rửa bát, đưa bọn trẻ đi mua sắm những món đúng với sở thích của chúng, gọi điện xem có cần mua thêm gì không khi bạn trên đường về nhà. Hãy làm những việc nho nhỏ để bày tỏ tình yêu như gửi hoa, cài một mẩu giấy nhỏ trong hộp đựng đồ ăn trưa hay va-li, hoặc gọi  điện vào giữa buổi để nói rằng “anh yêu em”. Hãy bày tỏ lòng biết ơn, đưa ra những lời khen chân thành, đánh giá cao đối với ai đó. Hãy thể hiện sự quan tâm không chỉ vào những dịp đặc biệt – như ai đó đạt được thành tích, hay vào những dịp sinh nhật, mà còn vào những lúc bình thường.

Tôi biết, có một phụ nữ lớn lên trong sự nghèo túng và gia đình lủng củng, nhưng rồi cô đã nhận ra tầm quan trọng của sự rộng lượng và chăm sóc “mái ấm”. Cô đã học được điều đó ở nơi làm việc của mình – một khách sạn có uy tín, với đội ngũ nhân viên hòa nhã, lịch sự trước từng khách hàng. Cô biết mọi người cảm thấy dễ chịu thế nào khi được đối xử ân cần như vậy. Cô cũng nhận ra chính bản thân mình cũng cảm thấy rất thoải mái khi cư xử một cách lịch thiệp, chu đáo. Rồi một hôm, cô quyết định sẽ cư xử theo cách như vậy với chính gia đình mình. Cô bắt đầu bằng những việc nho nhỏ cho các thành viên trong gia đình. Cô sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng, tích cực, ân cần. Ví dụ, khi nấu bữa điểm tâm, cô sẽ nói “Mẹ rất vui khi được làm như vậy”. Cô ấy cho tôi biết, điều đó đã làm thay đổi cả cô lẫn gia đình, ươm mầm cho những thay đổi trong các thế hệ tiếp theo.

Một trong những khía cạnh quan trọng của sự quan tâm là thừa nhận những giá trị và thành công – dù nhỏ – của người khác. Đó là một “tài khoản gửi vào” rất quan trọng, cần được thực thi trong gia đình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC TRONG TỪNG BƯỚC ĐI
  2. NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC
  3. HẠNH PHÚC GIẢN ĐƠN

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG