TÔI ĐÃ YÊU THƯƠNG ĐỦ CHƯA? TÔI ĐÃ SỐNG TRỌN VẸN CHƯA?

JACK KORNFIELD

Trích: “Con Đường Từ Bi”; Người dịch: Như Lôi; NXB Đà Nẵng, Cty Sách Phương Nam

Để yêu thương trọn vẹn và sống tốt, ta phải công nhận rằng mình không thể sở hữu hay làm chủ bất cứ thứ gì – nhà cửa, xe cộ, những người yêu thương, ngay cả chính thân thể ta nữa. Hi lạc và trí huệ không đến thông qua sở hữu mà thông qua khả năng rộng mở để yêu thương trọn vẹn hơn, để dịch chuyển và tự do trong đời sống.

Đây không phải là một bài học khất lần khất lữa được. Một vị thầy vĩ đại đã giải thích nó như vậy: “Rắc rối của bạn là khi bạn nghĩ rằng mình có thời gian. Chúng ta chẳng hề biết mình có bao nhiêu thời gian cả. Sẽ như thế nào khi sống với hiểu biết rằng đây có thể là năm cuối, tuần cuối, ngày cuối của đời ta? Trong ánh sáng của câu hỏi này, chúng ta có thể chọn một đạo trình bằng tâm.

Đôi khi phải có một cú sốc để thức tỉnh chúng ta, để kết nối ta với đạo trình của mình. Vài năm trước tôi được chị gái của một bệnh nhân mời đến thăm bệnh nhân đó ở bệnh viện San Francisco. Anh ấy vào khoảng cuối độ tuổi ba mươi và giàu có. Anh có một công ty xây dựng, một thuyền buồm, một trang trại, một ngôi nhà phố, nhiều công trình. Ngày nọ khi đang ngồi lái xe trong chiếc BMW của mình, anh bỗng thấy tối sầm. Các xét nghiệm cho thấy anh có một khối u não ác tính, một loại ung thư đang phát triển nhanh chóng. Bác sĩ nói, “Chúng tôi muốn giải phẫu cho anh, nhưng tôi phải cảnh báo anh rằng khối u nằm trong trung tâm nói năng và lĩnh hội của não. Nếu chúng tôi cắt bỏ khối u ấy, anh có thể mất hết mọi khả năng đọc, viết, nói, hiểu bất cứ ngôn ngữ nào. Nếu chúng tôi không giải phẫu, chắc là anh có sáu tuần để sống. Xin hãy cân nhắc điều này. Chúng tôi muốn mổ vào buổi sáng. Hãy cho chúng tôi biết trước lúc đó nhé”.

Tôi đã đến thăm người bệnh trong tối đó. Anh ấy trở nên rất im lặng và trầm tư. Như bạn có thể hình dung, anh đang ở trong một trạng thái ý thức khác thường. Một sự thức tỉnh lớn đôi khi sẽ đến từ việc thực tập tâm linh, nhưng đối với anh thì nó đã đến thông qua những tình huống ngoại lệ. Khi chúng tôi trò chuyện, người đàn ông ấy chẳng nói gì đến trang trại, thuyền buồm hay tiền bạc của mình. Nơi anh hướng đến, người ta chẳng thể lấy đồng nào trong các sổ tiết kiệm và xe BMW. Mọi thứ có giá trị trong những thời điểm biến cố lớn là tiền tệ của tâm ta – khả năng và những hiểu biết về tâm đã được trưởng dưỡng trong ta. 

Hai mươi năm trước, vào cuối những năm 1960, người đàn ông này đã hành thiền đôi chút, đã đọc một ít của Alan Watts, và khi đối diện khoảnh khắc này, đây là những gì anh đã dựa vào và muốn nói: đời sống tâm linh của anh và sự hiểu biết về sinh tử. Sau một cuộc trò chuyện thành tâm nhất, anh ngừng lời để im lặng một chốc và trầm tư. Rồi anh quay sang tôi và bảo, “Tôi đã chuyện trò đủ rồi. Có lẽ tôi đã nói quá nhiều nữa là khác. Tối nay đúng là cực kỳ quý giá để nhấp một ngụm nước hoặc để nhìn những con bố cầu trên bậu cửa ở trung tâm y tế này bay và vào không trung. Dường như chúng quá đẹp để với tôi. Nhìn một con chim bay qua không trung thật là một phép thuật. Tôi không thờ ơ với đời này. Có lẽ tôi sẽ chỉ sống tĩnh lặng hơn thôi.” Thế nên anh đã yêu cầu được giải phẫu. Sau mười bốn giờ được một bác sĩ phẫu thuật rất có tài mổ cho minh, chị anh đã đến phòng hồi sức thăm anh. Anh ngước lên nhìn chị và nói, “Chào buổi sáng.” Người ta đã có thể cắt bỏ khối u mà không làm mất khả năng nói của anh ấy.

Khi anh rời bệnh viện và đã bình phục sau ca mổ, toàn bộ cuộc đời anh thay đổi. Anh vẫn hoàn thành các bổn phận kinh doanh của mình một cách đầy trách nhiệm, nhưng đã không còn là kẻ tham công tiếc việc nữa. Anh dành nhiều thời gian hơn với gia đình và trở thành một cố vấn cho những người bị chẩn đoán là ung thư và bệnh hiểm nghèo khác. Anh dành nhiều thời gian với thiên nhiên và đầy yêu thương khi tiếp xúc với mọi người xung quanh.

Nếu đã gặp anh trước tối đó, có thể tôi đã xem anh là một thất bại tâm linh vì anh đã ít thực tập tâm linh và rồi hoàn toàn bỏ bê để trở thành một doanh nhân. Có vẻ anh đã quên tất thảy mọi giá trị tâm linh đó. Nhưng khi nó sa sút đến mức ấy, anh đã dừng lại để quán chiếu trong những khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết của mình, và dù chỉ một ít thực hành tâm linh đã trải qua cũng trở nên rất quan trọng với anh. Chúng ta không bao giờ biết những người khác đang học cái gì, và chúng ta không thể phán xét việc thực tập tâm linh của ai đó quá nhanh chóng và dễ dàng được. Tất cả những gì ta có thể làm là nhìn sâu vào tim mình và tự hỏi về các vấn đề theo cách mà chúng ta đang sống. Cái gì có thể dẫn tôi đến sự rộng mở, lòng chính trực lớn hơn, và một khả năng yêu thương sâu sắc hơn?

Một đạo trình bằng tâm cũng sẽ bao gồm những tài năng và sự sáng tạo vô song. Biểu hiện bên ngoài của tâm ta có thể là viết những cuốn sách, xây những tòa cao ốc, tạo ra những cách thức để người ta phục vụ lẫn nhau. Đó có thể là giảng dạy hay làm vườn, phục vụ thức ăn hay chơi nhạc. Bất kể ta chọn gì, những sáng tạo của đời ta phải dựa trên nền tảng của tâm ta. Tình yêu của ta là nguồn mạch của mọi năng lượng sáng tạo và liên kết. Nếu chúng ta hành động mà không có một kết nối nào với tâm, ngay cả những điều vĩ đại nhất trong đời ta cũng có thể trở nên cạn kiệt, vô nghĩa, hoặc vô dụng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NGUỒN SÁNG CỦA BẢN THÂN TA
  2. TỰ DO – ĐỨC PHẬT VẪN ĐANG THUYẾT PHÁP
  3. MỘT TRÁI TIM TRỌN VẸN

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG