TRỌNG TÂM CỦA NIỀM TIN

THIỀN SƯ NI DAEHAENG

Trích: Tỉnh Thức Và Cười; Nguyên tác: Wake Up And Laugh; Viên Chiếu dịch Việt; NXB. Hồng Đức; 2017

Thiền sư ni DaeHaeng

Người ta thường nói về niềm tin, nhưng hãy rõ ràng về trọng tâm của niềm tin của bạn nên đặt vào đâu? Bản thể của bạn là cái mà không ai khác có thể cho bạn hoặc lấy đi. Cuối cùng, ai là người có thể thực sự giúp bạn khi bạn cần? Ai sẽ làm bạn đỡ đau? Ai sẽ cứu bạn khỏi nghèo khó? Ai sẽ chăm sóc khi bạn phiền não hay chết? Rốt cuộc, chỉ có bản thân của bạn mới có thể chăm sóc tất cả những việc này.

Chính như một máy điện toán có chương trình cần thiết để điều khiển robot, óc của bạn có đủ mọi khả năng để chuyển động thân bạn. Tất cả khả năng có đó, đang chờ đợi được sử dụng. Bộ óc, máy điện toán riêng của chúng ta, được ban cho đầy đủ năm thần thông, mà bộ óc có thể dùng để xử lý mọi việc và đưa ra những gì cần thiết. Chính là bản tâm của chúng ta, bản thể của chúng ta, cho phép bộ óc dùng những năng lực kỳ diệu tiềm tàng trong nó.

Do đó đức Phật nói, “Các ông tin tưởng vào ai? Trên mọi người khác, hãy khám phá chân ngã của các ông, Chủ nhân Không của các ông. Đó là thực chất bên trong các ông, vì thế nó phải được khám phá bên trong các ông.” Thật tốt khi thấy rất nhiều bạn đang phát triển niềm tin và kính trọng chân ngã của mình, nhưng dường như đối với tôi các bạn nên nghĩ sâu hơn nhũng gì bạn cần làm để tìm ra chân ngã của mình.

Người ta thường nói họ rất bận, không có thì giờ tìm ra Chủ nhân Không, hay khi vài tai họa xảy ra, họ không thể dừng lại đủ lâu để giao phó những hoàn cảnh đến Chủ nhân Không. Nhưng chính Chủ nhân Không hướng dẫn bộ óc và cho phép nó dùng năm năng lực vi diệu đang có sẵn trong chúng ta.

Vì thế mỗi chúng ta phải dựa trên bản thể riêng của mình. Nếu bạn giao phó mọi sự bạn đối mặt vào bản thể của bạn, thì những gì bạn giao phó – được cho là những dữ liệu đưa vào – được ghi lại trong bản thể của bạn. Như thể bản thể của bạn ra thông báo rằng bạn đang bắt đầu dựa vào nó, và rồi nó đáp ứng lại bạn. Thế thì những kết quả của những gì đã đưa vào sẽ biểu hiện trong đời bạn. Tuy nhiên, nếu bạn cố tùy thuộc vào vật gì bên ngoài chính bạn, không có sự kết nối nào được thực hiện với bản thể của bạn, và vì thế không có gì được đưa vào. Nếu không có gì được đưa vào bản thể của bạn, làm sao nó có thể chăm sóc sự việc? Như thế đức Phật đã nói rằng bất kể bạn làm gì, trừ khi bạn dựa vào bản thể chân thật của bạn, sẽ không có đức hạnh và công đức trong hành động của bạn.

Người ta thường hỏi tại sao họ không giác ngộ, cho dù họ tuân theo lời Phật dạy đã lâu. Nhưng đó là vì họ quá bị kéo theo những vật bên ngoài trong đời sống hằng ngày. Dù bạn sống như một tu sĩ hay cư sĩ, bạn phải dựa vào cái ngã bên trong của mình, chân thành và tận tụy, và đưa ra những kết quả qua nỗ lực của riêng mình, không hy vọng ai khác sẽ giúp bạn. Hạnh phúc chân thật có đến từ người khác không? Không ai có thể cho bạn hạnh phúc và tự do, và cũng không ai có thể lấy chúng đi. Không ai khác có thể chiếm chỗ của bạn khi những việc này hiện thực. Cuối cùng, bạn là người chăm sóc chính bạn.

Rất quan trọng để tiếp tục giao phó mọi sự trong đời sống đến bản thể của bạn, vì cách bạn sống trên đời này quyết định loại vai trò bạn có thể đóng trong đời kế tiếp. Hãy nhìn những nam nữ nghệ sĩ vào vai trong những vở kịch. Họ cố hiểu vai trò đặc biệt của họ và diễn tốt nhất vai được giao cho. Sau khi màn buông, kết thúc những gì họ phải làm, nghệ sĩ đặt gánh nặng xuống và cảm thấy thoải mái. Dù những nhân vật của họ có thể đã chết trên sân khấu, họ về nhà trong tinh thần tốt và thư giãn. Hãy nghĩ về điều này.

Tương tự những nghệ sĩ nhận vai tuồng, bạn đến thế giới này và nhận một vai trò tùy thuộc cách bạn đã sống trong những đời sống trước. Tuy nhiên, dù cho bạn nhận vai ăn mày trong đời này, nếu bạn tiếp giao phó mọi sự trong đời cho bản thể của mình và làm tốt nhất để sống một cách chân thành, thì sau này bạn có thể nhận một vai tốt hơn. Điều này thực sự xảy ra ở mọi nơi quanh chúng ta. Nếu bạn nghĩ về điều này, bạn nên có vài cảm nhận về bạn từ đâu đến, bạn sẽ đi đâu, bạn đang làm gì, và tại sao bạn làm nó.

Mọi người biết rằng nếu bạn trồng đậu, bạn sẽ hái đậu, và nếu bạn trồng lúa, bạn sẽ gặt lúa. Thân bạn có trong đời sau và vai trò của bạn trong đó sẽ tùy thuộc vào bạn đã hoàn thành vai trò hiện nay tốt thế nào, vào bạn đã sống tốt thế nào. Bạn có thấy trên màn ảnh một người sống một đời sống tệ hại rơi vào địa ngục đầy rắn và thú vật khi cô ta chết như thế nào không? Đây không chỉ xảy ra trên màn ảnh. Mọi sự theo cách bạn sống được tự động đưa vào bản thể của bạn, và điều này khiến bạn tái sanh ở mức độ phù hợp với hành vi của bạn. Thí dụ, dù một người có thân người trong đời sống trước đây của cô ta, nếu cô ta sống ở mức độ của một con rắn hầu hết đời mình, cô ta sẽ tái sanh với thân rắn khi cô ta lại xuất hiện trong thế giới này. Mỗi người chúng ta đã đi qua rất nhiều đời sống khác nhau, và sống với những hình thể khác nhau vô kể. Vậy làm sao có những sinh vật chúng ta có thể coi thường? Làm sao đời sống của bạn có thể là quý giá, nhưng một con vật thì không? Mỗi một đời sống là đời sống của bạn, mỗi một hình thể là hình thể của bạn.

Mọi việc mà người ta đang kinh nghiệm bây giờ là kết quả của những gì họ đã làm trong quá khứ, không có chỗ riêng để họ bị trừng phạt. Nếu họ hành xử như một con rắn, họ sẽ tái sanh như một con rắn. Nếu hành vi của họ ở mức độ một con bò, họ sẽ tái sanh ở mức một con bò. Nếu họ sống ở mức độ một côn trùng, thì thần thức của họ cuối cùng nhận hình thể một côn trùng. Đó chính là địa ngục!

Chúng sanh đã sống như thế từ rất lâu, không biết chân lý. Tuy nhiên, đức Phật – bản thể của mọi vật trong vũ trụ, của tất cả cõi hữu hình, cõi vô hình, và những nguyên lý bởi đó chúng vận hành- hiện hữu mọi nơi ở tất cả thời, xuyên qua nhân quả và vòng tái sanh, giúp mỗi một vật trong vũ trụ phát triển.Phật tâm biểu hiện như vô số Bồ tát giúp mọi vật vận hành. Vậy chư Phật và chư Bồ tát không có tách biệt. Thí dụ, nếu chúng ta mô tả Phật như là năng lượng bản thể, thì chư Bồ tát là năng lượng được sản xuất từ năng lượng bản thể này. Năng lượng đó đã khởi lên từ bản thể, tiếp tục trở thành năng lượng bản thể của vật khác, tiến trình này được tự lặp đi lặp lại mãi. Đây là lối mà vũ trụ chúng ta đang vận hành.

Có vẻ như tôi đang tự lập lại, nhưng mọi người phải tuyệt đối biết điều này: Mọi vật trong toàn vũ trụ, bao gồm quá khứ-hiện tại-vị lai vận hành với nhau như một toàn thể phức tạp, bao la và đa dạng (nhiều thứ khác nhau). Nếu thế, làm sao chúng ta định hướng đời mình? Làm sao chúng ta có thể trở thành nhất tâm, Hanmaum, để cho tất cả tay trở thành tay của chúng ta và tất cả thân trở thành thân chúng ta? Cho dù một ngàn giọt mưa rơi xuống biển, tất cả chúng trở thành một với biển. Cũng thế, nếu bạn đặt tâm của mọi vật và tất cả chúng sanh vào nhất tâm, tất cả chúng tự nhiên trở thành một tâm, một tay và một thân. Khi mọi vật trở thành một như thế, chính điều này là Phật. Sau khi những tâm này trở thành một với Hanmaum, chúng biểu hiện như những năng lượng khác nhau, chúng ta gọi những năng lượng này là chư Bồ Tát. Những Bồ tát này đầy dẫy thế giới chúng ta.

Khi chúng ta bật công tắc, điện sẽ chạy và ánh sáng đến. Cũng thế, khi bạn giao phó sự việc đến bản thể, tâm bạn trở thành một với Hanmaum, rồi bất cứ năng lượng cần thiết sẽ tuôn ra tự do. Năng lượng tuôn ra này là những gì chúng ta gọi là chư Bồ tát. Chúng ta cho nó những tên khác nhau tùy cách năng lượng biểu hiện. Thí dụ, khi người nào bệnh năng lượng này biểu hiện như Bồ tát Dược Vương, và khi ai đó đau khổ năng lượng này biểu hiện như Bồ tát của Từ Bi. Dù chư Bồ tát có nhiều tên khác nhau, tất cả các ngài đều là những biểu hiện của bản thể như nhau. Giống như thế này: Khi một người đàn ông gặp vợ mình, ông ta trở thành người chồng; khi ông ta gặp cha mẹ mình, ông trở thành con; khi gặp con cái, ông ta trở thành một người cha. Đức Phật, nguồn cội của mọi vật, có những biểu hiện vô tận, vì vậy đôi khi được gọi là Tòa Kim Cương.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  2. SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN
  3. NIỀM TIN LÀ GÌ?

Bài viết khác của tác giả

  1. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  2. TÂM VÀ KHOA HỌC
  3. CHÂN LÝ BẤT DIỆT

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU