HIDEKO SUZUKI
Trích “Rồi Một Ngày Cuộc Sống Hóa Hư Vô” Ngọc Chi Linh dịch NXB Thế Giới, 2018
Hãy suy nghĩ tích cực, những cuốn sách nội dung vậy tràn ngập khắp mọi nơi. Nhưng thực tế làm được điều đó khá khó khăn, đặc biệt khi bạn bị đặt vào hoàn cảnh quá mức tồi tệ. Lúc đó liệu mấy người có thể dễ dàng tìm lại sự lạc quan cho chính mình? Chưa nói đến những suy nghĩ tích cực, chỉ trở lại trạng thái tinh thần bình thường cũng đã mất hàng tháng trời. Đó là trạng thái thường thấy đúng không? Phần lớn mọi người đều không quen thay đổi tâm trạng, bởi họ không rèn luyện thói quen này. Nhưng cũng có những người rất giỏi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Tôi không rõ đó là do tính cách hay ảnh hưởng của cách giáo dục. Dẫu sao, khi tiếp xúc với những người như vậy, chúng ta luôn cảm thấy dễ chịu. Họ luôn tươi cười rạng rỡ, trên hết, họ không căm hận hay phê phán ai, đó là điều khiến bạn thấy thoải mái.
Có người từng nhận xét “ I là người dẫn chương trình tin tức buổi sáng luôn có cách biểu cảm đặc biệt khiến tôi suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực”. Chương trình I làm là một chuyên mục nhỏ tên là “Thu hoạch từ những điều nhỏ nhặt” dạy bạn những mẹo nhỏ có thể áp dụng trực tiếp vào cuộc sống. Ví dụ khi nồi sắp bị trào, gác một đội đũa dưới nắp vung sẽ không bị trào ra nữa. Tất cả mọi người đều có ý kiến giống nhau dưới phần bình luận. “Đơn giản thế này, nếu tôi biết sớm thì tốt biết mấy!”, “Trước giờ không biết tôi đã lãng phí bao nhiêu thời gian nữa!” Ngay lập tức, I nở một nụ cười rạng rỡ và chia sẻ. “Dù từ trước tới giờ các bạn đã tốn bao nhiêu thời gian, mất bao nhiêu công sức cho việc này, nó cũng có cái vui riêng, phải không?”. Khi tôi nghe được những lời này, tôi cảm thấy đây là một người có cách suy nghĩ thật tuyệt vời, cảm giác vui vẻ tràn ngập. Đau khổ vì những chuyện đã xảy ra chẳng giúp ích được gì, cũng không làm bản thân hạnh phúc hơn.
Tôi sẽ giới thiệu với các bạn một câu chuyện tích cựu nữa về D bạn tôi, một người luôn có cách nghĩ tích cực. Đó là chuyện xảy ra giữa mùa đông. Nhóm năm người gồm cả tôi và D cùng đi du lịch ở tỉnh Fukuyama. Chuyến đi rất vui, nhưng khi chúng tôi chuẩn bị trở về Tokyo, một trận bão tuyết kỷ lục ập đến, chuyến bay bị hoãn. Ngoại trừ D, những thành viên khác bắt đầu càu nhàu, bực bội và lo lắng. “Có thể yên lành quay về Tokyo được không đây?”, “Nếu quay về muộn công việc ngày mai phải làm sao?”, “Sao bọ mình lại gặp chuyện không may thế này chứ?”. Nhưng D đã nói một câu khiến tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên. “Tôi lại thích những rắc rối kiểu này! Các cậu không thấy việc vượt qua nghịch cảnh rất thú vị à?”. Nhờ câu nói của D mà bầu không khí lúc đó thay đổi hoàn toàn. D bắt đầu đưa ra kế hoạch mới và mọi người cùng cho ý kiến. “Nếu đi Shinkansen thì sao? Hay ở lại thêm một đêm để ngày mai đi chơi một ngày?”. Các thành viên khác cũng bắt đầu bị cuốn theo và trở nên vui vẻ hơn, mọi người đưa ra hàng loạt các phương án. Tôi đã học được từ D không nên quá nghiêm trọng hóa vấn đề, phải cố gắng nhìn vấn đề theo hướng tích cực.
Nếu có thể nhìn vấn đề theo hướng tích cực, suy nghĩ mang tính xây dựng, chúng ta sẽ không bị lung lay tinh thần hay quá khích không cần thiết. Từ câu chuyện về phát thanh viên I và người bạn D của tôi, chúng ta có thể học được một điều, trong những hoàn cảnh tiêu cực, chỉ cần thay đổi tâm trạng, chúng ta sẽ tìm ra cách khiến bản thân vui vẻ hơn. Điều này cũng có thể áp dụng khi cái chết đang tới gần.
Khi nhận ra điều có thể giúp bạn hướng về phía trước, bạn sẽ sống bình thản và không dao động trước cái chết. Ví dụ, khi bạn tới thăm một người đang kề cận cái chết mà trước giờ cả hai đều quá bận, không có cơ hội gặp mặt nhau, vậy giờ là lúc các bạn có thể thong thả ngồi với nhau, ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Chỉ vậy thôi cũng đủ khiến bạn thấy hạnh phúc rồi, đúng không? Tất nhiên không thể chữa khỏi bệnh là điều cay đắng, nhưng có canh cánh trong lòng cũng chẳng giúp bạn thay đổi được tình hình. Nếu bảo lúc này hay đi chơi thì không thật chính xác, nhưng chính những lúc gặp khó khăn ta lại muốn làm điều gì đó tuyệt vời. Hơn nữa niềm vui theo cách này sẽ giúp bạn nhận ra trong những việc thường ngày mình hay bỏ qua, đâu mới là điều thật sự không thể thay đổi đối với bạn. Tôi nghĩ phần lớn mọi người đều không giỏi thay đổi tâm trạng những lúc khó khăn, nhưng bạn hãy thử một lần tưởng tượng sắp chết, tôi tin chắc dù bạn có rơi vào tình thế nào, tâm trạng của bạn cũng sẽ cải thiện hơn. Kinh nghiệm này chắc chắn sẽ rất hữu ích trong cuộc sống. Những chuyện nghiêm trọng khiến bạn dao động như cái chết sẽ không xảy ra thường xuyên. Bởi vậy nếu bạn có thể rèn luyện bản thân vẫn tươi vui đối mặt với cái chết, bạn đã nắm trong tay sức mạnh giúp bạn vượt qua rất nhiều khó khăn rồi. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng cái chết sẽ sản sinh ra những suy nghĩ tích cực nhất. Hãy biến khái niệm cái chết thành đồng minh để giúp cuộc đời hữu hạn có ý nghĩa hơn.