VÔ MINH – LỜI NGUYỆN CỦA TÁNH GIÁC PHỔ HIỀN NHƯ LAI

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: “Lời nguyện của Tánh Giác Phổ Hiền Như Lai”
Garchen Rinpoche bình giảng tại pháp hội ở Vancouver, Canada, ngày 17-18 tháng 7 năm 2015.
Ina Dhargye dịch trực tiếp từ tiếng Tạng sang tiếng Anh tại Pháp hội.
Trung tâm Thiền Ratnashri, Thụy Điển viết lại bản dịch tiếng Anh.
Từ Hóa Hoàng Lan dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
???
?? Vô minh bẩm sinh nghĩa là không có chánh niệm và xao lãng. Vô minh đặt tên là những tư tưởng nhị nguyên phân biệt đối với cái “Tôi” và những cái khác. Cả hai loại vô minh không hiểu biết này là cơ sở cho ảo tưởng mê lầm của tất cả chúng sanh. ?
Có hai hình thức của vô minh: vô minh bẩm sinh và vô minh đặt tên. Thứ nhất, vô minh bẩm sinh nghĩa là không có chánh niệm tỉnh giác và xao lãng. Đó là khi bạn không biết cách làm thế nào để thấy biết tâm mình, bản tánh của tâm một cách đúng đắn. Bạn không thể thấy một cách đúng đắn bản tánh của tâm bạn. Ví dụ như, một số người nói rằng khi bạn thiền, bạn có thể phát điên, vì vậy có lẽ tốt hơn là không nên thiền. Nhưng đó chỉ là sai lầm của việc không biết cách thực sự nhìn vào bản tánh của tâm, làm thế nào để thiền định. Điều đó chủ yếu là do việc nắm giữ bản ngã. Như vậy, vì lý do này, việc chuẩn bị sơ bộ những gì chúng ta thực sự cần trưởng dưỡng trước khi bắt đầu thiền định là Bồ đề tâm và đó là điều mà tất cả các Lạt ma của chúng ta, các vị thầy của chúng ta, ở bất kỳ đạo tràng nào, thực sự khuyến khích chúng ta. Những chuẩn bị sơ bộ rất quan trọng. Khi chúng ta xem xét những chuẩn bị sơ bộ, mọi người thường bị choáng ngợp và họ nghĩ về tất cả các con số mà họ phải tích lũy – 100.000 lần lễ lạy, minh chú trăm âm, vân vân … – và khi nghĩ về điều đó, họ cảm thấy mệt mỏi. Họ cho rằng những thực hành chuẩn bị sơ bộ thật sự quá khó. Nhưng sự chuẩn bị sơ bộ thực sự phải có trước tất cả những điều đó, trước khi chúng ta tham gia vào bất kỳ thực hành nào là gì? Đó là mong muốn mang lại lợi ích cho người khác. Đó là điều quan trọng nhất. Vì vậy, Bồ đề tâm là sự chuẩn bị sơ bộ cho tất cả các thực hành Pháp khác nhau. Sau đó, trên cơ sở này, trước tiên, chúng ta trưởng dưỡng Bồ đề tâm ở nơi nó chưa sanh khởi. Chúng ta có mong muốn làm lợi ích cho người khác và chúng ta quán chiếu Bốn Tư tưởng Chuyển Tâm. Đầu tiên chúng ta hiểu đau khổ là gì. Chúng ta phải hiểu bản tánh đau khổ của tất cả chúng sanh. Không phải chỉ là hiện tại trong trường hợp của chúng ta, đau khổ của chính chúng ta, mà là đau khổ của tất cả chúng sanh. Cần phải nhận ra điều đó trước vì nếu không nhận ra đau khổ, không hiểu đau khổ là gì thì sẽ không bao giờ tìm được phương pháp thích hợp để diệt khổ. Đó là lý do tại sao, đầu tiên, Đức Phật dạy rằng: trước hết, chúng ta phải nhận ra và hiểu được đau khổ. Sau đó, chúng ta phải từ bỏ những nguyên nhân của đau khổ. Trước tiên, bạn cần nhận biết rằng bạn có một căn bệnh. Nếu không nhận ra điều đó, bạn cũng không biết mình cần dùng loại thuốc gì, phương pháp chữa trị nào. Chỉ khi biết mình bị bệnh gì, bạn mới biết mình nên dùng loại thuốc nào. Ngược lại, nếu bạn không hiểu biết điều này, thì rất nhanh chóng, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi với tất cả các việc học hỏi, thực hành và tích tập. Bạn cần xác định xem đau khổ là gì và những gì gây ra đau khổ. Để làm được như vậy, chúng ta cần phải nhận ra rằng tất cả đều bắt nguồn từ bên trong tâm, tức là những phiền não và tư tưởng nảy sinh trong tâm của chúng ta là những nguyên nhân mà chúng ta cần phải loại bỏ. Với thân thể và lời nói của mình, chúng ta tham gia vào các hành động xuất phát từ động lực bên trong tâm. Ví dụ như, khi chúng ta ở trong tâm trạng tiêu cực, chúng ta nói những lời khó nghe với ai đó hoặc chúng ta nói chuyện phiếm, vân vân … Tất cả những hành động xấu ác mà chúng ta tham gia thực sự đều xuất phát từ tâm trạng tiêu cực này. Điều đó, ở cấp độ rốt ráo, đến từ việc nắm giữ bản ngã. Do đó, chuẩn bị sơ bộ thực tế, rốt ráo mà chúng ta phải trau dồi trước tiên là tâm vị tha, tức là Bồ đề tâm. Theo nghĩa đó, việc chuẩn bị sơ bộ quả thực rất quan trọng. Nhưng nếu chúng ta không nhìn thấy điểm này, chúng ta có thể trở nên mệt mỏi và bị choáng ngợp bởi quá nhiều tích lũy của các thực hành sơ bộ. Nói tóm lại, sự chuẩn bị sơ bộ thực sự là tâm vị tha. Nếu bạn cảm thấy rằng tôi thực sự có mong muốn mang lại lợi ích cho người khác; ví dụ như, tôi muốn rằng đất nước này sẽ trở nên tốt đẹp. Tôi muốn mọi người ở đây kinh nghiệm cuộc sống hạnh phúc, vân vân … Đó là tâm vị tha. Tâm vị tha là tâm trí huệ. Khi có tâm vị tha, việc nắm giữ bản ngã giảm bớt. Vì vậy, trong bất cứ thực hành nào chúng ta làm, chúng ta cần phát triển sự chuẩn bị sơ bộ của Bồ đề tâm.
Vô minh bẩm sinh có nghĩa là không chánh niệm tỉnh giác và xao lãng. Đó là, chúng ta không thể thấy biết tâm của mình một cách đúng đắn. Chúng ta không tỉnh biết về bản tánh thật của mình. Ví dụ như, nếu bạn trưởng dưỡng tâm vị tha, bạn nên dò xét tâm đó, nhìn vào tâm đó, nhận biết nó, xem tâm đó là loại tâm nào. Ví dụ như, nếu bạn có một người bạn mà bạn yêu quý hoặc bạn có một con mèo hoặc một con chó, một con vật cưng, vân vân …, thì tự nhiên, bản chất của điều đó là hạnh phúc. Họ muốn ở gần bạn, ở bên cạnh bạn vì tâm vị tha này là tâm rộng lớn. Ngược lại nếu chúng ta không tu dưỡng tâm như vậy, nếu luôn tức giận, bực bội, thì tâm chúng ta càng ngày càng đông cứng lại như một khối băng, tảng băng của việc nắm giữ bản ngã. Khi đó, chúng ta không thể nhận ra bất cứ điều gì. Chúng ta không chánh niệm tỉnh giác vào bất cứ điều gì. Sau đó, mọi thứ đều quy về chúng ta. Rồi ai cũng biểu hiện như kẻ thù, kẻ đe dọa, ngay cả gia đình, bạn bè, cha mẹ, con cái, chúng ta nghĩ rằng họ không thích mình vì chúng ta bám vào một cái “Tôi”, chúng ta ích kỷ. Sau đó, chúng ta không muốn nhìn vào bản chất của điều đó bởi vì chúng ta được củng cố bởi việc nắm giữ bản ngã. Đó thực sự là bản chất của loại vô minh đầu tiên, vô minh bẩm sinh. Chúng ta vô minh bởi vì chúng ta không thực sự nhìn vào tâm của mình.
Vô minh thứ hai, bài nguyện có nói rằng: vô minh đặt tên là những tư tưởng phân biệt về cái “Tôi” và những cái khác. Bởi vì chúng ta không thấy biết tâm mình, không quán sát và xem xét đúng bản tánh chân thật của tâm mình, thì vô minh đó dẫn đến vô minh đặt tên có nghĩa là chúng ta đang dán nhãn. Ví dụ như, chúng ta nói: đây là như thế này hoặc đây không phải là như thế kia; hoặc nó hiện hữu hoặc nó không hiện hữu; hoặc đây là tôi và đây là anh ấy; đây là những gì nó thực sự là hoặc đây là những gì nó thực sự không phải là. Khi chúng ta nhìn ra vũ trụ bên ngoài, chúng ta thấy thế giới này và chúng ta nghĩ rằng nó luôn ở đó, nó đã ở đó hàng triệu năm rồi. Nó có ở đó. Như vậy, vũ trụ và chúng sanh bên ngoài đều có ở đó. Như vậy, vô minh đặt tên là tri giác phân biệt về cái “Tôi” và những cái khác. Chúng ta nhận thức vô số chúng sanh và vũ trụ ở cấp độ bên ngoài, chúng ta thấy mọi thứ như là tách biệt, riêng rẽ khỏi chúng ta. Có vũ trụ ở cấp độ bên ngoài, ở cấp độ bên trong, bạn nhìn thấy cái “Tôi” và những cái khác. Bất cứ điều gì chúng ta nhận thức, chúng ta nghĩ rằng nó là như thế này, nó là thật. Như vậy, chúng ta cho rằng điều gì đó là đúng, trong khi, thực ra, nó không đúng. Trên thực tế, mọi thứ là hợp tạo và do đó, vô thường. Nhưng nếu chúng ta không thực sự khảo sát và xem xét một cách rõ ràng, thì chúng dường như là có thật. Vì vậy, vô minh đặt tên có nghĩa là những tư tưởng phân biệt về cái “Tôi” và những cái khác.
Hai dạng vô minh này sanh khởi khi nào? Chúng luôn luôn sanh khởi và đã sanh khởi từ vô thủy trong sanh tử. Cả hai loại vô minh không hiểu biết này là cơ sở cho ảo tưởng mê lầm của tất cả chúng sanh. Như vậy, cơ sở cho sự mê lầm của tất cả chúng sanh là xem một cái gì đó là thật, trong khi nó không thật, không hiện hữu theo cách đó. Sự nắm giữ vào thực tại này ngày càng trở nên cứng chắc giống như nước đóng băng. Thực ra, bản tánh của tâm chúng sanh là Phật tánh, giống như đại dương bao la. Do hai loại vô minh mà tâm của chúng sanh đã trở nên như băng, các khối băng trôi trong đại dương thỉnh thoảng va vào nhau và điều đó tạo ra xung đột. Mặc dù chúng là băng, và băng có bản tánh của nước, chúng trông giống như một viên sỏi, một tảng đá. Mặc dù đó là nước, nếu bạn dùng một khối băng đập vào đầu ai đó, họ cũng sẽ bị chảy máu. Chúng sanh xem đó là tảng đá, mặc dù nó thật sự là tảng băng. Như vậy, đó là vô minh, bởi vì nó có chức năng vận hành như một tảng đá nên khi bạn đập nó vào đầu ai đó, họ cũng sẽ bị chảy máu. Do đó, họ cho rằng đó là một tảng đá. Đó là cái thấy vô minh.
???

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI