MICHAEL A. SINGER
Trích: Cởi trói linh hồn - Hành trình vượt qua giới hạn của chính mình
Nguyên tác: The Untethered soul - The journey beyond yourself
Tác giả: Michael A. Singer
Việt dịch: Bùi Thị Ngọc Hương
NXB. Tổng hợp TP.HCM, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News, 2017
Hành trình tâm linh là một quá trình biến đổi liên tục. Để không ngừng phát triển, bạn phải từ bỏ bản năng kháng cự với sự thay đổi bên trong mình, và học cách luôn sẵn sàng chấp nhận thay đổi bất kỳ lúc nào. Một trong những lĩnh vực quan trọng luôn đòi hỏi sự thay đổi là cách chúng ta giải quyết những vấn đề cá nhân. Thông thường thì chúng ta tìm cách xử lý những vấn đề nội tại bằng cách tự vệ. Sự thay đổi thật sự bắt đầu khi bạn sẵn sàng đón nhận những vấn đề của mình như những nhân tố của sự phát triển. Để hiểu cách vận hành của quá trình biến đổi này, chúng ta hãy cùng xem xét tình huống sau đây:
Hãy tưởng tượng rằng bạn bị một cái gai đâm xuyên vào cánh tay và tác động mạnh vào một trong những dây thần kinh của bạn. Khi bị cái gai đâm vào, bạn sẽ rất đau đớn. Cảm giác quá đau khiến cho cái gai trở thành một vấn đề nghiêm trọng với bạn. Thật khó ngủ vì bạn sợ khi ngủ say bạn có thể lăn người qua đè lên cái gai. Bạn phải luôn cảnh giác khi đứng gần mọi người vì họ có thể chạm vào chỗ đau. Nó khiến cuộc sống thường nhật của bạn trở nên rất khó khăn. Thậm chí bạn phải từ bỏ sở thích đi dạo trong rừng vì sợ không may cái gai sẽ va phải các cành cây. Cái gai này trở nên cội nguồn của sự xáo trộn liên tục, và để giải quyết vấn đề này bạn chỉ có hai lựa chọn.
Lựa chọn đầu tiên là xem xét lại tình hình và quyết định không để cho bất cứ vật gì chạm vào nó vì như thế sẽ rất phiền hà. Lựa chọn thứ hai là quyết định lấy cái gai ra vì cũng thật rắc rối khi mọi vật chạm vào. Dù tin hay không thì quyết định lựa chọn nào của bạn cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống từ nay về sau của bạn. Đây là một trong những quyết định cấu trúc cốt lõi đặt nền móng cho tương lai của bạn.
Chúng ta hãy bắt đầu với lựa chọn đầu tiên và khám phá xem nó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bạn. Nếu bạn quyết định bằng mọi cách ngăn không cho mọi vật chạm vào cái gai thì bạn sẽ phải làm việc này trong suốt cuộc đời. Nếu bạn muốn đi dạo trong rừng, bạn phải chặt bớt các nhánh cây trên đường đi để đảm bảo bạn không va phải chúng. Còn nữa, vì bạn thường hay lăn trên giường lúc ngủ nên bạn cũng sẽ phải tìm giải pháp cho rắc rối này. Có lẽ bạn sẽ thiết kế một dụng cụ hoạt động như một thiết bị bảo vệ. Nếu bạn thực sự dành rất nhiều tâm sức vào những giải pháp này và chúng có vẻ ổn, bạn sẽ nghĩ rằng bạn đã giải quyết được vấn đề. Bạn sẽ nói rằng: “Giờ thì mình có thể yên tâm ngủ ngon rồi. Ồ, mình vừa nảy ra ý này. Mình sẽ lên sóng truyền hình để công bố sáng chế. Bất cứ ai có vấn đề về cái gai có thể sử dụng thiết bị bảo vệ của mình và thậm chí mình còn được trả tiền bản quyền nữa ấy chứ.”.
Và từ lúc đó trở đi, bạn xây dựng toàn bộ cuộc sống xoay quanh giải pháp về cái gai và bạn tự hào về nó. Bạn vạt bớt các nhánh cây trong rừng và đeo thiết bị bảo vệ khi ngủ vào ban đêm. Nhưng bây giờ bạn gặp phải một vấn đề khác – bạn đang yêu. Đây là một trở ngại vì trong hoàn cảnh của bạn, chỉ một cái ôm thôi cũng đã là khó. Không ai có thể chạm vào bạn vì có thể đụng đến cái gai. Thế là bạn lại thiết kế một loại dụng cụ khác cho phép được gần gũi với mọi người mà không sợ chạm phải cái gai. Cuối cùng bạn quyết định muốn được linh hoạt hoàn toàn mà không phải lo lắng về cái gai nữa. Do đó bạn chế tạo một thiết bị toàn thời gian mà không cần phải tháo ra vào ban đêm hay phải chuyển sang chế độ cho phép ôm hay thực hiện một vài hoạt động hàng ngày khác. Nhưng nó khá nặng. Vì thế bạn gắn thêm bánh xe cho nó, điều khiển nó bằng thủy lực học và cài đặt các bộ cảm biến chống va đập. Quả là một thiết bị khá ấn tượng.
Tất nhiên là bạn phải thay đổi các cửa ra vào trong nhà để bộ máy bảo vệ khá cồng kềnh này có thể đi qua. Nhưng ít nhất bây giờ bạn đã có thể sống cuộc sống của bạn. Bạn có thể đi làm, ngủ và gần gũi với mọi người. Vì vậy, bạn thông báo với mọi người: “Tôi đã giải quyết được vấn đề của mình. Bây giờ tôi đã là một người tự do. Tôi có thể đi bất cứ đâu tôi muốn. Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn. Cái gai này đã từng điều khiển cuộc sống của tôi. Bây giờ thì nó không thể điều khiển bất cứ cái gì của tôi nữa.”.
Sự thật là, cái gai vẫn đang điều khiển toàn bộ cuộc sống của bạn. Nó ảnh hưởng đến tất cả các quyết định của bạn – bạn muốn đi đến đâu, bạn có cảm thấy thoải mái khi gặp ai đó hay không và người nào đó có cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với bạn không. Nó quyết định chọn lựa của bạn về nơi làm việc, ngôi nhà để ở và cả loại giường nào bạn có thể ngủ vào ban đêm. Sau khi mọi thứ đã được xem xét, cái gai thực sự là đang điều khiển mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn.
Khi bạn chọn lựa một cuộc sống mà bạn chỉ lo bảo vệ bản thân khỏi những rắc rối của chính mình thì hóa ra cuộc sống của bạn sẽ trở thành sự phản ánh chính xác những rắc rối đó mà thôi. Bạn không giải quyết được gì cả. Nếu bạn không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, mà thay vào đó chỉ là nỗ lực bảo vệ bản thân khỏi vấn đề đó, thì cuối cùng nó vẫn còn đó, điều khiển cuộc sống của bạn. Kết quả là bạn luôn bị gắn chặt về mặt tâm lý vào vấn đề đó đến nỗi bạn “chỉ thấy cây cối mà không thấy được toàn bộ khu rừng”. Bạn cảm thấy rằng bạn đã “vô hiệu hóa” những khó khăn mà vấn đề gây ra, bạn đã xử lý được nó. Nhưng thật sự vấn đề không được giải quyết. Tất cả những gì bạn đã làm là dành trọn cuộc đời mình để tránh nó. Để rồi giờ đây nó vẫn còn đó, vẫn là trung tâm vũ trụ của bạn. Vấn đề vẫn còn nguyên đó!
Tương tự như cái gai đối với toàn bộ cuộc sống của bạn, chúng ta sẽ xem xét sự cô đơn như một ví dụ. Giả sử bạn đang phải trải qua một nỗi cô đơn, trống trải nội tâm sâu sắc. Nó nghiêm trọng đến nỗi bạn thấy khó ngủ vào ban đêm, và bạn trở nên rất nhạy cảm trong cuộc sống hàng ngày. Bạn thường có cảm giác đau buốt trong tim và đây chính là vấn đề gây rắc rối lớn cho bạn. Bạn không thể dành hết tâm sức vào công việc, và thường gặp rắc rối với những mối tương tác hàng ngày. Ngoài ra, khi bạn cực kỳ cô đơn, bạn thường rất khó khăn để gần gũi với mọi người. Bạn thấy đó, nỗi cô đơn cũng giống như cái gai vậy. Khi bạn bị gai đâm, nó gây đau và gây xáo trộn trong mọi khía cạnh cuộc sống của bạn. Còn với trái tim con người, khi nó gặp vấn đề thì nỗi đau có thể ví như bị nhiều cái gai đâm cùng lúc. Nỗi cô đơn thường sẽ kéo theo cảm giác thiếu tự tin trong giao tiếp, ngoại hình và năng lực tinh thần. Chúng ta vẫn đang đi loanh quanh chưa tìm ra giải pháp xử lý những cái gai này – chúng đang đâm thẳng vào phần nhạy cảm nhất trong trái tim chúng ta. Bất kỳ lúc nào, trái tim đang bị thương này cũng có thể bị một cái gì đó chạm vào và gây đau buốt.
Với những cái gai nội tại này, bạn cũng có hai lựa chọn như với cái gai đâm vào tay bạn. Rõ ràng rằng tốt hơn hết là bạn nên lấy cái gai đó ra. Chẳng có lý do gì phải dành cả đời để bảo vệ cái gai để tránh cho nó không bị va chạm gây đau, trong khi bạn chỉ cần lấy nó ra. Một khi cái gai được loại bỏ, bạn thực sự thoát khỏi nó. Điều này cũng đúng với những cái gai bên trong bạn; chúng cũng có thể được gỡ bỏ. Nhưng nếu bạn chọn giữ chúng lại mà không muốn bị chúng gây rắc rối thì bạn phải điều chỉnh cuộc sống của bạn để tránh những tình huống có thể khuấy động chúng lên. Nếu bạn cô đơn chưa có người yêu, bạn phải tránh đi đến những nơi mà các cặp đôi thường lui tới. Nếu bạn thiếu tự tin trong giao tiếp, bạn phải tránh tiếp xúc quá gần gũi với mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn làm thế, có nghĩa là bạn đang chọn giải pháp tương tự như đi chặt bỏ bớt các nhánh cây trong rừng. Có nghĩa là bạn đang chọn cách cố gắng điều chỉnh cuộc sống của chính mình để “nhượng bộ” những cái gai. Trong ví dụ cái gai đâm vào tay, đó là cái gai theo nghĩa đen đâm từ bên ngoài. Còn đây là những cái gai nội tại.
Khi bạn cô đơn, bạn sẽ thường suy nghĩ xem mình cần làm những gì để đối phó với nỗi cô đơn. Bạn tự hỏi xem mình có thể nói hay làm điều gì để không cảm thấy cô đơn. Hãy lưu ý rằng, câu hỏi trên của bạn không hàm ý muốn giải quyết nỗi cô đơn; câu hỏi trên chỉ cho thấy rằng bạn đang thắc mắc về cách bảo vệ bạn để tránh cảm nhận về nó. Do đó, trả lời cho câu hỏi này chỉ là cách tránh các tình huống nguy cơ, hoặc bằng cách sử dụng con người, địa điểm và đồ vật như những tấm khiên bảo vệ. Kết quả là bạn cũng sẽ giống như người bị gai đâm vào tay. Tình trạng cô đơn sẽ điều khiển toàn bộ cuộc sống của bạn. Bạn sẽ tìm kiếm một người bạn đời có khả năng khiến bạn cảm thấy đỡ cô đơn hơn, và bạn nghĩ đó là cách hiển nhiên mà những người cô đơn vẫn thường làm. Nhưng thực ra cách này cũng giống như người bị gai đâm vào tay tìm cách tránh va chạm để không bị đau thay vì nhổ bỏ cái gai đi. Bằng cách này, bạn không loại bỏ gốc rễ của tình trạng cô đơn. Bạn chỉ cố gắng bảo vệ chính mình khỏi cảm giác về nó. Nếu chẳng may một người thân qua đời hay rời bỏ bạn, nỗi cô đơn sẽ bị khuấy động trở lại trong bạn. Vấn đề sẽ trở lại ngay khi tình huống bên ngoài không thể bảo vệ bạn khỏi những gì đang diễn ra bên trong.
Nếu bạn không gỡ bỏ cái gai thì cuối cùng bạn sẽ phải hứng chịu mọi thứ – cả cái gai và mọi hậu quả kéo theo do bạn chỉ loanh quanh tìm cách tránh né cảm giác đau chứ không nỗ lực dứt bỏ nó. Nếu bạn may mắn tìm thấy ai đó luôn ở bên khiến bạn không còn cảm giác cô đơn thì rồi bạn sẽ bắt đầu lo lắng làm thế nào để giữ người đó luôn bên mình. Đây cũng chỉ là cách dàn xếp vấn đề bằng cách né tránh. Hành động này cũng tương tự như việc dùng thiết bị để bảo vệ cái gai; cùng lúc bạn phải điều chỉnh cuộc sống của mình cho phù hợp. Ngay khi bạn cho phép vấn đề cốt lõi ở lại, nó sẽ “bành trướng” thành nhiều vấn đề khác. Bạn đã không nhận ra rằng bạn chỉ cần loại bỏ nó. Thay vào đó, bạn chỉ thấy được giải pháp duy nhất là cố gắng tránh để không có cảm nhận về nó. Vì vậy, bạn không có cách nào khác ngoại trừ việc hướng ra bên ngoài và thu xếp mọi thứ để không ảnh hưởng đến nó. Bạn phải lo điều chỉnh cách ăn mặc và cách nói chuyện. Bạn phải luôn quan tâm xem người khác nghĩ về bạn bởi vì nó có thể giúp xoa dịu cảm giác cô đơn và nhu cầu được yêu thương của bạn. Nếu bạn cảm thấy rung động trước ai đó và điều này giúp giảm đi cảm giác cô đơn trong bạn, ngay lập tức bạn muốn mình có đủ can đảm để nói: “Anh có thể làm gì để mang đến niềm vui cho em? Anh có thể làm bất cứ điều gì em cần. Anh không còn muốn sống thêm một giây phút cô đơn nào nữa.”.
Giờ đây tâm trí bạn luôn bận bịu với những lo lắng về mối quan hệ này. Nó đem đến cảm giác căng thẳng và bất an, thậm chí có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ về đêm của bạn. Tuy vậy, sự thật là cảm giác bất an mà bạn đang trải qua không phải là cảm giác cô đơn. Đó là những suy nghĩ liên miên không dứt như: “Mình nói có gì sai nhỉ? Cô ấy thực ra có thích mình không, hay mình chỉ đang đánh lừa bản thân?”. Vấn đề gốc rễ thật sự đang bị chôn giấu bên dưới tất cả những “vấn đề” mà chúng ta chỉ nhìn thấy một cách hời hợt trên đây – vì vậy tất cả những giải pháp đưa ra đều chỉ có tác dụng tránh né vấn đề gốc rễ. Sự tránh né khiến cho vấn đề càng trở nên phức tạp. Kết quả là mọi người đều sử dụng các mối quan hệ để che giấu những cái gai sâu kín trong lòng. Vì vậy, khi bạn quan tâm đến người khác, bạn thường nghĩ rằng mình cần phải điều chỉnh hành vi của mình để tránh động đến những điểm mềm yếu của nhau.
Đây là cách mọi người thường làm. Họ để cho nỗi sợ về những cái gai nội tại điều khiển hành vi của họ. Và như vậy có nghĩa là họ hạn chế cuộc sống của chính mình giống như người bị gai đâm vào tay chung sống với cái gai đó. Nhìn nhận lại vấn đề, nếu có điều gì đó gây phiền nhiễu bên trong bạn, bạn sẽ phải đưa ra một lựa chọn. Bạn có thể chọn cách xoa dịu phiền nhiễu đó bằng cách hướng ra thế giới bên ngoài để cố gắng tránh cảm nhận về nó, hoặc bạn chỉ cần loại bỏ cái gai và từ đó cuộc sống của bạn không còn phải lòng vòng xoay quanh nó nữa.
Đừng nghi ngờ gì về khả năng loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của sự xáo trộn bên trong bạn. Bạn hoàn toàn có thể. Bạn có thể nhìn sâu vào chính bản thân mình, tận thâm tâm bên trong con người bạn, và quyết định rằng bạn không muốn phần yếu đuối nhất của bạn điều khiển cuộc sống của bạn. Bạn muốn thoát khỏi tình trạng này. Bạn muốn nói chuyện với ai đó vì bạn nhận thấy họ thú vị chứ không phải vì bạn cô đơn. Bạn muốn xây dựng mối quan hệ với ai đó vì bạn thực sự thích họ chứ không phải bạn cần họ thích bạn. Bạn muốn yêu vì bạn thực sự yêu chứ không phải bạn cần tránh những vấn đề bên trong bạn.
Bạn có thể giải phóng chính mình bằng cách nào? Theo nghĩa sâu xa nhất, bạn giải phóng chính mình bằng cách tìm kiếm chính mình. Bạn không phải là nỗi đau mà bạn cảm nhận, cũng không phải là cái chủ thể đôi khi bị căng thẳng quá mức. Những xáo trộn này đều không liên quan đến bạn. Bạn là người nhận biết những xáo trộn này. Bởi vì tâm thức của bạn là phần riêng biệt và có thể nhận thức được những xáo trộn này nên bạn hoàn toàn có thể giải thoát chính mình. Để giải thoát bản thân khỏi những cái gai bên trong, bạn chỉ cần ngừng “chơi” với chúng. Bạn càng chạm vào chúng thì bạn càng kích thích chúng. Bởi vì bạn luôn có xu hướng tìm cách làm điều gì đó để tránh cảm nhận chúng, cho nên chúng không có cơ hội để thể hiện mình một cách tự nhiên. Nếu muốn, bạn có thể cho phép các rối loạn đó được biểu lộ ra, và để chúng đi luôn ra khỏi bạn. Vì những cái gai bên trong bạn chỉ là những năng lượng bị tắc nghẽn từ trước nên chúng có thể được giải phóng. Vấn đề là do từ trước đến giờ bạn hoàn toàn tránh những tình huống giúp chúng được giải thoát, hoặc bạn nhân danh bảo vệ chính mình để đè nén chúng bên trong.
Giả sử bạn đang ngồi xem tivi ở nhà. Bạn đang thưởng thức bộ phim cho đến khi hai nhân vật chính bắt đầu yêu nhau. Đột nhiên bạn cảm thấy cô đơn, nhưng không có ai bên cạnh để quan tâm đến bạn. Điều thú vị là cách đây năm phút bạn vẫn ổn. Ví dụ này chỉ ra rằng có cái gai luôn nằm trong trái tim bạn; chỉ là nó không kích hoạt cho đến khi có cái gì đó chạm vào nó. Bạn cảm thấy phản ứng này như một sự trống rỗng và sụt giảm cảm xúc trong tim. Thật khó chịu! Cảm giác yếu đuối chợt trào dâng trong bạn, và bạn bắt đầu nghĩ về những khoảng thời gian khác khi bạn bị bỏ mặc và về những người đã làm tổn thương bạn. Năng lượng lưu giữ từ trước thoát ra khỏi trái tim và tạo thành những suy nghĩ. Giờ đây, thay vì thưởng thức bộ phim, bạn lại ngồi một mình và bị bủa vây trong làn sóng của suy nghĩ và cảm xúc.
Bạn có thể làm gì để giải quyết vấn đề này ngoài việc ăn một cái gì đó, gọi điện thoại cho ai đó, hoặc làm một việc gì đó khác để khiến nó lắng dịu xuống? Điều mà bạn có thể làm là nhận biết điều mà bạn đã nhận biết. Bạn có thể nhận biết rằng tâm thức của bạn đang xem tivi, và bây giờ nó đang xem bộ phim tâm lý tình cảm bên trong bạn. Người đang xem mọi thứ là bạn, chủ thể. Cái mà bạn đang xem là khách thể. Cảm giác trống rỗng là một khách thể; đó là cái bạn cảm nhận. Nhưng ai đang cảm thấy nó? “Lối ra” của bạn đơn giản là nhận biết người nào đang nhận biết. Thế thôi! Nó ít phức tạp hơn nhiều so với thiết bị bảo vệ bao gồm các ổ bi, bánh xe và thủy lực học. Tất cả những gì bạn phải làm là nhận biết ai là người cảm thấy cô đơn. Người nhận biết là người đã tự do. Nếu bạn muốn thoát khỏi những năng lượng bị lưu giữ bên trong, bạn phải cho phép chúng thoát khỏi bạn thay vì “giấu” chúng trong lòng.
Từ bé đến nay, bạn đã lưu giữ bên trong rất nhiều năng lượng. Hãy tỉnh thức và nhận ra rằng bạn đang ở trong đó và cùng ở trong đó với bạn có một người nhạy cảm. Chỉ cần quan sát cái phần nhạy cảm đó của bạn đang cảm nhận sự rối loạn. Nhìn nó đang cảm thấy ganh tị, thèm muốn và sợ hãi. Những cảm giác này chỉ là một phần trong bản chất của một con người. Nếu chú ý, bạn sẽ nhận ra rằng những cảm nhận đó không phải là bạn; chúng chỉ là cái gì đó mà bạn đang cảm nhận và trải nghiệm. Bạn là người cư ngụ trong đó và nhận thức về tất cả những điều này. Nếu bạn duy trì được trạng thái định tâm này của mình, bạn có thể học được cách hiểu rõ giá trị và trân trọng ngay cả những trải nghiệm khó khăn.
Ví dụ, một số bài thơ và bản nhạc hay nhất đến từ những người mà vào thời điểm đó họ đang ở trong tình trạng rối loạn cảm xúc. Nghệ thuật vĩ đại xuất phát từ cõi lòng sâu thẳm của con người. Bạn có thể trải nghiệm những trạng thái rất con người này mà không bị lạc lối trong đó cũng như không kháng cự lại chúng. Bạn có thể nhận biết rằng bạn đang nhận biết và chỉ quan sát xem việc nếm trải nỗi cô đơn ảnh hưởng như thế nào đến bạn. Tư thế ngồi của bạn có thay đổi không? Bạn hít thở chậm hơn hay nhanh hơn? Điều gì tiếp diễn khi nỗi cô đơn được tạo cho một không gian vừa đủ nó cần để thoát ra khỏi bạn? Hãy là một nhà thám hiểm. Quan sát nó, và để nó đi luôn ra khỏi bạn. Nếu bạn không chìm đắm trong nỗi cô đơn thì trải nghiệm này sẽ sớm qua đi và một trải nghiệm khác sẽ xuất hiện. Chỉ cần thưởng thức tất cả. Nếu bạn có thể làm điều này, bạn sẽ có được tự do, và một thế giới của năng lượng thuần khiết sẽ mở ra bên trong bạn.
Càng an vị trong Bản thân lâu bao nhiêu thì bạn càng cảm nhận được một năng lượng mà bạn chưa từng trải nghiệm trước đây. Nó xuất hiện từ phía sau bạn chứ không phải từ phía trước – nơi bạn vẫn thường trải nghiệm những suy nghĩ và cảm xúc. Khi bạn không còn bị cuốn hút vào bộ phim cảm xúc của chính mình, mà thay vào đó là thoải mái an tọa sâu trong vị trí của nhận thức, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận dòng chảy năng lượng nói trên đến từ sâu bên trong. Dòng chảy này được gọi là Shakti (Quyền năng). Dòng chảy này được gọi là Spirit (Thần khí). Đây là những gì bạn bắt đầu trải nghiệm nếu bạn “dạo chơi” với Bản thân thay vì lang thang vô định với các xáo trộn nội tâm. Bạn không cần phải thoát khỏi sự cô đơn; bạn chỉ ngừng tham gia với nó. Nó cũng như mọi vật khác trong vũ trụ này, giống như chiếc xe, ngọn cỏ và các vì sao. Nó không phải là việc bạn phải lo. Chỉ cần để chúng trôi qua. Đó là cách Bản thân nên làm. Nhận thức là không kháng cự; nhận thức là giải phóng. Nhận thức đơn giản chỉ là nhận thức trong khi mọi thứ trong vũ trụ đi qua trước nó.
Nếu bạn an vị bên trong Bản thân, bạn sẽ trải nghiệm sức mạnh của con người nội tại ngay cả khi trái tim bạn cảm thấy yếu đuối. Đây là bản chất của hành trình nội tâm. Đây là bản chất của đời sống tâm linh. Một khi bạn học được cách an ổn trong khi vẫn cảm nhận những rối loạn bên trong, và những rối loạn này không còn có thể phiền nhiễu vị trí an định của tâm thức của bạn thì bạn đã được tự do. Từ đây bạn sẽ được nâng đỡ vững vàng bởi dòng chảy năng lượng nội tại đến từ phía sau bạn. Khi bạn được nếm trải trạng thái nhập định của dòng chảy nội tại, bạn có thể bước đi trong thế giới này và thế giới này sẽ không bao giờ chạm đến bạn. Đó là cách bạn trở thành một người tự do – bạn vượt qua mọi giới hạn.
Bình luận
[…] VỨT BỎ CÁI GAI BÊN TRONG […]