XÂY DỰNG TRIẾT LÝ NỀN TẢNG

INAMORI KAZUO

Trích: Thách Thức Con Số 0; Đào Thị Hồ Phương dịch; Thaihabooks; NXB Lao Động.

Triết lý đem lại sự phát triển

Mở rộng sự nghiệp không giới hạn

Năm 1959, khi đó tôi 27 tuổi, là một cậu thanh niên trẻ có kỹ thuật làm gốm, nhận được sự ủng hộ của nhiều người nên tôi và bảy người bạn đã quyết định thành lập công ty gốm Kyoto (tiền thân của công ty Kyocera). Tôi đã cố gắng làm việc bằng tất cả sức lực của mình đối với việc kinh doanh của công ty, mà trọng tâm là Kyocera. Kể từ sau khi sáng lập, bằng việc chế tạo ra các sản phẩm gốm dùng cho những bộ phận của ti vi, Kyocera không ngừng đổi mới để đa dạng hóa sản phẩm của mình và đến nay đã đạt được những thành quả nhất định. Sản phẩm hiện nay của Kyocera rất đa dạng, từ các sản phẩm gốm kỹ thuật, thiết bị in và thiết bị ngành ảnh cho đến hệ thống năng lượng mặt trời, các thiết bị điện tử, như điện thoại di động, máy photo,.. Kyocera đang phát triển lớn mạnh như một công ty đa năng. Năm 1984, nhân cơ hội Nhật Bản đẩy mạnh tự do hóa ngành điện tử viễn thông, tôi đã phục hồi DDI (tiền thân của KDDI hiện nay) và quyết định xúc tiến việc kinh doanh sang lĩnh vực viễn thông. Hiện nay, với vai trò là công ty có vị trí thứ hai trong ngành viễn thông, công ty của chúng tôi luôn đạt được doanh thu cao, phát triển liên tục, ổn định và bền vững. Ngoài ra, tháng 2 năm 2010, được sự tin tưởng của các thành viên trong nội các chính phủ nên tôi đã nhận chức Chủ tịch hãng hàng không JAL và tiếp tục nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa cho đến tận hôm nay. Đến tháng 3 năm 2011, kết thúc năm đầu tiên của nhiệm kỳ trên cương vị mới, tôi rất vui mừng vì JAL cũng được biết đến như một trong những hãng hàng không có tiếng và đã đạt được những thành quả đáng kể, doanh thu kể từ khi sáng lập cũng tăng lên. “Làm điều gì là đúng?”. Tôi đã luôn tự nhắc mình như vậy, và nhờ vào sự chung sức chung lòng, cố gắng hết mình của những người cùng làm việc mà có được thành quả tuyệt vời như ngày hôm nay. Nhìn lại thời điểm tôi mới lập nghiệp chỉ có hai bàn tay trắng, nhiều người vẫn không thể tin được. Bắt đầu từ con số 0 nhưng làm thế nào mà Kyocera có thể vượt qua những khó khăn, liên tục phát triển cho đến ngày nay? Đó là câu hỏi mà tôi thường bị “chất vấn” trong nhiều lần nói chuyện.

Triết lý được sinh ra từ thực tiễn

Cả trong cuộc sống lẫn kinh doanh, nhiều lần tôi đều đi vào ngõ cụt, không tìm ra lối thoát. Nhưng chính trong những đau khổ, bế tắc đó, bản thân tôi luôn tự đặt câu hỏi: “Làm điều gì là đúng?”. Tôi luôn coi đây là nguyên tắc chuẩn cho những việc mình làm và luôn thực hiện thói quen “tự chất vấn” này. Và rồi, thói quen được tích lũy ấy không biết từ khi nào đã góp phần làm nên những thành tựu đáng kinh ngạc. Để vận hành tổ chức hiệu quả và đem lại thành công thì cần có những mục tiêu chiến lược cụ thể. Những mục tiêu chiến lược này là kim chỉ nam, là véc-tơ định hướng để nhắm đến một cách xác thực nhất. Tuy nhiên, những phương hướng hoạt động chung này phải nhắm đến lợi ích chung của tất cả thành viên trong công ty. Có thể phát huy được sức mạnh của công ty, tổ chức hay không phụ thuộc hoàn toàn vào “kim chỉ nam” này. Nó có thể được xem là triết lý nền tảng, mẫu mực duy nhất của một tổ chức, một công ty. Ngay từ những ngày đầu sáng lập Kyocera, tôi đã cố gắng nỗ lực từng ngày, từng phút, từng giây để thu thập và tích lũy những gì đã học được trong cuộc sống để xây dựng một triết lý nền tảng có giá trị thực sự nhất cho Kyocera. Tôi đã nỗ lực để chia sẻ và để mọi người cùng làm việc cũng hiểu rõ triết lý ấy. Triết lý ấy đơn giản chỉ là cách suy nghĩ trên nền tảng cơ bản nhất với tư cách một người. Nói tóm gọn đó là “Mỗi chúng ta luôn phải theo đuổi những điều cần phải làm, cho đúng với bản chất”. Nhìn thoáng qua thì triết lý này dường như không liên quan đến việc kinh doanh của một công ty, một tập đoàn, nhưng tôi tin rằng dựa trên những điều mà chúng ta theo đuổi sẽ hình thành nên yếu tố căn bản của việc kinh doanh. Nói cách khác thì việc kinh doanh sẽ phản ánh phần nào nhân cách đạo đức của chính nhà kinh doanh. Vì vậy, nếu việc kinh doanh được dựa trên những tiêu chuẩn tư cách đúng đắn thì chắc chắn nó sẽ phát huy hiệu quả trong những tình huống thực tiễn. Từ những kinh nghiệm thực tiễn “sống” mà bản thân tôi đã trải qua, tôi đã suy nghĩ về nó, đúc kết viết lại và xin phép chia sẻ ở đây.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỰ DO Ý CHÍ – MINH TRIẾT TRONG ĐỜI SỐNG
  2. ĐẠO ĐỨC KINH DOANH

Bài viết khác của tác giả

  1. PHẢI THÀNH THẬT: THEO ĐUỔI NHỮNG GÌ ĐÚNG ĐẮN MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN
  2. QUY LUẬT CUỘC ĐỜI – CHỈ CÓ TRONG ĐỜI NHỮNG THỨ MÌNH MUỐN CÓ
  3. NỀN VĂN MINH VỊ THA SẼ NỞ HOA KHI LOÀI NGƯỜI TỈNH NGỘ

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH