XEM NHỮNG THỜI ĐIỂM KHÓ KHĂN NHƯ SỰ RÈN LUYỆN TÂM LINH

LAMA SURYA DAS

Trích: Đánh Thức Phật Tâm-Đưa Yêu Thương, Ý Nghĩa Và Sự Gắn Kết Vào Mọi Khía Cạnh Cuộc Sống; Người dịch: Thái An; NXB.Hồng Đức

Dilgo Khyentse Rinpoche nói:

“Khó khăn với người giỏi hành trì giống như vật báu.

Phật pháp sẽ không được thực hành hoàn hảo trong những hoàn cảnh dễ chịu”.

Đó là một thực tế: Nếu sử dụng khó khăn như một cách rèn luyện tâm và chuyển hoá thái độ, chúng ta có thể vượt qua sự lo lắng và sợ hãi; qua đó, ta tu dưỡng được các đức hạnh như nhẫn nhục, khiêm tốn, và chấp nhận. Đây là cách ta trở nên mạnh hơn, cân bằng hơn, ổn định hơn về tâm. Các vị thầy Phật giáo Tây Tạng vô cùng tin chắc vào lối rèn luyện đầy thách thức này sẽ giúp ta vượt qua những cảm xúc như sợ hãi và lo lắng, họ thậm chí hành thiền vào ban đêm ở nghĩa địa và khu để xác chết. Họ khuyến khích thiền sinh bước tới, đối mặt với những sợ hãi bên trong, sử dụng chúng để thúc đẩy năng lượng tu tập.

Hồi đầu bắt gặp thực hành này ở châu Á, tôi không thật sự hiểu, nhưng cuối cùng tôi cũng đi tới chỗ thấy được các lợi ích tâm linh. Khi sống ở Darjeeling với các lạt ma, có một mùa đông tuyết rơi nhiều, trên núi quá lạnh, và tôi đi về phương nam, tới thăm Benares (Varanasi) ở vùng đồng bằng Ấn Độ, Nơi đó, tôi đi dọc bờ sông Hằng. Mỗi tối, một người bạn là hành giả yoga và tôi lại tới những bậc đá của ghat, bãi hoả thiêu dọc bờ sông ở một đầu của thành phố. Ở đây, người Ấn giáo từ khắp nơi sẽ đến để chết và được thiêu rồi rắc tro trong dòng sông thiêng liêng của họ, cũng như để xem những giàn thiệu đang cháy, toả sáng mỗi đêm. Những hành trì thiền tôi thực hiện ở địa điểm tuyệt vời này thuộc vào những hành trì tốt nhất tôi từng trải qua.

Đã hơn hai mươi lăm năm, nhưng cứ như mới hôm qua, tôi vẫn nhớ không khí hết sức trang nghiêm và sự tôn kính thiêng liêng bao quanh các hoạt động vào lúc hoàng hôn này. Không phải vì ngày đó ở Ấn Độ tôi không có máy ảnh, nhưng tôi nhớ đã thấy không có khách du lịch nào bấm máy ảnh hay quay phim. Việc chụp hình hoàn toàn bị cấm nhằm bảo vệ sự thiêng liêng của nghi thức tang lễ và sự riêng tư của những gia đình đau khổ có mặt ở đó. Hoả thiêu thường diễn ra lúc chạng vạng. Những con quạ lớn chờ trên những lan can đá cũ kĩ của tường thành cổ hoặc trên các bức tường xẻ rãnh bên bờ sông, hy vọng kiếm được những miếng thịt người rơi vãi để nhặt lên và mang đi. Bóng dáng chim kền kền lờ mờ từ xa trên những bãi cát hoang phế ngay dọc theo con sông Hằng lớn, đầy bùn, chảy chầm chậm.

Ban đầu, tôi sợ. Tôi còn nhớ cái mùi của thịt cháy. Thật kinh hãi, và tôi đã sốc không thốt được một lời. Tôi đã cảm thấy – và giờ theo bản năng vẫn cảm thấy – rằng thân thể của chính mình chẳng qua là củi trên giàn thiêu của thế giới này, của cuộc đời này. Nhưng khoảnh khắc đáng sợ nhất là khi con trai trưởng của người quá cố bước tới với một cây gậy lớn và chắc trong tay. Cạnh anh là một giáo sĩ Brahman già, đang tụng thần chú, rưới nước cúng lên giàn thiêu. Cúi mình trước cái xác đang cháy của người cha quá cố, người con tụng một lời khẩn, rồi nâng gậy lên, đập đánh rắc vào sọ người chết – để giải thoát linh hồn lên với vòng tay của thần Shiva, như những người Brahman sau này giải thích với tôi.

Phản ứng tức thì của tôi là lo lắng; có cảm giác tôi sẽ bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với cảnh này. Tôi cũng sợ những người hành khất với các vết thương trầy da chảy máu, xếp hàng trên đường. Tuy vậy, là một người truy cầu tâm linh đang trên đường tu tập tại Ấn Độ, tôi không thể làm gì khác ngoài mỗi đêm đều trở lại, ngồi trên một trong những lan can đá lạnh lẽo xung quanh tiến trình ấy. Ở đó, tôi sẽ thiền định và quan sát những gì đang diễn ra, như một khán giả trong địa ngục theo mô tả của Dante.

Điều này thật tốt cho tôi. Hai mươi hai tuổi, và ở đây, lần đầu tiên trong cuộc sống tương đối có điều kiện của mình, tôi đã mặt đối mặt với thực tế trần trụi về sống và chết. Tôi nhận ra sự tương đồng của mình với tất cả những người sống và chết. Lúc đầu, nó thật đáng sợ, nhưng cũng đầy kinh ngạc. Tôi đơn giản sợ hãi – về điều gì, tôi không nói chính xác được. Có thể, về sự ám ảnh của cái chết, về sự hư hoại, tiêm nhiễm cái chết, về việc đối mặt với thực tế rằng mình sẽ chết, hoặc có lẽ về hồn ma. Nó hầu như là một nồi sợ hãi không hình thù, không nói ra được. Nhưng chẳng mấy chốc, nó trở thành thực hành thiền hàng ngày mỗi tối của tôi, một nghi thức thiêng liêng tại Benares lúc hoàng hôn mà tôi có thể tham dự. Nó trở thành một phần hành trì của tôi, không khác lắm với thói quen tới các buổi trì tụng sáng và tối ở ngôi đền Ấn giáo thờ thánh Ananda Mayee, nhìn qua sông sang phần thành phố hiền hoà hơn bên kia bờ. Nỗi sợ ban đầu của tôi dần chuyển thành sự tôn kính và trân trọng dành cho bí ẩn của cuộc sống, cho sự mở ra tự nhiên của tiến trình sống và chết. Tôi thấy mình có khả năng thiền định tốt hơn, bớt phản ứng, bớt cảm xúc hơn trước cảnh ấy, mà với cái nhìn ban đầu có vẻ rùng rợn.

Đến thời điểm sẵn sàng trở lại tu viện ở Darjeeling vào mùa xuân năm ấy, thái độ của tôi đã thay đổi. Tôi thường ngồi với những người than khóc lẻ tẻ cuối cũng, những giáo sĩ Brahman, những người hành khất, một lúc lâu sau khi ánh hoàng hôn cuối cùng đã tan, than hồng của giàn thiêu đã bắt đầu tắt dần: lúc ấy đã vào đêm, trăng đã lên cao trên sông Hằng. Tôi nghĩ, trải nghiệm này giúp tôi hiểu rõ hơn điều Đức Phật nói: “Cái chết là đạo sư của ta; cái chết là vị thầy vĩ đại của ta, Cái chết, vô thường dẫn dắt ta tìm sự an bình bất diệt vượt trên cạm bẫy sinh tử. Quán chiếu về cái chết, về sự chết của chính mình là hành thiền tối hậu”.

Mục đích của kiểu hành trì này là trở nên dũng cảm và cân bằng đến mức những hoàn cảnh khó khăn nhất sẽ cho thấy chúng là các cơ hội cho sự trưởng thành tâm linh và hiểu biết cuộc sống sâu xa hơn – điều mà tôi gọi là “sự giáo dục nâng cao chân thật”. Là Phật tử, ta không nhìn nhận điều này dưới bất kỳ góc độ nào như là không lành mạnh hay tiêu cực. Đây không phải là tìm kiếm cái chết, mà là nắm lấy những cơ hội mà cuộc sống quý giá của chúng ta đưa lại ngay trong những thời khắc tối tăm, đáng sợ nhất. Nó đào sâu, mở rộng trí tuệ tâm linh của chúng ta. Đây là cách ta đến gần hơn sự không sợ hãi và sức mạnh tâm linh.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÁI SINH – LỜI NGỎ TỪ CÕI TÂM LINH
  2. CÁI GÌ LÀ ĐƯỜNG PHÂN CHIA GIỮA SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN
  3. NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA SANH TỬ – KHO TÀNG TÂM CỦA CÁC BẬC GIÁC NGỘ

Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG