KIM DUNG - DAISAKU IKEDA
Trích: Tìm Kiếm Một Thế Kỷ Xán Lạn-(Đối thoại của Kim Dung và Ikeda); Người dịch : Lê Khánh Trường, NXB Hội Nhà Văn, 2004.
? Ikeda: Từ nay trở đi, thế giới này sẽ ngày càng trở nên nhỏ hẹp, diễn biến theo chiều hướng nhất thể hóa. Tiêu điểm của một thế giới nhất thể hóa là “con người”.
Tứ chi phát triển, thân tâm tráng kiện, tầm nhìn phóng khoáng, Làm người phải như thế! Không thế thì chẳng thể tiếp tục bồi dưỡng được “ con người quốc tế”, “ con người thế giới”; chẳng thể khai phá tương lai. Làm thế nào có được con người như vậy, đó là vấn đề chúng ta cần suy xét cẩn thận.
? Kim Dung: Tôi tán thành quan điểm của tiên sinh.
? Ikeda: Khi tôi đến thăm Hồng Công, cái đô thị quốc tế này lại gợi tôi đến một ý nghĩ. Hồng Công là một đô thị quốc tế, phải nói đây là cái nôi của “ con người quốc tế”.
? Kim Dung: Hồng Công là một đô thị quốc tế, những người sống lâu dài ở đây tất nhiên sẽ bồi dưỡng được cái cảm giác quốc tế, từ nhỏ đã chu du khắp thế giới, có dịp thấy cả thế giới, tầm mắt hoàn toàn không thiển cận; có đều có khuyết điểm là không tha thiết yêu văn hóa bản quốc, truyền thống của bản quốc, thành thử không có gốc rễ sâu xa.
? Ikeda: Hồng Công trở về Tổ quốc, không nên chỉ có thay đổi quá lớn. Nếu có, thì chỉ là từ nay cái mạng của người Hồng Công được kết hợp với phái mạnh của người Trung Hoa ở đại lục.
? Kim Dung: Người Trung Hoa có truyền thống không bài ngoại, rất dễ tiếp nhận ưu điểm của văn hóa ngoại tộc. Người Hồng Công hoàn toàn không có thành kiến kỳ thị chủng tộc. Chúng tôi coi người phương Tây, người Nhật Bản, người Ấn Độ, người Pakistan, người da đen, ai ai cũng như nhau; chẳng những có thể kết bạn, mà còn có thể yêu và kết hôn với họ. Tôi có rất nhiều bạn là các “gia đình Liên Hiệp Quốc”, con gái lấy chồng nước ngoài, Con trai lấy vợ nước ngoài, một gia đình lớn vui vẻ thân ái. Ngôn ngữ, tôn giáo, tập quán sinh hoạt tuy khác nhau, nhưng lấy “ tình yêu” điều hòa, có thể chung sống rất hạnh phúc.
? Ikeda: Đúng, cần vứt bỏ mọi khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, tập quán sinh hoạt, mà hãy dùng chữ “ yêu” đối với hết thảy mọi người, đó “ đại ái”, “ bác ái”, nói khác đi, là phải có “ lòng từ bi”.
? Kim Dung: Bất kể nước lớn nước nhỏ, đương nhiên bao gồm con người, đều phải bình đẳng. Mọi người cần đối xử bình đẳng, thân ái với nhau. Đức Phật không chỉ bình đẳng với loài người, mà còn bình đẳng, đại từ đại bi với cả loài mèo, loài chó.
? Ikeda: Bình đẳng, từ bi đúng là điều kiện để làm “người quốc tế”, “người thế giới”, “con người thế kỷ 21”. Lòng từ bi càng rộng lớn, thì hòa bình càng tới gần. Trang Tử có câu “ Đại nhân vô kỷ”. Hồi trẻ tôi rất thích câu này. Tôi nghĩ, chữ “ kỷ” không phải chỉ nói đến từ dụng tư lợi. Nép mình trong cái lồng nhỏ bé thì sẽ biến thành cái tôi nhỏ bé; không tiếp nhận quan điểm giá trị khác với mình tức là mình quá nhỏ hẹp, để “kỷ” mà Trang Tử nói tới !
Người Nhật Bản vốn có” căn tính đảo quốc”, khá nhiều người không có được tấm lòng rộng mở, không dám bỏ chữ “kỷ” nhỏ bé. Có lẽ đó là số mệnh của người Nhật. Nhưng tôi vẫn thường nói với thanh niên: “ Hãy phóng tầm mắt ra thế giới!” “Hãy làm một người quốc tế đường đường chính chính!” Đó là điều kiện tuyệt đối để làm “con người thế kỷ 21”.
? Kim Dung: Nói rất hay. Trên ý nghĩa này mà nói, sự tồn tại của Hội Sáng giá và Ikeda tiên sinh là rất quan trọng đối với Nhật Bản. Nhật Bản về nhiều phương diện có thể nói là rất ưu tú, xong về phương diện cảm giác quốc tế thì chưa được nổi. Dạo trước, tôi từng trả lời câu hỏi thăm dò ý kiến của một công ty Nhật Bản. Có câu: “Vì sao hình ảnh Nhật Bản trên thế giới chưa hay?” Tôi trả lời: “Một, e rằng vì chưa nghĩ đến người khác; hai, vì chưa biết thể hiện cái mạnh của mình! Thành thử cái mạnh lại biến thành khuyết điểm,tốt nhất là hãy tìm cách thay đổi đi một chút!”
Ví dụ, một người có học vấn, năng lực cũng siêu quần, Nhưng đối nhân xử thế lại không tốt, thì sẽ bị hiểu lầm là kẻ xấu.
? Ikeda: Khi bị người ta phê bình, người Nhật Bản lẽ ra phải giải thích nhiều hơn, nhất là khi ra nước ngoài. Đằng này cứ im lặng, không nói, thì làm sao đôi bên thông cảm với nhau được.
Cho rằng “im lặng là vàng, hùng biện là bạc” là quan niệm thâm căn cố đế của người Nhật Bản; điều này trái ngược với thông lệ quốc tế. Phải hô to lên: “Hùng biện là vàng!”
? Kim Dung: Nói chung người Nhật Bản không giỏi sử dụng ngoại ngữ. Nhưng gần đây đã tiến bộ hẳn. Để làm “con người thế kỷ 21”, trước tiên tấm lòng phải phóng khoáng, không được kỳ thị đối với những người khác mình, trong quan hệ giao tiếp và thông cảm lẫn nhau, bồi dưỡng “ lòng từ bi”, đặt mình vào địa vị của đối phương, thì hi vọng sẽ có một xã hội hòa hợp, một thế giới hòa bình.
? Ikeda: Bồi dưỡng “lòng từ bi”, đặt mình vào địa vị của đối phương, vì đối phương mà hành động, đó là thực tiễn của “Bồ Tát”.
Chúng ta hi vọng Hồng Công với Nhật Bản, Trung Hoa với Nhật Bản, sau đó cả châu Á, toàn thế giới đều có cái tâm của “Bồ Tát”, thực tiễn của “Bồ Tát” mà đoàn kết dân chúng, chỉ có qua “ sự giao lưu rộng lớn của dân chúng”, mới có thể bồi dưỡng nên “người quốc tế” “người thế giới” thực sự.