ALEXANDRE JOLLIEN
CHRISTOPHE ANDRE
MATTHIEU RICARD
Trích: Bàn về cách sống, Đối thoại giữa triết gia, bác sĩ và nhà sư; Việt dịch:Thiên Nga; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà; 2018
CHRISTOPHE: Lắng nghe là một phương pháp khiêm tốn, trong đó ta để người khác lên trước mình. Những người quá ái kỷ không biết lắng nghe, và những lúc ta lo lắng, ngây ngất hay có quá nhiều mối bận tâm về mình, ta không biết lắng nghe thật sự. Dù rằng thỉnh thoảng ta cũng có làm bộ như lắng nghe!
Khi lắng nghe, ta thấy có ba cơ cấu nền tảng: tôn trọng lời người khác, thả lỏng và biết xúc động. Tôn trọng lời nói trước hết là không đánh giá cái người khác nói với ta khi ta lắng nghe họ. Mà chuyện này thì rất khó! Một cách tự động, ta có khuynh hướng đưa ra một đánh giá ta cảm kích, không cảm kích, ta đồng tình, không đồng tình, ta thấy chuyện đó đúng hay ngu ngốc. Khó mà ngăn cản cái đánh giá này nảy ra trong đầu ta, nhưng mỗi lần nhận thấy nó, ta có thể ghi nhận rồi tránh xa, để cố hết sức quay lại lắng nghe thật sự.
Động tác khác trong lắng nghe là thả lỏng, đây là cái bệnh nhân dạy tôi. Những người hết sức nhút nhát và những người quá lo âu sợ mình không ngang tầm với người đối thoại đến nỗi họ không lắng nghe được vì họ đã chuẩn bị sẵn cái để trả lời. Khi lắng nghe thật sự, ta không cần chuẩn bị câu đáp, mà chỉ thả lỏng và lắng nghe. Thỉnh thoảng ta có cảm giác đó là một vị thế hơi “nguy hiểm”, nhưng phản ứng của ta sẽ sâu sắc và phù hợp hơn nhiều khi ta bỏ cái ý soạn sẵn nó.
Cái thả lỏng này cũng là điều kiện để lắng nghe chân chính và đích thực khi mà ta sẵn lòng cảm động, xúc động, không đánh giá, không kiểm soát, không mong muốn khống chế, suy cho cùng là không có dụng ý nào.
MATTHIEU: Lắng nghe là một món quà ta tặng người khác. Để lắng nghe kỹ, ta không những phải kiên nhẫn với người khác mà còn thật lòng quan tâm đến họ. Ở Dalai Lama, phẩm tính khiến những người gặp ngài chú ý nhất, ngoài lòng nhân từ mà ngài chứng tỏ với tất cả, là cách ngài lắng nghe. Ngài hoàn toàn và tức thì có mặt với người ngài nói, lúc riêng tư cũng như trước công chúng, dầu đó là một người lạ trong sảnh sân bay.
Vì thiếu suy xét cho người khác, ta thường cho là ta biết người đối thoại muốn đi đến đâu và ta đã hiểu ngọn ngành vấn đề của họ. Với vẻ hạ cố, thỉnh thoảng ta đưa ra câu trả lời hấp tấp, chưa đủ, thường là không phù hợp. Ngay cả là ta có lời khuyên sáng suốt thì ta cũng ngăn người kia nói tất cả những gì họ có trong lòng. Thật thất vọng khi không được nói hết suy nghĩ của mình.
Rất nhiều người kêu ca là không được lắng nghe. Họ có cảm tưởng là không ai quan tâm đến họ. Các tranh luận chính trị thường là ví dụ tuyệt vời về sự dửng dưng này. Các nhân vật chủ chốt bắt đầu bằng cách ngắt lời nhau, thế rồi, khi vậy vẫn chưa đủ, tất cả cùng nói một lượt, như thể để người khác nói là dấu hiệu yếu đuối, một sự nhượng bộ không thể chấp nhận được.
Tốt hơn là để người khác nói rồi thong thả bình tĩnh chỉ cho họ thấy nếu họ mắc sai lầm. Do vậy, giai đoạn đầu lắng nghe phải là cho thấy ta thật lòng chú tâm đến người kia, rằng ta chú ý đến họ hoàn toàn. Điều đó đồng thời cũng cho họ thấy, nếu họ cần ta cho lời khuyên, ta sẽ làm hết sức để cứu vãn tình thế của họ.
Một số người gần như không biết lắng nghe người khác. Tôi còn nhớ một viên chức Bhutan mà tôi thường có công việc liên hệ. Mỗi lần tôi hỏi anh ta, anh ta không bao giờ nghe hết câu mà đã trả lời trước: “Không, không, không!” Vì vậy mới có những trao đổi khôi hài, kiểu như:
- Anh thấy sáng mai chúng ta đi được không?
- Không, không, không… Hãy sẵn sàng lúc 9 giờ!
Chính tôi cũng có khuynh hướng trả lời hơi nhanh khi thấy trước cái mọi người sẽ nói, và dẫu hóa ra là tôi đúng, đó cũng không phải là cách trò chuyện hay. Tôi thường hối hận và thấy mình cần điều chỉnh!
CHRISTOPHE: Cái anh mô tả, chúng ta ai cũng phạm phải, khi chúng ta thúc bách, gấp gáp, đôi khi còn mệt lả. Mọi người đến gặp chúng ta, họ mới mở miệng nói thì chúng ta đã hình dung trước họ sẽ dứt hết câu ra sao, họ muốn nói gì với chúng ta, và chúng ta sẽ có những câu trả lời có thể là phù hợp, nhưng chúng ta chưa thật sự lắng nghe họ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới làm phân nửa công việc, vì khi ngưới khác nói với ta, họ không chỉ cần câu trả lời, họ muốn cảm thấy sự có mặt, tình anh em, sự cảm mến.