NHỮNG THẦN LINH VÀ MA QỦY CHỈ LÀ SỰ HÓA HIỆN CỦA TÂM THỨC

DUDJOM RINPOCHE

Trích: Những Lối Vào Thực Tại Tối Hậu; Việt dịch: Nguyễn An Cư – Thiện Tri Thức 2004

Vào một dịp khác, tôi gặp đại thành tựu giả Saraha trong một thị kiến. Tôi hỏi ngài: “Thưa bậc vĩ đại của những thành tựu giả. Làm sao con có thể tịnh hóa những che chướng? Làm sao con có thể chắc chắn là có những thần linh? Làm sao con có thể giải thoát khỏi những ma quỷ và chướng ngại? Xin ngài từ bi nói cho con nghe những điều này!”.

Ngài ban cho sự trả lời sau đây: “Hỡi người đại căn, con phải chiến thắng những tỳ vết sâu kín về lợi và hại, thiện và ác. Về cái được gọi là những che chướng. Từ ngữ ‘Che chướng’ và ‘Không nhận biết tánh giác nội tại’ (Ma-rig-pa – Vô minh) ám chỉ không rõ biết bản tánh nền tảng hiện thể là tánh Không, và từ ngữ ‘Tập khí’ (Bag-chag), ám chỉ sự cố chấp của việc không rõ biết ấyNhững cái ấy không thể xóa sạch bằng những nỗ lực bình thường như những thực hành thân và ngữ. Những che chướng ấy chỉ có thể được tịnh hóa nhờ trí huệ phân biệt để đến một kết luận quyết định về thật tánh của thực tại.

Mọi đức hạnh thiện về thân và ngữ trụ ở đâu? Kho chứa nơi chúng được tích tập là ở đâu? Khi con khảo sát và phân tích nguồn gốc từ đó nó đến, nơi đó nó trụ và nơi nào nó đi đến, hãy xem xét thiện nghiệp tích tập như thế nào nếu nó không hiện hữu một cách khách quan. Bằng cách khảo sát thiện nghiệp tích tập như thế nào và ở đâu trong bản tánh trống không của tâm – ở ngoài, ở trong hay chặng giữa, ở đỉnh hay ở đáy – con sẽ xác định rằng nó không hiện hữu một cách khách quan; lúc này nó không là gì khác hơn công đức được tích góp trong vòng sanh tử.

Tương tự, khối những ác nghiệp được tích tập ở đâu? Kho chứa của chúng ở chỗ nào? Hãy khảo sát làm sao bất kỳ điều hại nào có thể tác động đến tánh Không của tâm, ở ngoài hay ở trong, trên, dưới hay khoảng giữa.

Nếu con khảo sát kỹ lưỡng dòng tâm của những người luôn luôn tận tụy làm những nghiệp thiện về thân và ngữ trong hiện tại và những người để cả cuộc đời mình dấn thân vào những ác nghiệp, con sẽ thấy rằng Không có một mảy may khác biệt nào trong tâm thức của hai loại người ấy, vẫn sự tiếp diễn của ưa và ghét, hy vọng và sợ hãi. Nếu họ đạt được giải thoát, họ đạt giải thoát bởi vì tâm họ được giải thoát; nếu họ mê lầm, họ mê lầm bởi vì tâm họ mê lầm. Nhưng tâm của cả hai loại người này chưa được giải thoát, không có mảy tóc khác nhau nào trong cái tâm sanh tử của họ. Như vậy dù có sự khác biệt tạm thời về hình thức giữa nghiệp tốt và nghiệp xấu – Chúng làm phát sanh hạnh phúc hay khổ đau tạm thời – cái nào cũng không gì khác hơn là một sự kéo dài hiện hữu sinh tử.

Nếu con không đi đến một kết luận quyết định như vậy về hạnh tốt, con sẽ lẫn lộn hai cái này –  con đường giải thoát trọn vẹn bị lầm với đức hạnh tích tập phước đức tạm thời – và như vậy con sẽ không đạt được mục đích toàn giác. Nếu con không đi đến một kết luận quyết định về hạnh xấu, con sẽ không hiểu rằng sự kiện bản tánh chân thật của con không tỏ biết chính nó đã tạo ra che chướng và căn bản của vô minh mê lầm, và như thế con sẽ không nhận ra nguyên nhân của vô minh. Bởi vì chính điều này sẽ chỉ kéo dài sự mê lầm của con đến vô tận trong vòng sanh tử, Con phải hiểu rằng điểm then chốt là đạt đến kết luận quyết định này.

Hơn nữa, khi cái được gọi là ‘những thần linh giúp đỡ và bảo vệ’ được khảo sát đến tận gốc nguồn ban đầu của họ, nơi ở và chỗ đến sau cùng của họ, con sẽ thấy họ không hiện hữu một cách khách quan ở bên ngoài. Những thần linh ấy được xem là hiện hữu ở trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, những đối tượng của giác quan nào? Nếu con nghĩ rằng họ hiện hữu cùng với một trong những nguyên tố (các đại) tạo thành thế giới như một đồ chứa đựng và các sự vật chứa trong đó, con hãy khảo sát những nguyên tố đó xuống đến cấp độ các nguyên tử và các hạt. Con cũng hãy khảo sát những sự gán tên tương ứng và cách thức hiện hữu về mặt chất thể của chính những nguyên tố đó.

Do khảo sát kỹ lưỡng những thần linh có thể làm lợi thế nào và tương tự những ma quỷ có thể làm hại thế nào, con sẽ hiểu được rằng họ không hiện hữu một cách khách quan. Mọi hạnh phúc và khổ đau là những kinh nghiệm phù du về những hiện tượng hình tướng bề ngoài biểu lộ với tâm như những giấc mộng; không có cái nào xảy ra trên cơ sở có thể định danh là ‘lợi’ hay ‘hại’ do những thần linh hay ma quỷ.

Nếu con nghĩ rằng những ma quỷ làm hại con, hãy khảo sát điều hại nào có thể được gây ra bởi cái rốt cuộc chỉ là một sự gán tên ‘ma quỷ’, bởi vì sự gán tên này không có trong một đối tượng giác quan sắc, thanh, hương, vị, xúc nào. Con sẽ không thấy cái gì hiện hữu cả, chỉ là cái trống không và không hiện hữu một cách khách quan.

Con người, dưới ảnh hưởng của mê lầm, nhìn phần thân trên và phần thân dưới là tốt và xấu. Bởi vì phần thân trên có vẻ sạch nên họ nhìn nó như là thần linh, còn phần thân dưới có vẻ không sạch họ nhìn nó như là ma quỷ.  Như vậy, hy vọng và sợ hãi xảy ra không ngừng, và do sức mạnh trói buộc của vọng tưởng về một tự ngã, những kinh nghiệm vô thường của hạnh phúc và khổ đau xảy ra không dứt. Mọi cái này không gì ngoài những kinh nghiệm phù du của vòng sanh tử, không mảy may thật có như là cái gì khác ngoài mình. Điều này có thể chứng tỏ bằng thí dụ đơn giản là một giấc mộng.

Điểm then chốt ở đây là thấu hiểu cách thế của hiện thể đúng như nó là. Điều này tạo thành phương tiện để xua tan những chướng ngại trong thiền định. Mọi chướng ngại được gây ra bởi thiếu tin chắc sẽ được xua tan; con sẽ tin chắc nhờ nghĩa của thật tánh của thực tại và sẽ hoàn thành sự tự tin kiên cố không tồn đọng chút nghi ngờ.  Thoát khỏi che chướng của việc không nhận biết tánh giác nội tại, con sẽ làm chủ trò phô diễn vĩ đại và thường trực biến đổi của tánh giác nội tại.

Đây cũng là gốc của những Pháp sâu xa Làm An Bình (Zhijed) và Cắt Xuyên Những Ma (Dudkyi Chodyu). Con chớ tìm kiếm bất cứ thần linh nào khác ngoài tánh giác nội tại tự nhận biết. Con sẽ đạt đến xác quyết rằng Không có ma quỷ nào ngoài những tư tưởng lan man. Trong mọi thực hành Sadhana và nghi thức để tránh những tai họa, sự hiểu biết này không thể thiếu. Nếu con có cái hiểu như vậy, con đích thực là một đại thiền sư của như huyễn, người chứng ngộ mọi hiện tượng đều là như huyễn.

“Hỡi đứa con trong tánh giác nội tại mà tâm đã thanh tịnh, hãy dạy điều này cho những người đáng giáo hóa, và có lẽ họ cũng sẽ trở thành những thiền giả của đường lối tâm linh vĩ đại của bí mật rốt ráo”.

Nói như thế, ngài biến mất khỏi tầm nhìn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO
  2. AI MÊ LẦM TRONG SANH TỬ?
  3. TÂM NHÂN ĐỊA LÀ TÁNH KHÔNG SANH KHÔNG DIỆT

Bài viết khác của tác giả

  1. THỂ NHẬP VÀO NHƯ HUYỄN

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ