BÊN RÌA CỦA VĨNH CỬU

CARL SAGAN

Trích: Vũ Trụ sự tiến hóa của vũ trụ, sự sống và nền văn minh – Dịch: Nguyễn Việt Long – NXB: Nhã Nam; Thế Giới.

 

Con đường đi giữa trời cao

Đêm quang rực rỡ đầy sao: Ngân hà

Chư thần tấp nập vào ra

Nhà Thiên Lôi với danh gia cung đình

Ấy là nơi ở thần linh

Ấy nơi tôi gọi Đại Kinh đô Trời

– Ovid, Metamorphones (Biến hình ca) (La Mã, thế kỉ 1)

Một số người ngu ngốc tuyên bố rằng một Đấng Tạo hóa đã làm nên thế giới. Học thuyết nào nói rằng thế giới được sáng tạo ra là không sáng suốt, nên từ bỏ nó. Nếu Thượng đế sáng tạo ra thế giới, thì Ngài ở đâu trước khi sáng thế?… Làm thế nào mà Thượng đế có thể làm ra thế giới nếu không có nguyên vật liệu? Nếu bạn bảo rằng Ngài làm ra nguyên vật liệu trước tiên, rồi mới tạo ra thế giới, thì bạn đối mặt với sự lần ngược trở lại bất tận … Hãy nhớ rằng thế gian này, cũng như thời gian, không được tạo ra, nó không có khởi đầu và kết thúc. Và nó dựa trên các nguyên lý…

Mahapurana (Thần thoại Vĩ đại), tác giả: Jinasena (Ấn Độ, thế kỷ 9)


Big Bang

Mười hay hai mươi tỷ năm trước, đã xảy ra điều gì đó – Vụ Nổ Lớn (Big Bang) – sự kiện khởi đầu của chúng ta. Vì sao nó xảy ra là bí ẩn lớn nhất mà chúng ta từng gặp. Việc nó xảy ra là khá rõ ràng. Tất cả vật chất và năng lượng bây giờ có trong vũ trụ đã tập trung với mật độ cực kỳ cao – kiểu như một quả trứng vũ trụ, gợi liên tưởng đến thần thoại sáng thế trong nhiều nền văn hóa – có lẽ tập trung vào một điểm toán học không có kích thước gì cả. Không phải là tất cả vật chất và năng lượng bị nén ép vào một góc bé tí của vũ trụ hiện nay; mà là toàn bộ vũ trụ, vật chất và năng lượng, và cả không gian mà chúng lấp đầy, chỉ chiếm một thể tích rất nhỏ. Không có nhiều khoảng không cho các biến cố xảy ra.

Trong vụ nổ phi thường ấy, vũ trụ bắt đầu giãn nở không bao giờ ngừng. Thật sai lầm khi mô tả sự giãn nở của vũ trụ như kiểu cái bong bóng phồng lên khi nhìn từ bên ngoài. Theo định nghĩa, không thể có cái gì ở bên ngoài những cái chúng ta có thể biết. Tốt hơn hết là nghĩ về nó từ bên trong, có lẽ với các đường ô lưới tưởng tượng được dán vào  từng thớ chuyển động của không gian đang giãn nở đồng đều theo mọi hướng. Khi không gian kéo căng ra, thì vật chất và năng lượng trong vũ trụ nở ra cùng với nó và nhanh chóng nguội đi. Bức xạ của quả cầu lửa vũ trụ, lúc ấy cũng như bây giờ choán đầy vũ trụ, dịch chuyển trong phổ – từ tia gamma qua tia X đến ánh sáng tử ngoại, qua các màu cầu vòng của ánh sáng nhìn thấy được, rồi chuyển sang khu vực hồng ngoại và sóng vô tuyến. Tàn dư của quả cầu lửa đó chính là bức xạ nền vũ trụ, nó phát ra từ mọi phía của bầu trời, ngày nay có thể phát hiện bằng các loại kính thiên văn vô tuyến. Trong vũ trụ thuở ban đầu, không gian sáng rực rỡ. Khi thời gian trôi đi, kết cấu không gian tiếp tục nở ra, bức xạ nguội đi, rồi trong dải ánh sáng nhìn thấy được lần đầu tiên không gian trở nên mờ tối, giống như hiện nay.

Nếu bức tranh chung của vũ trụ giãn nở và Vụ Nổ Lớn là đúng, thì chúng ta còn gặp phải những câu hỏi hóc búa hơn. Những điều kiện vào thời Vụ Nổ Lớn là như thế nào? Điều gì đã xảy ra trước đó? Từng có một vũ trụ tí hon, trống rỗng không vật chất, thế rồi vật chất bỗng nhiên được tạo ra từ hư vô. Điều đó diễn ra như thế nào? Trong nhiều nền văn hóa, người ta quen trả lời rằng Thượng đế đã tạo ra vũ trụ từ hư vô. Nhưng đó chỉ là cách trì hoãn không trả lời. Nếu chúng ta có can đảm theo đuổi câu hỏi này, thì dĩ nhiên chúng ta lại phải hỏi Thượng đế từ đâu ra. Nếu chúng ta có ý quyết cho rằng câu hỏi này không thể giải đáp được, thì tại sao không loại bớt đi một bước mà nói luôn rằng nguồn gốc vũ trụ là không thể giải đáp? Hoặc, nếu chúng ta bảo rằng Thượng đế luôn luôn tồn tại thì tại sao không loại bớt đi một bước mà kết luận rằng vũ trụ luôn luôn tồn tại?

Mọi nền văn hóa đều có huyền thoại về thế giới trước khi sáng thế, về sự sáng tạo ra thế giới, thường do các thần thánh ái ân với nhau hoặc được nở ra từ quả trứng vũ trụ. Thông thường, vũ trụ được hình dung một cách ngây thơ theo hình ảnh của con người và các loài vật. Lấy ví dụ từ năm đoạn trích ngắn từ các huyền thoại như thế, với mức độ tinh vi khác nhau, từ khu vực quanh Thái Bình Dương:

Vào cái thuở đầy tiên ấy mọi vật đều ở yên trong bóng đêm vĩnh cửu: đêm đen đè nén mọi vật giống như một bụi cây rậm không gì lọt qua được.

– Huyền thoại về Người Cha Vĩ đại

của người Aranda ở miền Trung Australia

Mọi vật đang chờ đợi, mọi vật yên tĩnh, mọi vật câm lặng; mọi vật im lìm bất động; còn thinh không thì trống rỗng.

-Popol Vuh của người Maya Quiché

Na Arean ngồi một mình trong không gian như đám mây trôi nổi trong hư vô. Chàng không ngủ, vì ở đó chưa có giấc ngủ; chàng không đói, vì chưa có cái đói. Chàng cứ ngồi đó rất lâu, cho đến khi một ý nghĩ lóe lên trong đầu: “Ta sẽ làm ra một vật”.

– Một huyền thoại ở đảo Maiana,

quần đảo Gilbert

Ban đầu vũ trụ là một quả trứng lớn. Bên trong trứng hỗn độn, bồng bềnh trong cái hỗn độn ấy là Bàn Cổ, cái thai thần thánh. Thế rồi Bàn Cổ nở ra từ trứng, to gấp bốn lần con người ngày nay, tay cầm búa và đục để khai thiên lập địa.

– Huyền thoại Bàn Cổ, Trung Quốc

(khoảng thế kỷ ba)

Khi trời đất chưa hình thành, tất cả mờ mờ ảo ảo, mịt mịt mùng mùng… Khí trong và nhẹ, bay lên tạo ra trời; khí nặng và đục, ngưng xuống hóa thành đất. Khí trong-nhẹ hội hợp dễ dàng, khí nặng-đục ngưng kết chật vật, vậy nên trời có trước mà đất có sau vậy… Trời đất quán thông, sơ khai hỗn độn, sự vật chưa được tạo ra nhưng bắt đầu hình thành, ấy gọi là Thái Nhất. Vạn vật đều sinh ra từ Thái Nhất, nhưng mỗi vật mỗi khác vậy.

– Hoài Nam Tử, Trung Quốc

(khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên)

Khen cho sự táo bạo của loài người trong những huyền thoại này. Sự khác nhau chủ yếu giữa những huyền thoại ấy và huyền thoại của khoa học hiện đại về Vụ Nổ Lớn là ở chỗ khoa học biết tự vấn, và chúng ta có thể thực hiện các thí nghiệm và quan sát để kiểm nghiệm các ý tưởng của chúng ta. Nhưng những câu chuyện sáng thế kia cũng đáng được chúng ta tôn trọng sâu sắc.

Nền văn hóa nào cũng thích thú với việc tồn tại những chu kỳ trong tự nhiên. Nhưng người xưa từng nghĩ làm sao có được những chu kỳ ấy nếu không có ý thần ý thánh? Và nếu trong những năm tháng đời người đã có những chu kỳ thì lẽ nào trong liên đại của các thần không có những chu kỳ? Đạo Hindu là tín ngưỡng duy nhất trong những tín ngưỡng lớn của thế giới hết lòng với ý tưởng rằng Vũ trụ trãi qua rất nhiều, thậm chí vô số, cái chết và sự tái sinh. Đấy là tôn giáo duy nhất có thang thời gian tương ứng với thang thời gian của vũ trụ học mang tính khoa học hiện đại, tuy chắc chắn đó là chỉ là sự ngẫu nhiên. Thang thời gian của đạo Hindu rải từ ngày đêm bình thường của chúng ta tới ngày đêm của thần Brahma, dài 8,64 tỷ năm, dài hơn tuổi của Trái đất hay Mặt trời và bằng một nửa quãng thời gian tính từ Vụ Nổ Lớn. Và có những thang thời gian còn dài hơn nhiều.

Có một quan niệm sâu sắc và hấp dẫn rằng vũ trụ chỉ là giấc chiêm bao của thượng đế, và sau một trăm năm Brahma, thượng đế hòa tan mình vào giấc ngủ không có cơn mưa. Vũ trụ hòa tan cùng với ngài-cho đến khi, sau một thế kỷ Brahma nữa, thượng đế cựa mình, trấn tĩnh lại và lại bắt đầu giấc mộng vĩ đại mới về vũ trụ. Trong khi đó ở những nơi khác, lại có cơ man những vũ trụ khác, mỗi vũ trụ có một thượng đế riêng đang mơ cơn mơ vũ trụ. Những ý tưởng vĩ đại này được tôi luyện bởi một ý tưởng khác, có lẽ còn vĩ đại hơn nữa. Người ta nói rằng  có thể không phải con người là những cơn mưa của các thượng đế, mà chính các thượng đế là những cơn mưa của con người.

Ở Ấn Độ có nhiều vị thần, mỗi vị thần có nhiều dạng biểu hiện. Những bức tượng đồng thời Chola, được đúc vào thế kỷ mười một, bao gồm vài hóa thân khác nhau của thần Shiva. Bức tượng duyên dáng và tinh tế nhất tròn số đó thể hiện sự sáng tạo vũ trụ vào đầu mỗi chu kỳ vũ trụ, một mô típ được biết đến với tên gọi điệu nhảy vũ trụ của thần Shiva. Vị thần trong hiện thân này có tên là Nataraja, Vua Nhảy múa, và có bốn tay. Ở tay phải phía trên là một cái trống mà âm thanh tượng trưng cho âm thanh sáng thế. Ở tay trái phía trên là một lưỡi lửa, một sự nhắc nhở rằng vũ trụ ấy, giờ tuy mới hình thành, sau đây hàng tỷ năm nữa tất sẽ bị phá hủy.

Những hình tượng sâu sắc và đáng yêu này khiến tôi cứ muốn hình dung đấy là dự cảm của những ý tưởng thiên văn hiện đại. Rất có khả năng là vũ trụ đã giãn nở từ Vụ Nổ Lớn, nhưng điều đó không có nghĩa chắc chắn rằng nó sẽ giãn nở mãi mãi. Sự giãn nở có thể chậm dần lại cho đến khi ngừng hẳn và đảo chiều, tức là co lại. Nếu vật chất trong vũ trụ ít hơn một lượng tới hạn nào đó, thì lực hấp dẫn của các thiên hà đang rời xa nhau sẽ không đủ để làm dừng sự giãn nở, và thế là vũ trụ sẽ nở bung ra mãi mãi. Nhưng nếu lượng vật chất nhiều hơn hẳn những gì chúng ta biết được – chẳng hạn, ẩn giấu trong các lỗ đen, hay trong khí nóng nhưng vô hình ở giữa các thiên hà –  thì khi ấy vũ trụ sẽ bị lực hấp dẫn giữ lại và đấy sẽ là các chu kỳ kế tiếp nhau theo kiểu người Ấn Độ đã hình dung, hết nở ra lại co lại, hết vũ trụ này đến vũ trụ khác, Vũ trụ không có kết thúc. Nếu chúng ta sống trong vũ trụ dao động phập phồng như thế, thì Vụ Nổ Lớn không phải là sự khởi tạo của Vũ trụ, mà chỉ là sự chấm dứt của chu kì trước, sự phá hủy kiếp trước của Vũ trụ.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG BẾN BỜ CỦA ĐẠI DƯƠNG VŨ TRỤ
  2. VŨ TRỤ
  3. BIG BANG VÀ VŨ TRỤ VÔ CĂN CỦA PHẬT GIÁO

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG BẾN BỜ CỦA ĐẠI DƯƠNG VŨ TRỤ

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ