THỰC TẠI LÀ CÁI ĐANG LÀ

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Bút Hoa; Krishnamurti/ Ẩn Hạc chuyển ngữ; NXB Thiện Tri Thức
KRISHNAMURTI– NHẬT KÝ (Viết Năm 1961-1962, Xuất Bản Lần Đầu Dưới Dạng Sách Vào Năm 1976)
Jiddu Krishnamurti (12/5/1895–17/2/1986)

Jiddu Krishnamurti (12/5/1895–17/2/1986)

Có tương lai hay không? Vì có ngày mai cho nên ngày mai đã được tổ chức với những việc cần phải làm xong; sau ngày mai cũng vậy, biết bao bổn phận cần đến, rồi tuần tới, năm tới. Mọi sự này không thể thay đổi được, không thể sửa đổi chút nào đừng nói chi hoàn toàn thay đổi, nhưng những ngày hôm sau vẫn có, ta không thể chối bỏ được. Có khoảng không gian từ chỗ này đến chỗ kia, gần hoặc xa; khoảng cách tính bằng cây số; khoảng không giữa hai thực thể; khoảng đường do tư tưởng vận hành trong một chốc lát; bờ sông bên kia và mặt trăng tận đằng xa. Thời gian để đi hết khoảng không, khoảng đường, thời gian để băng ngang con sông; từ đây đến kia đều cần có thời gian, có lẽ một phút, một ngày, một năm. Thời gian này, do giờ giấc và mặt trời ấn định, là một phương tiện để đạt tới. Điều này thật là dễ hiểu và rõ ràng. Có chăng một tương lai độc lập với thời gian niên đại, cơ học? Có chăng một kết quả, một mục tiêu tối hậu trong đó cần đến thời gian?
Những chú bồ câu sáng nay đã đậu trên mái nhà thật sớm; chúng gù lên, rỉa lông, quay vòng xe và đuổi bắt nhau. Vầng thái dương vẫn chưa lên, và cụm mây nhẹ mỏng rải rác trên nền trời, chưa nhuốm màu sắc nào, tiếng ồn náo của xe cộ cũng chưa nổi dậy. Còn một thời gian khá lâu nữa những tiếng động quen thuộc mới vang lên; ẩn sau bên kia các bức tường là vườn tược. Chiều hôm qua đã cấm không cho ai bước lên thảm cỏ, đương nhiên là trừ mấy chú bồ câu và vài cô chim sẻ, cỏ thì xanh mướt, xanh một cách lạ lùng, bông hoa thì ngời sáng. Khắp nơi chỗ nào cũng vậy, con người với những sinh hoạt, công việc không bao giờ kết thúc. Và ngọn tháp, rất ư kiên cố đã được lắp ghép thật tinh xảo, mọi thứ này sẽ sớm bị ánh sáng tràn ngập. Cỏ chóng úa, hoa chóng tàn, mùa thu có mặt khắp nơi. Nhưng trước khi đàn bồ câu đáp xuống sân thượng rất lâu, thiền định là hỷ lạc. Trạng thái siêu xuất này không có lý do – hỷ lạc có lý do thì không còn hỷ lạc nữa – hỷ lạc ở đó thật là đơn giản, và tư tưởng không thể sử dụng để tạo thành kỷ niệm; hỷ lạc quá mạnh mẽ và quá sinh động đến nỗi tư tưởng không thể làm trò với nó được. Tư tưởng và cảm thức cũng trở nên yên tĩnh và lặng lẽ. Trạng thái siêu xuất đến từng đợt liên tiếp, thật là sinh động mà không một thứ gì có thể kiềm giữ, với hỷ lạc là phép lành. Mọi việc này vượt quá tầm mọi tư tưởng, mọi yêu cầu. Có sự thành đạt nào không? Có thành đạt tức có đau khổ, có bóng tối của sợ hãi. Có sự thành đạt nội tâm, một mục tiêu để tiến đến, một cái gì cần phải sở đắc chăng? Tư tưởng đã ấn định một mục tiêu, Thượng Đế, hạnh phúc, thành tựu, đức hạnh v.v… Nhưng tư tưởng chỉ là phản ứng, sự đáp trả của ký ức, và tư tưởng dẫn đến thời gian để bao trùm không gian giữa cái đang là và cái phải là, có nghĩa là lý tưởng tức ngôn từ, lý thuyết, và phi thực. Thực tại thì không có thời gian; không có mục tiêu để nhắm đến, không có đoạn đường để vượt qua. Thực tại là cái đang là, và cái khác không phải là cái đang là. Không có thực tại nếu không để chết đi lý tưởng, sự thành tựu, mục đích; lý tưởng, mục tiêu, đều là trốn chạy trước thực tại. Thực tại thì vượt ngoài thời gian, không gian. Vậy thì có sự chết hay không? Có hiện tượng suy thoái; cơ chế của thân thể thoái hóa và suy mòn, đó là chết. Nhưng điều này không thể tránh né được, như sự mài mòn cây viết chì này. Đây có phải là nguyên nhân của sợ hãi? Hoặc sợ hãi nằm trong cái chết của thế giới của sự trở thành, của cái được, cái thành? Thế giới này không có giá trị thực sự; đây là thế giới của hư giả, của đào thoát. Thực tại tức cái đang là, và cái phải là là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Cái phải là hàm ý thời gian và không gian, đau khổ và sợ hãi. Những thứ sau này chết đi chỉ để lại thực tại, tức cái đang là. Và thực tại thì không có tương lai; tư tưởng vì dẫn đến thời gian, nên không tác dụng đến thực tại được; vì không có năng lực để thay đổi thực tại, nên tư tưởng chỉ có đào thoát khỏi thực tại. Khi đòi hỏi đào thoát này chết đi, thực tại sẽ chịu một chuyển hóa dị thường. Nhưng phải để cho chết đi hết mọi tư tưởng, tức là thời gian. Khi thời gian dưới dạng thức là tư tưởng không có nữa, thì thực tại, tức cái đang là có hiện hữu hay không? Khi thời gian, tư tưởng được buông bỏ, thì không còn vận hành theo bất cứ khuynh hướng nào, không còn khoảng không phải bao trùm, mà chỉ có cái lặng lẽ của cái không. Đó chính là sự đoạn diệt tuyệt đối thời gian của ngày hôm qua, ngày hôm nay, ngày mai, thời gian theo nghĩa ký ức của sự tương tục, của sự trở thành.
Sống thì vượt ngoài thời gian, sống là hiện tiền sinh động, nhưng hiện tiền này không lệ thuộc vào thời gian. Sống là chú tâm, không nằm trong biên cương của tư tưởng, trong giới hạn của cảm thức. Từ ngữ dùng để thông tin và, cũng như hình tượng, ngay chính chúng không có một ý nghĩa nào. Cuộc đời luôn luôn là hiện tiền sinh động, thời gian luôn luôn thuộc vào quá khứ, và vì thế vào tương lai. Để cho thời gian chết đi tức là sống trong hiện tiền. Chính lối sống này là bất tử chớ không phải cách sống trong ý thức. Thời gian là tư tưởng trong tâm thức, tâm thức thì bị đóng khung. Mạng lưới của tư tưởng, của cảm thức, luôn luôn hằn dấu sợ hãi, đau khổ. Đau khổ sẽ chấm dứt khi thời gian chấm dứt.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÁI KẾT NỐI VỚI CON NGƯỜI THẬT CỦA BẠN
  2. CHẤM DỨT NỖI SỢ HÃI
  3. KINH NGHIỆM TRỰC TIẾP VỀ THỰC TẠI

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH