KHUYẾT ĐIỂM TRONG THAM THIỀN KHÔNG ĐÚNG

KHENCHEN THRANGU RINPOCHE

Trích: Những Điểm Thiết Yếu Của Đại Ấn Nhìn Thẳng Tâm; NXB Thiện Tri Thức.

NHỮNG LỖI LẦM DO THIẾU THIỀN QUÁN

Thiền chỉ của chúng ta có thể tiến hành cực kỳ tốt – thậm chí đến điểm hoàn thành phần nào thiên nhãn, nhưng nếu không thực hiện trọn vẹn thiền quán, thật tánh của tánh Không của tự ngã và của những hiện tượng, chúng ta sẽ không hoàn thành thiền quán. Trong đoạn này chúng ta sẽ bàn luận những lỗi lầm hay khuyết điểm sanh khởi từ không hoàn thành thiền quán đích thật. . .

[238] Tham thiền của một số học trò có thể lỏng lẻo, bởi vì họ không thấm nhập đầy đủ những chỉ dạy của thầy, họ không thể nhận biết những lỗi lầm trong tham thiền của họ. Dù họ có một thoáng thấy nào đó về đại ấn, họ không chắc chắn, và bắt đầu đánh mất nội quán đã có. Dần dần chánh niệm và cảnh giác của họ trở nên lỏng lẻo, và họ nghĩ kinh nghiệm tham thiền họ có là tham thiền đích thực, trong khi thật ra họ đang lang thang vào một ngõ hẻm mờ tối và lạc lối.

Lỗi lầm khác là cho phép sự nặng nề tối tăm của tâm sanh khởi và tăng trưởng. Dần dần những đối tượng thường xuất hiện với những thức giác quan trở nên mơ hồ không rõ ràng. Mắt không thấy sắc, tai không nghe âm thanh một cách thích đáng. Cuối cùng họ không thấy sắc hay nghe thanh chút nào. Các thức trở nên không rõ ràng và ngừng hoạt động. Dầu không đi đến mức cực độ này, nếu mất chánh niệm, một học trò sẽ cho phép tâm mất quang minh và sự sắc bén của nó, người ấy không tham thiền một cách thích đáng.

Lỗi lầm thứ ba xảy ra khi có sáng tỏ đích thực cho tâm, nhưng những phẩm tính chánh niệm cảnh giác không duy trì thích đáng được. Có một sự sống động, nhưng sự tỉnh giác của tâm về chính nó thì thiếu. Trong trường hợp này, tham thiền không tốt cũng không xấu – nó rơi vào một khoảng giữa, trung tính, vô ký, không ích lợi cũng không có hại đặc biệt.

Những lỗi lầm trở nên càng lúc càng vi tế hơn. Một lỗi lầm nữa là nghĩ rằng tham thiền về đại ấn chỉ đơn giản là một trạng thái trong đó vắng mặt tư tưởng. Thiền giả có thể khám phá không gian trung gian giữa sự tiêu tan của một tư tưởng và sự sanh khởi của một tư tưởng mới và nghĩ rằng an trụ trong không gian này là tham thiền đại ấn. Trong trạng thái ấy không có tỉnh giác về cái gì cả và không phẩm tính thực của chánh niệm hay hiểu biết. Đó không phải là tham thiền đích thực. Tính chất thiết yếu của thiền quán là trong sáng, xác quyết, hiểu biết nào đó về cách hiện hữu thực của tâm. Nếu hiểu biết xác thực ấy mà thiếu, thì thiền quán cũng thiếu như vậy. Trong thiền quán chúng ta biết rằng tâm là trống không và tánh Không ấy không phải là một cái không không có sự sống. Chính một tánh Không trong đó thích hợp để biết, thấy, tri giác và cảm nhận. Nếu chúng ta chưa khám phá tánh Không ấy, chúng ta chưa tìm thấy thiền quán đại ấn.

[240] Bản văn diễn tả ba loại kinh nghiệm tạm thời có thể khiến thiền giả nghĩ, “tôi đã khám phá điều gì thực sự đáng kể và sâu xa. Đây là tham thiền đích thực”, và giải thích tại sao những kinh nghiệm này không phải là thiền quán đại ấn thật sự. Thứ nhất có kinh nghiệm tạm thời trong đó tâm có một cảm giác rất mạnh về lạc và an trụ trong trạng thái lạc ấy. Thứ hai, có kinh nghiệm tạm thời về tánh Không, thiền giả có thể thoát khỏi tư tưởng quá khứ, hiện tại, tương lai và an trụ trong sự không có tư tưởng ấy. Thứ ba, có kinh nghiệm tạm thời về sự xuất hiện quang minh, trong đó tâm có vẻ sở hữu đầy đủ những khả năng phi thường của nó đến độ thiền giả nghĩ, “tôi có thể thấy mọi sự bây giờ. Tôi có thể thấy những thứ ở xa. Tôi có thể thấy bên trong đầy đủ và rõ ràng. Mọi sự giờ đây trong sáng sống động với tâm tôi.” Chúng ta có thể có những kinh nghiệm ấy hoặc riêng hoặc phối hợp với nhau. Chúng rất hấp dẫn, nhưng điều cốt yếu thì thiếu. Cái thiếu là hiểu biết xác quyết về cách thế hiện hữu thực sự của tâm, nó là tính chất căn bản của thiền quán. Ở Tây Tạng hiểu biết xác quyết này được nói là “tâm đã nhìn thấy mặt của chính nó”, hay “tâm đã cắt gốc rễ của chính nó.”

NHỮNG LỖI LẦM DO THIẾU THIỀN CHỈ

Tham thiền của chúng ta có thể đến mức độ thiền quán nào đó nhưng thiếu thiền chỉ. Khi như vậy, thiền quán không trở nên rất mạnh. Trong thiền chỉ, những tư tưởng của chúng ta được bình lặng ngay tức thì, và tâm ở yên bằng phẳng và bình an. Không có loại thiện xảo tham thiền này, những tư tưởng sanh khởi sẽ có vẻ là những chướng ngại – thậm chí những tư tưởng rất vi tế cũng có vẻ làm đứt đoạn và đe dọa tham thiền. Bây giờ rất khó tham thiền dù một thời gian ngắn. Người mới bắt đầu sẽ kinh nghiệm về loại rắc rối này của tâm và sẽ không thể an trụ dễ dàng. Thế nên tu hành thiền chỉ để nâng cấp sự vững chắc của tâm là điều quan trọng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN ĐỊNH VỀ SỰ BẤT NHỊ GIỮA TA VÀ NGƯỜI
  2. THIỀN QUÁN ĐẠI ẤN

Bài viết khác của tác giả

  1. HỒI HƯỚNG ĐỂ TRAU DỒI THÁI ĐỘ VỊ THA
  2. TƯ TƯỞNG ĐỒNG KHỞI
  3. NHỮNG PHẨM TÍNH CẦN CHO GIẢI THOÁT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP