THIỀN VỀ TÌNH THƯƠNG YÊU THA NHÂN

MATTHIEU RICARD

Trích: Thực Hành Thiền Định/ Mathieu Ricard; Lê Việt Liên dịch; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2020

 

 

Ở những mức độ khác nhau, ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về tình thương yêu tha nhân, về lòng nhân từ rộng lớn và về sự cảm thông mãnh liệt đối với những người đang chịu khổ đau. Một số người, về bản chất, có lòng vị tha hơn những người khác, đôi khi tới mức trở thành những tấm gương cao cả. Một số khác sống thu mình lại, khó có thể coi hạnh phúc của người khác là mục đích cơ bản của đời mình và càng không thể đặt nó lên trên quyền lợi cá nhân của mình. Tuy nhiên, vun bồi tính vị tha là điều cốt lõi, bởi lẽ không những nó giúp người khác được lợi lạc, mà còn là sự thể hiện một cách mãn nguyện nhất bản thân mình. Coi trọng thái quá “cái tôi”, trên thực tế, chỉ làm nảy sinh ra khổ đau.

 

Nhìn chung, ngay cả nếu những ý nghĩ vị tha khởi lên trong tâm thức chúng ta, chúng cũng  nhanh chóng bị thay thế bởi những ý nghĩ khác không thanh cao bằng, như tính nóng giận hoặc lòng ghen tỵ chẳng hạn. Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải dành thời gian để nuôi dưỡng lòng vị tha, nếu chúng ta muốn nó ngự trị trong tâm thức mình, bởi vì ở đây cũng vậy, chỉ mong muốn thôi thì chưa đủ.

 

Như chúng ta đã thấy, thiền tức là làm quen với một cách sống mới. Vậy chúng ta sẽ thiền về lòng vị tha như thế nào? Trước hết, cần ý thức được rằng trong thâm tâm, ai cũng khiếp sợ khổ đau và đều khát khao hạnh phúc. Một khi đã nhận ra khát vọng này, cần tiếp tục ý thức rằng ai cũng đồng tình như vậy. Và quyền không phải chịu khổ đau – rất hay bị vi phạm – chắc chắn là quyền cơ bản nhất của các chúng sinh. Cuối cùng, cần ý thức được rằng có một phương thuốc chữa được sự đau khổ đó. Có thể cảm nhận một cách lạc quan những đau đớn về thể xác – ai trong chúng ta cũng tất yếu gặp phải – sao cho những đau đớn kia gây ít khổ hơn về tinh thần. Những đau khổ tinh thần rồi cũng dần dần bị loại trừ.

 

Đáng tiếc là khi lựa chọn cách thức để xây dựng hạnh phúc và phòng tránh khổ đau, dù không bị lạc lối hoàn toàn, người ta thường hay mắc phải sai sót. Một số người chìm đắm trong những hành vi lệch lạc và mù quáng, tìm hạnh phúc của mình trên đau khổ của những người khác bằng mọi giá. Thật phi lý khi từ chỗ hiểu sai về lòng vị tha, người ta lại mong cho một kẻ độc tài khát máu thành đạt trong những hành vi vô nhân đạo. Ngược lại, chắc chắn chúng ta có thể mong muốn rằng kẻ độc tài kia được giải thoát khỏi trạng thái thù hận đã kích động hắn làm hại người khác, và do đó, làm cho chính hắn trở nên bất hạnh. Làm như thế mới là một lòng vị tha được hiểu đúng đắn, bởi vì ước muốn trên thực sự nhằm đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Hãy chân thành thể hiện mong muốn sao cho mọi chúng sinh đều thoát khỏi những nguyên nhân gây ra đau khổ. Vì mục đích ấy, các kinh sách Phật giáo khuyên người ta nên vun bồi bốn ý niệm và làm cho chúng tăng trưởng không ngừng. Đó là Từ, Bi, Hỉ và Xả (Tứ vô lượng tâm): tình thương, lòng cảm thông, niềm vui khi người khác hạnh phúc và tính không thiên vị (vô tư).

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC HÀNH THIỀN NHƯ THẾ NÀO?
  2. THỰC HÀNH THIỆN HẠNH
  3. BÀN VỀ LÒNG VỊ THA

Bài viết khác của tác giả

  1. CHÚ Ý, CHIÊM NGHIỆM VÀ HIỆN DIỆN CỞI MỞ
  2. BỊ LÔI CUỐN BỞI DÒNG THỜI GIAN
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ