VƯỢT QUA CÁC CHƯỚNG NGẠI

MATTHIEU RICARD

Trích: Thực Hành Thiền Định; Việt dịch: Lê Việt Liên; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2020

Mọi rèn luyện đều đòi hỏi nỗ lực và mọi thay đổi đương nhiên đều gặp phải chống đối. Trong việc luyện tâm và thiền, rất nhiều trở ngại có thể cản bước tiến của chúng ta. Những chỉ dẫn truyền thống trong thiền xếp vào số những trở ngại đó sự lười biếng, hôn trầm và trạng thái ngược lại (loạn động, lơ đãng), cũng như thiếu kiên trì và trạng thái đối lập (cố gắng quá sức). 

Lười biếng có thể nằm dưới nhiều dạng khác nhau, cũng gần như uể oải và thiếu động cơ. Thông thường, lười biếng là khiếm khuyết của những ai không chịu cố gắng một chút nào. Thuốc đối trị của bệnh này là nhớ tới giá trị của cuộc sống và của từng thời khắc trôi qua, và suy ngẫm về những lợi lạc của sự chuyển hóa bên trong. Những suy ngẫm ấy giúp ta tăng thêm cảm hứng và hăng hái. 

Một hình thức lười biếng khác là nghĩ rằng: “Điều ấy không phải để cho mình. Nó vượt quá khả năng của mình. Thà đừng lao đầu vào còn hơn” Tóm lại là khước từ cuộc chạy trước cả khi xuất phát. Để vượt qua trở ngại này, chúng ta hãy đánh giá đúng giá trị của tiềm năng chuyển hóa nằm ngay trong ta và định ra mục đích của cuộc đời theo một cách nhìn rộng rãi hơn. 

Hình thức lười biếng thứ ba là không quan tâm thực hiện ngay điều mình biết là quan trọng nhất, và lẽ ra phải làm điều đó thì lại phung phí thời gian vào những hoạt động chẳng ra đâu vào đâu. Để tránh rơi vào tình trạng này, chúng ta phải xác định một trật tự ưu tiên trong những mối quan tâm của mình, và hãy nhớ rằng thời gian của chúng ta là có hạn, trong khi những hoạt động tầm thường thì nhiều vô kể, hệt như những đợt sóng trên mặt đại dương. 

Phân tán là sự gây nhiễu chung trong thiền. Có người hành thiền nào mà không phải là nạn nhân của nó? Đó là điều hoàn toàn bình thường, bởi vì khi bắt đầu thực hành thiền, tâm trí của ta đang ở trạng thái vô kỷ luật và loạn động; đương nhiên, chúng ta không thể hi vọng rằng tâm trí ấy sẽ lắng yên ngay lập tức được. Mục đích của thiền chính là làm cho tâm trí trở nên mềm dẻo và dễ uốn nắn, tập trung hay thư giãn theo ý mình và nhất là giải phóng nó ra khỏi tác động của những đau khổ tinh thần và khỏi sự lẫn lộn. Để chống lại những tình trạng này, cần phải vun bồi sự cảnh giác và liên tục đưa tâm trở lại với đối tượng thiền quán mỗi khi nhận ra nó đã bị phân tán. Chúng ta nên nhớ tới lý do khiến ta hành thiền. Mục đích của chúng ta không phải để mất thì giờ trong những suy nghĩ miên man, mà dùng thời gian một cách tốt nhất để xây dựng được những điều kiện của chân hạnh phúc cho mình và cho người. 

Hôn trầm và loạn động cũng là hai trở ngại lớn, làm thiền bị gián đoạn. Buồn ngủ khiến tâm mờ tối, còn loạn động thì làm cho tâm không yên được. Hôn trầm có thể đi từ chỗ tâm trí nặng nề đến buồn ngủ thông qua các giai đoạn như: uể oải, chán chường, nửa tỉnh nửa mê, hoặc bất kì một tâm thái mơ hồ và mờ mịt nào. 

Thiếu minh mẫn là một cản trở quan trọng, quan trọng cũng như người ta mong muốn dùng sự tập trung để hiểu rõ hơn bản chất của tâm thức. Thiền sư đương đại Bokar Rinpoché đã giải thích rằng: “Khi ngắm biển giữa ban ngày, chúng ta nhìn thấy những viên sỏi và rong biển ở dưới đáy qua làn nước trong veo. Thiền cũng phải mang phẩm chất trong sáng như thế, cho phép ta ý thức trọn vẹn về tình trạng của tâm mình. Trái lại, về đêm, mặt biển là một khối đen và dày đặc, ta không nhìn thấy được, cũng như tâm thức nặng nề và tối tăm trên thực tế sẽ cản trở việc hành thiền, dù bề ngoài nom có vẻ như bình yên”. 

Để khắc phục tình trạng này, nên ngồi lại cho thẳng lưng và khỏe khoắn, mắt nhìn hướng ra trong khoảng không trước mặt và bỏ bớt quần áo nếu như mặc quá nhiều. Cần tăng cường sự tập trung và chú trọng vào trạng thái tỉnh giác trọn vẹn vào thời điểm hiện tại. 

Loạn động là một hình thức phân tán cực kỳ linh hoạt, trong đó tâm thức liên tiếp nảy sinh ra những ý niệm do phản xạ của thói quen và tưởng tượng gây ra. Trạng thái loạn động ghê gớm này không ngừng cuốn chúng ta đi xa khỏi đối tượng thiền định. Chúng ta đang ngồi yên đó, nhưng tâm trí thì lại đang đi vòng quanh thế giới. Trong trường hợp đó, hãy thả lỏng tư thế ngồi, mắt nhìn thấp xuống, và chấn chỉnh lại các giác quan bằng cách nhớ lại vì sao chúng ta ngồi đó và mục đích chúng ta nỗ lực là gì. 

Mọi sự rèn luyện đều đòi hỏi những cố gắng đều đặn, thường xuyên. Thiếu kiên trì sẽ làm giảm đi rất nhiều hiệu quả của thiền và làm yếu đi năng lực chuyển hóa của nó. Vì thế, như chúng tôi đã nói, cố gắng cao độ nhưng không thường xuyên sẽ không có tác dụng tốt bằng cố gắng vừa phải mà đều đặn. Chuyển hóa tâm thức một cách sâu sắc và lâu dài cũng chưa đủ. Ở đây, cần phải thay đổi tình trạng lười biếng bằng cách nghĩ tới giá trị của thời gian đang trôi đi, tới cuộc đời không biết còn được đến lúc nào của chúng ta và tới những lợi lạc của công việc rèn luyện mà chúng ta đang tiến hành.

Đôi lúc, chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng ngược lại, tức là nỗ lực thái quá do để quá nhiều thời gian vào việc chấn chỉnh trạng thái hôn trầm. Sự căng thẳng do điều này mang lại rốt cuộc sẽ làm xao lãng chính việc thiền. Cho nên cần cân bằng những nỗ lực của mình, nói cách khác là giữ quân bình giữa hai trạng thái căng thẳng và trễ nải, giống như Đức Phật khuyên người nhạc công chơi đàn vina mà chúng ta đã nói tới ở phần trên, và ngừng áp dụng cách đối trị ngay khi không còn cần thiết nữa, để cho tâm được nghỉ ngơi yên bình trong trạng thái tự nhiên của nó. 

Nỗ lực thái quá cũng có thể do sốt ruột hoặc say mê, hai trạng thái không đưa ta tới đâu cả. Để trèo lên một ngọn núi cao, nếu bắt đầu bằng chạy thì ta sẽ nhanh chóng phải dừng lại vì hai buồng phổi làm việc quá sức. Cũng như vậy, nếu dây cung bị trương quá căng, nó sẽ đứt, và nếu để lửa quá to thì món ăn sẽ bị cháy thay vì được ninh nhừ. 

Đòi hỏi phải có kết quả ngay là do tính thất thường hoặc lười nhác. Đức Dalai Lama đã khôi hài nói rằng: “Ở phương Tây, người dân đôi khi hơi vội vàng quá. Họ muốn đạt được Giác ngộ vừa nhanh, vừa dễ và nếu có thể… vừa rẻ!” Cũng như phải kiên nhẫn chờ cho cây trồng lớn lên đến mùa thu hoạch – kéo chúng dài ra nhanh chẳng để làm gì, bền bỉ là một phẩm chất không thể thiếu được trong thực hành thiền. 

Các sách thiền dạy chín phương pháp để nuôi dưỡng sự tập trung, giúp tâm đạt được trạng thái buông xả và khiến nó ổn định hơn. Ở đây, cần hiểu đạt được ý thức trọn vẹn có nghĩa là liên tục trú tâm vào đề mục đã chọn. 

✨ 1. Tập trung tâm trí vào một đề mục theo đúng như chỉ dẫn, mặc dù lúc đầu chỉ làm được trong một thời gian rất ngắn; tránh để nó chạy theo những hình ảnh hoặc những ý niệm tản mạn. 

✨ 2. Trú tâm liên tục vào đề mục trong một thời gian tăng dần mà không bị phân tán. Để đạt được điều này, cần nhớ lại rõ ràng những lời dạy về cách giữ cho tâm tập trung vào đề mục, ghi nhớ những lời dạy đó và mang ra thực tập cẩn thận. 

✨ 3. Liên tục nhanh chóng đưa tâm trở lại với đề mục mỗi lần nhận ra tâm bị phân tán. Muốn thế cần nhận ra rằng tâm đã bị xao lãng, đồng thời cần xác định được cảm xúc hoặc ý niệm nào đã gây ra sự xao lãng ấy, từ đó, sử dụng phương pháp nào để xử lý cho thích hợp. Dần dần, chúng ta sẽ có khả năng duy trì tâm an bình và ổn định trong khoảng thời gian dài hơn, trong trạng thái tập trung và tỉnh táo hơn. 

✨ 4. Trú tâm một cách cẩn trọng: tâm càng vững, càng tập trung thì càng dễ thiền. Thậm chí ngay cả khi sự chú tâm chưa được hoàn hảo, ta cũng không bị mất hoàn toàn đề mục thiền và sẽ được giải phóng khỏi những hình thức rối nhiễu của tâm loạn động. 

✨ 5. Làm chủ tâm thức: khi rơi vào tình trạng hôn trầm, cần khơi lại sự nhạy bén và rõ ràng của trạng thái hiện diện tỉnh thức, làm tươi mới lại cảm hứng và nhiệt huyết bằng cách ngẫm nghĩ về những lợi ích của sự tập trung hoàn hảo (định-samadhi). 

✨ 6. Làm cho tâm hài hòa: khi tâm loạn động một cách vi tế do quá nhạy bén, tựa như những câu chuyện rì rào ở phía sau sự chú ý, cần tránh sa vào trạng thái loạn động và phân tán để trấn an và đem lại sự trong sáng cho tâm, giống như ví dụ về âm thanh của tiếng đàn phát ra khi được so dây chuẩn. 

✨ 7. An định tâm hoàn toàn bằng cách trú tâm liên tục và mạnh mẽ để buông bỏ mọi bám chấp vào những kinh nghiệm thiền quán. Những kinh nghiệm này có thể nằm dưới nhiều dạng như trạng thái hoan hỉ, minh mẫn, hoặc không có những suy nghĩ tân mạn, và cũng có khả năng thể hiện qua những động thái buồn vui tự phát, niềm tin không gì lay chuyển nổi, hoặc nỗi sợ hãi, ngất ngây, hay nản chí, sự đảm bảo chắc chắn hay nghi ngờ, thái độ khước từ mọi vật của thế gian này hay niềm đam mê, lòng thành kính vô hạn hay sự đánh giá tiêu cực. Tất cả những kinh nghiệm ấy có thể khởi lên không vì lý do nào cả. Chúng là tín hiệu báo rằng đang có những thay đổi sâu sắc trong tâm thức chúng ta. Cần tránh nhận mình là chúng, vì chỉ coi chúng như những cảnh vật bên ngoài, được nhìn thấy qua cửa sổ con tàu đang chạy mà thôi. Nhờ sự định tâm hoàn toàn, những kinh nghiệm kia tự chúng tan biến đi mà không làm động tới tâm thức, và khi đó, tâm sẽ ở trong trạng thái bình yên sâu sắc. 

8. Giữ sự trú tâm vào một điểm: sau khi đã loại trừ tình trạng hôn trầm và loạn động trong tâm, hãy giữ sự chăm chỉ vào một điểm cho ổn định và rõ ràng trong suốt khóa thiền. Khi ấy, tâm giống như một ngọn đèn được chắn gió, ngọn lửa ổn định và sáng rỡ sẽ phát huy tối đa những khả năng của nó. Chỉ cần cố gắng một chút để đặt tâm trong dòng chảy của định, nó sẽ dễ dàng được duy trì, an trú trong trạng thái tự nhiên, thoát khỏi mọi ràng buộc và loạn động.

✨ 9. Nghỉ ngơi trong một trạng thái cân bằng hoàn hảo: một khi tâm đã hoàn toàn quen với sự tập trung vào một điểm, lúc đó sẽ diễn ra một trạng thái buông xả tự nhiên và tâm sẽ an trú trong trạng thái đó; trạng thái này tự duy trì như thế mà không cần có sự cố gắng nào.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VƯỢT THOÁT CHƯỚNG NGẠI ĐẠT ĐẾN AN VUI
  2. CHƯỚNG NGẠI TẠI ĐÂU ?

Bài viết khác của tác giả

  1. CHÚ Ý, CHIÊM NGHIỆM VÀ HIỆN DIỆN CỞI MỞ
  2. BỊ LÔI CUỐN BỞI DÒNG THỜI GIAN
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH