NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Chuyên môn tốt, không lập dị và phong cách lãnh đạo ôn hòa được coi là chìa khóa thành công của nhiều doanh nhân gốc Ấn.
Người gốc Ấn chỉ chiếm 1,2% dân số nước Mỹ. Tuy nhiên một điều rất dễ thấy họ lãnh đạo các công ty hàng đầu, thống trị nhiều lãnh vực như công nghệ, nghiên cứu khoa học và y học. Họ cũng phát triển mạnh trong các ngành như khách sạn, vận tải và bất động sản. Thống đốc của hai trong số các bang bảo thủ nhất Mỹ là người gốc Ấn.
Kỹ sư 37 tuổi sinh ra và được giáo dục ở Ấn Độ là Parag Agrawal được chọn làm CEO Twitter là người lãnh đạo trẻ nhất trong S&P 500, thay thế nhà sáng lập Jack Dorsey đã từ chức đánh dấu thắng lợi tiếp theo cho các doanh nhân người Ấn Độ.
Google (Sundar Pichai) Microsoft (Satya Nadella), Abode Systems (Chaianu Narayen), Deutsche Bank (Anshuman Jain), Pepsi Co. (Indra Nooyi), Mastercard (Ajaypal Singh Banga), Nokia (Rajeev Suri)… bên cạnh các CEO gốc Ấn khác của những tập đoàn lớn như Net App, Motorola, Micron, Citigroup, Softbank, Vision Found…
Sau khi Agrawal nhậm chức, Patrick Collison – đồng sáng lập gã khổng lồ thanh toán trực tuyến Stripe, viết trên Twitter, “Google, Microsoft, Abode, IBM, Palo Alto Network và bây giờ là Twitter được điều hành bởi các giám đốc lớn lên từ Ấn Độ”. Cùng lúc đó, tỷ phú Elon Musk cũng đăng trên Twitter rằng: “Mỹ được hưởng lợi rất nhiều từ tài năng của Ấn Độ”.
“Kiến thức kỹ thuật đã tạo ra sự khác biệt lớn, nhưng cũng không hiếm người có chuyên môn cao về lĩnh vực này. Điều tạo nên sự khác biệt là khả năng gắn kết công ty và không làm những điều điên rồ. Có rất nhiều người thông minh trên thế giới, nhưng không phải tất cả họ đều thể hiện sự khiêm tốn”, Vivek Wadhwa, một nhà kinh doanh và học thuật công nghệ gốc Ấn Độ nhấn mạnh.
Ngoài giáo dục, văn hóa cũng là chìa khóa thành công của các doanh nhân gốc Ấn. Họ kiên nhẫn, khiêm tốn, tôn trọng nhân viên, và thường tập trung vào các chiến lược dài hạn. Khi Satya Nadella nhậm chức CEO Microsoft vào tháng 2/2014, ông đã thừa hưởng một nền văn hóa được cho là “độc hại” ở đây. Bill Gates nổi tiếng hay mắng mỏ nhân viên và Steve Ballmer – người kế nhiệm Bill Gates, tiếp tục chiến thuật kinh doanh cứng rắn khiến các đối tác luôn ghét bỏ. Microsoft đã thua trong cuộc chiến giành thị phần điện thoại thông minh và nền tảng công nghệ mà họ đã xây dựng rất thành công – máy tính để bàn – đang nhường chỗ cho hệ thống đám mây.
Nadella đã chọn tập trung đầu tiên vào việc thay đổi văn hóa của Microsoft. Vốn là người Ấn Độ và với niềm tin Phật giáo, ông đã quyết tâm biến Microsoft thành một công ty luôn chấp nhận sự tò mò với triết lý “học tất cả”, trái ngược với thế giới quan “biết tất cả” trước kia. Ông viết trong bức thơ đầu tiên lúc nhậm chức rằng, “Chúng ta cần tin vào những điều không thể và loại bỏ những điều không thiết thực”. Ông cũng nói rõ, những hành vi hung hăng không còn được hoan nghênh. Không tức giận hoặc la mắng trong các cuộc họp, không bao giờ lớn giọng hoặc biểu lộ tức giận quá mức với đội ngũ nhân viên, không viết email giận dữ, ông đã không ngừng làm việc để tạo ra một môi trường làm việc thoải mái hơn.
Kết quả của sự thay đổi văn hóa và chiến lược là vốn hóa của Microsoft đã tăng từ 300 tỷ USD khi ông nhậm chức lên 2.500 tỷ USD. Ngày nay, công ty này là một trong hai doanh nghiệp giá trị nhất thế giới.
Sundar Pichai cũng thừa kế một công ty có vấn đề về văn hóa. Google được biết đến với văn hóa công sở phóng túng, có nhiều scandal về chuyện tình cảm giữa các giám đốc và nhân viên. Với phong cách nhẹ nhàng và khiêm tốn, Pichai đã đưa công ty vào quỹ đạo đúng đắn. Ông đã đạt được thành công tương tự các CEO công nghệ gốc Ấn của các công ty lớn khác.”
Tất Đạt (theo The Telegraph, Hindustan Times, Fortune) Vnexpress.net ngày 9/12/2021
Lý do khiến người Ấn ngày nay thành công ở một xã hội công nghiệp hàng đầu như thế là nhờ giáo dục và văn hóa.
Nhưng nền giáo dục từ xưa của Ấn Độ đã bị người Anh sửa đổi theo Tây phương với “một ngôn ngữ mới (tiếng Anh), một tôn giáo mới (Cơ đốc giáo) và một nền văn minh mới (văn minh công nghiệp)”. Suốt hai thế kỷ, giữa thế kỷ 18 cho đến giữa thế kỷ 20 Ấn Độ đã bị áp chế cho đến thành thuộc địa của Anh, chấp nhận một nền giáo dục mới là Tây phương, nhưng nền văn hóa Ấn Độ vốn có từ thời cổ đại, đã phát sinh những vị giáo chủ tâm linh lớn, trong đó người có tầm ảnh hưởng cả thế giới là Đức Phật Thích Ca, thì vẫn sống trong xã hội và gia đình, cá nhân người Ấn.
Tuy bị sửa đổi như vậy, nhưng văn hóa tâm linh của Ấn Độ vẫn còn sống trong người dân, cho nên chỉ tính riêng trong thế kỷ 20, Ấn Độ là nước “sản xuất” ra nhiều nhất những con người tâm linh, những vị thánh mà ai cũng biết như Rabindranath Tagore (Nobel văn chương 1913), Mahatma Gandhi (1869-1948), Shri Aurobindo (1812-1950), Krishnamurti (1895-1986) Ramana Maharishi (1879-1950), Nisargadatta Maharaj (1897-1981) …
???
Lý tưởng của người Ấn Độ là sống theo bốn giai đoạn của cuộc đời, bốn Ashramas. Sau đây chúng ta phác lược qua giai đoạn thứ nhất Brahmacharya Ashramas của người Ấn, trước khi họ đi vào giai đoạn hai là vào đời sống xã hội và lập gia đình. Giai đoạn học tập thời tuổi trẻ này để thiết lập và phát triển một con người toàn diện, gồm 4 yếu tố:
1/ Tâm linh: học với một vị thầy tâm linh. Người thiếu niên sẽ thông thạo các kinh điển Ấn Độ giáo và thực hành hàng ngày các nghi lễ của tôn giáo mình. Người Phật giáo thì học ở chùa. Ngày nay người ta còn thấy ở các nước Nam tông như Thái Lan, Campuchia… trước khi người thanh niên đi vào đời sống xã hội và lập gia đình thì phải có một thời gian học tập ở chùa.
Mục đích của việc học tập tâm linh này là để có một mối nối kết với thực thể tối hậu, đây là mục tiêu của cả đời người, xuyên suốt tất cả bốn giai đoạn. Sự nối kết ấy là nghĩa của từ Yoga, trong Phật giáo được dịch là Du già, như trường phái Duy Tâm (Cittamatra) còn được gọi là Du già hành tông (Yogacara). Với Phật giáo, thực thể tối hậu này được gọi bằng danh từ Phật tánh, và mục đích của đời người là thấy và sống trọn vẹn với Phật tánh ấy.
2/ Đạo đức. Đời sống đạo đức là để sống ở đời làm một người tốt và với đạo thì đạo đức là một con đường dẫn đến thực tại tối hậu. Người học tập được dạy phải biết vâng lời, kính trọng, trung thực, dũng cảm, hòa nhã, yêu thương, vị tha…, nghĩa là mọi đức tính của một con người tiến bộ.
3/ Trí tuệ, tức là trí thông minh. Người học tập được dạy các ngành khoa học để phát triển tư duy, các kiến thức để sử dụng trong đời sống cụ thể, các nghề nghiệp. Trí thông minh là một trong hai yếu tố quan trọng theo văn minh Tây phương hiện đại, yếu tố kia là trí thông minh cảm xúc.
4/ Tập luyện thân thể, để khỏe mạnh và có một thân thể có thể sử dụng tốt. Thể thao, cưỡi ngựa, các môn võ, leo núi, băng rừng… Như Phật giáo thường ghép chung thân-tâm, lý tưởng của Hy Lạp cổ là một tinh thần sung mãn trong một thân thể tráng kiện.
Với bốn yếu tố tâm linh, đạo đức, trí tuệ, và thân thể, đây là nền tảng ở giai đoạn đầu tiên trong bốn giai đoạn để làm một con người toàn diện, dù ở trong làn sóng văn minh nông nghiệp đã qua, làn sóng văn minh công nghiệp, và bây giờ là trong làn sóng văn minh hậu công nghiệp, IT.
Nói đến con người toàn diện, chúng ta thấy thời xưa Đức Phật đã được một nền giáo dục như vậy, và ở thời Trần, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông của Việt Nam cũng được nuôi dưỡng trong một nền giáo dục văn hóa toàn diện như vậy.
Ngày nay Yoga trở thành môn học bắt buộc ở Ấn Độ từ lớp 6 đến lớp mười cùng với các môn công nghệ thông tin và truyền thông. Thiền, Vipassana và những con đường Đại thừa và Kim cương thừa đang phát triển ở khắp Tây phương, đem lại cho thế giới một sự cân bằng giữa vật chất và tâm linh.
Một bằng chứng cụ thể là nhiều CEO Ấn Độ thành công ở những nước có nền kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới, đó là do nền văn hóa đào tạo con người toàn diện với bốn giai đoạn của Ấn Độ vẫn còn là nền tảng và giá trị cho xã hội Ấn Độ, mặc dầu nền giáo dục độc lập của Ấn Độ chỉ lấy lại độc lập từ giữa thế kỷ 20.