NHỮNG ĐIỀU TỰ NHIÊN

KOITSU YOKOYAMA

Trích: Một Cuộc Sống Trí Huệ; Người dịch: Thiện Quang; NXB Hồng Đức.

Tâm trí không phải là một tấm gương thuần khiết và lặng lẽ phản ánh các sự vật đúng như chúng vốn có. Để minh hoạ điều này, chúng ta hãy xem xét việc nhận biết một vật đang rơi như thế nào. Chúng ta chỉ cần nghĩ mình đang nhìn thấy một vật gì đó bên ngoài đang rơi. Cũng như khi suy ngẫm, chúng ta hãy nhớ lại nguyên lý “một con người đơn độc, một thế giới đơn độc” để hiểu rằng chúng ta không thể tách khỏi tâm trí mình. Những gì chúng ta nhận biết chỉ là hình ảnh của một vật đang rơi trong tâm trí. Nói một cách khoa học, mọi vật đều rơi theo định luật về trọng lực. Tuy nhiên, từ quan điểm triết học Duy thức, định luật về trọng lực không mâu thuẫn với thực tế, nghĩa là vật rơi chỉ hiện hữu trong tâm trí.

Chúng ta có thể nhận biết định luật về trọng lực theo hai cách: quan sát một vật bên ngoài đang rơi, hoặc chính bản thân ta đang rơi. Hai cách này khác nhau như thế nào? Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta hãy quan sát hình ảnh của một vật đang rơi trong tâm trí mình. Trong trường hợp thứ hai, chúng ta hãy hoà làm một với sự rơi – chính chúng ta đang rơi. Trong trường hợp thứ nhất, vật đang rơi được tưởng tượng tách biệt khỏi chúng ta còn trong trường hợp thứ hai, chúng ta không trải nghiệm sự tách biệt như vậy. Vì sao?

Vì khi trực tiếp trải nghiệm sự rơi, chúng ta sẽ hoà làm một với nó – không thể phân biệt giữa chủ thể và khách thể. Không có khoảng cách giữa hai sự vật. Để lập sơ đồ trải nghiệm cá nhân về sự rơi, chúng ta cần phải hình dung bản thân ta đang rơi từ bên ngoài. Điều đó có nghĩa, chúng ta cần phải phá vỡ trải nghiệm để trở thành chủ thể và khách thể.

Thuyết Duy thức cho rằng, bất cứ điều gì chúng ta có thể nhận biết đều chỉ là ý thức, vì vậy chúng ta thật sự không thể nhận biết được môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, ngay cả nếu như tin rằng tất cả các sự vật bên ngoài đều hiện hữu, chúng ta vẫn phải xác lập tâm trí để có được khả năng nhận biết quy luật hoạt động của các sự vật bên ngoài. Làm thế nào chúng ta có thể tiếp thu một điều gì đó không phải là điều cho bản thân mình?

Có hai kiểu trọng lực mà ta có thể nhận biết: một trọng lực được diễn đạt bằng khái niệm, vốn không phải là trọng lực như chính nó, và một trọng lực được trải nghiệm đồng nhất với cơ thể và tâm trí, vốn không thể được diễn đạt bằng khái niệm. Việc nhận biết định luật trọng lực bằng khái niệm và nhận biết trọng lực như chính nó là hai điều hoàn toàn khác biệt. Định luật trọng lực được diễn đạt bằng khái niệm không phải là trọng lực như chính nó, vì nó đã bị tô vẽ, biểu tượng hoá và được diễn đạt bằng khái niệm để cho con người có thể hiểu nó. Sự “tô vẽ” về trọng lực đến từ chính chúng ta. Không có khái niệm trọng lực nào hiện hữu “ngoài kia”, vì cách diễn đạt theo biểu tượng chính là một dạng suy nghĩ. Theo cách này, chúng ta có thể nói rằng, các định luật vật lý chỉ hiện hữu trong tâm trí.

Hai thành tựu lớn nhất về vật lý vào thế kỷ hai mươi, là cơ học lượng tử và thuyết tương đối.

Sự ra đời của cơ học lượng tử không chỉ cách mạng hoá nhận thức về các sự vật, mà còn thay đổi chính cái nhìn của chúng ta về thế giới. Chúng ta khám phá được những hạt cơ bản tạo nên vật chất có hình thái khác hẳn, so với các khái niệm được biết trong vật lý cổ điển. Ví dụ như, sau nhiều thí nghiệm, chúng ta đã đi đến kết luận rằng các lượng tử vừa có tính hạt vừa có tính sóng. Chúng ta giải thích sự hiện hữu về tập hợp hai đặc tính khác biệt này như thế nào?

Có một lập luận giải thích rằng, nhận thức của con người phụ thuộc vào những phạm trù sẵn có. Con người không thể nhận biết một điều gì đó mà không cần áp đặt phạm trù này hay phạm trù khác. Vì vậy, trong trường hợp các lượng tử, mặc dầu về cơ bản chúng không phải là hạt và cũng không phải là sóng, con người chỉ có thể nhận biết chúng trong phạm vi khái niệm về các hạt hay các sóng, vì những điều đó chính là khả năng nhận biết của chúng ta. Theo quan điểm này, chúng ta có thể nói rằng, cách thức các sự vật hiện hữu bao gồm cả cách thức hiện hữu tự nhiên của chúng và cách thức chúng ta nhận biết về sự hiện hữu. Hai khía cạnh này sẽ được hòa nhập cùng nhau trong quá trình nhận thức.

Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, chúng ta nhận biết các sự vật một cách rõ ràng đúng như chúng hiện hữu. Nói cách khác, suy nghĩ này giả định một tầm nhìn không có phối cảnh về sự hiện hữu, không bị ảnh hưởng bởi việc có được vị trí cụ thể trong không gian và thời gian so với những gì nhận biết. Tuy nhiên cơ học lượng tử không chấp nhận điều đó.

Có một nguyên lý trong cơ học lượng tử gọi “nguyên lý bất định”. Nguyên lý này cho rằng, mặc dầu trong hiện thực thông thường chúng ta có thể đồng thời đo được vận tốc và xác định được vị trí của một vật, nhưng trong trường hợp các lượng tử, chúng ta không thể đồng thời xác định được vị trí và vận tốc của chúng. Một khi chúng ta xác định được vận tốc của một lượng tử, vị trí của nó sẽ tự động trở nên không xác định. Đây chính là nguyên lý bất định nổi tiếng của Heisenberg. Ở mức độ lượng tử, có rất nhiều điều vượt ngoài các lý lẽ thông thường của ta về thế giới, cũng như cách chúng ta đang sống một cuộc sống mỗi ngày. Xét theo quan điểm lượng tử, chúng ta có thể nói rằng con người không quan sát một cách thụ động thực tại như nó hiện hữu, mà đang tham gia vào việc khiến nó hiện hữu.

Chúng ta cũng có thể nghĩ về bản thân cho đến thời điểm hiện tại, cũng như những người quan sát đứng lùi lại, nhằm quan sát sự hiện hữu một cách khách quan hơn. Tuy nhiên vào lúc này, chúng ta biết rằng thực tại thì không như chúng ta hình dung. Trong thực tế, chúng ta đang tham gia vào thực tại mà ta nhận biết. Chúng ta và sự hiện hữu mà ta nhận biết, chính là một tập hợp. Điều dĩ nhiên, chúng ta không nên xem các khía cạnh này trong cơ học lượng tử đồng nhất với các khía cạnh trong đời sống hàng ngày, tuy nhiên hãy xem xét một cách nghiêm túc các phát hiện của cơ học lượng tử trong cách chúng ta nhận thức về thực tại. Chúng ta sẽ có thể tự tin nói rằng triết học Duy thức không phải là điều tuyệt đối xa lạ.

Một khi tôi nói những ngọn núi, những dòng sông và bản thân tự nhiên hiện hữu trong tâm trí mình, ngay cả nếu như tôi chấp nhận có thế giới bên ngoài, vì tôi không thể thoát ra khỏi tâm trí mình để nhận biết thế giới bên ngoài ấy, thì tôi cũng không thể nhận biết được thiên nhiên bên ngoài đúng như chính nó. Thiên nhiên mà tôi nhìn thấy chỉ là một hình ảnh trong tâm trí.

Bây giờ tôi đang nhìn vào một cái cây. Hình ảnh cái cây này chính là đối tượng thị giác của tôi. Hình ảnh này sẽ tan biến khi tôi nhắm mắt lại, tuy nhiên trong tâm trí tôi, cái cây vẫn đang hiện hữu cho dù tôi không thể nhìn thấy nó. Ngoài ra, triết học Duy thức còn nhấn mạnh rằng, thật sự không có cái cây và tâm trí nhận thức hoặc không nhận thức cái cây, mà tất cả đều được tạo ra bên trong tạng thức. Một khi làm lắng dịu tâm trí xao động của mình và nhắm mắt lại trong sự tĩnh lặng tuyệt đối, chúng ta sẽ không nhìn thấy được hay là nghe được bất cứ điều gì. Nhưng ngay cả khi thực hiện điều đó, ta vẫn cảm thấy mình hiện hữu, việc nhận thức sự hiện hữu sẽ đem lại cảm giác như là một sự hiện hữu thô mộc. Nó không như kiểu hiện hữu mà ta cảm nhận bằng cách mở mắt và lắng nghe để nhìn và nghe thế giới bên ngoài. Một khi đóng tất cả các giác quan của mình lại và tìm hiểu tâm trí một cách sâu sắc hơn, chúng ta sẽ bị chìm càng lúc càng sâu hơn vào trong chính tâm trí. Cho đến khi đạt tới tạng thức, chúng ta sẽ nhận biết được nguồn gốc đã tạo ra nhận thức về các sự vật.

Theo cơ học cổ điển, bao gồm cơ học Newton, các sự vật hiện hữu trong không gian bên ngoài chúng ta. Cơ học lượng tử lại cho rằng, sự hiện hữu của chúng ta bị lôi cuốn vào sự hiện hữu của các sự vật. Triết học Duy thức cũng cho chúng ta biết, thiên nhiên như ta nhận biết – những điều mà ta tiếp nhận thông qua cảm giác, cảm xúc và suy nghĩ – không phải là thực tại duy nhất. Thiên nhiên cũng hiện hữu trong tâm trí như là một đối tượng của tạng thức. Hai nhận biết thấu suốt này đã mang đến một cuộc cách mạng trong cách nhìn nhận thực tại của chúng ta. Bằng cách suy ngẫm về việc con người đã hòa quyện một cách sâu sắc với môi trường như thế nào, chúng ta sẽ cảm nhận được mối liên hệ gần gũi hơn với môi trường. Cách suy nghĩ này có lợi cho thế giới hay không? Một khi bắt đầu xác định rõ hơn về thế giới mình đang sống, chúng ta sẽ có thể bắt đầu tự hỏi chính mình cần phải sống trên thế gian này như thế nào.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ BÌNH AN TỰ NHIÊN
  2. LÒNG TIN VÀ KHOA HỌC

Bài viết khác của tác giả

  1. BA MỤC ĐÍCH LỚN TRONG CUỘC SỐNG
  2. TÌNH YÊU ĐẾN TỪ CỘI NGUỒN
  3. HÃY QUÊN ĐI CÁI TÔI

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ