PHỤNG SỰ VÌ ĐỜI- VÌ NGƯỜI

Trích: “Nghĩ thiện – để cuộc đời và công việc viên mãn”; Inamori Kazuo; Phạm Hữu Lợi dịch; NXB Trẻ, 2019

Hành vi đáng kính trọng nhất trong những hành vi của con người là làm điều gì đó vì người khác. Bình thường, con người thường có khuynh hướng nghĩ về mình trước tiên nhưng thật ra, bất kỳ ai cũng có trái tim cảm nhận hạnh phúc tột bậc khi có ích cho người khác, khi làm cho người khác vui sướng. Bản tính con người tuyệt đẹp như vậy đấy.

Tích cực phụng sự vì đời, vì người

Kể từ khi thành lập Kyocera, tôi luôn trút hết tâm huyết vào việc phát triển gốm sứ kỹ thuật và điều hành công ty. May mắn là công ty phát triển thuận buồm xuôi gió, có cơ hội đoạt nhiều giải thưởng.

Thời gian đầu, tôi đã vui mừng nhận lấy vì đây là những giải thưởng khen ngợi tôi, công ty. Năm 1981, tôi được trao “Giải kỷ niệm Ban” (1) của cố giáo sư Ban Itsuki trường Đại học Khoa học Tokyo.

Đây là giải thưởng tuyên dương những người phát triển công nghệ và cống hiến cho xã hội được tổ chức và vận hành bằng nguồn thu nhập tác quyền bằng sáng chế của giáo sư Ban Itsuki (1916 – 2003). Tôi đã vui mừng đến dự lễ trao giải nhưng khi được diện kiến giáo sư, tôi thật sự cảm thấy hổ thẹn.

Giáo sư đã sử dụng số tiền có hạn nhận được từ tác quyền của mình để vận hành giải thưởng. Trong khi đó, tôi, một người vận hành doanh nghiệp, thu được thành công, may mắn là có được tài sản riêng vậy mà lại đứng ở phía người nhận giải thưởng. Tôi thầm nghĩ: “Liệu như vậy có được không? Chẳng phải mình mới là người phải đi trao giải sao?”

Kể từ đó, tôi bắt đầu nghĩ mình phải trao lại cho xã hội những gì có được bằng hình thức nào đó. Thế rồi, 4/1984 tôi thành lập Quỹ Inamori, sáng lập giải thưởng “Giải thường Kyoto” bằng số tiền quỹ cơ bản tương đương 20 tỷ yên là tổng số cổ phần và hiện kim của tôi.

Sau khi công bố sáng lập “Giải thưởng Kyoto” không lâu, tôi đã đi thăm xã giao Quỹ giải thưởng Nobel. Lúc ấy tôi đã hỏi “trong việc biểu dương mang tính quốc tế như giải Nobel, điều gì là quan trọng?”. Câu trả lời là: “Xét duyệt phải công bằng và minh bạch, nghiêm khắc nhìn từ quan điểm quốc tế. Và uy tín có được từ sự kế thừa, duy trì lâu dài”.

Và cũng như giải Nobel có “Di ngôn của Nobel” được xem như triết lý của giải, tôi cũng quyết định xây dựng “Triết lý của giải thưởng Kyoto” khi tiến hành sự nghiệp biểu dương của giải và tuân theo triết lý này trong việc xét duyệt, vận hành giải thưởng.

Trong triết lý này, tôi đã đưa nhân sinh quan lâu nay của mình vào chương 1, đó là “Làm điều có ích cho người, cho xã hội là hành vi cao đẹp nhất của con người”.

Trước đó, tôi đã muốn trả ơn nhân loại và thế giới đã nuôi dưỡng mình, đã cân nhắc phải thực hiện tâm tư đó bằng hình thức như thế nào. Và cũng vì nhận thấy còn rất nhiều nhà nghiên cứu đang âm thẩm nỗ lực, không được ai biết đến, trong khi giải thưởng dành cho họ khiến họ vui mừng thật sự lại quá ít nên tôi đã lấy đó làm lý do sáng lập giải thưởng Kyoto.

Hiện nay, so với việc phát triển văn minh khoa học thì việc nghiên cứu phương diện tinh thần của con người còn khá lạc hậu. Nhưng khoa học kỹ thuật và tinh thần hoàn toàn không phải là hai lĩnh vực đối lập nhau. Tôi cho rằng việc cả hai không cùng phát triển một cách cân bằng sẽ gây nên bất hạnh cho nhân loại. Giải thưởng Kyoto mong muốn một cách mạnh mẽ sẽ góp phần phát triển cân đối văn minh khoa học và văn hóa tinh thần, từ đó cống hiến cho hạnh phúc nhân loại. Mong mỏi này cũng được tôi tóm tắt trong triết lý của giải thưởng.

Triết lý của giải thưởng Kyoto được hình thành như vậy. Khi tiến hành xét trao giải thưởng, nếu gặp phải vấn đề gì, hội đồng xét duyệt có thể xem lại “Triết lý giải thưởng Kyoto” để xem xét, cân nhắc lần nữa. Từ đó triết lý sẽ trở thành một triết lý sống động luôn được các thành viên hội đồng tâm niệm.

Cho đến nay, chúng tôi đã tiến hành việc biểu dương theo triết lý như thế, và việc được gặp gỡ những nhà nghiên cứu tài năng là một niềm hạnh phúc của tôi.

Tuy trong triết lý của giải thưởng Kyoto có đoạn “người có tư cách nhận giải thưởng Kyoto này phải như những gì mà Kyocera chúng tôi đã làm từ trước đến nay, là người khiêm tốn, nỗ lực gấp đôi người khác, nỗ lực trên con đường nghiên cứu, biết mình và có trái tim biết tôn kính những gì vĩ đại”, nhưng khi xét duyệt, dù có đánh giá được thành tích nghiên cứu thực tế đi nữa cũng không thể biết rõ con người, tính cách của người đó.

Nhưng kỳ lạ thay, những vị đoạt giải gặp từ trước đến nay đều là những người thật sự tuyệt vời. Tôi không khỏi nghĩ rằng chính thái độ nghiêm túc, chân thành, cả đời đắm mình trong một công việc đã tạo ra những con người có phong thái tuyệt vời như vậy.

Thời gian đầu, để thể hiện thái độ kính trọng giải Nobel với số tiền thưởng 50 triệu yên nên giải thưởng Kyoto chúng tôi trao giải với số tiền 45 triệu yên. Sau đó, tiền thưởng của giải Nobel được tăng lên nên từ lần trao giải thứ 10, chúng tôi đã tăng số tiền thưởng lên 50 triệu yên mỗi giải ở 3 hạng mục và giữ ở mức đó cho đến nay.

Cách sử dụng tiền thưởng là câu hỏi thường gặp nhất trong mỗi lần họp báo được tổ chức sau lễ trao giải. Tôi đã nghĩ có lẽ các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng để phục vụ nghiên cứu của mình, nhưng thực tế thật ngạc nhiên khi nhiều người trong số họ đã hoàn trả cho xã hội.

Ví dụ, cố đạo diễn người Ba Lan, Andrzej Wajda từng đoạt giải Khoa học Tinh thần – Hạng mục Nghệ thuật Biểu đạt (nay là Hạng mục Tư tưởng – Nghệ thuật) đã lập “Quỹ Kyoto Krakow” từ tiền thưởng và xây dựng trung tâm giới thiệu mỹ thuật Nhật Bản ở Ba Lan.

Còn nhiều người đoạt giải khác cũng đã dùng tiền thưởng để góp từ thiện hoặc lập quỹ phục vụ, cống hiến cho xã hội

Giải thưởng Kyoto là giải thưởng khởi đầu từ mong muốn động viên những con người cống hiến một đời cho nghiên cứu, nên tôi nghĩ những người đoạt giải hoàn toàn có thể dùng tiền thưởng cho riêng mình. Nhưng kết quả là vòng tuần hoàn thiện lành đã diễn ra như thế này khiến lòng tôi ngập tràn vui sướng.

Hành vi đáng kính trọng nhất trong những hành vi của con người là làm điều gì đó vì người khác. Bình thường, con người thường có khuynh hướng nghĩ về mình trước tiên nhưng thật ra, bất kỳ ai cũng có trái tim cảm nhận hạnh phúc tột bậc khi có ích cho người khác, khi làm cho người khác vui sướng. Bản tính con người tuyệt đẹp như vậy đấy.

—————-

(1) Giải thưởng của Quỹ Phát triển Khoa học Ban Itsuki được tổ chức và vận hành bằng tài sản cá nhân của nhà khoa học Ban Itsuki (1916 – 2003). Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học trẻ với tiêu chí xây dựng môi trường nuôi dưỡng các nhà khoa học sẽ cống hiến cho tương lai Nhật Bản

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BIẾT ƠN
  2. BIẾT ƠN NGƯỜI ĐÃ ƯU TIÊN CHO HOÀN CẢNH CỦA MÌNH
  3. THỂ HIỆN LÒNG BIẾT ƠN

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ