CUỘC SỐNG TRÀN ĐẦY ÂN SỦNG – SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ

ADYASHANTI

Trích: Sự Thật Về Giác Ngộ; Việt dịch: Phạm Hải Anh; NXB. Văn hóa văn nghệ, 2018

Thời gian trôi qua, tôi có cảm giác rằng nhận thức mà mình vừa trải nghiệm vẫn chưa hoàn chỉnh — tôi có thể gọi ra những phần trong tính cách cái tôi của mình không phù hợp lắm với điều tôi từng nhận thức và biết. Tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề này qua thực hành tâm linh, lúc đó chủ yếu là thiền và tự truy vấn bằng cách viết ra.

Còn trên cả thực hành tâm linh của chúng ta chính là cuộc sống. Trong khoảng một năm từ lần thức tỉnh này, đôi khi tôi bị suy sụp với một loạt các bệnh tật thực sự quật tôi nằm bẹp. Khó khăn về thể chất đã đành, mà còn rất khó khăn với phần còn lại của tính cách cá nhân của tôi. Một phần lớn bản ngã của tôi trong mười lăm năm trước đó đã được xây nên như một vận động viên có thể chất phù hợp, hơn hẳn 99% những người tôi biết.

Như lẽ thường, tôi đã tạo ra một ý thức thật sự về bản ngã xung quanh việc trở thành một người thắng thế về thể chất. Thắng thế không nhất thiết phải to con, bởi vì tôi không thế. Tôi khá thấp, nhẹ cân, nhưng là một tay đua xe đạp cạnh tranh, tôi không cần phải to con mới có lợi thế. Cơ bản là có thể chất phù hợp hơn so với bạn bè, và tôi đã có một cái tôi cỡ bự được xây nên từ ưu thế kiểu này. Trong lúc đau ốm này, cái tôi đó đã bị xóa sổ. Khi đang rũ ra trên giường, thật khó để tự xưng tôi là vận động viên, mà lại là một vận động viên ưu tú.

Trong giai đoạn đầu bị bệnh, mỗi lần bắt đầu cảm thấy khá hơn một chút, tôi lại tót lên xe đạp. Điều này tất nhiên khiến cơ thể tôi lại bị đánh gục và tôi ốm tiếp. Hàng tháng trời, tôi cứ hết ốm lại cố gắng rèn luyện thể thao, khiến bản thân ngày
càng yếu trong quá trình này. Cuối cùng, tôi đã làm mình ốm liệt giường khoảng sáu tháng. Vào cuối giai đoạn đó, tôi đã có một nhận thức lớn lao. Nó không giống như giác ngộ hay thức tỉnh, nhưng là một nhận thức quan trọng. Tôi nhận ra rằng tôi đã không còn là một vận động viên. Tôi không còn đủ tiêu chuẩn để tự đánh giá mình là vận động viên: tôi không khỏe mạnh, không có sức chịu đựng cao, và không còn là một đấu thủ đáng gờm nữa. Con người “vận động viên” kia không còn là tôi.

Khi bắt đầu cảm thấy khá hơn, tôi đã có một cảm giác nhẹ nhõm đáng kinh ngạc bởi vì tôi không buộc phải là người có ưu thế thể chất nữa. Tất nhiên, cái nhìn thức tỉnh thoáng qua lúc 25 tuổi đã cho tôi thấy tôi không thực sự là người đó. Nhưng như trường hợp thường thấy sau trải nghiệm giác ngộ, bản ngã không chịu đầu hàng một cách dễ dàng. Vì vậy, khi khỏe lại, tôi bắt đầu thấy bệnh tật của mình là một món quà thực sự, một dạng ân sủng. Nó đúng là đã hạ bệ tôi xuống như một con cún yếu đuối, và trong quá trình ấy, nó giúp tôi thoát khỏi cái nghĩa vụ Tôi-là-vận-động-viên. Thật là nhẹ nhõm khi thực sự không phải là ai hết. Nó cho tôi một cảm giác sâu sắc từ bên trong cơ thể về những gì tôi đã nhận ra năm 25 tuổi – rằng tôi không là ai hết, không sinh, không diệt, và không được tạo ra. Thật tuyệt vời khi cảm nhận điều này – không là ai, không là gì – ở mức độ sâu sắc đến thế của con người.

Giá như tôi có thể báo cáo rằng ý thức bản ngã của cái tôi đã hoàn toàn tan rã và bị nghiền nát vào thời điểm đó. Nhưng khi hơi cảm thấy khá hơn, tôi bắt đầu tập thể dục lại. Tôi luôn yêu thích tập thể dục. Cơ thể tôi thích vận động, và tôi rất khoái hoạt động thể chất. Thật là một niềm vui lớn khi lại nhảy lên chiếc xe đạp của mình – đạp xuyên qua rừng, qua núi, quanh nơi tôi sống. Nó thậm chí còn thú vị hơn trước, bởi vì niềm vui được vận động lại kết hợp với thực tế là tôi không phải cạnh tranh nữa, Tôi không buộc phải có thể chất hơn người; tôi chỉ có thể đi xe đạp.

Nhưng dần dà, tôi nhận thấy mình không còn chỉ đạp xe và tận hưởng nữa. Tôi bắt đầu thay đổi một cách tinh tế, bước vào một chế độ tập luyện như thể tôi lại là một tay đua xe đạp cạnh tranh. Tôi không còn là một tay đua xe đạp cạnh tranh nữa. Tôi đã giải nghệ vài năm trước. Thế mà tôi thấy mình đang tập luyện như thể chuẩn bị thi đấu. Tôi đã ý thức về quá trình này khi nó xảy ra. Tôi thực sự tự nhủ: “Mình biết lý do duy nhất mình tập luyện là để có thể khôi phục lại cái tôi của mình”. Tôi đã có ý thức về những gì xảy ra, nhưng lại không đủ ý thức để buông bỏ nó. Tôi chưa sẵn sàng từ bỏ việc khôi phục lại cái tôi. Kết quả là, tôi thấy mình tập luyện như thể sắp dự giải Olympic. Và một năm sau tôi lại ốm, nằm bẹp trên giường thêm sáu tháng nữa, với một chứng bệnh ngặt nghèo khác. Một lần nữa, toàn bộ bản ngã xoay quanh ưu thế thể chất đã bị tống khỏi con người tôi, và tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải là một ai đó, không phải thấy mình đặc biệt gì.

Sau trận ốm thứ hai, tôi không bao giờ còn khao khát phục hồi lại con người cũ đó, người có ưu thế thể chất từng là tôi. Tôi vẫn cảm thấy niềm vui khi luyện tập, sử dụng cơ thể của mình, nhưng trận ốm thứ hai này đã tận diệt được xu hướng bản ngã tìm cách khẳng định mình qua hình ảnh cơ thể. Đây là một sự buông bỏ lớn và là niềm vui lớn.

Sẽ rất tuyệt nếu nói rằng tôi đạt được điều này nhờ thực hành tâm linh, truy vấn hoặc thiền. Nhưng trong trường hợp của tôi – mà tôi nghĩ cũng giống với rất nhiều người – giải pháp tuyệt vời nhất cho bản ngã lại được tìm thấy chính trong cuộc sống của tôi. Nó nằm trong từng thớ sợi dệt nên tồn tại của chúng ta, là sỏi đá đường trần, những gì thực sự xảy ra trong trải nghiệm hàng ngày của chúng ta.

Tôi thấy điều này thường bị bỏ qua trong môi trường tâm linh. Nhiều người trong chúng ta đang dùng tâm linh như một cách tránh né cuộc sống, tránh thấy những điều chúng ta thực sự cần phải thấy, tránh phải đối mặt với những hiểu lầm và ảo tưởng của chính mình. Điều rất quan trọng là biết rằng bản thân cuộc sống thường là người thầy vĩ đại nhất của chúng ta. Cuộc sống tràn đầy ân sủng – đôi khi đó là ân huệ tuyệt vời, đẹp đẽ, những khoảnh khác mãn nguyện, hạnh phúc, vui vẻ, nhưng đôi khi đó là ân sủng tàn khốc, như bệnh hoạn, mất việc làm, mất người yêu, hoặc ly dị. Ví dụ như một số người có được bước nhảy vọt lớn nhất trong nhận thức của mình khi cơn nghiện vật họ lê lết, và họ thấy mình bước lên một con đường tồn tại khác. Cuộc sống tự nó có một khả năng phi thường để chúng ta thấy sự thật, để lay tỉnh chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lảng tránh cái gọi là cuộc sống này, ngay cả khi nó đang cố đánh thức chúng ta. Cuộc sống đang vận động chính là Tạo Hóa. Tạo Hóa dùng những tình huống trong cuộc sống của chúng ta để hoàn thành sự thức tỉnh của Tạo Hóa, và nhiều khi cần đến những tình huống khó khăn để đánh thức chúng ta dậy.

Mỉa mai thay, hầu hết mọi người tiêu phí cả đời mình để tránh những tình huống đau khổ. Chúng ta không thành công, nhưng chúng ta luôn cố gắng tránh khổ đau. Ta có một niềm tin vô thức rằng sự tiến bộ vượt bậc trong ý thức và nhận thức của mình sẽ tới qua những khoảnh khắc đẹp. Quả thật là chúng ta có thể có những bước nhảy vọt trong nhận thức qua những khoảnh khắc đẹp, nhưng tôi muốn nói rằng đa số mọi người có được bước nhảy vọt lớn nhất của họ qua nhận thức ở những thời điểm khó khăn.

Đây là điều mà rất nhiều người không muốn thừa nhận – rằng những khó khăn, khổ sở và đau đớn lớn nhất của chúng ta là một hình thức ân sủng tàn khốc. Chúng là những yếu tố mạnh mẽ và quan trọng trong sự thức tỉnh của chúng ta, nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận chúng. Nếu sẵn sàng quay lại, đối mặt với chúng, chúng ta có thể thấy và nhận ngay được những món quà mà chúng mang tới cả những món quà đôi khi chúng ta cảm thấy như bị ép nhận. Cho dù tình huống là bệnh tật, cái chết của người thân, ly hôn, nghiện, rắc rối trong công việc, điều quan trọng là phải đối mặt với tình huống trong đời mình để nhìn thấy những món quà tiềm ẩn trong đó.

Trong trường hợp của tôi, thật hay nếu có thể nói rằng sau hai trận ốm mà tôi trải qua, bản ngã của tôi đã tan rã hoàn toàn, rằng nó không cố gắng tự phục hồi nữa, và từ đó tôi ở trong ánh sáng giác ngộ mọi lúc, trong mọi tình huống. Thật không may, nghiệp của tôi hẳn là chưa sạch được thế. Còn rất nhiều thứ đang chờ tôi, trong thực tế còn nhiều hơn những gì tôi có thể tưởng tượng.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. THIỀN ĐỊNH – TRÍ TUỆ
  2. QUYẾT ĐỊNH GIÁC NGỘ
  3. ÁNH TRĂNG HUYỀN ẢO CỦA SỰ GIÁC NGỘ

Bài viết khác của tác giả

  1. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  2. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC
  3. TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN – HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH