BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI – PHẦN DẪN NHẬP

ĐƯƠNG ĐẠO

Trích: Bát Nhã Tâm Kinh Thiền Giải; NXB. Thiện Tri Thức, 2002

Các nhà học giả Tây phương cũng như Đông phương đều công nhận hệ thống Bát Nhã là cổng chính yếu dẫn vào Đại thừa. Bởi vì không những kinh điển của hệ thống nghiên cứu về Tánh Không chiếm khối lượng nhiều nhất trong Đại thừa, mà từ Tánh Không (sunyata) đã lưu xuất ra hầu hết các học phái tu chứng của đạo Phật, như Thiền tông, Không Luận tông của Ngài Long Thọ, Thiên Thai tông và tiềm tàng trong Duy Thức tông, Mật tông, Hoa Nghiêm tông, Pháp Hoa tông… Kinh Đại Bát Nhã nói: “Y theo Bát Nhã này, người nào muốn thành Tu Đà Hoàn sẽ đắc quả Tu Đà Hoàn, muốn thành A La Hán sẽ đắc quả A La Hán, muốn thành Bích Chi Phật sẽ thành Bích Chi Phật, muốn thành Bồ tát sẽ thành Bồ tát, nhẫn đến muốn thành Phật sẽ thành Phật”. Tất cả đều nhờ Bát Nhã. Như thế, Bát Nhã bao gồm Đại thừa lẫn Tiểu thừa, tùy theo người sử dụng.

Bộ kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển, có 125.000 bài tụng do ngài Huyền Trang dịch. Bộ này được cô đọng thành Bát Nhã Tâm Kinh gồm 260 chữ, nguyên văn bằng chữ Sanskrit, được lưu hành rộng rãi ở Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam… Như thế, đủ rõ Bát Nhã Tâm Kinh là cốt tủy của hệ thống Bát Nhã Không tuệ học, mà chúng ta ai cũng thuộc lòng. Và ai đến với đạo Phật, như một con đường rộng lớn nhất để giải thoát, chứng thực được thực tại vi diệu nhất là Niết Bàn Tự Tâm, đều phải, không hoàn toàn thì cũng một phần, đi trên con đường Bát Nhã vì Bát Nhã được kinh gọi là Mẹ của chư Phật.

Vậy thì Trí Huệ Bát Nhã là gì? Tâm Kinh được truyền thuyết để hành giả đạt đến cái gì? Trí Huệ Bát Nhã là trí huệ thấu biết Tánh Không và đưa hành giả đạt đến Tánh Không. Tánh Không là gì mà đạt đến nó tức là thành tựu được Phật quả, đạt đến mục đích cuối cùng của Đạo Phật? Có được một ý niệm về Không, một hiểu biết ở trên bình diện ý thức, dù ý thức được đạo Phật xem là vọng thức, chúng ta mới có thể đi vào Bát Nhã Tâm Kinh.

Không có ba ý nghĩa :

1. Ý nghĩa thế đế: Không là không có tự tánh, rỗng không. Đó là ý nghĩa của Không trong câu “soi thấy năm uẩn là Không”. Tiếng Phạn là asbhavasunya, tức là năm uẩn rỗng không, không có tự tánh.

Để cho dễ hiểu, chúng ta hãy xem xét sự vật trên bình diện ý thức, nghĩa là những gì ý thức có thể hiểu được. Theo khoa học hiện đại về vật lý hạt nhân, phần tử căn bản tạo nên vật thể là nguyên tử. Nguyên tử gồm một nhân, xoay quanh nhân là những âm điện tử. Các electron này thường có tốc độ khoảng nửa tốc độ ánh sáng. Như thế cơ cấu của một nguyên tử không tồn tại nguyên dạng trong một phần triệu giây. Nói theo người xưa là nguyên tử không có tự tánh vì không giữ được cơ cấu của mình trong một sát na.

Kim loại vốn rắn, dưới ảnh hưởng của nhiệt, biến thành thể lỏng. Kim loại không duy trì được tự tánh của nó nên kim loại là không có tự tánh. Nói theo lối đạo Phật, tứ đại (đất, nước, gió, lửa) đều có thể bị hủy diệt biến thái bởi nhau và hóa thành lẫn nhau. Các nguyên tố sanh ra vũ trụ đều không có tự tánh, nên là Không.

Một ý nghĩa nữa mà ý thức có thể hiểu, Không nghĩa là trống rỗng. Cũng trong nguyên tử, khoảng cách từ nhân ra đến âm điện tử là cực kỳ lớn, đến nỗi khối lượng vật chất (nhân + âm điện tử) so với khoảng không ở giữa chúng cũng giống như khối lượng các ngôi sao so với khoảng không vũ trụ chứa đựng chúng. Nếu bỏ đi khoảng không trong nguyên tử, thì toàn thể một con người chỉ còn lại phần vật chất đặc nhỏ hơn hạt cát. Một kính hiển vi điện tử nhìn một bức tường sẽ thấy là trống không, vì phần vật chất quá ít so với khoảng không chứa chúng.

Vật chất mà ta thấy bằng mắt gần như trống rỗng đó là một phần ý nghĩa của chữ Không. Không trong ý nghĩa thế đế là không có tự tánh và trống rỗng, một phần nào khoa học hiện đại có thể hiểu được.

2. Ý nghĩa thế đế thứ hai: Không có nghĩa là giả, không thật như huyễn ảo. Qua những thí dụ trên, ta thấy rằng sự vật ta nhìn bằng mắt thường thì khác với sự vật của khoa học. Ta cũng biết rằng con kiến chỉ biết có hai chiều, không biết chiều cao. Con chó cũng thấy được có hai màu trắng đen. Vào đầu thế kỷ, con người ý thức được chiều thứ tư của sự vật là chiều thời gian. Vậy thì, thực tại tùy theo mỗi loài, tùy theo ý thức hạn hẹp hay mở rộng mà thấy có khác nhau. Cái ta thấy chỉ là cái của ta. Cái ấy không đúng như thực tại trong tự thể của nó. Không nhìn đúng sự thật, không nhìn được thực tại như nó hiện là, mà nhìn ra một cái khác tùy theo ý thức mỗi loài. Cái khác đó, đạo Phật gọi là giả hay sâu xa hơn, là như huyễn. Duy Thức tông nói mọi pháp đều có theo thức. Nghĩa là mọi vật đều theo thức phần của ta mà hiện ra với ta, cái hiện ra đó tùy theo thức, nên mọi cái hiện ra đều do thức. Vì theo thức riêng của mỗi loài chúng ta nên không thật, là giả, như huyễn.

3. Ý nghĩa chân đế: Không là thực tại, không sanh, không diệt, không dơ sạch, không tăng giảm như Tâm Kinh tuyên thuyết. Thực tại đó siêu việt khỏi mọi ngôn ngữ, mọi ý niệm hoặc có hoặc không, ngoài mọi hình tướng nên dùng chữ Không để diễn tả như một sự phủ định tất cả và vượt lên tất cả. Thực tại đó, trong Thiền tông được biểu thị bằng một vòng tròn trống không hàm chứa tất cả mọi sự, đó là thực tại tròn đầy gọi là Chân Không Diệu Hữu.

Lấy một ví dụ có ý nghĩa triết học, người xưa thường dùng là sóng và nước. Không ở đây là bản thể, đối với sắc là hiện tượng. Tâm Kinh nói sắc tức là Không, có nghĩa là hiện tượng sanh diệt là bản thể chân thường. Như sóng sanh diệt có bản thể là nước, là biển cả chân thường. Bản thể của sóng là nước như bản thể của hình sắc vật chất là Chân Không.

Như thế, trăm ngàn sóng đều đồng nhau trong bản chất là biển cả, cũng như trăm ngàn hình sắc đều cùng một bản chất là Chân Không bất diệt. Trăm ngàn thứ đồ vật bằng vàng đều có bản thể là vàng. Chúng ta không thấy được vạn vật cùng một thể tánh (thể tánh này siêu việt lên ý thức, ngoài mọi lý luận về có và không ), vì chúng ta bị trói buộc trong ý thức nông cạn của mình. Muốn thấy được Tánh Không đó phải từ ý thức đi vào Trí Bát Nhã, Đó là quá trình tu chứng của đạo Phật.

Một cách cụ thể, khi có người hỏi hành giả tu Bát Nhã, cái bàn là gì ? Hành giả đó sẽ trả lời cái bàn là Không. Và không những cái bàn, mà cỏ cây, hoa lá, núi sông, phàm thánh trời người, tất cả đều là Không, đều đồng một thể Chân Không. Điều đó cũng giống như tất cả mọi bóng sắc trong một tấm gương rộng lớn đến vô hạn, tuy sắc có vô số nhưng đồng một bản thể là gương. Tâm Kinh nói Không tức thị Sắc nghĩa là gương và bóng là một. Không có bóng nào ở ngoài gương và không có bóng nào không có bản chất là gương.

Đối với khoa học hiện đại, khi được hỏi bản thể của vật chất là gì, khoa học sẽ trả lời là những hạt cơ bản. Đối với đạo Phật, vượt quá ý thức để thấy và chứng bằng Trí Huệ, bản thể của vật chất còn vi diệu hơn cả những hạt cơ bản và những hạt cơ bản là một thứ vật chất nhỏ. Những hạt cơ bản không vi tế bằng khoảng không ở trong nguyên tử đó, mà theo kinh Lăng Nghiêm khoảng trống không vũ trụ còn được sanh ra bởi và ở trong Như Lai Tạng tức là trong Chân Không, thì cái thể tánh Không đó hoàn toàn không thể nghĩ bàn.

Kinh Duy Ma Cật phẩm Đệ Tử có nói: “Pháp đồng pháp tánh”. Mọi pháp cùng đồng một Pháp tánh, Pháp tánh ấy là Không. Không là Pháp tánh, là bản thể của tất cả mọi vật. Ngài Hiền Thủ, tổ Hoa Nghiêm tông, giảng Sư Tử Chương: con sư tử bằng vàng, nên tất cả mọi sợi lông trên thân đều bằng vàng. Cũng thế, mọi hình tướng vật chất ta thấy được đều cùng một thể tánh, thể tánh đó là Không.

Không đó, kinh Lăng Nghiêm gọi là Không Như Lai Tạng. Hoa Nghiêm gọi là Pháp giới Tánh, Pháp Thân. Kinh Viên Giác gọi là Viên Giác, cái biết thường hằng viên mãn. Kinh Lăng Già gọi là Viên thành thật Trí hay Đại viên cảnh Trí.

Ngài Padmasambhava, vị khai sáng Phật giáo Tây Tạng trong cuốn Đại Giải Thoát, diễn tả cái Không đó là Nhất Tâm như sau: “Tâm thì không chỗ trụ, không dơ nhiễm, không sinh ra bởi vật gì, là Chân Không, chiếu soi, trống lặng, không phân hai, trong suốt, không thời gian, không trộn lẫn, không bị ngăn ngại, không màu sắc, không hình tướng để có thể nắm bắt, nhưng là nhất thể của vạn pháp, lại cũng không sinh ra bởi vạn pháp. Một vị bình đẳng siêu lên mọi phân biệt.”

Lục Tổ Huệ Năng gọi là Tự Tánh: “Nơi con người, thân xác là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa, ngoài có năm giác quan là năm cửa, trong có cửa ý, tâm là đất, Tánh là Vua. Trên đất tâm này, có Giác Tánh Như Lai, phóng ra ánh sáng lớn, ngoài soi sáu cửa thanh tịnh, trong phá sáu nẻo luân hồi, Tự Tánh chiếu bên trong ba độc tham sân si diệt trừ, địa ngục và tội lỗi tiêu sạch. Trong ngoài sáng suốt chính là Tịnh Độ.”

Thiền tông gọi Tánh Không này là Tâm, Chân Tâm, Phật Tánh, Tâm Không, Tâm Ấn.. . Mật tông gọi là Kim Cương giới, thế giới bản thể, đối lại với Thai Tạng giới là thế giới hiện tượng.

Ở trên là ba ý nghĩa của Tánh Không. Ba ý nghĩa đó có thể gọi là ba phương diện của cùng một thực tại. Ba phương diện này được Ngài Long Thọ nói trong Trung Luận:

“Các pháp nhân duyên sanh.

Tôi nói chính là Không.

Đó gọi là giả danh.

Cũng là nghĩa Trung Đạo.”

Nói theo Ngài Thiên Thai Trí Giả, đó là ba phương diện Không, Giả, Trung của thực tại. Đối với ba phương diện ấy của thực tại Không, đạo Phật có ba pháp tu quyết định được giảng trong những kinh điển như Lăng Nghiêm và Viên Giác để đưa hành giả tương ưng với Thực Tại. Đó là Samatha, Chỉ hay Định để tương ưng với Không. Vipasyana, Quán hay Huệ để tương ưng với Giả. Dhyana hay Thiền, hay Chỉ Quán song tu để tương ưng với Chân Không Trung Đạo đệ nhất nghĩa đế. Đứng trong Triết học Đông phương, chia thực tại làm ba phương diện Thể, Tướng, Dụng thì Không là:

Thể: Không là Chân Không Trung Đạo đệ nhất nghĩa đế, ly tứ cú (vượt ra ngoài bốn ý niệm: có, không, vừa có vừa không, không có không không), tuyệt bách phi (vượt ra ngoài một trăm cái chẳng phải là).

Tướng: Không là trống rỗng, không tự tánh.

Dụng: Không là không thật có, như huyễn.

Tóm lại dầu gọi bằng tên gì, chúng ta cũng có một kết luận: Có một thể tánh chân thường, không sanh không diệt, không tăng không giảm, ngoài mọi ý niệm có không. Thể tánh đó là bản thể của mọi pháp và cũng là thể tánh của chúng ta. Nó là Phật tánh của chúng ta, cái vốn có từ xưa đến giờ ở nơi mỗi chúng ta. Chúng ta chỉ thoát khỏi khổ đau, ràng buộc, trôi lăn trong sanh tử luân hồi, ngày nào chúng ta là Nó. Còn là một làn sóng, còn bị trói chặt trong thân ngũ ấm, chừng đó còn bị đau khổ, trôi lăn. Khi nào làn sóng là một với đại dương không sanh không diệt, thường, lạc, chân, tịnh, vấn đề đau khổ và luân hồi sẽ chấm dứt. Thể tánh đó là lời hứa vĩnh cứu cho mọi con người chúng ta, những sinh vật khát khao vĩnh cửu chân thường, vì tất cả chúng ta đều sanh ra để chết. Nếu không có thể tánh Chân Không đó, sẽ không có đạo Phật, vì chẳng còn lời giải cho khổ đau, sanh tử và luân hồi, không còn nụ cười an nhiên của Đức Phật, không có sự tự chứng và giúp người khác chứng, không có một Đức Phật nào và một vị Bồ tát nào. Tánh Không đó là lời hứa vĩnh cửu cho mọi con người khát khao vĩnh cửu, thường, lạc, chân, tịnh, mà chính Đức Thích Ca đã hứa với mỗi một chúng ta, khi trao y bát cho Ngài Ca Diếp làm vị Tổ đầu tiên của đạo Phật:

“Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng Niết Bàn Diệu Tâm, thực tướng vô tướng, nay phó chúc cho ông.”

Tánh Không đó, không phải do giảng thuyết mà đạt được, không do bàn luận mà đạt được, không do học tập mà đạt được. Với đạo Phật, nghe (Văn), tư duy (Tư) chỉ để đi đến thực hành (Tu). Tánh Không đó chỉ đạt được do tu tập, do huân tập một cái nhìn khác với cái nhìn của giác quan thường nghiệm, luyện tập một lối suy nghĩ khác với ý thức thường nghiệm để chuyển thức thành Trí. Chuyển thức thành Trí là công phu tu hành của mọi môn phái đạo Phật. Con đường của Giác ngộ là đạo Phật, chỉ có qua sự tu tập. Không có công phu tu tập chúng ta sẽ không tiến được một bước quyết định nào trên con đường đó, không leo lên được một nấc thang nào trong năm mươi bốn địa vị dẫn đến quả vị Giác Ngộ. Bởi thế, khi diễn giải, chúng tôi chú trọng nhiều hơn về mặt thực hành. Một câu kinh, chúng tôi sẽ giải làm bốn lần. Lần một có tính cách triết lý, để mở ra một ý niệm tổng quát. Tiếp đó câu kinh sẽ được giải ở một mức độ vừa dễ hiểu (Tư), và để hành (Tu) theo một mức độ mà đạo Phật đòi hỏi. Thiền trực chỉ, bằng một vài câu đối đáp của Thiền sư, để trực giác chúng ta bắt nhịp tương ưng với ý vị của thực tại mà các bậc tu chứng cảm nghiệm. Sau rốt, là phần thực hành. Phần tự tu cốt để khai mở trí huệ, phá tan vô minh, thấy được Tánh Không đồng thời để tiệm tu dần dần đi đến trọn vẹn.

Dĩ nhiên thực tại Tánh Không thì vô lượng nghĩa. Không ai có thể nắm bắt được tất cả nghĩa này trừ bậc Giác Ngộ. Chúng ta chỉ mong giải được một vài nghĩa trong Đại thừa vô lượng nghĩa đó, để cho người ta có được bước đầu căn bản trên con đường tiến đến giác ngộ hoàn toàn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHỮA LÀNH THÔNG QUA TÁNH KHÔNG
  2. TÁNH KHÔNG CỦA TÂM
  3. TÁNH KHÔNG THANH TỊNH

Bài viết khác của tác giả

  1. VỀ NGUỒN
  2. BỒ ĐỀ TÂM ĐỒNG VỚI CÔNG ĐỨC CỦA TẤT CẢ PHẬT PHÁP
  3. MỞ ĐẦU – 10 TƯ TƯỞNG PHÁP HOA TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ