KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: “Lóng nghe! Lóng nghe! Như Lai sẽ vì ông mà nói nghiệp nhơn trường thọ của Như Lai đã được. Do nơi nghiệp nhơn này mà Bồ Tát được thọ mạng dài lâu. Nếu hạnh nghiệp có thể làm nhơn cho quả Bồ Đề thời phải nên thành tâm nghe kỹ và lãnh thọ nghĩa ấy. Đã tự lãnh thọ rồi nói lại cho người khác. Do tu tập hạnh nghiệp ấy mà Như Lai đặng thành Vô thượng Chánh giác. Nay lại vì người mà giảng rộng ý nghĩa ấy.
Ví như Vương tử phạm tội bị giam vào ngục, nhà Vua rất nhớ thương con, đích thân ngự đến ngục thất. Cũng vậy, muốn được trường thọ, Bồ Tát phải nên hộ niệm tất cả chúng sanh, xem như con ruột, sanh lòng đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, truyền cho giới bất sát, dạy cho tu pháp lành. Cũng nên để tất cả chúng sanh ở nơi ngũ giới thập thiện. Lại đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la v.v…, để cứu vớt những kẻ khổ não trong các nơi ấy. Giải thoát kẻ chưa giải thoát, cứu độ người chưa được cứu độ. Người chưa chứng Niết Bàn làm cho chứng Niết Bàn. An ủi tất cả người đang ở trong cảnh kinh sợ. Do các nghiệp nhơn trên đây mà Bồ Tát được thọ mạng dài lâu, nơi các trí huệ được tự tại. Sau khi mạng chung sanh lên cõi trên”.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Ma Ha Tát bình đẳng xem chúng sanh đồng như con ruột, nghĩa ấy rất sâu, con chưa hiểu được. Đức Thế Tôn chẳng nên nói Bồ Tát đối với chúng sanh tu tâm bình đẳng xem đồng như con, vì trong Phật pháp có người phá giới, có kẻ phạm tội nghịch, có kẻ hủy báng chánh pháp. Sao lại với những hạng ấy mà xem đồng như con?”.
Phật dạy: “Phải đấy! Như Lai đối với chúng sanh thiệt xem đồng là con như La Hầu La”.