CHỮ NGHĨA VÀ TU

ĐẠO NGUYÊN HY HUYỀN

Trích: “Giáo huấn điển tọa”

Đạo Nguyên Hy Huyền

Ngọc Bảo biên dịch, 2010

Khi tôi ở núi Tiên Đồng, có một vị tăng tên là Lu từ Qingyuan Fu làm công việc phạn đầu. Một hôm, sau bữa ăn trưa, khi đang đi bộ dọc hành lang phía đông đến một điện khác trong tự viện, tôi thấy Lu đang phơi nấm trong nắng trước cửa Phật điện.

Ông ta cầm một cái gậy tre trong tay, nhưng không có đội mũ gì cả. Ánh nắng mặt trời gay gắt tỏa xuống những viên gạch trên lối đi, khiến những bước chân nóng bỏng. Lu đang làm việc tận tình và đã ướt đẫm mồ hôi.

Tôi thấy công việc này nặng nhọc cho ông quá. Lưng ông còng xuống như cái cung, và đôi lông mày trắng xóa như lông hạc vậy. Tôi đến gần, hỏi ông bao nhiêu tuổi. Ông trả lời rằng ông đã sáu mươi tám tuổi rồi. Tôi hỏi tiếp: “Sao ông không có người nào phụ làm việc này?”

Ông nói: “Những người khác không phải là tôi.” “Thầy nói đúng”, tôi bạch, “Theo như tôi thấy thì đây cũng là một cách tu tập của ngài. Nhưng tại sao ngài phải làm việc cực nhọc trong trời nắng gắt như vậy làm gì?”

Ông trả lời: “Nếu không làm bây giờ, thì làm lúc nào?”

Tôi không còn nói được gì nữa. Khi tiếp tục đoạn đường đi trên hành lang, tôi chợt nhận ra ý nghĩa quan trọng của công việc điển tọa.

Tôi đến Trung Quốc vào tháng tư năm 1223, nhưng vì chưa được lên bộ ngay, tôi phải ở lại trên tàu trong hải cảng Ningbo. Một ngày vào tháng năm, trong khi đang nói chuyện với vị thuyền trưởng, một vị sư già khoảng sáu mươi tuổi bước lên tàu mua nấm từ những thương gia Nhật Bản. Tôi mời ông ấy uống trà và hỏi ông đến từ đâu. Ông nói ông là điển tọa ở chùa trên núi A-dục Vương, và thêm rằng:

“Tôi xuất thân từ Xishu, mặc dù tôi đã bỏ xứ đi hơn bốn mươi năm nay rồi. Bây giờ tôi sáu mươi mốt tuổi và đã tu ở vài thiền viện ở xứ này. Khi đại sư Daoquan trở thành viện trưởng trụ trì ở chùa Guyun trên núi A-dục Vương, tôi đến đấy tham học nhưng vì thiếu căn cơ nên lãng phí thời gian mà chẳng thụ đắc được bao nhiêu.

May sao, tôi được chỉ định làm điển tọa năm ngoái, khi khóa kiết hạ vừa chấm dứt. Ngày mai là mồng năm tháng năm (lễ Ðoan Ngọ), nhưng tôi không có món gì đặc biệt để cúng dường chư tăng, nên tôi nghĩ mình hãy nấu một món mì ngon, nhưng ở chùa không có nấm, nên tôi đến đây để mua một ít.”

“Thầy rời núi A-dục Vương lúc nào?” Tôi hỏi.

“Sau bữa ăn trưa.”

“Từ đây đến đó bao xa?”

“Khoảng mười bốn dặm.”

“Khi nào thầy định trở về chùa?”

“Ngay sau khi tôi mua nấm xong.”

Tôi nói, “Hôm nay thật là duyên may cho tôi được gặp và nói chuyện với thầy như thế này. Nếu có thể, xin mời thầy ở lại cho tôi được cúng dường bữa ăn.”

“Thật tiếc quá, tôi không thể ở lại bây giờ được. Nếu tôi không có ở chùa để sửa soạn bữa ăn ngày mai, mọi sự sẽ không được tốt đâu.”

“Nhưng chắc chắn là một ngôi chùa lớn như A-dục Vương phải có người có thể sửa soạn bữa ăn chứ? Nếu ngài không có ở đó, họ cũng không bị trở ngại gì, phải không?”

“Tôi đã được giao cho nhiệm vụ đó ở số tuổi này. Nói đúng ra, đó là công việc của một người già. Làm sao tôi có thể giao cho người khác việc chính tôi phải làm được? Hơn nữa, khi rời chùa tôi không xin phép đi qua đêm.”

“Nhưng tại sao, ở tuổi này thầy lại phải làm công việc nặng nhọc của một điển tọa? Sao không thực tập tọa thiền hay tham khán những công án của các vị đại sư ngày xưa?  Làm công việc điển tọa này có ích lợi gì không?”

Vị sư phá lên cười, nói rằng, “Ông bạn nước ngoài ơi! Ông chưa thực sự hiểu được thế nào là tu cũng như chữ nghĩa của các vị Tổ ngày xưa.”

Nghe vậy, tôi lấy làm xấu hổ và ngạc nhiên. Tôi hỏi, “Cái gì là tu? Cái gì là chữ nghĩa?”

Ông trả lời, “Hãy nghiền ngẫm thẩm thấu câu hỏi đó, bạn sẽ tìm được Ðạo.”

Lúc ấy, tôi không hiểu được ý nghĩa lời ông nói, nên vị sư bảo, “Nếu ông bạn không hiểu, hôm nào đến núi A-dục Vương thăm tôi, chúng ta sẽ nói chuyện về ý nghĩa của chữ nghĩa.” Nói xong rồi, ông đứng lên, “Trời sắp tối rồi, tôi phải về ngay bây giờ.” Rồi ông đi.

Tháng bảy năm đó, tôi đang ở núi Tiên Đồng thì vị điển tọa chùa ở núi A-dục Vương đến thăm tôi. Ông nói rằng, “Sau khóa kiết hạ này tôi sẽ về hưu không làm công việc điển tọa nữa và sẽ trở về quê. Nghe một vị tăng bạn nói ông đang ở đây, tôi đến thăm ông xem lúc này như thế nào.”

Tôi vui mừng đón tiếp ông, mời uống trà rồi đàm đạo. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, sau cùng nói đến câu chuyện hôm trước về chữ nghĩa và tu, vị sư nói.

“Nếu muốn hiểu chữ nghĩa ông phải biết nhìn thẳng vào chữ nghĩa để biết đó là gì, nếu muốn tu Ðạo ông phải hiểu tu là gì.”

Tôi lại hỏi ông, “Cái gì là chữ nghĩa?”

“Một, hai, ba, bốn, năm”. Ông trả lời.

“Thế nào là tu?”

“Hiện cùng khắp, không che dấu ở đâu cả.”

Tuy rằng chúng tôi còn nói nhiều điều nữa nhưng tôi không muốn đề cập đến ở đây. Quả thực những điều tôi hiểu biết về chữ nghĩa và tu tập phần lớn là nhờ vị điển tọa này đã khai thị cho. Khi tôi kể lại cho vị thầy đã quá cố của tôi là Minh Toàn câu chuyện này, ngài rất vui mừng.

Sau này, tôi tìm thấy một bài kệ mà thiền sư Tuyết Ðậu đã viết cho đệ tử của ngài:

Một, bảy, ba, năm.

Chân lý tìm cầu không thể nắm bắt được.

Trong trời đêm,

Trăng sáng chiếu khắp trên đại dương.

Trân bảo hắc long hiện trên từng ngọn song

Tìm trăng ở đâu,

Ở ngay đây, trong ngọn sóng này

Và ngọn sóng tới.

Tôi chợt nhận ra điều vị điển tọa đã nói cũng trùng hợp với những gì Tuyết Ðậu muốn nói đến trong bài kệ này. Tôi càng nhận rõ hơn là vị điển tọa ấy đã thực sự sống được  với Ðạo.

Trước đây tôi biết một, hai, ba, bốn, năm; bây giờ tôi biết được sáu, bảy, tám, chín, mười. Các người tu học Phật bây giờ cũng như về sau phải hiểu được sự tu và ý nghĩa của chữ nghĩa từ mặt này qua mặt kia.

Hãy tinh tấn nỗ lực, bạn sẽ hiểu được ý Thiền vượt ngoài chữ nghĩa luận bàn. Nếu  không, sẽ có thể bị dẫn sai lạc theo tà kiến mà không thể làm được thiện hảo công việc nấu ăn phục vụ cho đại chúng được.

Những câu chuyện về các bậc cao tăng đã từng làm điển tọa như Quy Sơn và Ðộng Sơn đã được truyền lại từ nhiều thế hệ từ xưa tới nay. Ngoài hai vị ở chùa núi Tiên Đồng và A-dục Vương tôi đã được gặp và nói chuyện với nhiều vị điển tọa trong các chùa khác. Nếu xét kỹ những câu chuyện này ta có thể thấy được đây là sự tu hành chân chính theo đúng Pháp, và có thể hiểu được ý nghĩa của chữ nghĩa cũng như bản chất của sự tu hành. Thực sự ra, làm việc điển tọa chính là sự tu hành của một vị Phật, không lấy gì so sánh được. Ngay cả những vị đã lên chức trụ trì rồi cũng vẫn phải giữ lối tu như vậy.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NẤU ĂN LÀ TU TẬP
  2. CĂN BẢN ĐƯỜNG TU
  3. CON SƯ TỬ VÀNG – CỐT TỦY ĐẠO PHẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐẠO NGUYÊN (DOGEN)
  2. NHƯ VẬY
  3. BỐN NHIẾP PHÁP

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP