HOA TÀN HOA NỞ CHỈ LÀ XUÂN

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Văn Hóa Phật Giáo số Xuân Kỷ Hợi (313-314), ra ngày 15-01-2019

Xuân đến Xuân đi nghi Xuân hết 
Hoa tàn hoa nở chỉ là Xuân. 
Xuân lai Xuân khứ nghi Xuân tận 
Hoa lạc hoa khai chỉ thị Xuân.

(Thiền sư Chân Không, 1046 – 1100)

Con đường tâm linh đưa con người vượt khỏi thế giới hiện tượng vô thường (hoa tàn hoa nở) để đến thực tại vô tận, bất sanh bất diệt (xuân vô tận). Cả hai hệ Pali và Sanskrit đều gọi thực tại ấy là Không, Vô tướng, Vô nguyện, hoặc là Niết-bàn (Pali), Pháp thân bất sanh bất diệt (Sanskrit). Thực tại ấy, Thiền sư Chân Không và một số thiền sư Việt Nam thường gọi là xuân.

Đó là một mùa xuân “vô tận”, “chỉ là xuân”, đầu cuối chỉ một vị mà người ta có thể kinh nghiệm, thực chứng bằng một cuộc đời hành thiền. Mùa xuân vô tận ấy, Niết-bàn thường lạc ấy, Lục tổ Huệ Năng khi giảng kinh Niết-bàn cho sư Chí Đạo đã nói như sau:

“Ông là con họ Thích, sao lại học tập tà kiến đoạn thường của ngoại đạo mà bàn luận pháp tối thượng thừa? Cứ như ông nói, thì ngoài sắc thân còn có riêng Pháp thân, lìa sanh diệt mà cầu nơi tịch diệt, lại suy diễn Niết-bàn thường lạc mà nói có thân thọ dụng. Ấy là tiếc giữ sanh tử, mê đắm cái vui thế gian.

Ông nay phải biết: Phật vì tất cả các người mê, họ nhận năm uẩn hòa hiệp làm tướng ngoại trần, rồi ham sống ghét chết, niệm niệm trôi dời, chẳng biết là mộng huyễn hư giả, uổng chịu luân hồi, lấy Niết-bàn thường lạc chuyển thành tướng khổ mà trọn ngày cầu kiếm. Vì thế Phật thương xót nên chỉ bày Niết-bàn chân lạc, trong sát-na không có tướng sanh, trong sát-na không có tướng diệt. Lại không có sanh diệt nào để diệt, đây là tịch diệt hiện tiền. Đang khi hiện tiền cũng không có cái lượng hiện tiền, mới gọi là thường lạc.”

Cái lạc này không có người thọ cũng không có người không thọ, thế thì làm sao có tên “một thể năm dụng”? Huống gì lại nói Niết-bàn cấm ngăn các pháp, làm cho chúng vĩnh viễn chẳng sanh. Đó là báng Phật nhạo Pháp. Mùa xuân bất tận hay Niết-bàn thường lạc ấy “trong sát-na không có tướng sanh, trong sát-na không có tướng diệt, lại không có sanh diệt nào để diệt”, mùa xuân ấy là cái “tịch diệt hiện tiền”. Và điều có vẻ lạ lùng “Niết-bàn ấy không cấm ngăn các pháp, làm cho chúng vĩnh viễn chẳng sanh”.

Mùa xuân ấy không sanh không diệt, là tánh Không, nhưng không phải là một tánh Không bất động, đóng băng chết cứng, mà vẫn cho các pháp hoạt động, lưu chuyển đến đi. Mùa xuân không sanh không diệt, nhưng vẫn có hoa tàn hoa nở, vẫn cho chúng sanh có sống có chết.

Có hoa tàn hoa nở chứ không phải không có gì cả, nhưng với một vị chứng tánh Không thì hoa tàn hoa nở ấy là không có tàn không có nở, sanh mà vô sanh:

“Đại Bồ-tát ở trong Đệ thất Viễn hành địa, khéo tu tập huệ phương tiện, khéo thanh tịnh các đạo, khéo tu tập pháp trợ đạo, do đại nguyện lực nhiếp giữ, được Phật lực gia hộ, tự thiện lực giữ gìn. Thường tưởng nhớ lực, vô úy, bất cộng của Như Lai, khéo thanh tịnh tâm ý vi tế, có thể thành tựu phước đức trí huệ, đại từ đại bi chẳng bỏ chúng sanh. Vào vô lượng trí đạo, vào tất cả pháp bổn lai vô sanh, vô khởi, vô tướng, vô thành, vô hoại, … lấy cái này làm tánh. Ba thuở sơ, trung, hậu thảy đều bình đẳng vô phân biệt, là chỗ nhập của Như Lai trí, lìa tất cả tưởng phân biệt tâm ý thức, không chỗ chấp lấy dường như hư không, vào tất cả pháp như tánh hư không. Đây gọi là được vô sanh pháp nhẫn”. Có hoa nhưng hoa không tàn không nở vì “sát-na không có tướng sanh, sát-na không có tướng diệt”.

Có hoa, nhưng hoa như “tất cả các pháp, bổn lai vô sanh, vô khởi, vô tướng, vô thành, vô hoại, …”. Niết-bàn tánh Không ấy không ngăn cấm sự sanh ra và biến mất của các pháp, mùa xuân “vô tướng” ấy không ngăn cấm sự sanh ra của những hoa mới và sự rơi rụng những hoa cũ. Tánh Không không ngăn cấm sắc thanh hương vị xúc pháp, vì “sắc tức là Không, Không tức là sắc”.

Tất cả hoa nằm trong mùa xuân không sanh không diệt, không đến không đi nên tất cả hoa cũng không sanh không diệt không đến không đi, cũng vẫn chỉ là mùa xuân không sanh không diệt, không đến không đi ấy. Tất cả hoa là mùa xuân, mà một hoa cũng là mùa xuân, vẫn chỉ là xuân.

Trong thật tướng, hoa không nở không tàn, không đến không đi:

“Này Tu-bồ-đề! Sắc không từ đâu đến, cũng chẳng đi đâu, cũng không chỗ ở. Thọ tưởng hành thức cũng như vậy.
Sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp, không từ đâu đến, cũng chẳng đi đâu, cũng không chỗ ở.
Sắc như, thọ như, tưởng như, hành như, thức như, không từ đâu đến, cũng chẳng đi đâu, cũng không chỗ ở.
Sắc tánh đến thức tánh không từ đâu đến, cũng chẳng đi đâu, cũng không chỗ ở.
Sắc tướng đến thức tướng không từ đâu đến, cũng chẳng đi đâu, cũng không chỗ ở.”

(Kinh Đại Bát-nhã, phẩm Đẳng Không)

Không những mùa xuân không đến không đi, không sanh không diệt, mà những biểu lộ muôn hoa của nó cũng không đến không đi, không sanh không diệt.

Tất cả hoa vẫn chỉ là mùa xuân không đến không đi, không sanh không diệt. Đây là một mùa xuân bất tận, không đến không đi, cho nên tất cả hoa trong đó đều không nở không tàn, không đến không đi, vẫn chỉ là mùa xuân ấy. Tất cả hoa là mùa xuân bất tận, và mỗi một hoa cũng là mùa xuân bất tận, ngoài mọi đến đi, sanh diệt, cũng chỉ là xuân.

Xuân khứ xuân lai nghi xuân tận,
Hoa khai hoa lạc chỉ thị xuân.
(Xuân đến xuân đi nghi xuân hết,
Hoa tàn hoa nở chỉ là xuân).
                    -Thiền sư Chân Không

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. MÙA XUÂN CỦA HIỆN TẠI
  2. SỰ CHỨNG NGHIỆM GIẢI THOÁT
  3. TRIẾT LÝ VỀ HOA

Bài viết khác của tác giả

  1. TU QUÁN
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN