KINH NGHIỆM TRỰC TIẾP VỀ THỰC TẠI

SHUNRYU SUZUKI

Trích: “Không Hẳn Luôn Như Thế”
Tác giả: Shunryu Suzuki
Dịch giả: Viên Chiếu

Khi bạn học hỏi với toàn thân tâm, bạn sẽ có kinh nghiệm trực tiếp. Khi bạn tin mình có vấn đề, nghĩa là bạn tu tập không đủ tốt. Nếu tu tập đủ tốt, bạn thấy gì, làm gì cũng là kinh nghiệm trực tiếp về thực tại.

——-???——-

Thiền sư Đạo Nguyên nói, “Núi và sông, đất và trời – vạn vật đang khuyến khích chúng ta đạt ngộ.” Cũng thế, mục đích bài giảng này là khuyến khích bạn đạt ngộ, có kinh nghiệm thực sự về Phật giáo. Dù bạn nghĩ mình đang học Phật bằng cách đọc, có thể bạn chỉ có một sự hiểu biết thuộc tri thức hơn là một kinh nghiệm trực tiếp.

Sự hiểu biết thuộc tri thức thì cần nhưng chưa đủ. Không có nghĩa là mình bỏ qua sự hiểu biết, hay giác ngộ hoàn toàn khác với nó. Thực ra, kinh nghiệm trực tiếp về sự vật có thể được tri thức hóa, và sự giải thích dựa trên khái niệm này có thể giúp bạn kinh nghiệm trực tiếp. Cả hai đều cần thiết, nhưng biết được sự khác nhau giữa chúng là quan trọng. Đôi khi bạn nghĩ rằng điều gì đó là một kinh nghiệm ngộ, nhưng nó chỉ thuộc tri thức. Đó là lý do bạn phải có một chân sư biết được sự khác nhau.

Vì thế khi học Phật pháp, cần có quyết tâm mạnh mẽ, và không chỉ học bằng tâm mà còn bằng thân nữa. Nếu bạn đến nghe giảng, dù bạn ngủ và không thể nghe, sự tham dự buổi giảng sẽ đem đến vài kinh nghiệm ngộ cho bạn. Nó sẽ tự ngộ.

Kinh nghiệm trực tiếp có được khi bạn là một với hành động của mình, khi bạn không có ý tưởng về ngã. Điều này có thể xảy ra khi bạn đang ngồi, nhưng cũng có thể bất cứ khi nào mà tâm tìm đạo của bạn đủ mạnh để quên những tham dục của bản thân. Khi cho rằng mình có vấn đề, nghĩa là sự tu tập của bạn không đủ tốt. Khi sự tu tập đủ tốt, bạn thấy gì, làm gì đều là kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Nên nhớ điều này. Thông thường, không biết điều này, chúng ta cuốn mình theo sự phê phán đúng sai, “điều này hoàn hảo” và “điều kia không hoàn hảo”. Nó có vẻ buồn cười khi chúng ta đang tu tập thực sự.

Đôi khi chúng ta có thể nói rằng đối với Phật tử không có gì lỗi. Bạn làm gì, bạn biết đó, “Phật đang làm chứ không phải tôi”, hay “Phật chịu trách nhiệm, không phải tôi.” Nhưng nếu bạn dùng nó như một lời biện minh thì lầm rồi. Chúng tôi nói, “Mọi người đều có Phật tánh.” Là để khuyến khích bạn có một kinh nghiệm thực sự về nó. Mục đích của bài giảng chỉ là để khuyến khích sự tu tập chân thật của bạn, không để bạn dùng biện minh cho sự lười biếng hay tu tập chiếu lệ.

Niềm tin là gì?Ở Trung Hoa, người ta thường đội trên đầu những bình lớn mật hay nước, và đôi khi có người bị rớt bình. Dĩ nhiên đây là lỗi lớn, nhưng nếu bạn không quay đầu nhìn thì ổn thỏa thôi. Bạn cứ đi tiếp, đi tiếp, dù không còn mật hay nước trên đầu. Nếu bạn đi tiếp, đó không phải lỗi. Nhưng nếu bạn nói, “Ôi! Tôi mất nó rồi! Ôi trời!” Đó là lỗi. Đó không phải tu tập chân thật.

Khi một võ sĩ tài ba dùng kiếm, ông ta có thể chém một con ruồi đậu trên mũi bạn mình mà không phạm lỗ mũi. Nếu sợ cắt nhằm mũi thì không phải thực sự tu tập. Khi làm việc, phải có quyết tâm mạnh mẽ! Whoosh! (Tiếng kiếm chém không khí) Không nghĩ có tài hay không, nguy hiểm hay không, bạn chỉ việc làm. Khi làm với quyết tâm, đó là tu tập thực sự, là chân ngộ.

Sự quyết tâm mạnh mẽ để hiểu rõ cuộc sống này vượt lên trên thành công hay không thành công. Vượt trên mọi cảm giác sợ hãi, bạn chỉ làm nó.

Đó là cách chúng ta thực hành Tứ hoằng thệ nguyện. Chúng ta giúp đỡ mọi người chỉ vì chúng ta muốn, không vì nghĩ mình sẽ thành công. Chúng sanh thì vô số, vì thế chúng ta không biết khi nào có thể hoàn tất việc cứu độ chúng sanh. Nhưng không sao. Chừng nào còn ở đây, chúng ta sẽ tiếp tục việc cứu độ.

Sự hiểu biết về giáo pháp của chúng ta không có giới hạn. Dù hiểu hay không, chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng để hiểu. Khi học với sự quyết tâm như thế, chúng ta sẽ gặp những bài pháp giá trị rất khó gặp dù trải qua hằng ngàn kiếp. Bài pháp vi diệu không thể so với bài pháp nào khác.

Một bài pháp vô song không có nghĩa là bài pháp hay nhất. Như thiền sư Đạo Nguyên nói, “Chúng ta không bàn cãi ý nghĩa bài pháp theo lối so sánh nhưng nhấn mạnh cách thực hành.” Chúng ta chú tâm vào cách để chấp nhận bài pháp và sống với bài pháp. Dù bài pháp có cao sâu hay không, không hiểu điểm quan trọng đó là phát triển thái độ học hỏi của chúng ta. Đây là đặc tính của Thiền và của Phật pháp chân thật. Chúng ta chú trọng sự thực hành chân thật hơn là sắp đặt một hệ thống Phật pháp.

Luật lệ chỉ làm chúng ta thực hành dễ hơn. Không làm hẹp cánh cửa của chúng ta mà mở rộng cho mọi người. Chúng tôi biết khó khăn biết bao, nên chúng tôi đặt luật lệ giúp các bạn tu tập. Nếu không có sào cho bạn trèo, bạn khó có được cảm giác khi trèo lên ngọn. Nếu trẻ con không có đồ chơi, sẽ hơi khó có kinh nghiệm thực sự của con người. Luật lệ là một thứ đồ chơi giúp bạn kinh nghiệm như một Phật tử. Trò chơi không phải luôn cần thiết, nhưng nó cần khi bạn còn trẻ.Vậy thì không cần dính mãi vào luật lệ. Điều quan trọng là sự mở rộng cách sống của bạn sâu hơn và rộng hơn. Một bát sành đẹp không cần thiết khi bạn đã sẵn sàng biết ơn mọi vật. Bất cứ vật gì cũng sẽ khuyến khích sự tu tập của bạn. Nếu bạn có thể hưởng cuộc sống đúng nghĩa, dù thân bạn bị thương tổn cũng không sao. Dù bạn chết cũng không sao. Khi được mọi vật khích lệ, và bạn nhận ra mọi vật luôn giúp đỡ mình, thì dù bạn chết hay sống cũng không khác biệt. Không sao cả. Hoàn toàn ổn đáng. Đó là sự buông xả trọn vẹn.

Sự tu tập của bạn sẽ đủ mạnh mẽ để tiếp tục mãi mãi, bất chấp sống chết. Theo lối này, sự chứng ngộ có thể được giải thích. Thực hành lối này thế nào tùy bạn. Tôi không thể giải thích sự hiểu biết của bạn về Phật pháp. Bạn sẽ giải thích cách sống như một Phật tử theo lối riêng.

Buổi nói chuyện của tôi chỉ để khuyến khích bạn tu tập. Bạn không thể theo nó một cách chính xác, nhưng có lẽ bạn được một vài gợi ý.

Cám ơn các bạn rất nhiều!

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ CHỨNG NGHIỆM GIẢI THOÁT
  2. NGỘ TÁNH LUẬN: MỘT TÂM LÀ MỘT CÕI PHẬT
  3. ĐẠI NGỘ

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. NGUỒN LINH SÁNG TRONG VEO
  3. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH