BÀI CA CHỨNG NGỘ CỦA MILAREPA

MILAREPA

Jetsun Milarepa từ thành phố Hạnh phúc xứ Mang Yul trở lại Nya Non. Những thí chủ trước kia đều vui mừng và cầu xin Ngài ở lại Nya Non. Milarepa chọn một hang đá dưới một tàng cây khổng lồ mọc trên một khối đá bụng tròn làm nơi ở. Rồi Thượng tọa Shaja Guna và một số thí chủ ở Nya Non đến và hỏi rằng Ngài đã đạt được tiến bộ và chứng ngộ nào trong thời gian lưu trú ở những nơi khác. Để trả lời, Ngài hát:

…Tinh túy của tâm thì giống như hư không;
Đôi khi nó bị che mờ bởi những đám mây của dòng niệm tưởng
Rồi lời Thầy truyền dạy như ngọn gió
Thổi tan những đám mây trôi dạt bồng bềnh
Tuy nhiên dòng niệm tưởng ấy chính là Tánh Giác
Kinh nghiệm chứng ngộ thì tự nhiên như ánh sáng Mặt trời Mặt trăng;
Tuy nhiên nó siêu việt cả không gian và thời gian.
Nó vượt khỏi mọi lời nói và diễn tả.
Sự tín thành lớn lên trong lòng, như nhiều ngôi sao đang sáng;
Bất cứ lúc nào nó chiếu sáng như thế, đại hỷ lạc khởi sanh.
Vượt lên mọi hý luận là bản tánh của Pháp thân thường trụ;
Rốt ráo hết sạch mọi hoạt động của sáu thức nhiễm ô.
Nó là siêu việt, không nỗ lực và tự nhiên
Vượt khỏi sự bám víu của ngã và vô ngã
Trí tuệ vô trụ an trụ vĩnh viễn trong đó
Diệu kỳ thay Ba thân, Ba trong Một.

Rồi Ngài bảo Shaja Guna chớ vướng vào lạc thú, danh tiếng và thế gian, mà hãy dấn mình vào sự thực hành đạo pháp trọn đời và thuyết phục những người khác cũng làm như vậy.

Rồi Milarepa hát tiếp:

Hãy nghe ta, này ông, người có thiện căn!
Chẳng phải cuộc đời này thì không chắc và hão huyền?
Chẳng phải những lạc thú và hưởng thụ cũng giống như ảo ảnh?
Có chăng chút bình an nào ở đây, trong sanh tử?
Chẳng phải hạnh phúc giả tạo của nó thì không thực như giấc mơ?
Chẳng phải lời khen và tiếng chê trống rỗng như một tiếng vang?
Chẳng phải mọi hình tướng đều nhất như với bản tánh của tâm sao?
Chẳng phải tự tâm và Phật là đồng nhất sao?
Chẳng phải Phật và Pháp thân là một sao?
Chẳng phải Pháp thân là một với chân lý sao?
Bậc giác ngộ biết rằng mọi sự đều là tâm thức;
Bởi thế người ta cần soi chiếu tâm mình suốt ngày và đêm.
Nếu ông theo dõi nó, có thể ông vẫn không thấy có gì;
Thế thì hãy trụ tâm ông vào trạng thái không – thấy – có – gì đó.
Không có tự thể nào trong tâm Milarepa;
Ta, chính ta, là Đại Ấn (Mahamudra)
Bởi vì không có sự khác biệt nào giữa Thiền tĩnh và động
Nên ta không cần những cấp bậc khác nhau của con đường nữa
Bất cứ thứ gì hiển lộ, bản chất của chúng là Tánh Không…

Milarepa hát như thế, và Pháp sư Shaja Guna dấn thân vào thực hành thiền định. Ông đạt đến một sự thấu hiểu phi thường và trở thành một đệ tử thân thiết của Jetsun.

Đây là câu chuyện Milarepa làm cho vị Tăng Shaja Guna xứ Nya Non trưởng thành trên đường đạo, trong động đá bụng tròn.

(Theo The Hundred Thousand Songs of Milarepa)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÂM VÀ BẢN TÁNH CỦA TÂM
  2. BẢN THỂ TÂM
  3. TÂM, PHẬT VÀ CHÚNG SANH, CẢ BA KHÔNG SAI KHÁC

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT BÀI CA CHỨNG NGỘ CỦA NGÀI MILAREPA
  2. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG PHÁP
  3. CỨU ĐỘ NGƯỜI CHẾT

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN