SUSAN JEFFERS
Trích: "Xuyên qua nỗi sợ"; Susan Jeffers/ Hồ Thị Việt Hà dịch. NXB Tổng hợp Tp.HCM. 2017
Bạn là “nạn nhân” hay bạn chủ động chịu trách nhiệm về cuộc đời mình? Rất nhiều người cho là mình đang chịu trách nhiệm, song thực tế lại không như vậy. “Nạn nhân” về mặt tinh thần vốn rất khó nhận biết và có nhiều dạng khác nhau. Khi đã hiểu được những khái niệm trong chương này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những động lực kiểm soát nỗi sợ.
Hẳn bạn không xa lạ với thông điệp HÃY TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CUỘC ĐỜI MÌNH, thậm chí đã bị nhồi nhét điều đó từ lâu.
Nhưng tôi tin rằng hầu hết chúng ta không hiểu rõ ý nghĩa của thông điệp đó.
Đối với phần lớn những người “độc lập” như chúng ta, điều đó có nghĩa là chúng ta phải có một việc làm, kiếm đủ tiền để tự lo cho bản thân và không sống bám vào người khác. Như vậy có thể đã đủ, mà cũng có thể chưa đủ. Nhưng có một điều chắc chắn là giải thích đó vẫn chưa thể hiện trọn vẹn vấn đề vốn rộng lớn hơn và cũng trừu tượng hơn. Chúng ta hãy xem một số ví dụ như sau:
Edward là một nhân viên cấp cao đầy quyền lực và giàu có, nhưng luôn sống trong lo lắng. Khi tôi đề nghị anh đến gặp chuyên viên tư vấn để được giúp đỡ, anh trả lời rằng chỉ cần mọi người xung quanh thay đổi thì mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi. Chẳng hạn, giá như vợ anh trìu mến hơn, giá như sếp không thường xuyên dồn việc cho anh, và giá như con trai anh từ bỏ ma túy… thì anh sẽ cảm thấy dễ chịu biết bao. Edward cảm thấy ở anh mọi thứ đều ổn; tất cả là lỗi của mọi người. Edward có đang chịu trách nhiệm về cuộc đời mình không? Chắc chắn là không!
Mara có đủ tất cả mọi thứ mà bao người mơ ước: một công việc tuyệt vời, một căn hộ xinh xắn, nhiều bạn bè lẫn người yêu quý. Tuy vậy, cô không ngừng than phiền về người chồng cũ: anh ta đã khiến cho cuộc đời của cô phải khổ sở, lúc nào anh ta cũng bất công với cô, anh ta chẳng bao giờ lo nghĩ đến con cái… Ngoài ra, con trai cô lúc nào cũng chống lại mẹ và kết tội mẹ là ích kỷ… vân vân… và vân vân… Vậy Mara có đang chịu trách nhiệm về cuộc đời mình không? Chắc chắn là không!
Tôi biết có nhiều người độc thân hoặc từng ly hôn luôn than phiền về chồng hay vợ cũ, về sếp, về cảnh cô đơn, về cảnh phòng không chiếc bóng… Tôi cũng biết nhiều cặp vợ chồng không ngừng kêu ca về con cái, tiền bạc và cả tình cảm nguội lạnh giữa hai người… Họ có đang thực sự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình không? Không hề!
Xét ở một góc độ nào đó thì họ đang đóng vai nạn nhân của cuộc đời. Họ đã trao sức mạnh bản thân cho người khác hoặc cho một điều gì đó. Hãy nhớ rằng khi tự cho đi sức mạnh của mình, bạn sẽ dịch chuyển về phía cột bên trái của biểu đồ Biến-Đau-Khổ-Thành-Sức-Mạnh.
Những cấp độ dễ nhận biết ơn cho thấy bạn đang là nạn nhân của cuộc đời là: bạn đang làm công việc mình chán ghét; bạn sống độc thân và muốn kết hôn; bạn đang vướng vào một mối quan hệ tình cảm tệ hại và chỉ muốn thoát ra; con cái khiến tóc bạn bạc sớm; và nói chung là cuộc sống không diễn ra theo ý bạn muốn. Chả trách vì sao bạn lại cảm thấy sợ hãi thế. Bởi nạn nhân thì luôn bất lực!
SỰ THẬT LÀ BẠN LUÔN CÓ THỂ TỰ CHỦ – HOÀN TOÀN TỰ CHỦ. Vì một lý do nào đó bạn đã chọn công việc đáng ghét kia, chọn quan điểm ghét cuộc sống độc thân, chọn sống trong mối quan hệ tệ hại, chọn việc để cho con cái khiến mình nổi cáu, chọn việc hủy hoại những điều tốt đẹp trong cuộc đời… hay bất kỳ thứ gì mà cuộc sống mang đến cho bạn. Tôi biết thật khó chấp nhận thực tế rằng bạn chính là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy không vui. Thật đáng buồn khi phải xem bản thân là kẻ thù tệ hại nhất. Tuy nhiên, nhận ra điều đó lại chính là may mắn lớn nhất của bạn. Bạn biết rằng bạn có thể làm khổ mình, vậy thì bạn sẽ hiểu rằng bạn cũng có thể mang lại niềm vui cho mình.
Do khái niệm chịu trách nhiệm về cuộc đời khá mơ hồ và khó nắm bắt, nên tôi sẽ giải thích cho bạn hiểu những yếu tố nào có thể giúp bạn tạo ra một cách sống mạnh mẽ hơn. Xin lưu ý là tôi không bảo bạn phải nghĩ rằng mình chịu trách nhiệm đối với tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống (dù vẫn có một số người tin như thế). Thay vào đó, tôi muốn bạn tin rằng bạn chính là nguyên nhân của mọi trải nghiệm trong cuộc sống, hay nói cách khác, bạn chính là nguyên nhân dẫn đến các phản ứng của bạn trước những sự việc xảy ra.
Khi đọc bảy định nghĩa về việc “chịu trách nhiệm về cuộc đời mình” sau đây, bạn hãy nhớ rằng nếu không chịu trách nhiệm, bạn sẽ khiến mình phải đau khổ và điều đó làm suy giảm khả năng kiểm soát nỗi sợ hãi của bạn trong cuộc sống.
- Chịu trách nhiệm nghĩa là không bao giờ đổ lỗi cho người khác về con người hiện tại của bạn, về những gì bạn đã làm, đang có hay cảm thấy. Bạn sẽ hỏi lại: “Không bao giờ ư? Nhưng rõ ràng lần này là do lỗi của anh ta mà (hoặc là lỗi của cô ta, lỗi của sếp, lỗi của con trai, lỗi của nền kinh tế, lỗi của mẹ bạn, lỗi của cha bạn, lỗi của bạn bè!). Đúng là như vậy đấy!”. Chỉ chừng nào bạn thật sự hiểu rằng chính bạn, chứ không phải ai khác, là tác giả của những gì đang diễn ra trong tư tưởng bạn, thì bạn mới có thể kiểm soát được cuộc đời mình. Sau đây là một số tình huống mà tôi được nghe từ học viên trong các lớp mà tôi đã dạy, cùng những câu hỏi mà các cá nhân này phải tự hỏi mình trước khi có thể trở nên mạnh mẽ hơn.
Madeline
“Rõ ràng là tại chồng tôi mà ai mươi lăm năm qua tôi sống khổ sở đến như vậy!”
Vậy tại sao bạn lại chọn giải pháp tiếp tục cuộc sống đó? Tại sao bạn không nghĩ đến bất kỳ điều tốt đẹp nào mà anh ấy đã làm cho bạn, thay vì cứ mãi “vạch lá tìm sâu”? Sao trong bạn lại chất đầy nỗi oán giận khiến anh ấy cảm thấy khó mà nói chuyện với bạn được?
David
“Tóc tôi bạc đi là do con trai tôi mà ra cả, vì cứ phải lo cho nó.”
Tại sao bạn không nghĩ rằng con bạn sẽ tự giải quyết được vấn đề? Tại sao lúc nào bạn cũng cần phải ra tay giúp đỡ con? Tại sao bạn để con phụ thuộc vào mình nhiều đến thế, rồi lại mong đợi quá mức ở con? Tại sao bạn không để con được là chính nó?
Tony
“Tất cả là do thị trường việc làm mà đến giờ tôi vẫn chết dí trong công việc tệ hại này.”
Sao bạn không thấy là người khác cũng đang tìm việc mặc dù thị trường việc làm đầy cạnh tranh, khó khăn? Tại sao bạn không tạo ra niềm vui trong công việc hiện tại? Tại sao bạn không cố tìm một công việc mới? Tại sao bạn không đề nghị những gì mình muốn ngay trong công việc đang làm này, thay vì cứ than phiền là mọi thứ thật tệ hại? Tại sao bạn không nỗ lực hết mình?
Alice
“Chỉ vì con cái mà tôi không thăng tiến được trong sự nghiệp.”
Tại sao bạn không thấy là những phụ huynh khác vẫn thăng tiến tốt trong công việc và con cái họ vẫn ổn đấy thôi? Nếu muốn tập trung vào sự nghiệp, tại sao bạn không để chồng giúp chăm sóc bọn trẻ? Tại sao bạn không nỗ lực trau dồi một số kỹ năng nào đó để có được công việc mà bạn yêu thích?
Nếu bạn cảm thấy nỗi đau khổ của mình nằm đâu đó trong những vấn đề trên thì rất tốt, vì nó sẽ giúp bạn biết đâu là điểm mình phải thay đổi. Điều quan trọng là khi đổ lỗi cho bất kỳ nguyên nhân khách quan nào về những trải nghiệm trong cuộc sống, bạn đã vô tình tự loại bỏ sức mạnh nội tại của mình và do đó, sẽ càng khiến bản thân cảm thấy đau khổ, tê liệt và tuyệt vọng.
2.Chịu trách nhiệm về cuộc đời mình không có nghĩa là đổ lỗi cho bản thân. Tôi biết điều này nghe có vẻ hơi mâu thuẫn, nhưng sự thật là như vậy đó. Bất kỳ điều gì khiến bạn đánh mất sức mạnh nội tại hay niềm vui đều sẽ khiến bạn trở thành nạn nhân. Đừng bao giờ tự trở thành nạn nhân của chính mình!
Có những người dễ đổ lỗi c o bản thân hơn cho người khác. Khi thấy mình gặp quá nhiều điều bất hạnh, bạn thường có xu hướng trừng phạt và hạ thấp giá trị bản thân, kiểu như “Mình lại làm rối tung cuộc đời của mình rồi. Mình thật là ngu ngốc. Biết đến bao giờ mình mới khôn ra đây?”.
Làm như thế nghĩa là bạn không dám chịu trách nhiệm về những trải nghiệm sống của mình. Bạn cần hiểu rằng mình đã làm hết sức tại thời điểm xảy ra sự việc rồi. Với cách suy nghĩ mới này, cảm nhận của bạn về cuộc sống sẽ khác đi và bạn sẽ hành động theo hướng tích cực hơn. Bạn không cần phải lo lắng về quá khứ, hiện tại hay tương lai. Tất cả chỉ là một phần của quá trình học hỏi nhằm giúp bạn thoát khỏi sự đau khổ để tiến đến sức mạnh. Và quá trình đó đòi hỏi cả thời gian lẫn sự kiên nhẫn của bạn. Đừng bao giờ hạ thấp giá trị bản thân. Bạn chẳng có lỗi gì cả. Có thể bạn đã làm gì đó khiến mình bất hạnh, nhưng không vì thế mà bạn tự nhiếc móc mình. Chỉ đơn giản là bạn đang bước trên con đường dẫn đến một cuộc sống trọn vẹn hơn, và đó là quá trình dài của thử nghiệm và khám phá.
3.Chịu trách nhiệm nghĩa là nhận biết bạn đang CHỐI BỎ trách nhiệm ở đâu và khi nào, để sau đó sửa đổi bản thân. Phải mất nhiều năm tôi mới nhận ra rằng mình đóng vai nạn nhân nhiều nhất là trong các mối quan hệ với nam giới. Tôi còn nhớ mình đã ngồi than phiền hàng giờ với các cô bạn gái về nỗi khổ mà đàn ông đã gây ra cho mình.
Những “cú sốc” đó, như tôi vẫn thường gọi, luôn khiến tôi cảm thấy bất hạnh. Người thì luôn trễ hẹn, người thì bủn xỉn không tưởng nổi, người thì kiếm không đủ sống, người thì mê chơi golf quá độ, người thì không thể ly dị… Lúc đó, tôi vừa giận dữ vừa căm hận họ. Tôi không ngừng kể lể hàng giờ trên điện thoại: “Cậu có tin được không…”. Và dĩ nhiên là những người bạn trung thành của tôi cũng phải chia sẻ những bi kịch ấy cùng tôi. Có thể nói, đó là cả một hội than-van-rên-rỉ. Dường như chúng tôi chẳng bao giờ chán những câu chuyện của nhau. Chúng tôi cứ trút cho nhau sự thống khổ mà mình đang phải chịu, đồng thời lúc nào cũng thấy mình đúng! Kết quả là chúng tôi không phải tạo ra hạnh phúc, mà chỉ ngồi đó đổ lỗi cho cánh đàn ông đã không mang đến hạnh phúc cho chúng tôi.
Suốt thời gian đó, tôi cứ đinh ninh mình đang chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Nhưng không hề, vì tôi còn trông đợi những người đàn ông sẽ mang đến cho mình một cuộc sống hạnh phúc. Cuối cùng, tôi cũng nhận ra rằng trên đời này chỉ có một người duy nhất có thể khiến tôi hạnh phúc, đó là chính TÔI!
Thật trớ trêu, nhờ vậy mà lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng mình vẫn có khả năng tạo dựng một mối quan hệ tốt đẹp.
Giờ đây mỗi khi giận chồng, tôi thường tự hỏi một câu đơn giản: “Mình đã không làm những gì (có thể làm) mà cứ đổ lỗi cho anh ấy là đã không làm cho mình?” (bạn hãy đọc lại câu này một lần nữa!). Đó có thể là việc tôi đang bị ám ảnh về tiền bạc, cảm thấy bất an, sống đơn điệu hay mong đợi chồng phải làm cho mình một điều gì đó mà mình không giải quyết được…
Một khi đã nhận biết việc mình đang làm, tôi có thể điều chỉnh lại. Mọi cảm giác giận dữ của tôi đối với người khác bỗng chốc tan biến. Con gái tôi là Leslie gần đây đã nhận xét rằng cuộc hôn nhân của tôi thật tuyệt vời. “Phải”, – tôi nói, – “Mark đã trở nên hoàn hảo đáng ngạc nhiên khi mẹ không còn mong đợi ông ấy phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mẹ nữa!”.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn hoàn toàn độc lập với chồng. Bạn vẫn cần được giúp đỡ một số nhu cầu cơ bản nào đó, ví dụ bạn cần được hỗ trợ để trưởng thành hơn, được nâng niu mọi lúc, được biết là người bạn đời của mình luôn quan tâm đến mình… Tuy nhiên, nếu không biết kiểm soát cuộc đời thì không có sự quan tâm hay nâng niu nào là đủ đối với bạn. Khi đó, bạn sẽ trở thành một cái bình không đáy. Và cho dù người đàn ông của đời bạn có thể đương đầu với sóng gió vì bạn thì bạn vẫn cảm thấy chưa hài lòng.
Ở đây tôi muốn nói thêm rằng nếu một người nào đó không đáp ứng được những nhu cầu được yêu thương, nâng niu của bạn thì rõ ràng bạn hoàn toàn đúng đắn khi nghĩ đến việc chia tay họ. Nhưng trước tiên bạn phải tự hỏi mình: “Liệu có phải là do anh ta (hay cô ta) quá tệ, hay đơn giản là vì mình không chịu trách nhiệm về cuộc đời mình?”. Nếu bạn cảm thấy hài lòng với quyết định chia tay, hãy tiếp tục chịu trách nhiệm về cuộc đời bằng cách tìm người bạn đời khác tốt hơn.
Một dấu hiệu cho thấy bạn đang chịu trách nhiệm về cuộc đời mình là bạn cảm thấy ít hoặc hoàn toàn không nổi giận với người đó. Bạn hiểu mình đã chọn đến với họ trong quá khứ và giờ đây bạn cũng đang chọn sự ra đi. Họ chẳng có lỗi gì cả. Anh ta (hoặc cô ta) đã cho bạn hết những gì có thể theo khả năng của họ. Nếu bạn giận dữ thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang chối bỏ trách nhiệm của mình.
Quan hệ tình cảm chỉ là một trong những khía cạnh nơi bạn có thể đánh mất sức mạnh nội tại. Bạn cũng nên nhìn lại những mặt khác trong cuộc sống để xem liệu mình có đang thật sự chịu trách nhiệm về mọi thứ hay không. Sau đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang chối bỏ trách nhiệm:
Giận dữ Thiếu kiên nhẫn
Buồn bã Phiền muộn
Đổ lỗi cho người khác Mệt mỏi
Đau khổ Cố kiểm soát người khác
Thiếu tập trung Bị ám ảnh
Than thân trách phận Nghiện một điều gì đó
Đố kỵ Xét nét
Bất lực Thất vọng
Luôn cảm thấy gò bó Ghen tỵ
Ngoài ra còn nhiều biểu hiện khác nữa, nhưng tôi hy vọng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã giúp bạn hiểu được vấn đề. Mỗi khi nhận thấy những dấu hiệu trên, hãy tự nhủ bạn không phải là nguyên nhân của các biểu hiện đó. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sẽ không khó để nhận ra bạn đang chối bỏ trách nhiệm về cuộc đời mình.
- Chịu trách nhiệm về cuộc đời mình nghĩa là biết kiểm soát tiếng nói vô thức bên trong bạn. Đó là thứ tiếng nói luôn vang lên bên tai bạn, khiến bạn phát điên trước một sự việc – và luôn khiến bạn bị khuất phục! Tôi cược là một số người thậm chí còn không nhận ra điều đó (bản thân tôi cũng ngỡ ngàng khi nhận ra tiếng nói này) nhưng tôi đảm bảo với bạn đó chính là nguyên nhân chủ yếu khiến bạn luôn sợ hãi, khổ ải, thua sút và bại trận. Chúng ta quen thuộc với nó đến nỗi thậm chí không nhận ra nó đang ngự trị trong đầu. Bạn có thể “nghe thấy” tiếng nói đó khi bắt gặp mình đang có những suy nghĩ như sau:
Nếu mình gọi, có thể anh ấy sẽ nghĩ mình vội vã; còn nếu không gọi, có thể anh ấy sẽ nghĩ mình không thích anh ấy. Nhưng nếu mình gọi mà anh ấy không ở nhà thì mình sẽ thắc mắc không biết anh ấy đi đâu, và sẽ buồn bã suốt buổi tối vì biết anh ấy đi chơi với cô khác; nhưng nếu không gọi thì mình cũng sẽ thắc mắc vậy thôi. Có lẽ mình không nên ra ngoài tối nay vì biết đâu anh ấy sẽ gọi rồi lại tưởng mình đang đi chơi với người khác và cho rằng mình không quan tâm đến anh ấy. Nhưng nếu mình gọi, anh ấy sẽ biết chắc là mình thích anh ấy và bắt đầu lơ là mình. Không hiểu sao đến giờ anh ấy vẫn chưa gọi cho mình nữa. Có lẽ là do mình hơi lạnh nhạt. Có lẽ mình sẽ phải thân thiện hơn. Ước gì hồi chiều mình ăn mặc hấp dẫn hơn một chút. Bộ đồ đó làm mình xấu quá. Mình trang điểm cũng tệ nữa. Trông anh ấy cũng hơi khách sáo. Không biết có phải là do anh ấy nghe mình đi chơi với Allen bữa nọ không. Mình không nghĩ là anh ấy muốn mình phải ngồi nhà mỗi tối, đợi anh ấy gọi điện. Có họa là thần kinh mới nghĩ thế. Lần sau gặp lại, mình sẽ hỏi xem tại sao anh ấy không gọi cho mình. Tuần này đã định là đi xem phim với nhau thế mà anh ấy cũng không nhớ. Mình sẽ không bỏ qua thói vô trách nhiệm này của anh ấy được. Mình không khắt khe quá, nhưng phải nói cho anh ấy biết mình cảm thấy như thế nào…
Hoặc giả:
Mình rất giận vì sếp đã không mời tham dự cuộc họp sáng nay. Rõ ràng ông ấy không hề đánh giá đúng mức những gì mình đã làm cho ông ấy. Những người suốt ngày lười nhác thì lại được mời họp. Chắc mình cũng phải thử lười nhác như vậy để xem ông ta có thích không. Thật là chẳng xứng đáng để phải cống hiến hết mình cho công việc. Cực nhọc mà đâu có được tưởng thưởng gì? Ở đây người ta chỉ đánh giá cao những kẻ ngồi lê đôi mách, lôi kéo bè phái thôi. Chẳng ai đánh giá cao một nhân viên trung thực, chăm chỉ nữa. Mình sẽ cho sếp biết tay. Mình sẽ tìm việc khác. Nhưng mà thị trường việc làm hiện nay cũng trầm lắng quá, mình sẽ chẳng tìm được gì đâu. Phải chi hồi đó mình cố học cho xong bằng thạc sĩ thì bây giờ đã có cơ hội tốt hơn. Mình thật sự bế tắc… chẳng ai muốn mướn một người đã quá tuổi bốn mươi. Tất cả tùy thuộc vào chỗ quen biết. Nếu bố mẹ giàu có thì mình đã có cơ hội quen biết với những nhân vật có thế lực rồi. Mình cảm thấy bị bóc lột thật sự. Làm sao họ lại có thể loại mình ra khỏi cuộc họp như vậy? Sao những chuyện này cứ xảy ra với mình?…
Chả trách tại sao nhiều người trong chúng ta không dám ở một mình và lúc nào cũng phải bật ti vi hay radio trong phòng mới chịu được. Nói chung là làm bất cứ việc gì để thoát khỏi cảm giác đau đầu ấy! Xin hãy nhớ rằng bạn không tài nào tránh khỏi những “cơn đau đầu” trong quá trình phát triển cá nhân.
Đến đây, bạn đã ý thức được sự tồn tại của tiếng nói trong tâm tưởng và cũng thấy rằng khó mà tắt nó đi được, hay ít nhất là chưa làm được điều đó. May thay, có nhiều cách giúp bạn loại bỏ được cảm giác tiêu cực này. Chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể hơn ở những chương sau, còn bây giờ, bạn chỉ cần đơn giản nhớ rằng tiếng nói ấy là nguyên nhân khiến bạn trở thành nạn nhân của cuộc đời và hãy tự hứa sẽ thay thế nó bằng một tiếng nói khác tích cực hơn. Bạn cũng không nhất thiết phải nghe theo những cảm giác tiêu cực đang chống lại bạn, ngay cả khi chúng đang chiếm lĩnh mọi suy nghĩ của bạn. Bằng cách đó, bạn sẽ cảm thấy thật sự hạnh phúc khi ở một mình.
- Chịu trách nhiệm về cuộc đời mình nghĩa là nhận biết các lợi ích trước mắt khiến bạn không muốn thay đổi hiện tại. Những lợi ích này giải thích vì sao bạn lại quyết định duy trì trạng thái mình không mong muốn. Chúng ta hãy xem những trường hợp dưới đây:
Jean
Jean cảm thấy bế tắc trong công việc và mong tìm cách thoát ra. Cô tự nhận mình là nạn nhân của công việc. Tội nghiệp! Lúc nào tiếng nói trong đầu cô cũng nhắc lại điệp khúc “giá mà”. Giá mà thị trường việc làm khá hơn, cô sẽ tìm được một công việc mới. Giá mà cô biết thêm vài kỹ năng khác, cô sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Điều gì đã khiến Jean không thể rời bỏ công việc hiện tại? Những lợi ích trước mắt mà cô nhận được từ công việc đó là gì?
Trong vai trò nạn nhân, rõ ràng Jean cảm thấy thoải mái hơn. Cô không đi tìm công việc mới, thế thì cô sẽ không phải đối diện với những lời từ chối. Tuy cô không thích nhưng công việc hiện tại khá dễ làm. Jean biết mình có thể giải quyết công việc này ổn thỏa mà không cần quá cố gắng. Thật là một công việc ổn định, an nhàn.
Khi đã nhận ra tất cả những lợi ích trước mắt đó, Jean có ít nhất ba lựa chọn. Một là cô tiếp tục làm công việc đó và chấp nhận sống trong cảm giác khổ sở. Hai là vẫn làm công việc cũ và chủ động tìm kiếm trong đó những niềm vui nho nhỏ. Ba là tìm một công việc khác khiến cô hài lòng hơn.
Vậy rốt cuộc Jean đã làm gì? Sau khi xác định các lợi ích trước mắt, cô quyết định xin nghỉ và đi tìm một công việc mới. Chừng nào còn thấy mình là nạn nhân thì cô vẫn còn cảm thấy bế tắc. Ngay khi nhận ra mình nấn ná ở lại công ty cũ vì những lợi ích trước mắt, chứ không phải vì những cái “giá mà”, cô đã có thể ra đi.
Kevin
Kevin và vợ ly thân đã năm năm. Dù đã tìm được một người mà anh muốn kết hôn, nhưng Kevin vẫn không dám nói với vợ là mình muốn ly dị. Khi người phụ nữ mới dọa sẽ chia tay, anh bèn tìm đến các chuyên viên tư vấn để được giúp đỡ. Kẻ “nạn nhân” trong anh bảo rằng nếu làm thế, vợ anh có thể sẽ tự tử, con cái có thể không muốn nhìn mặt anh và bố mẹ có thể sẽ từ anh. Tội nghiệp cho Kevin! Anh thật sự tin vào những suy nghĩ này và cảm giác tội lỗi làm anh đờ đẫn cả người.
Với sự giúp đỡ của chuyên viên trị liệu, Kevin đã nhanh chóng nhận ra vấn đề thực sự: anh sợ phải chấm dứt cuộc hôn nhân cũ. Mặc dù không còn yêu vợ, nhưng cô ấy vẫn là “một chốn đi về” đối với anh và anh sợ cảnh chia cắt vĩnh viễn. Những lợi ích trước mắt đó khiến anh cảm thấy bế tắc, không tìm ra giải pháp.
Ngay khi nhận diện được nỗi sợ đã cản trở mình, Kevin lập tức tiến hành thủ tục ly hôn. Và dĩ nhiên là vợ anh vẫn tiếp tục sống bình yên, các con vẫn nói chuyện với anh và bố mẹ không từ bỏ anh. Thậm chí, mọi người còn tự hỏi vì sao anh phải do dự lâu đến thế! Vấn đề ở chỗ, một khi đã nhận ra các lợi ích đó chính là lý do thực sự khiến mình không dám từ bỏ cuộc hôn nhân cũ, Kevin không còn cảm thấy tội lỗi nữa và có thể bắt tay hành động.
Tanya
Tanya lúc nào cũng ốm đau, và điều đó khiến cô không làm được nhiều việc mình hằng ao ước. Cô tự cho mình là một “con người đáng thương” vốn sinh ra với cơ thể yếu ớt. Một nạn nhân “đủ lông đủ cánh”, nếu bạn có dịp trông thấy Tanya! Trong một buổi học, tôi đề nghị các học viên ghi ra những lợi ích trước mắt đang khiến họ mắc kẹt trong bất kỳ hoàn cảnh không mong muốn nào. Tanya không nghĩ ra được lợi ích nào khiến cô luôn đau ốm như vậy… cho đến khi cả lớp giúp cô nhận biết vấn đề.
Mọi người chỉ ra rằng bệnh tật khiến cô luôn được quan tâm và không phải hòa mình vào xã hội, nơi có nhiều rủi ro chờ đón. Thoạt đầu cô chối phăng, nhưng cuối cùng cũng thừa nhận sự thật trong những lời bạn bè nói.
Tanya chưa bao giờ coi bệnh tật là nguyên nhân chi phối mọi hành vi của mình, mặc dù tiềm thức của cô biết rõ là như vậy. Khi còn bé, bệnh tật là phương tiện duy nhất khiến cô được mọi người nâng niu, chăm sóc. Lợi ích đó chính là lực đẩy mà cô cần để sống cuộc đời mình. Nhận thấy có lẽ mình đã tự tạo ra bệnh tật cho mình, Tanya bắt đầu thay đổi cuộc sống.
Đầu tiên, cô thay đổi thói quen ăn uống và tham gia một câu lạc bộ thể dục. Cô đề nghị những người thân giúp mình bằng cách ngợi khen mỗi khi cô khỏe mạnh và cứ… bỏ mặc khi cô đau ốm. Cô bắt đầu đặt ra những mục tiêu làm việc và buộc mình phải hoàn thành kể cả khi ốm. Cô cũng thực hiện những bài tập tích cực được nêu trong sách này, ví dụ luôn sử dụng cách nói khẳng định truyền cảm hứng cho người nghe.
Khi đã nhận biết những lợi ích trước mắt của việc đau ốm, Tanya có thể chọn lựa giữa những điều sau: hoặc suốt đời được mọi người quan tâm vì đau ốm, hoặc tìm một cách nào đó khiến cô hài lòng hơn trong mối quan hệ với mọi người và trong việc đạt được các mục tiêu của mình; hoặc là người quan sát cuộc sống hoặc là người sống cuộc sống trọn vẹn. Cô đã chọn điều thứ hai, và bệnh tật không còn là một vấn đề trong cuộc sống của cô nữa.
Từ những ví dụ trên, hẳn bạn đã thấy được sức mạnh tiềm ẩn của các lợi ích trước mắt, thấy chúng đã “cầm chân” và khiến ta luôn cảm thấy bế tắc, khổ sở. Không khó phát hiện một khi bạn thừa nhận rằng những lợi ích ấy đang tồn tại; chỉ cần bạn liệt kê chúng ra. Đôi khi người ngoài sáng suốt, còn người trong cuộc lại mù quáng. Nếu bạn không nhìn ra vấn đề, hãy nhờ bạn bè giúp. Rất có thể bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy bạn bè biết rõ những động cơ của bạn hơn đấy.
6.Chịu trách nhiệm nghĩa là biết mình muốn gì và bắt tay hành động. Hãy đề ra các mục tiêu, sau đó bắt tay vào hành động để biến nó thành hiện thực. Bạn thích một không gian sống như thế nào? Hãy tạo ra điều đó. Bạn không cần phải có quá nhiều tiền mới có thể tạo ra một ngôi nhà yên bình, tràn ngập yêu thương.
Hãy nhìn quanh xem bạn thích kết bạn với ai… rồi cầm điện thoại lên và lập kế hoạch gặp gỡ.
Đừng ngồi đợi họ tự gọi cho bạn.
Hãy kiểm tra thể chất và quyết định xem mình cần phải làm gì để có một cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy sức sống… rồi bắt đầu thực hiện ngay.
Hầu hết chúng ta không chủ động “chắt lọc” từ cuộc sống mà chấp nhận tất cả những gì đến với mình, cứ khư khư giữ lấy chúng để rồi ca thán. Nhiều người còn dành cả đời chỉ để chờ đợi: đợi một người bạn đời hoàn hảo, đợi một công việc tuyệt vời, đợi một người bạn tâm giao… Bạn không cần chờ đợi bất kỳ ai mang đến cho mình điều gì cả. Bản thân bạn vốn đã có sức mạnh nội tại để tạo ra những thứ mình cần. Hãy tự hứa với mình, đề ra mục tiêu và bắt tay vào hành động. Qua thời gian, bạn sẽ đạt được điều đó.
7.Chịu trách nhiệm nghĩa là ý thức được bạn luôn có nhiều chọn lựa khác nhau, dù trong bất kỳ tình huống nào. Một học viên của tôi đúc kết: “Tính từ lúc chuông báo thức reo vang, tôi có một tiếng rưỡi và tôi nhận ra rằng khởi đầu ngày mới ra sao là hoàn toàn do tôi. Tôi kéo rèm lên đón ánh ban mai hay dò dẫm trong bóng tối là tùy ở tôi. Tôi nằm trên giường và suy nghĩ bi quan, chẳng muốn dậy đi làm vì chưa xong bản báo cáo hay suy nghĩ lạc quan, tự động viên mình và háo hức chờ ngày mới đều do tôi quyết định. Tôi bật nhạc, nhún nhảy hay lắng nghe tiếng nói tiêu cực trong đầu cũng là tùy ở tôi. Tôi lo âu về hình thể hay tự nhủ mình đang trên hành trình làm đẹp dáng là tùy ở tôi. Tóm lại, một ngày mới sẽ diễn ra như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào tôi!”.
Tâm trạng là do bạn lựa chọn. Khi đối mặt với một tình huống khó khăn, bạn hãy tự nhủ: “Được, mình sẽ chọn”. Bạn muốn chọn đau khổ hay vui sướng? Thiếu thốn hay dư dả? Tự trách mình vì nổi cáu với vợ/chồng hay chia sẻ cảm giác bất an với cô ấy/anh ấy? Tất cả tùy thuộc ở bạn. Hãy chọn những gì có lợi nhất để cuộc sống của bạn luôn sôi động và mở mang.
Bình luận
[…] khác, mà chỉ đơn thuần nhằm giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn trong cuộc sống. Nhận lấy toàn bộ trách nhiệm trước cuộc đời là một quá trình đòi hỏi thực hành và thử nghiệm không ngừng. Cho đến tận […]