TIẾNG CƯỜI LÀ LIỀU THUỐC HIỆU NGHIỆM

DONALD ALTMAN

Trích: La Bàn Hạnh Phúc - 8 Phương Pháp Tìm Thấy Niềm Vui, Lòng Biết Ơn Và Sự Lạc Quan Lâu Dài Trong Thời Khắc Hiện Tại; Donald Altman, Ma, Lpc; -NXB Phụ Nữ, 2014

DONALD ALTMAN

Hãy tưởng tượng bạn đang mang trong mình mầm bệnh ung thư và bác sĩ kê cho bạn loại thuốc mới mang tính đột phá, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao số lượng tế bào bạch huyết, vốn là yếu tố sống còn của hệ miễn dịch trong cơ thể chúng ta, giúp ta chống chọi với siêu vi trùng và ngăn chặn sự xuất hiện của các khối u do nhiều dạng ung thư gây nên. Bạn sẽ đồng ý dùng thuốc chứ? Hoặc cứ cho rằng bạn bị cao huyết áp hay bị chứng loạn nhịp tim, và bác sĩ tiết lộ một liệu pháp đã được minh chứng hiệu quả đáng kể trong việc hạ huyết áp và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, mà chỉ tốn ba mươi phút một ngày để thực hành. Chưa hết, cả hai liệu pháp trên đều không có tác dụng phụ gây hại nào. Bạn sẵn lòng tham gia chữa trị chứ?

? TÁC DỤNG CỦA TIẾNG CƯỜI ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Liều thuốc và phương pháp trị liệu thần kỳ như thế có thật trên đời. Tuy nhiên, bạn sẽ chẳng tìm thấy chúng ở các hiệu thuốc hay từ phòng bào chế y dược nào cả, bởi phương thuốc này, theo đúng nghĩa đen, được đặc chế bằng tiếng cười, và các nghiên cứu vẫn không ngừng cho thấy hiệu quả tích cực của nó lên trạng thái tinh thần và sức khỏe thể chất của con người. Một nghiên cứu đăng trong Alternative Therapies in Health and Medicine (Bennett và nhiều tác giả, xuất bản năm 2003) bàn về hiệu ứng tác động của các bộ phim hài lên bệnh nhân ung thư. Trong khi một nhóm được cho xem phim hài thì nhóm bệnh nhân đối chứng còn lại chỉ xem phim về những chuyến du lịch thông thường. Kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng căng thẳng giảm xuống đối với nhóm bệnh nhân xem phim hài. Ấn tượng hơn nữa nằm ở sự khác biệt trong phản ứng miễn dịch giữa hai nhóm. Ở nhóm xem phim hài xảy ra lượng gia tăng đáng kể các tế bào bạch huyết. Nhóm nghiên cứu kết luận: “Tiếng cười có thể giảm stress và cải thiện hoạt động của các tế bào bạch huyết. Bởi mức hoạt động thấp của tế bào bạch huyết có liên quan đến sự suy giảm khả năng đề kháng và tạo điều kiện cho bệnh tật hoành hành trong cơ thể bệnh nhân ung thư và nhiễm HIV, do đó tiếng cười có thể là tác nhân can thiệp hữu ích về mặt nhận thức – hành vi”.

Tiếng cười không chỉ là yếu tố can thiệp vào việc điều trị bệnh tật. Nhà nghiên cứu về tiếng cười Lee Berk (thuộc Tổ chức American Physical Society 2006) từng nghiên cứu về cách một nụ cười “hết ga” sẽ kích hoạt cơ thể tiết ra chất beta-endorphin có tác dụng giảm thiểu ưu phiền, cũng như sản sinh hormone tăng trưởng (human growth hormone, HGH) hiệu quả lâu dài lên hệ miễn dịch. Sự hài hước không chỉ tác động đến sức chịu đựng căng thẳng của cơ thể một cách tích cực, mà nó còn giúp bạn đương đầu với những khó khăn nảy sinh trong cuộc sống.

Từ xa xưa, người ta từng dùng tiếng cười để gột sạch các chất độc và cảm xúc tiêu cực. Một nghiên cứu mới cho thấy tiếng cười xuất hiện từ khoảng 12 đến 16 triệu năm trước, nhưng không phải ở loài người. Marina Davila Ross và các nhà nghiên cứu thuộc đại học Portsmouth (Davila Ross, Menzler Và Zimmermann năm 2008) đã khám phá ra việc loài linh trưởng cũng sở hữu khả năng biết thông cảm và biết cười. Họ nghiên cứu nhiều nhóm đười ươi sống tại bốn khu vực khác nhau trên thế giới, và nhận thấy trên nét mặt chúng, hai khóe môi có lúc mở ra: tương tự nụ cười nơi con người. Trẻ sơ sinh cũng có phản xạ tự nhiên với nụ cười và tiếng cười ở người khác bằng nét cười trên khuôn mặt. Sự đồng cảm tích cực và tiếng cười có tính lan tỏa giữa các cá thể đười ươi gần như là một yếu tố sống còn. Các nhà nghiên cứu (vẫn là nhóm nhà khoa học trên) lý giải rằng: “Bằng cách bắt chước những biểu hiện cảm xúc của các con khác, các cá thể có thể trải nghiệm và hiểu được cảm xúc của những đối tác xã hội… Trước khám phá này, chúng ta chưa nắm trong tay bằng chứng nào về việc động vật có khả năng mỉm cười tương tự như con người”. Phát hiện ra phản ứng xã hội này của loài đười ươi – vốn tách biệt khỏi chi linh trưởng là thủy tổ của loài người – giống như tìm ra đầu mối còn thiếu về tiếng cười.

Tiếng cười là công cụ sống còn thiết yếu. Mỗi tiếng cười là một phần của nhận thức lý trí và sự hòa hợp giữa người với người trong sinh hoạt thường ngày. Đó là lựa chọn của mỗi cá nhân vì mục đích mưu cầu niềm an vui tự tại. Vậy nên bạn phải tự vấn bản thân xem Điều gì khiến tôi cười? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

 Bài Tập: Khảo Sát Tiếng Cười

Khi hai nhà thám hiểm Lewis và Clark thực hiện khảo sát vùng Tây Bắc nước Mỹ, họ đã ghi nhận vô vàn giống cây, hoa cỏ và các loài động vật họ bắt gặp trong suốt quá trình đó. Họ vẽ chi tiết hình ảnh và nhiều bản đồ khu vực của vùng đất mới. Trong bài tập này, bạn sẽ đóng vai một nhà thám hiểm đang khảo sát vùng đất của sự hài hước, cảm giác dễ chịu trong cuộc sống và môi trường xung quanh.

Luôn mang theo một mảnh giấy bên mình, trong suốt một tuần thực hiện khảo sát này. Ghi chép lại những lúc bạn thấy hài hước nhất. Trong quá trình đó, nhớ ghi nhận cả địa điểm, con người và tình huống liên quan. Bạn có thể thêm thông tin vào bảng khảo sát này mỗi khi du lịch hay khám phá những lĩnh vực mới – các sự kiện thể thao, trong lớp học, những buổi diễn thuyết, đi mua sắm, mua thực phẩm hay gặp gỡ ai đó. Nhớ đừng để bất cứ cơ hội nào thoát khỏi cặp mắt tinh anh của bạn.

 Nhiệm Vụ Của Bạn Là:

1. Tìm quanh khu vực bạn sống cụ thể là những khu giải trí, trong gia đình, nơi công sở, xem có bất kỳ chuyện hài hước nào bạn chưa khám phá ra không. Có bất kỳ cá nhân cụ thể nào đặc biệt mang đến tiếng cười cho bạn? Hãy tìm gặp họ và ghi chép lại mức độ cũng như thời gian kéo dài mà sự hài hước ấy ghi dấu trong bạn. Ngoài ra, hãy quan sát và ghi lại những chất xúc tác có khả năng mang lại tiếng cười. Đó có thể là một bảng hiệu vui nhộn, một tục lệ hay 1 mẩu quảng cáo tiếu lâm. Ví dụ, một lần vô tình tôi đọc được tấm bảng nhỏ ở một cửa tiệm, tôi cười phá lên vì nó ghi thế này: “Hôm nay bạn đã mua chim chưa?” Tôi không hiểu tại sao, làm như nó kích thích dây thần kinh buồn cười trong tôi, từ đó tôi bắt đầu để ý tìm những tấm biển hiệu kỳ đời như thế.

2. Nếu bạn tình cờ bắt gặp một “trò tếu” nào đó, hãy tìm cách áp dụng nó để khiến người khác cười, nhờ vậy bạn có thể ghi nhận lại quá trình nó tạo nên tiếng cười.

3. Bạn đừng quên ghi nhớ mọi hình ảnh, âm thanh, chất liệu… mang tính hài hước mà trước nay chưa ai để ý. Viết chúng vào sổ tay nghiên cứu của bạn. Nó có thể là mẩu quảng cáo khiến bạn phá lên cười hay một bảng chỉ dẫn giao thông hài hước, cho đến những bài hát có câu từ vớ vẩn thậm chí vô nghĩa. Hãy cóp nhặt hết, đừng bỏ quên tính tò mò trẻ con trong bạn. Đây là một đặc trưng của chánh niệm, vốn sẽ giúp bạn chú ý hơn đến sự vật sự việc diễn ra hàng ngày, như việc bắt tay hoặc chào hỏi người khác một cách mới lạ, phấn chấn hơn.

Cơ thể con người cũng là một chiếc la bàn hạnh phúc vận hành xuất sắc, vậy nên hãy quan tâm đến nó và tin nó sẽ dẫn bạn đến với những điều vui vẻ thật sự. Chỉ cần nó khiến bạn mỉm cười, hoặc khiến bạn thấy ấm lòng, hào hứng, hoặc vui trong dạ, thì đó là điều đáng quan tâm.

 Suy Ngẫm Về Bài Tập: Khảo Sát Tiếng Cười

Bạn đã khám phá được gì về những lý do khiến bạn cười thành tiếng? Bài khảo sát này có giúp bạn định vị những điều hài hước mới trong cuộc sống quanh bạn? Bạn có nhận ra hình mẩu chung nào khiến bạn buồn cười? Một kiểu nói đầy châm biếm, cách chơi chữ, hoặc mẩu chuyện tiếu lâm có khiến bạn bật cười không? Bạn thật sự thích kiểu hài liên tưởng hay bạn cần sự kết hợp của từ ngữ và hình ảnh? Nhưng quan trọng hơn, bạn có nhận ra tuần này mình cười nhiều hơn tuần trước không? Luôn trong tư thế sẵn sàng để cười vui vì bản thân nó đã là điều tốt. Hãy tiếp tục đi tìm cho mình những lý do để cười như thế.

? GIẢI TỎA BẦU KHÔNG KHÍ CĂNG THẲNG

Dù sự cảm thông và tiếng cười có tính lan tỏa, nhưng thế giới chúng ta chưa bao giờ may mắn có được cơn dịch bệnh mang tên tiếng cười. Ngược lại, sự căng thẳng và đủ loại tiêu cực có vẻ đang hoành hành khắp chốn. Chứng stress luôn rình rập hòng đánh cắp tự do và ý chí và biến con người thành những cỗ máy chỉ biết hành động vì sự phẫn nộ và nỗi sợ hãi.

Trong bộ phim Falling Down (Smith 1993), Michael Douglas vào vai một kỹ sư mang bệnh tâm thần phải hứng chịu một cơn suy nhược thần kinh nghiêm trọng. Anh kỹ sư này chạy chiếc xe có biển số mang dòng chữ “D-FENS”. Anh như phát điên trên đường cao tốc của thành phố Los Angeles và một ngày nóng bức nhất năm, vì không về kịp tham dự sinh nhật của con gái. Nỗi phiền não ê chề do không làm nổi một việc đơn giản, đàng hoàng và tốt đẹp khiến anh mất hết niềm hạnh phúc và hy vọng. Thật ra nhân vật do Douglas thủ vai bị chi phối bởi hệ thống thần kinh xử lý các tình huống căng thẳng bẩm sinh trong cơ thể, và bởi phản xạ không thể kiểm soát của nó đối với stress. Giá mà nhân vật biết cách sử dụng chiếc la bàn hạnh phúc, hẳn anh đã có thể lái tình huống khó khăn ấy sang hướng tích cực hơn. (Dĩ nhiên nếu thế bộ phim đã mang màu sắc khác đi và vui hơn nhiều).

Nếu được như thế, hẳn anh đã biết tìm cách làm mình vui, như leo lên nóc xe hơi của mình để nhảy hoặc kể chuyện tiếu lâm trước đám đông hiếu kỳ. Hoặc dừng xe bên vệ đường trồng cỏ để tập cú hớt banh gôn. Hoặc anh có thể hái hoa bên vệ đường mang về tặng con gái, và nhiều khả năng gây ra một vụ kẹt xe. Và biết đâu anh chỉ cần cười thật to để vui lên, vì khi ta cười, ta đang tận hưởng niềm hạnh phúc thật sự.

Tiếng cười là phương thuốc giải độc cho căn bệnh tức giận, và nhiều cảm xúc tiêu cực khác. Bất cứ khi nào bạn thấy mình vướng vào nỗi căm hận, ganh ghét, ghen tuông, tham lam, trách móc, chua xót, yếm thế, chán nản, hoặc bất hạnh, thì tinh thần và thể xác của bạn tràn ngập đủ loại kích thích tố hỗn tạp khiến quan điểm của bạn về thế giới trở nên đen tối. Đó chính là thời điểm hoàn hảo nhất để cất tiếng cười. Bằng chứng là hãy tự hỏi lòng, có khi nào bạn cảm thấy giận dữ trong lúc đang cười không. Cá nhân tôi từng trải nghiệm trường hợp cơn nóng giận trong tôi được chuyển hóa rõ rệt nhờ tiếng cười. Vừa cất tiếng cười là cơn bốc hỏa đã nhanh chóng tan biến, thậm chí thật khó hình dung nổi vì sao khi nãy mình có thể nóng giận đến thế.

Với tư cách là một nhà liệu pháp, tôi thường hướng dẫn bệnh nhân cách vận dụng tiếng cười để cải thiện tâm trạng. Tôi nhớ đến Janice, một phụ nữ 53 tuổi, tìm đến tôi để chữa chứng trầm cảm và bất an. “Mấy tuần liền tôi chẳng cười nổi”, cô tâm sự trong lần gặp đầu tiên, ám chỉ dấu hiệu của cơn phiền muộn. Khi được hỏi về những bộ phim và diễn viên hài yêu thích, cô lập tức nêu ra vài cái tên. Cô làm theo yêu cầu của tôi, chỉ xem phim hài suốt cả tuần tiếp theo, nó khiến cô biết cười trở lại, và tìm thấy chính mình.

Tôi không nói tiếng cười là liều thuốc trị bá bệnh, nhưng nó hết sức công hiệu trong việc định vị hạnh phúc, dần dần nó sẽ mang đến cho ta cảm giác hy vọng. Sự hài hước đưa bạn quay lại với trạng thái tinh thần tích cực, vốn cần thiết để hạnh phúc đơm hoa.

 Bài Tập: Vui Lên

Điều gì bạn cho là quan trọng? Ví dụ, trả tiền thuê nhà là chuyện quan trọng, đúng không? Việc gì kích hoạt nút “nghiêm trọng” trong bạn? Những lời bình phẩm của người khác? Hay một tài xế chạy ẩu cắt đầu xe bạn? Mà cũng có khi nó là cái liếc xéo của một người họ hàng, hay cái nhíu mày không hài lòng của cấp trên? Thế thì đó là những tác nhân khiến bạn thấy mọi chuyện nghiêm trọng hẳn lên – như chuyện ta lo lắng về cách người khác nói chuyện với ta, suy nghĩ về ta hay kỳ vọng vào ta. Đôi khi đó là những tiêu chuẩn, hy vọng ta tự đặt lên vai mình, bởi bạn khát khao trở thành người hoàn hảo, thành công hoặc được ngưỡng mộ. Vấn đề là, trong khi bạn hình thành phản ứng có điều kiện kiểu này với một số sự kiện nhất định, thì nhiều người khác chỉ nhún vai thờ ơ khi đối mặt với các kích thích tố tương tự. Bằng cách xem xét kỹ lưỡng những điểm chủ yếu khơi dậy cơn khó chịu trong bạn, bạn sẽ học được cách phản ứng hiệu quả và bình thản hơn.

1. Hãy lấy ra một tờ giấy, viết những thứ khiến bạn đang tốn quá nhiều thời gian lo nghĩ về chúng. Hãy viết thật đầy đủ, bao gồm mọi tác nhân lớn nhỏ. Tôi biết có một người ở Portland khu tôi sống, hễ thấy mưa là lên cơn bực bội. Bạn thử nghĩ xem, xét về mật độ mưa dày đặc ở Porland thì đáng lẽ người này phải lên cơn bực bội khi trời nắng ráo mới đúng chứ!

2. Sau khi hoàn thành bảng danh sách, hãy tự bảo mình cười thật to, gạt bỏ mọi thứ, và nhìn mọi chuyện sáng sủa hơn. Bạn không đọc nhầm đâu – bạn là người quyết định điều đó. Bởi nếu bạn không thực hiện, sẽ chẳng ai làm thay bạn được cả!

3. Nếu cần, bạn có thể viết một “viễn cảnh tươi sáng hơn”cho từng mục trong danh sách “gây căng thẳng” của bạn. Viễn cảnh thay thế đó có thể là một bằng chứng trong quá khứ cho thấy việc nghiêm trọng hóa vấn đề chẳng mang đến lợi lộc gì. Bạn cũng có thể ghi lại phản ứng bình thản của người khác và xem họ như tấm gương cần học hỏi.

 Suy Ngẫm Về Bài Tập Vui Lên

Bạn cảm thấy ra sao khi mọi yếu tố gây “căng thẳng” cho bạn xuất hiện trong một trang giấy? Nhiều hơn bạn tưởng phải không? Bạn có hay đồng cảm với nỗi buồn của mình không – thậm chí theo một cách hài hước? Cứ mỗi lần bạn quyết định rũ bỏ gánh nặng, thắp sáng những cái nhìn đen tối, thì xem như bạn vừa dẹp bỏ la bàn buồn phiền, để chọn đi theo hướng mà chiếc la bàn hạnh phúc đã định cho mình. Hãy thử chuyển đổi và chứng kiến sự khác biệt nó mang lại cho niềm vui nội tại của chính bạn.

 Bài Tập: Hít Thở Và Mỉm Cười Hạnh Phúc

Mỗi lần bạn cười, bạn hít thở sâu hơn. Ngay cả khi bạn không ở trong tình huống có thể cười như điên – như đang phỏng vấn để được thăng chức, hoặc tuyên thệ trong lễ cưới của chính mình – thì hơi thở sâu, thoải mái, và hạnh phúc là lựa chọn ưu tiên thứ hai. Phương pháp thở bằng cơ hoành là nền tảng của sự hài hước, vì nó khởi động hệ thần kinh thư giãn trong ta, và xoa dịu hệ thần kinh xúc cảm. Thế nhưng, thở sâu chỉ là yếu tố đầu tiên để châm ngòi cho tiếng cười. Bây giờ là lúc chuyển hơi thở thành nụ cười thật sự.

1. Một lần nữa, hãy để không khí tràn ngập cơ hoành một cách tự nhiên nhất. Khi thực hiện động tác này, nhớ thư giãn toàn bộ khuôn mặt.

2. Trong quá trình hít thở, hãy tưởng tượng mình là nàng Mona Lisa, với khóe môi hơi nhếch lên một chút. Tưởng tượng đôi mắt mình sáng lên vì vui, vùng da quanh mắt chuyển động và khẽ nhướng lên. Giờ hãy khẽ nở nụ cười, và trong lúc đó, cảm nhận hai gò má mình râm ran vì máu dồn lên mặt và cảm giác vui vẻ. Bụng dạ của bạn cũng có thể nôn nao theo, bởi nó liên quan mật thiết đến nụ cười.

3. Giờ là lúc để nụ cười bừng sáng. Hãy cho phép mình thư giãn như thế, tận hưởng cảm giác hài lòng có được nhờ nụ cười đầy hạnh phúc – cười cho vui. Chẳng cần lý do gì cả. Ngay cả khi ban đầu nó là nụ cười gượng ép, thì bạn cứ cho phép bản thân mình mỉm cười trọn vẹn.

4. Nếu có thể, hãy tưởng tượng mình mang hình dáng của một người hay khiến bạn cười nhất – dù bạn thấy mình chẳng có gì giống người ta cả. Hãy tin rằng cơ thể bạn sẽ đảm nhận phần việc còn lại ngay sau khi bạn mỉm cười.

Bạn có thể làm cơ thể tỉnh táo bằng một nụ cười và thở sâu trong suốt ngày hôm đó. Nụ cười là ngôn ngữ toàn cầu, nó xuất hiện trong mọi nền văn hóa. Nụ cười có sức mạnh bởi nó làm chuyển biến chức năng sinh học và trạng thái cảm xúc bên trong bạn. Nụ cười giúp bạn dễ dàng có được những ký ức dễ chịu, trong khi cái chau mày sẽ châm ngòi cho những suy nghĩ và kí ức bất hạnh. Hãy nhớ lại cảm xúc khi bạn thấy ai đó mỉm cười. Ngày hôm nay bạn hãy hào phóng gửi tặng nụ cười và để ý đến những nụ cười tích cực từ hướng ngược lại.

Bạn cũng có thể thức dậy cùng một nụ cười, bằng cách để ngay tủ đầu giường bạn hình ai đó đang cười. Hoặc bạn dán một cái mặt cười lên kính soi mặt trong phòng tắm, để nó là hình ảnh đầu tiên bạn thấy trong ngày. Đừng xem thường khả năng định hướng hạnh phúc nội tại bằng tiếng cười và hơi thở tràn đầy hy vọng. Hãy luôn mang theo chúng bên mình. Cười và hít thở đúng cách là 2 kỹ thuật tuyệt vời nhất nhằm mục đích thư giãn và là tiền đề của tiếng cười sảng khoái mà không tiền bạc nào mua nổi. Trong ngày bạn hãy tự hỏi:

1. Hơi thở của mình đang ở đâu? Mình đang thở nông, hay đã có được hơi thở hạnh phúc?

2. Nụ cười của mình đang ở đâu? Mình đang nhíu mày, hay đang mỉm cười để khiến bản thân lẫn mọi người xung quanh phấn chấn?

 Suy Ngẫm Về Bài Tập Hít Thở Và Mỉm Cười Hạnh Phúc

Bạn cảm thấy ra sao khi mỉm cười vu vơ chẳng vì lý do gì? Bạn có để ý thấy sự biến đổi trong tâm trạng của mình không? Bạn có cảm nhận được sự nhẹ nhàng và hạnh phúc lan tỏa khắp thân thể? Làm cách nào bạn có thể duy trì bài tập này mỗi ngày? Ngay cả khi người khác không đáp lại nụ cười của bạn, thì bạn vẫn tận hưởng được những cảm xúc tích cực từ mỗi nụ cười, mỗi hơi thở của niềm hạnh phúc.

? KÝ ỨC TIẾNG CƯỜI

Bạn có thể nghĩ đến việc mỗi ngày có ít nhất một trận cười thả ga từ nay cho đến ngày cuối cùng của đời mình không? Không giống như những mẩu chuyện hài vô duyên trên truyền hình, đây là những tiếng cười đầy cảm hứng, sảng khoái có thật trong cuộc sống, thật đáng nhớ và đáng để thuật lại cho chính bạn, lẫn cho nhiều người khác. Ký ức tiếng cười có thể là một sự kiện, suy nghĩ hay quan sát mang tính hài hước, kích thích tâm trạng tích cực như cảm giác hạnh phúc, hào hứng, cảm động, nhiệt thành và sung sướng.

Chẳng hạn như buổi sáng nay, tôi tìm mọi cách để dụ con mèo cười với tôi. Tôi cười thật to khi ôm nó vào lòng, thậm chí còn thử cù lét nó. Không hề có tác dụng, thay vì cười góp, con mèo mở to mắt ngạc nhiên, như thể chẳng biết tôi là ai nữa. Hay đúng hơn, nó làm ra vẻ không quen tôi. Biểu hiện kỳ quặc của nó càng khiến tôi cười tợn hơn. Ý định bất thành, nhưng tôi sẽ tìm ra cách khiến nó phải cười một ngày nào đó. Dù nó cười nhạo tôi, chứ không phải cười với tôi, thì cũng đáng thử.

Bạn có thể tìm thấy ký ức tiếng cười từ chính những khuyết điểm, tính cách cá nhân, những thói hư tật xấu, hoặc cả những khoảnh khắc đầy bối rối của chính mình. Tôi nhớ có lần cây viết mực giắt trong túi áo sơ-mi của tôi chẳng biết vì cớ gì mà nó thấm đầy mực ra chiếc áo tôi đang mặc trong một buổi tư vấn khách hàng. Mãi đến lúc đứng lên chào khách đi về, tôi mới thấy ngực mình ươn ướt vì vết mực loang. Hẳn là nó thấm dần từ nãy đến giờ, nhưng vì khách của tôi chẳng hề hé răng. Khi khách đi rồi, tôi phá lên cười khi mường tượng về suy nghĩ của cô ấy suốt thời gian vừa qua. Tôi còn khóc ròng (nói quá chút) khi phải vứt chiếc áo in hoa kiểu Hawaii vào sọt rác.

Đôi khi những con người tốt bụng còn muốn chia sẻ ký ức tiếng cười của họ với ta. Randall, một trong những người bạn thân nhất của tôi, là nhà văn có thói quen khởi đầu ngày mới tại quán cà phê gần nhà. Anh thường mua một ổ bánh mì vòng rồi ném nó lên không trung “để xem nó có tuân theo định luật khí động học hay không”. Anh thực hiện điều đó hàng trăm lần mà chưa lần nào bị trật. Một bữa trưa nọ, Randall kể tôi nghe sự việc xảy ra đúng sáng ngày sinh nhật của anh. Hôm ấy như thường lệ anh ném chiếc bánh mì vòng lên không, thay vì bay thẳng lên không trung, chiếc bánh đặc biệt ấy – vốn rất tuân thủ quy luật khí động học – bay trật khỏi tay anh một góc 90 độ (anh chàng thề chẳng hiểu vì sao xảy ra cơ sự này). Ổ bánh mì ngược đời đó bay vèo ra xa gần 2 mét, đâm sầm ngay trước mặt người phụ nữ vừa đưa tay nhận ly cà phê moka cỡ lớn với một đống kem béo xịt ở trên. Ổ bánh mì chọn đúng điểm rơi, hất trọn mớ kem và cà phê moka văng tung tóe khắp quầy nhận nước lẫn sàn nhà. Nghe anh bạn thuật chuyện, tôi cười đến đau hết be sườn.

Hơi xuống tinh thần trước sự cố bánh mì vòng, bạn tôi quyết định phóng về nhà để thắp ngọn nến to màu đỏ hoành tráng mà anh dành riêng vào dịp sinh nhật mình. Anh bạn tôi lại tiếp tục phạm sai lầm, trong lúc thổi nến, anh vô tình làm lớp sáp nóng văng đầy khắp tấm thảm trắng. Sự cố thứ hai tiếp tục khiến cả hai chúng tôi cười lăn lộn. May phước bạn tôi không đụng đến vô-lăng ngày hôm đó.

 Bài Tập: Tạo Ra Những Ký Ức Tiếng Cười

Bạn có thấy bất kỳ ký ức tiếng cười nào hiện lên trong tâm trí mình không? Nhiều ít không quan trọng, sau đây là cách bạn có thể vận dụng để tạo ra những tình huống tương tự:

1. Đầu tiên, hãy đặt mục tiêu tạo ra tối thiểu một ký ức tiếng cười mỗi ngày. Thói quen này giúp bạn duy trì thói quen quan sát, tỉnh táo, cởi mở và quan tâm hơn đến khía cạnh hài hước trong cuộc sống.

2. Bạn hãy bắt đầu thu thập ký ức tiếng cười. Đến cuối ngày, bạn viết chúng ra hoặc ngay khi ký ức còn mới mẻ. Những mẩu chuyện này sẽ giúp khơi dậy tiếng cười mỗi khi bạn cần một cú hích tinh thần.

3. Sau đây là vài gợi ý giúp bạn tìm thấy ký ức tiếng cười. Chia sẻ những mẩu chuyện hài với người có cùng mối quan tâm. Bạn cũng có thể tham gia câu lạc bộ “yoga cười”, nơi chuyển động của cơ thể và tiếng cười được gắn kết để mang đến niềm vui thường nhật trong cộng đồng. Một cách hữu hiệu khác là hồi tưởng lại những bộ phim hay chương trình truyền hình hài hước bạn từng xem. Lên danh sách 5 bộ phim hài yêu thích nhất và xem chúng lần nữa. Bạn còn có thể biến vấn đề mình đang gặp thành chuyện đáng cười. Xem như bạn vừa kết hợp hai mặt đối lập để tạo ra trạng thái xúc cảm tinh thần – thể chất hoàn toàn mới. Bởi không có tình huống nào hoàn toàn xấu, ký ức tiếng cười có thể giúp bạn hình thành góc nhìn rộng mở và hài hước về hầu hết mọi sự vật hiện tượng trong đời.

4. Xem nhật kí và hồi tưởng lại ký ức tiếng cười vào mỗi cuối tuần.

 Suy Ngẫm Bài Tập Tạo Ra Những Ký Ức Tiếng Cười

Bạn nghĩ xem thách thức lớn nhất trong việc hình thành ký ức tiếng cười là gì? Điều thú vị nhất trong chuyện này? Bạn có thể chia sẻ ký ức hài hước đó cùng ai? Bằng cách này, bạn đang lan tỏa niềm hạnh phúc, từng niềm vui, từng nụ cười sảng khoái một.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BẮT ĐẦU CÔNG VIỆC VỚI TÂM TRẠNG TƯƠI MÁT, TỈNH THỨC
  2. SÁCH DẠY TÔI SỐNG, YÊU THƯƠNG VÀ LÀM VIỆC
  3. NẤU ĂN LÀ TU TẬP

Bài viết khác của tác giả

  1. BIẾT ƠN VÀ LÒNG TRẮC ẨN: ĐỘNG LỰC ĐỂ GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC
  2. LÀM BẠN VỚI TINH THẦN VÀ THỂ XÁC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP