HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
SONAM JORPHEL RINPOCHE
Trích: Bài Giảng Của Thầy – Tâm Yếu Đường Tu; Việt dịch: Hiếu Thiện & Tâm Bảo Đàn; NXB. Tôn giáo; 2016
Nói về kỷ luật của việc học pháp là chúng ta đang đề cập đến một thái độ kiên định tuyệt đối đối với Chánh pháp. Tuyệt đối ở đây có nghĩa là không thay đổi, bất thối chuyển – một sự tinh tấn cao độ. Thông thường khi chúng ta thực hành Pháp thì cũng quy y, cũng phát tâm Bồ-đề, cũng thọ giới v.v… Nhưng tâm Bồ-đề ấy chưa mãnh liệt, chưa đủ tha thiết, sự tinh tấn chưa đủ dũng mãnh, sự kiên định với con đường mình đã chọn chưa đủ chín chắn. Thế nên, ta rất dễ dàng thối chí. Hôm nay ta phát tâm tu tập và lễ lạy nhiệt thành nhưng ngày mai do một chướng duyên gì đó ta lại cảm thấy mệt mỏi và lần lữa, trì trệ….
Nếu thật sự ta đủ lòng chuyên tâm với giáo Pháp, đủ kiên định với con đường mình đã chọn thì ta sẽ trở nên rất mạnh mẽ. Ta sẽ trở nên “bất thối chuyển”. Và lúc đó, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, ta cũng chỉ có một mục tiêu duy nhất là Giáo pháp.
Khi chúng ta bắt đầu đến với Giáo pháp, đó chỉ mới là sự yêu thích tạm thời. Ví dụ, khi các con đến một đạo tràng, thấy đạo tràng trang trí tôn tượng, pháp khí và thangka rất đẹp nên phát khởi sự thích thú. Hoặc như khi các con gặp một vị Rinpoche và nghĩ rằng “À, vị này nhìn rất từ bi, hiền hậu”, “Vị này giảng pháp hay quá!”… rồi từ đó sinh lòng mến mộ. Ở giai đoạn khởi đầu, như vậy là tốt. Tuy nhiên, nếu sau đó cả cuộc đời chúng ta chỉ dừng lại ở sự “thích” hoặc “không thích” thì đó là điều rất nông cạn, chưa phải trí tuệ đích thực, chưa phải là phát nguyện mãnh liệt, chưa phải là tâm Bồ-đề.
Nói về kỷ luật, thông thường chúng ta giữ kỷ luật đều vì danh, vì lợi hay vì những mục đích thế tục khác. Đó không phải là loại kỷ luật mà người tu hướng đến. Kỷ luật người tu hướng đến là kỷ luật bên trong, kỷ luật của tâm. Khác xa với kỷ luật của thế gian, kỷ luật trong Phật giáo là loại kỷ luật giải thoát.
Khi nói về pháp tu trong Phật giáo thì có thể chia ra Hiển giáo và Mật giáo. Hiển Giáo bao gồm Nguyên thủy và Đại thừa, còn Mật giáo thì có Kim Cang thừa. Pháp tu của Kim Cang thừa có thể đối trị với tất cả mọi loại xúc tình tiêu cực – ngũ độc (tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, đố kỵ) – từ mức độ thô tới mức độ vi tế nhất. Tuy chia như vậy nhưng tất cả tông phái của Phật giáo đều thống nhất rằng: việc tu hành thì phải thứ tự từng bước một, không thể thiếu trình tự hoặc đốt cháy giai đoạn. Vì tất cả chúng sinh luôn đầy dẫy nghiệp lực và xúc tình tiêu cực, nên để được thanh tịnh thì ta phải tuần tự từng bước dẹp dần các tham nhiễm từ thô lậu nhất cho đến vi tế nhất. Và một lỗi thông thường mà người Phật tử hay mắc phải là khuynh hướng thiếu nghiêm túc, đốt cháy giai đoạn. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần biết một chút giáo lý của Nguyên thủy, một chút của Đại thừa và một chút của Kim Cang thừa là đủ. Suy nghĩ này thật sai lầm!
Trong đời thường, nếu ta muốn trở thành một thầy thuốc giỏi để có thể giúp ích cho đời thì ta phải học hành rất kỹ lưỡng từ thấp lên cao, càng ngày càng sâu sắc hơn, càng lúc sở học càng đầy đủ hơn cho đến khi hoàn thiện. Lúc đó ta mới có thể ra đời làm thầy và có thể giúp đỡ người khác. Ngược lại, nếu ta học nóng vội, học thiếu trình tự, học đốt giai đoạn thì sẽ gây hại cho người khác và cho chính bản thân ta.
Cũng thế, trong việc tu hành đức Phật đã truyền dạy cho chúng ta rất tỉ mỉ, chi tiết và chặt chẽ, từ thấp lên cao – thứ tự từng bước một. Và bao giờ cũng vậy, điều đầu tiên các bậc thầy luôn nhấn mạnh là chúng ta cần phải có một nền tảng vững chắc. Khi nền tảng đã vững chắc thì ta mới có thể xây tiếp ngôi nhà của mình. Vì thế, nếu chúng ta muốn giúp đỡ tất cả chúng sinh, trước hết ta cần phải tu học. Cho đến khi có được năng lực thật sự thì ta mới có thể giúp đỡ họ được.
Ta nói ra điều này sẽ khiến các con cảm thấy nhàm chán, thế nhưng đối với các con điều quan trọng nhất hiện giờ, việc phải làm cho tốt trước tiên chính là quy y.