ÁI DỤC LÀ GỐC RỄ CỦA SANH TỬ 

ĐƯƠNG ĐẠO

Trích: Kinh Viên Giác lược giảng - Chương Bồ Tát Di Lặc; Hán ngữ: Đại Phương Quảng Viên Giác Liễu Nghĩa Kinh Đời Đường, nước Kế Tần, Sa Môn Phật Đà Đa La; Việt ngữ: Đương Đạo dịch và giảng giải; NXB. Thiện Tri Thức; 2015

Thế Tôn, nếu các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau muốn dạo trong biển đại tịch diệt Như Lai thì làm sao đoạn dứt căn bản luân hồi?

? BỒ TÁT DI LẶC THƯA HỎI CÁI GÌ LÀ NGUYÊN NHÂN KHIẾN CHÚNG SANH LUÂN CHUYỂN TRONG SANH TỬ

? KINH

Bấy giờ Bồ tát Di Lặc ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, quỳ thẳng chắp tay mà bạch Phật rằng:

Thế Tôn đại bi, xin vì các Bồ tát mà rộng mở tạng bí mật khiến đại chúng thấu rõ luân hồi, phân biệt chánh tà, cho tất cả chúng sanh đời rốt sau được con mắt đạo không sợ hãi, sanh đức tin quyết định đối với Đại Niết bàn, không còn khởi cái thấy xoay vần mà trở lại trôi theo cảnh giới luân chuyển nữa.

Thế Tôn, nếu các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau muốn dạo trong biển đại tịch diệt Như Lai thì làm sao đoạn dứt căn bản luân hồi? Luân hồi có bao nhiêu loại chủng tánh? Tu theo Bồ đề (Giác ngộ) của Phật có bao nhiêu loại sai biệt? Khi vào lại trần lao phải lập những phương tiện giáo hóa nào để độ các chúng sanh?

Xin Phật chẳng bỏ lòng đại bi cứu đời, khiến cho tất cả Bồ tát và chúng sanh đời sau tu hành được mắt huệ trang nghiêm thanh tịnh, gương tâm sáng chiếu, viên ngộ cái thấy biết vô thượng của Như Lai.

Nói xong năm vóc làm lễ sát đất. Cầu thỉnh như vậy lặp lại ba lần.

? BÌNH GIẢNG

Ngài Di Lặc là vị Phật tương lai của cõi Ta Bà. Trách nhiệm của ngài nghiêng về tất cả chúng sanh đời rốt sau còn tiếp tục trôi lăn trong vòng luân hồi. Do đó, ngài thưa hỏi về cái căn bản nào khiến chúng sanh phải bị giam hãm mãi trong luân hồi, trong luân hồi có bao nhiêu chủng loại, Bồ tát giải thoát rồi vào lại trần lao phải dùng phương tiện gì để độ sanh….đều là những câu hỏi về những vấn đề cụ thể của cõi luân hồi đang còn là ngục tù hiện thực của chúng sanh.

Bốn chương trước chỉ thẳng tánh Viên Giác, đó là đốn giáo dành cho những vị đã sạch phần lớn sự chướng, chỉ còn bị lý chướng làm ngăn ngại cái thấy biết chân chánh. Từ chương này về sau vừa cả đốn lẫn tiệm, đặc biệt chương này soi rõ gốc rễ của luân hồi.

Các chương trước nói vô minh không có gốc rễ, chỉ thẳng tánh Viên Giác vốn chưa hề có nhiễm ô, vô minh, nhưng đối với chúng sanh từ bao kiếp huân tập vô minh hoa đốm, thì vô minh đã trở thành năm uẩn ngăn che, đã trở thành ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng để tự trói buộc mình theo bánh xe luân hồi lăn mãi, thì làm sao để phân biệt đâu là Viên Giác chân thường, đâu là sanh tử hư vọng. Làm thế nào để có con mắt huệ soi tan gốc rễ luân hồi để không còn sợ hãi, quyết định tin vào Chân tâm Viên Giác, không còn tiếp tục trôi theo cái vọng tâm luân chuyển nữa?

? ĐỨC PHẬT KHEN NGỢI

? KINH

Bấy giờ Thế Tôn bảo cùng Bồ tát Di Lặc: Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Các ông có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời rốt sau mà thưa hỏi Như Lai nghĩa bí mật, sâu xa, vi diệu để cho các Bồ tát được mắt huệ trong sáng và chúng sanh đời rốt sau vĩnh viễn đoạn dứt luân hồi, tâm ngộ thật tướng, đầy đủ vô sanh nhẫn. Nay các ông lắng nghe, ta sẽ nói rõ.

Khi ấy Bồ tát Di Lặc hoan hỷ vâng lời dạy, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.

? BÌNH GIẢNG

Nghĩa bí mật, sâu xa, vi diệu là ý nghĩa của sanh tử và Niết bàn. Cùng một cảnh giới Viên Giác, mà chúng sanh với tâm nhiễm ô thì thấy là sanh tử, các Bồ tát với tâm thanh tịnh thì thấy là Niết bàn thanh tịnh diệu trang nghiêm. Cùng trong một “gương tâm sáng chiếu”, nơi “trụ trì quang nghiêm của tất cả chư Phật” mà đối với chúng sanh lại có sáu nẻo luân hồi, năm thứ chủng loại tùy theo mức độ nhiễm ô che chướng nơi tâm. Như Kinh Duy Ma Cật nói: Tùy tâm này tịnh, tức cõi Phật tịnh. Thế mới biết pháp giới là Nhất Tâm, tùy theo vọng thức của mỗi loài mà có đủ loại mỗi cảnh giới nhiễm tịnh sai biệt.

Cho nên để đoạn dứt vĩnh viễn luân hồi, ngộ nhập thật tướng Viên Giác mà xưa nay chúng sanh vẫn hằng sanh sống trong đó, chỉ có một việc duy nhất là chùi sạch cái dơ của huyễn, được con mắt huệ thanh tịnh, có đức tin quyết định. Đoạn dứt luân hồi chẳng phải là đoạn dứt cái luân hồi nào cả, mà chỉ là đoạn dứt cái nhiễm ô che chướng khiến thấy tánh Viên Giác thành ra hoa đốm luân hồi. Chứng Viên Giác Đại Niết bàn cũng chẳng phải là chạy đi tìm cầu một Viên Giác nào cả, mà chỉ là làm sạch tâm mình, tùy tâm tịnh đến đâu, Viên Giác hiện ra đến đó. Thế nghĩa là, trong Viên Giác vốn tự giải thoát, tự toàn thiện, chỉ có mỗi chúng sanh tự trói buộc mình theo mỗi cách, tự ngăn che mình theo mỗi kiểu, cho nên chương này đề cập thẳng đến sự trói buộc trong tâm mỗi người. Trói hay mở, đốn hay tiệm đều do tự mình, nhưng bản chất của sự trói buộc là hoa đốm. Đó là nghĩa “Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức”, nghĩa bí mật, sâu xa, vi diệu của tông Duy thức,mà ngài Di Lặc là người khởi phát ra tông này.

? ÁI VÀ DỤC LÀ GỐC RỄ CỦA SANH TỬ

? KINH

Thiện nam tử! Hết thảy chúng sanh từ vô thủy do có mọi thứ tham dục ân ái nên có luân hồi.

Hết thảy chủng loại trong thế giới: loài sanh bằng trứng, loài sanh bằng thai, loài sanh nơi ẩm ướt, loài sanh bằng cách hóa hiện đều do dâm dục mà thành sanh mạng. Phải biết luân hồi sở dĩ có là do ái làm gốc rễ.

Do có các dục giúp phát sanh tính ái, bởi thế mà sanh tử nối tiếp nhau. Ái sanh ra dục, dục sanh ra mạng. Chúng sanh yêu thích thân mạng, nên trở lại nương vào gốc dục. Thế nên yêu thích dục là nhân, yêu thích mạng là quả.

? BÌNH GIẢNG

Ái là yêu thích. Trước hết là yêu ta, dần dần yêu cái của ta. Khi nói ‘chấp ngã, chấp pháp’ thì chữ chấp này mang tính chất trí năng hơn. Còn nói ‘ái ngã, ái pháp’ thì chữ ‘ái’ này mang tính chất tình cảm hơn.

Từ ái mà có dục, dục là ái nhưng nặng nề hơn, đi hẳn vào thế giới vật chất. Rồi dục lại trợ giúp cho ái. Đến cấp độ thân xác thì ái trở thành ái tình, dục trở thành dục tình. Ở cấp độ này thì dục sanh ra mạng rồi lại yêu thân mạng nên lại nương vào gốc dục. Yêu thân mạng là nhân, và hệ quả của nó là yêu sự tương tục của thân mạng. Chính sự yêu thích được tương tục này tạo ra sự tương tục của sanh tử luân hồi.

Ái dục là sự gắn bó với thân mạng mình và gắn bó với thân mạng người, nên nó là nguyên nhân căn bản để cho chúng sanh sanh lẫn nhau, nối kết nhau chẳng hề dứt mà thành đời này nối tiếp đời khác. Yêu thương ai thì sanh theo người đó, gắn bó với ai thì sanh ra người ấy hay được người ấy sanh ra, yêu thích cảnh giới nào thì sanh ra nơi cảnh giới ấy. Ái dục nương gá nhau, thu hút nhau, kêu gọi nhau, sanh ra nhau, nên ái dục là năng lực chuyển động của chúng sanh trong ba cõi, là sức mạnh chuyển sanh trong ba cõi. Tất cả mọi chuyển động này theo định luật nhân quả mà vận hành.

Vậy thì muốn giải thoát, muốn không đầu cuối, không sanh diệt, không qua lại, không tụ tán, không tương tục tiếp nối thì phải chấm dứt ái dục. Nếu không muốn đắm chìm nơi một thân tâm nào, một thế giới nào, một sự tương tục của bất cứ cái gì thì còn có một chuyển động nào để tạo thành ba cõi?

? ÁI DỤC LÀ ĐỘNG LỰC LÊN XUỐNG TRONG CÁC NẺO

? KINH

Do có cảnh dục mà khởi ra các thứ thuận nghịch. Cảnh trái với tâm yêu thích thì sanh giận ghét, tạo đủ thứ nghiệp, do đó sanh vào địa ngục, quỷ đói.

Biết dục đáng chán, thích nghiệp nhàm chán, bỏ ác ưa thiện thì sanh cõi người, cõi trời.

Lại biết các thứ ái là đáng chán ghét, nên yêu thích sự xả bỏ, thế là lại tăng thêm gốc yêu thích, bèn sanh nơi cõi trời sắc giới và vô sắc giới, cũng là quả hữu vi cao cấp, đều là luân hồi, chẳng thành thánh đạo.

Thế nên chúng sanh muốn thoát sanh tử, khỏi các luân hồi, trước hết phải đoạn tham dục và trừ khát ái.

? BÌNH GIẢNG

Đường đi nước bước trong ba cõi đều do ái dục dắt dẫn. Ái dục đều do sự khởi động và huân tập của tâm. Một khi huân tập đã đầy đủ thì thành nghiệp, kéo vào hay đẩy ra, thích hay ghét, thuận hay nghịch. Tất cả mọi hành động ấy của tâm đều có trung tâm là một tự ngã, có một động lực là yêu thích cái tôi. Từ yêu thích tôi có sự phân biệt chia cách với cái khác tôi: người khác và thế giới. Từ yêu thích tôi liền có yêu thích cái của tôi, và ngược lại, ghét cái chẳng phải tôi và cái chẳng phải của tôi.

Thích dục thì tạo thành cõi dục. Chán ghét dục mà xả bỏ, thì lại yêu thích cõi sắc và cõi vô sắc. Pháp giới Nhất Chân trở thành thuận nghịch, thương ghét, tranh giành, chiến đấu, được mất, thắng thua… đều do tham dục và khát ái.

Thế nên muốn khỏi lên xuống, tới lui, lấy bỏ trong ba cõi thì phải cắt đứt cái động lực tham dục và khát ái ở nơi tâm. Quan sát người ái dục, đối tượng của ái dục, hành động của ái dục là vô tự tánh, ba luân không tịch thì còn gì là động lực ái dục? Tùy theo vô tự tánh, như huyễn thấy được đến đâu thì giải thoát đến đó, ba cõi trở thành pháp giới Nhất Chân đến đó.

? ĐỜI SỐNG BỒ TÁT DO ĐẠI BI, ĐỜI SỐNG CHÚNG SANH DO ÁI DỤC

? KINH

Thiện nam tử! Sự biến hóa thị hiện của Bồ tát ở thế gian chẳng phải do ái dục làm gốc, chỉ vì từ bi khiến cho chúng sanh xả bỏ ái dục mà giả mượn tham dục để vào sanh tử.

Nếu tất cả chúng sanh đời rốt sau có thể xả bỏ các dục và trừ yêu ghét, đoạn hẳn luân hồi, siêng cầu cảnh giới Viên Giác Như Lai, thì ngay nơi tâm thanh tịnh đó liền được khai ngộ.

? BÌNH GIẢNG

Bồ tát có mặt ở thế gian, cũng được sanh ra như mọi người, nhưng kỳ thật chẳng do ái dục dẫn dắt. Bồ tát cũng là một chúng sanh, nhưng tâm đã được thanh tịnh, không có động lực ái dục để hướng vào một nơi chốn nào trong ba cõi. Sự có mặt của Bồ tát ở thế gian chỉ là do từ bi mà giả mượn thân tâm như huyễn để sống trong thế giới như huyễn cùng chúng sanh và dẫn dắt chúng sanh xả bỏ ái dục để giải thoát.

Nguyện lực của Bồ tát không dính với ái dục. Chính vì không ái dục mà nguyện lực ấy mạnh mẽ để vào và sống trong sanh tử. Không ái dục chính là sức mạnh của tánh Không và đại bi làm nền tảng cho cuộc đời Bồ tát. Sức mạnh biến hóa thị hiện của Bồ tát là “Đại từ bi với tất cả chúng sanh, đó là vào nhà Như Lai”, “Tất cả các pháp Không, đó là ngồi tòa Như Lai” (Kinh Pháp Hoa).
Trong khi thế gian này tuy là hoa đốm, nhưng với chúng sanh đó là trường thương ghét, lấy bỏ, tạo thành “tướng nhơ” của sanh tử, thì Bồ tát biết đó là hoa đốm nhưng vì lòng đại bi chẳng bỏ chúng sanh nên dùng chính năng lực của huyễn mà biến hóa thị hiện làm những hành động như huyễn để thức tỉnh chúng sanh khỏi giấc mộng luân hồi. Sự chứng thực như huyễn càng sâu rộng chừng nào, lòng đại bi càng sâu rộng chừng nào, thì Bồ tát càng đi xa trên con đường Bồ tát đạo chừng ấy.

Còn chúng sanh muốn được khai ngộ thì tâm phải thanh tịnh. Thanh tịnh vì thấy như huyễn nên không bám giữ, vì lòng đại bi nên không ích kỷ. Khi đã thanh tịnh đủ thì ngay nơi tâm ấy thấy được tánh Viên Giác.

? CÓ NĂM LOẠI TÁNH

? KINH

Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh do gốc tham dục nên phát huy thêm vô minh, hiển ra năm loại tánh sai biệt chẳng đồng, nương vào hai thứ chướng mà hiện ra có cạn sâu.

Hai chướng là gi? Một là lý chướng, ngăn ngại chánh tri kiến; hai là sự chướng, nối tiếp sanh tử.

Năm tánh là gì?

Thiện nam tử! Nếu hai chướng ấy chưa được đoạn diệt thì gọi là chưa thành Phật.

Nếu các chúng sanh bỏ hẳn tham dục, trước trừ được sự chướng mà chưa đoạn lý chướng thì chỉ ngộ nhập Thanh Văn, Duyên Giác, chưa thể sáng tỏ an trụ cảnh giới Bồ tát.

Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh đời rốt sau muốn rong chơi trong biển Đại Viên giác Như Lai, trước phải phát nguyện siêng năng đoạn trừ hai chướng. Hai chướng đã hàng phục bèn ngộ nhập cảnh giới Bồ tát. Nếu sự chướng và lý chướng đã vĩnh viễn đoạn diệt thì ngộ nhập Viên Giác vi diệu Như Lai, đầy đủ Bồ đề cùng Đại Niết bàn.

Thiện nam tử, tất cả chúng sanh đều hiện có Viên Giác, gặp thiện tri thức bèn y nơi nhân địa pháp hạnh chỗ làm của vị ấy mà tu tập theo, bèn có đốn và tiệm. Nếu gặp con đường chánh tu Bồ đề vô thượng của Như Lai thì đều thành Phật quả không kể căn cơ lớn nhỏ.

Nếu các chúng sanh tuy cầu bạn lành nhưng gặp người tà kiến chưa được chánh ngộ, ấy gọi là chủng tánh ngoại đạo, đó là do lỗi lầm của tà sư, chẳng phải nơi lỗi của chúng sanh ấy.
Đó gọi là năm loại tánh sai biệt của chúng sanh.

? BÌNH GIẢNG

Tất cả các quặng vàng đều có vàng, nhưng tùy theo sự nấu lọc mà có nhiều loại vàng với mức độ thuần ròng khác nhau. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh Viên Giác, nhưng tùy theo nhân duyên tu tập, gạn lọc cặn bả mà có năm loại khác biệt. Sự khác biệt đó chỉ do vô minh dơ huyễn nhiều hay ít mà thôi. Vàng khác biệt vì có tạp chất nhiều hay ít, chúng sanh khác biệt vì chướng sâu hay cạn.

Có hai loại chướng. Lý chướng cũng gọi là sở tri chướng là phần vô minh vi tế ban đầu làm chướng ngại cái thấy biết chân chánh. Sự chướng cũng gọi là phiền não chướng là phần vô minh thô nặng về sau làm nối tiếp sanh tử. Ví dụ thấy có thân tâm và thế giới, có sanh tử để lìa, có Niết bàn để chứng, có phiền não để đoạn, hay những bệnh “tác, chỉ, nhậm, diệt” là lý chướng. Còn khi đã cho thân tâm và thế giới là có thật, rồi khởi tham, sân, si, yêu ghét, tạo các nghiệp, đó là sự chướng, là cái làm tiếp nối sanh tử luân hồi. Tùy theo hai chướng này có mỏng hay dày mà có năm loại: phàm phu, Thanh Văn Duyên Giác, Bồ tát, bất định, và ngoại đạo.
Bậc Thanh Văn Duyên Giác đoạn dứt được sự chướng là tham, sân, si… nên đã hết hẳn cội gốc luân hồi, không còn sanh tử trở lại, cũng không có độ người. Nhưng như thế chỉ mới chứng được Niết bàn tịch tịnh, chưa hoàn toàn sáng tỏ, chưa trừ được lý chướng tức là sự thấy Niết bàn và sanh tử là hai. Niết bàn của bậc Thanh Văn là tịch, trong khi tánh Viên Giác của Bồ tát là vừa tịch vừa chiếu.

Lý chướng là không biết rằng sanh tử là hoa đốm mà cho là thật có sanh tử đáng sợ, rồi cố gắng đoạn trừ gốc rễ sanh tử, không còn sự sanh và tử thì cho đó là Niết bàn. Niết bàn này là sự đoạn diệt các hình tướng sanh tử, chưa thấu suốt bản tánh Viên Giác vốn chưa từng có sanh tử để đoạn diệt, chưa từng có Niết bàn để mong vào, chưa từng có chúng sanh để lìa bỏ hay cứu độ. Do đó bậc Thanh Văn đoạn hết sự chướng (vô ngã) mà chưa hết lý chướng, nghĩa là chưa vô pháp, nên chỉ chứng được Niết bàn tịch diệt, tức là phần tịch của tánh Viên Giác.
Còn Bồ tát thì đoạn trừ cả hai chướng: không những dứt trừ phiền não khiến trôi lăn theo sanh tử mà còn dứt trừ luôn cả sự thấy lầm rằng có sanh tử để phải giải thoát khỏi nó. Bậc Thanh Văn thì đã chấm dứt với sanh tử, nhưng còn cho rằng sanh tử vẫn còn hiện hữu ở một nơi nào đó. Bồ tát thì chấm dứt với sanh tử một cách hoàn toàn, vì thấy thấu suốt sanh tử là hoa đốm chưa từng hiện hữu. Bồ tát thì thấy cái gọi là sanh tử chỉ là sự ánh chiếu, ứng hiện thành tướng của tâm Viên Giác sáng chiếu và thanh tịnh. Cho nên Niết bàn của Bồ tát là vô trụ xứ Niết bàn, đó là tánh Viên Giác trong đó “Tất cả đều là Giác”.

Nơi Bồ tát hễ một phần sự chướng lý chướng được sạch thì chứng một phần Pháp thân Viên Giác,cứ thế mà tiến lên các địa trong Mười Địa. Hai chướng hết sạch thì gọi là Phật.
Nhân địa pháp hạnh là nền tảng tâm Viên Giác của con đường giác ngộ viên mãn. Thiện tri thức là vị mở chỉ cho thấy nền tảng nhân địa pháp hạnh ấy và hướng dẫn trên con đường. Con đường cũng “y nơi nhân địa pháp hạnh” làm nền tảng thì mới là “chánh tu Bồ đề vô thượng của Như Lai”.
Thiện tri thức rất quan trọng, vì đó là người chỉ bày nền tảng để tu hành và người đệ tử “tu tập theo chỗ làm của vị ấy”. Có được một hay nhiều thiện tri thức, đó là phước đức lớn nhất trong đời.

Thiện nam tử, tất cả chúng sanh đều hiện có Viên Giác, gặp thiện tri thức bèn y nơi nhân địa pháp hạnh chỗ làm của vị ấy mà tu tập theo, bèn có đốn và tiệm.

? CON ĐƯỜNG BỒ TÁT

? KINH

Thiện nam tử! Bồ tát chỉ sống bằng đại bi, từ đó khởi phương tiện vào các thế gian khai phát cho những người chưa ngộ, cho đến thị hiện đủ thứ hình tướng, cảnh giới khi thuận khi nghịch, cùng họ đồng sự mà giáo hóa cho thành Phật. Tất cả đều y vào nguyện lực thanh tịnh vô thủy.

Nếu tất cả chúng sanh đời rốt sau đối với Đại Viên Giác khởi tâm tăng tiến rộng lớn, phải phát đại nguyện thanh tịnh của Bồ tát, nói lời như vầy: Nguyện con nay đây được trụ trong Viên Giác Phật, cầu thiện tri thức, chẳng gặp ngoại đạo và Nhị thừa. Y nguyện tu hành, đoạn dần các chướng. Chướng hết nguyện tròn, liền lên pháp điện thanh tịnh giải thoát, chứng cảnh giới diệu trang nghiêm Đại Viên Giác.

? BÌNH GIẢNG

Bồ tát là vị đã trở về được với Pháp thân Đại quang minh tạng nhưng không ở hẳn trong đó mà do lòng đại bi thị hiện Báo thân và Hóa thân vào các thế gian đồng sự với chúng sanh mà khai ngộ cho họ. Đó là những Pháp thân Bồ tát.

Do đã ở trong Đại quang minh tạng, cho nên thấy thế gian và chúng sanh và cả chính mình là sự hóa hiện theo nghiệp từ ánh sáng căn bản, bởi thế mà như huyễn. Thấy được thân tâm của mình là sự ứng hiện của tâm Viên Giác nên như huyễn, bấy giờ cũng chính thân tâm này trở thành Hóa thân làm việc trong thế giới như huyễn để độ chúng sanh như huyễn. Đại bi của Bồ tát đi đôi với trí huệ thấy như huyễn, nghĩa là thấy mọi sự là sự ánh chiếu ứng hiện của tâm Viên Giác, cho nên sự nghiệp độ sanh khó khăn khi thuận khi nghịch thì cũng chỉ là việc làm như huyễn như mộng. Đồng sự với chúng sanh để giáo hóa họ trong cảnh giới như huyễn như mộng vì đó là sự phóng chiếu, ảnh hiện từ ánh sáng căn bản đại quang minh tạng, cho nên gọi là thị hiện. “Khởi phương tiện vào các thế gian” chính là sử dụng lực của huyễn, hay còn gọi là Như huyễn tam muội.
Tóm lại việc làm của Bồ tát là ở trong gương đại quang minh tạng mà làm, thay vì chạy theo các bóng trong gương để thành thế giới sanh tử như chúng sanh. Luôn luôn trụ trong ánh sáng căn bản vô phân biệt và thị hiện, ứng hiện ra các sắc tướng, các bóng ảnh như huyễn là tâm Bồ tát. Tâm ấy luôn luôn tương ưng với tâm Viên Giác.

Tất cả cuộc đời Bồ tát là đại bi thương xót chúng sanh không biết mình đang sống trong huyễn mộng, và đại nguyện tự giác, giác tha hóa độ chúng sanh. Nguyện lực đó thanh tịnh từ vô thủy vì nguyện lực ấy y vào Đại quang minh tạng vốn thanh tịnh của Viên Giác. Nguyện lực ấy sâu rộng đồng đẳng với pháp giới và chúng sanh vì tất cả ở trong thực tại bình đẳng vô phân biệt trùm khắp như hư không của Đại quang minh tạng. Vì ánh sáng căn bản không bị chướng ngại bởi hình tướng nào nên nguyện lực đó không thể bị chướng ngại bởi bất kỳ cái gì. Vì biết tất cả là hoa đốm, không có người cứu độ và người được cứu độ, vì làm trong Đại quang minh tạng, nên nguyện và hạnh thanh tịnh.

Con đường Bồ tát là phát đại nguyện, cầu thiện tri thức, trụ trong trí huệ và đại bi. Đại bi để mở rộng tâm cứu độ chúng sanh, và trí huệ để giải thoát khỏi cả việc cứu độ đó. Với trí huệ là Pháp thân và đại bi là Báo thân và Hóa thân, Bồ tát luôn luôn sống trong ánh sáng và an lạc.

? BÀI KỆ TRÙNG TUYÊN

? KINH

Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng:

Di Lặc ông nên biết
Hết thảy các chúng sanh
Chẳng được đại giải thoát
Đều do bởi tham dục
Đọa lạc vào sanh tử.
Nếu đoạn được yêu ghét
Cùng với tham sân si
Chẳng kể tánh sai biệt
Đều đắc thành Phật đạo.
Cầu thầy được chánh ngộ
Tùy thuận Bồ tát nguyện
Hai chướng tiêu diệt sạch.
Y chỉ Đại Niết bàn
Mười phương các Bồ tát
Đều do nguyện đại bi
Thị hiện vào sanh tử.
Người tu hành hiện tại
Và chúng sanh đời sau
Siêng đoạn các ác kiến
Bèn về Đại Viên Giác.

? BÌNH GIẢNG

Đại Niết bàn là Vô trụ xứ Niết bàn của chư Bồ tát và chư Phật.

Tất cả chúng sanh đều ở trong tánh Viên Giác, không ai có nhiều Viên Giác hơn ai. Nếu có nhiều hơn hay ít hơn đó là nhiều hơn ít hơn hai chướng. Cũng chỉ vì chúng sanh tự mình che chướng mình, lấy phân biệt làm lẽ sống, lấy yêu ghét làm cơm ăn, lấy mê mờ làm hơi thở, lấy tham sân si làm sự nghiệp ở đời mà ở ngay trong tánh Viên Giác thanh tịnh lại đói khát đòi giải thoát khỏi sanh tử. Cho hay mọi sự rất là đơn giản: tự mình đi nhận một thân tâm hoa đốm nào đó là mình, nhận mình là bọt biển mà cho là tất cả đại dương, rồi sanh yêu, sanh ghét để bỏ quên cái đại dương vốn thật là mình, bỏ mất viên ngọc như ý trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới kia.

Thế nên, nếu không yêu ghét, lấy bỏ thì ngay đây là đại giải thoát. Nếu không bám không buông thì ngay đây là Đại Viên Giác vốn tự thành tựu diệu trang nghiêm khắp suốt mười phương. Nếu không tơ hào phân biệt thì đó là lầu các lưu ly của đức Di Lặc. Nếu không tham, sân, si thì ai cấm được mười phương thanh tịnh? Nếu không hai chướng thì ai ngăn được pháp giới trùm khắp không cách hở mảy may? Và tất cả chúng ta đây, nếu biết khéo tự khuyên răn nhắc nhở thì có ai cấm được tất cả vốn tự viên thành, chúng sanh bổn lai thành Phật?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KỶ LUẬT CỦA VIỆC HỌC PHÁP
  2. TÙY THUẬN TÁNH VIÊN GIÁC
  3. BỒ TÁT DI LẶC DẠY THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ VỀ BỒ ĐỀ TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. BÁT NHÃ TÂM KINH THIỀN GIẢI – PHẦN DẪN NHẬP
  2. VỀ NGUỒN
  3. BỒ ĐỀ TÂM ĐỒNG VỚI CÔNG ĐỨC CỦA TẤT CẢ PHẬT PHÁP

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH