AN NHIÊN GIỮA BỘN BỀ

SHARON SALZBERG

Trích “An nhiên giữa bộn bề”; Người dịch: Thanh Hằng; NXB Thanh Niên, 2020.

Đa số mọi người đều có những khao khát mâu thuẫn với nhau: Chúng ta thích kết nối và tương tác trong nhóm nhưng cũng thèm khát sự riêng tư và độc lập. Chúng ta muốn được công nhận thành quả cá nhân trong khi đang là một phần của nhóm. Chúng ta muốn được khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ, nhưng cũng cần được ở một mình để tự tìm hiểu mọi thứ theo cách riêng. Thực tế, một trong những thách thức lớn nhất của ta trong công việc là học cách để trở thành một phần của một nhóm mà không phản bội lại nhu cầu cá nhân của mình, “chơi sòng phẳng” với người khác trong khi vẫn thành thật với bản thân.

Có rất nhiều nghiên cứu ủng hộ thực tế rằng số lượng bạn tốt mà một nhân viên có ở công sở có liên quan đến mức độ cam kết với công việc và hạnh phúc của nhân viên đó. Nhưng một người có thể cảm thấy rằng cam kết quá nhiều trong công việc sẽ phản tác dụng, bởi việc bị nhét trong một căn phòng vốn không phải hình mẫu lí tưởng để kích thích tư duy sáng tạo đối với tất cả mọi người. Một học viên của tôi, làm việc trong ngành tạp chí, thường dành hơn 50 giờ trong một căn phòng 20m^2 cùng với hai tá đồng nghiệp luôn căng thẳng và cãi cọ suốt ngày, và thấy rằng điều đó gần như là không thể chịu đựng nổi. “Sếp tôi định dùng một mũi tên bắn hai đích. Đầu tiên, không cho ai không gian riêng tư để mọi người không thể giết thời gian. Thứ hai, nhét chúng tôi vào cùng một phòng để chúng tôi ‘truyền năng lượng’ cho nhau và hoàn thành được nhiều công việc hơn. Để tôi nói cho chị biết, chẳng có bước phòng ngừa nào của ông ấy thay đổi được điều gì cả. Tất cả những gì nó làm là gây căng thẳng cho chúng tôi – chẳng có đường nào để chạy thoát cả – luôn phải cảnh giác lo lắng không thể nghe được suy nghĩ của chính mình. Tôi hoàn toàn ghét điều đó!”

Hãy đối chiếu câu chuyện trên với trải nghiệm của một y tá tại phòng cấp cứu, người rất thích không gian làm việc chung. “Nó giống như hội nữ sinh vậy, nhưng chúng tôi rất vui vẻ!” cô nói. “Nơi này giống như một bộ đánh lửa vậy, hết ca cấp cứu này đến ca cấp cứu khác. Nếu mỗi người chúng tôi phải làm việc trong những căn phòng nhỏ, chúng tôi sẽ làm việc kém hiệu quả hơn nhiều. Thực tế rằng bàn làm việc của chúng tôi làm việc như một đội ngũ, một cơ thể. Chẳng có cách nào khác để làm việc hiệu quả hơn”. Khi nói về chủ đề giao tiếp tinh tế và hợp tác tối đa, một nơi làm việc lí tưởng không phụ thuộc quá nhiều vào việc những bức tường được đặt ở vị trí nào, mà quan trọng là cái tâm của nhân viên được đặt ở đâu. Đặc biệt, trong những văn phòng làm việc sát nhau, điều quan trọng là phải để ý đến không gian tâm lí của đồng nghiệp, không chiếm lĩnh không gian bằng những tiếng tán gẫu, tiếng ồn ào hay gián đoạn không cần thiết. Một nghiên cứu kết luận rằng những người thường bị quấy rầy khi làm việc mắc lỗi nhiều hơn 50% và mất gấp đôi thời gian để hoàn thành công việc. Khả năng làm việc trong một môi trường khép kín và tôn trọng những người xung quanh là điều kiện bắt buộc để tạo ra một công sở vui vẻ.

Trong khi kiểu văn phòng làm việc có thể khác nhau, chúng ta đều biết có nhiều người sáng tạo hơn khi họ có sự riêng tư và thoát khỏi những sự gián đoạn. Nhiều người trong nhiều lĩnh vực là kiểu người hướng nội, thích chia sẻ ý tưởng nhưng tự xem mình là một người độc lập và có thiên hướng cá nhân, chứ không phải người sinh ra để kết nối. Khi xét đến sức sáng tạo trong công việc, đối với một số người chúng ta, việc động não tập thể không mang lại hiệu quả bằng việc chui vào góc nhỏ của riêng ta, rồi sau đó chia sẻ những ý tưởng nảy sinh từ đó. Điều này dường như đòi hỏi sự linh hoạt và tôn trọng nhu cầu cá nhân bất cứ khi nào có thể.

Làm việc nhóm đã trở nên phức tạp hơn trong thời đại Internet. Trong nhiều tập đoàn đa quốc gia, những người trong cùng một nhóm ở khắp nơi trên thế giới, đội ngũ số này vượt qua chướng ngại vật lí và tổ chức thông qua việc sử dụng công nghệ. Theo như những gì mọi người nói, làm việc từ xa và làm việc nhóm ảo đem đến cả những hạn chế và lợi ích đối với sự hài lòng của nhân viên. Công nghệ thông tin cho phép ta xóa nhòa khoảng cách địa lí, gửi văn bản đi khắp thể giới chỉ trong vài giây, gửi e – mail qua không gian mạng có thể mang đến cho ta một cảm giác gắn kết giả tạo, như thể việc kết nối với mọi người không cần gì hơn là biết tài khoản Twitter của nhau và tìm được thiết bị tốt nhất để tham dự cuộc họp qua video.

Giao tiếp trực tiếp vẫn là cách thức tương đối hiệu quả để xây dựng lòng tin và mối liên kết giữa đồng nghiệp với nhau. Nhưng giả định rằng những nhân viên thường xuyên làm việc từ xa ít gắn bó với tổ chức hơn bởi sự cô lập và thiếu kết nối chưa hẳn đã đúng. Miễn là công ty tích hợp giao tiếp trực tiếp vào những mối quan hệ giữa các nhân viên, chẳng có gì sai khi bạn làm việc tại nhà trong bộ đồ ngủ và chỉ gặp đồng nghiệp vài lần trong tuần. Điều đó có thể tốt cho hiệu suất và sự thỏa mãn của nhân viên. Nguyên tắc này cũng đúng với những người làm việc trong một không gian chật hẹp ngày này qua ngày khác. Sự tự chủ một cách sáng tạo, không gian yên tĩnh, riêng tư ở một mức độ nào đó và sự tôn trọng đối với không gian tâm lí và thể chất của người khác là những điều kiện quan trọng đối với nhiều người.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÀM VIỆC NHÓM (TEAMWORK)
  2. NGUYÊN TẮC THỨ 7 TRONG LÀM VIỆC NHÓM: XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  3. NHỮNG YẾU TỐ THEN CHỐT ĐỂ LÀM VIỆC NHÓM

Bài viết khác của tác giả

  1. CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU
  2. THỜI GIAN VÀ ƯU TIÊN
  3. TÌNH THƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP