BIẾT NÓI LỜI XIN LỖI

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Nói lời xin lỗi với người khác là cách hữu hiệu nhất để  kiểm tra tính tiên phong chủ động của bạn. Nếu bạn quá coi trọng hình ảnh, vị trí của mình trong gia đình, lúc nào cũng khăng khăng rằng bạn đúng, việc cất tiếng xin lỗi sẽ rất khó khăn. Nó giống như việc vắt kiệt bản ngã, lấy đi lòng tự tôn của bạn. Điều đó hạn chế cả 4 kỹ năng sống của bạn.

Colleen (con gái tôi)

Cách đây vài năm, Matt và tôi đi nghỉ cùng với cả gia đình trong dịp lễ Giáng sinh. Tôi không nhớ chi tiết, nhưng vì một lý do nào đấy tôi được bảo là phải chở mẹ tới thành phố Salt Lake vào ngày hôm sau. Nhưng vào ngày hôm sau tôi còn phải làm một việc khác nên không thể chở mẹ đi được. Khi bố biết vậy, ông buông lời nặng nề với tôi: “Con thật ích kỷ! Con phải chở mẹ con đi…”. Ông còn nói nhiều thứ trong cơn giận mất tự chủ.

Quá ngạc nhiên trước phản ứng mạnh của ông, tôi rơm rớm khóc. Tôi thực sự bị tổn thương. Vì lâu nay bố tôi vốn là một người luôn thông cảm và chu đáo. Trong cả cuộc đời, tôi chỉ nhớ có hai lần ông mất bình tĩnh với tôi, và làm tôi bị sốc. Lẽ ra tôi không đáng phải chịu xúc phạm như vậy. Cuối cùng tôi  nói: “Được rồi, con sẽ đi”, vì biết rằng bố chẳng thèm nghe tôi nói.

Tôi lên xe về thẳng nhà mình, rủ chồng tôi cùng đi. “Tối nay chúng ta sẽ không quay lại”, tôi nói. “Em không bận tâm, dù lỡ dịp lễ Giáng sinh cùng gia đình đi chăng nữa”. Trong suốt đường về, tôi thực sự cảm thấy rất buồn chán.

Ngay sau khi chúng tôi về tới nhà, điện thoại đổ chuông.

Matt trả lời điện thoại. Anh ấy nói, “Bố em đấy”.

“Em không muốn nói chuyện với ông ấy”, tôi nói, vẫn còn cảm thấy bị tổn thương. Nhưng rồi tôi vẫn nói chuyện với bố. Tôi cầm điện thoại lên.

“Con yêu, bố xin lỗi”, ông nói, “Bố biết không có lời xin lỗi nào có thể bào chữa cho việc bố mất bình tĩnh với con, nhưng hãy để bố nói cho con điều gì đang diễn ra”. Và ông cho biết công ty ông gặp khó khăn tài chính ngay trong buổi đầu thực hiện dự án, công việc kinh doanh đang đi chệch quỹ đạo, thêm vào đó là kỳ nghỉ Giáng sinh cùng gia đình, ông cảm thấy có quá nhiều áp lực đang đè nặng lên mình. Ông nói: “Bố đã trút giận lên con. Bố rất tiếc. Bố xin lỗi”. Nghe lời xin lỗi của bố, tôi hiểu ra mình đã phản ứng có phần quá đà.

Lời xin lỗi của bố chẳng khác nào “một sự gửi vào” to tát trong Tài khoản Ngân hàng Tình cảm của tôi. Mối quan hệ giữa hai bố con tốt đẹp trở lại.

Matt và tôi quay lại vào tối hôm đó. Tôi sắp xếp lại kế hoạch cho ngày hôm sau, đưa mẹ tới thành phố Salt Lake, làm như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Bố và tôi trở nên gần gũi hơn, bởi lẽ ông đã xin lỗi ngay sau khi tôi bỏ đi. Tôi nghĩ ông đã phải cố gắng rất nhiều để có thể nhún mình lên tiếng xin lỗi nhanh đến như vậy.

Cho dù chúng ta đánh mất bình tĩnh chỉ  trong  tích  tắc thôi, nó vẫn sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của chúng ta

– Nếu ta không dám chịu trách nhiệm cho việc mất bình tĩnh đó và nói lời xin lỗi. Tại sao vậy? Bởi vì mọi người không thể biết khi nào họ động chạm đến lòng tự ái của chúng ta, nên trong thâm tâm họ luôn đề phòng việc đó xảy ra bằng cách suy xét dựa trên hành vi của chúng ta, và hạn chế những phản ứng bộc phát, thiếu suy nghĩ.

Chúng ta nói xin lỗi càng sớm càng tốt. Người xưa cũng đã nhắc điều này. Có một câu ngạn ngữ vùng Viễn Đông: “Nếu bạn định cúi thì hãy cúi cho thấp”. Kinh Thánh cũng có một bài học về việc chú ý đến những điều nhỏ nhặt nhất:

Khi bạn đang đi chung một con đường với  đối  thủ  của mình, hãy biết cách sắp xếp cho ổn thỏa, bởi nếu không, kẻ thù của bạn có thể tạo cớ gì đó để kiện bạn ra trước tòa án, rồi đến các quan chức khác, cuối cùng tống bạn vào nhà ngục. Đây là điều thực tiễn đối với tất cả mọi người, không ai tránh được, trừ phi chúng ta biết lưu tâm đến từng điều nhỏ nhặt nhất.

Bất cứ khi nào chúng ta bất đồng quan điểm với ai đó, chúng ta cần nhanh chóng “đồng ý”  với họ. Không phải  đồng ý với quan điểm của họ (điều này sẽ làm mất đi nguyên tắc của chúng ta), mà đồng ý với quyền có quan điểm khác, có cách nhìn sự vật khác từ phía họ. Nếu không, vì nhằm bảo vệ quan điểm của mình, tâm trí họ sẽ đặt chúng ta trong một nơi gọi là “nhà ngục” tinh thần. Chúng ta chỉ có thể thoát ra khỏi  nhà  ngục này nếu chúng ta nhún nhường, thừa nhận lỗi lầm của chúng ta đã không cho phép họ quyền có quan điểm khác. Chúng ta phải dứt khoát thực hiện sự tôn trọng này, thay vì  nuôi tư tưởng “Tôi sẽ xin lỗi nếu anh nói xin lỗi trước”.

Nếu bạn khăng khăng chứng tỏ mình đúng, không chịu nói xin lỗi thì người khác sẽ vẫn nghi ngờ và đặt bạn đàng sau hàng song sắt nhà tù trong tâm trí họ, có thành kiến đối với  bạn; họ sẽ dè chừng trong quan hệ với bạn để giữ an toàn cho chính họ, tuyệt nhiên không hy vọng gì nhiều ở bạn.

Đôi khi chúng ta mất bình tĩnh. Nói cách khác, đôi  khi  chúng ta bị chệch hướng. Những lúc như vậy, ta cần chịu trách nhiệm, cần biết nhún nhường và xin lỗi một cách chân thành.

– Con yêu, bố xin lỗi vì đã khiến con phải xấu hổ trước mặt bạn bè. Bố đã sai khi làm điều đó. Bố muốn xin lỗi con và cả các bạn con nữa. Đáng lẽ bố không nên làm như vậy. Bố chỉ loay hoay trong cảm giác của chính mình để rồi xúc phạm đến lòng tự trọng của con, bố xin lỗi. Bố hy vọng con sẽ cho bố một cơ hội.

– Con yêu, bố  xin lỗi vì đã tránh né con. Con muốn chia sẻ   với bố  điều gì đó, nhưng bố  chỉ  nghĩ đến vấn đề  của mình  và  đã lờ con đi. Con tha thứ cho bố nhé?

Hãy chú ý 4 kỹ năng đã được sử dụng thế nào trong những lời xin lỗi trên. Đầu tiên, bạn nhận thức được điều gì đang diễn ra. Tiếp theo bạn tự hỏi lương tâm, đi vào những quy chuẩn đạo đức của mình. Rồi bạn mường tượng ra điều gì có thể làm được, và làm như thế nào thì tốt hơn. Cuối cùng, bạn quyết chí hành động dựa trên những điều bạn nhận ra từ quá trình trên. Nếu một trong bốn kỹ năng bị bỏ qua, mọi nỗ lực sẽ trở thành vô nghĩa. Rất có thể bạn chỉ đang cố gắng bào chữa, thanh minh, hay biện bạch cho hành động xúc phạm  của mình. Bạn có thể  xin lỗi, nhưng nó chỉ mang tính bề ngoài, chứ không chân thành.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁCH CHẤM DỨT NHỮNG ĐIỀU TIÊU CỰC
  2. KIẾN THỨC SO VỚI SỰ THÔNG THÁI
  3. HÃY CÓ LÒNG TỐT – ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA XIV

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ