BÌNH GIẢNG LỜI NGUYỆN CỦA TÁNH GIÁC PHỔ HIỀN NHƯ LAI

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Lời Nguyện Của Tánh Giác Phổ Hiền Như Lai; Bình giảng của H.E. Garchen Rinpoche; Nguyên tác: Kuntuzangpo's Prayer; Từ Hóa Hoàng Lan dịch Việt; NXB. Thiện Tri Thức, 2021

Hô! Tất cả mọi sự – hiện tướng và hiện hữu, sanh tử và niết bàn – tuy cùng một Nền Tảng duy nhất, nhưng có hai con đường và hai kết quả, được phô diễn một cách như huyễn như là tánh giác hoặc vô minh. Qua lời nguyện của Phật Phổ Hiền, nguyện tất cả chúng sanh đều thành Phật, trọn vẹn hoàn thiện trong Pháp Giới.

Hiện tướng có nghĩa là bất cứ thứ gì biểu hiện ở cấp độ ý niệm quy ước thông thường, tức là tất cả những gì biểu hiện trong vũ trụ vô hạn có hàng tỉ chiều này. Về số lượng, vũ trụ có hàng tỉ chiều này là vũ trụ có ngàn chiều lũy thừa bậc ba, rất rộng lớn. Nhưng thực ra vũ trụ là vô hạn. Vũ trụ vô hạn là điều mà Đức Phật đã thấy biết và đã đề cập trong các bản kinh cổ. Trên thực tế, ngày nay, ngay cả các nhà khoa học, sau nhiều nghiên cứu, cũng thấy rằng vũ trụ (với vô số các ngôi sao và hành tinh) thực sự là vô hạn, phù hợp với lời của Đức Phật. Vậy tại sao tất cả chúng đều hiện hữu? Vũ trụ theo khái niệm thông thường ra đời do sự bám víu, cố chấp và dính mắc của các chúng sanh. Chính sự nắm giữ bản ngã tạo nên sự biểu hiện của cái “Tôi” và những cái khác (ngã/tha và ngã/pháp), vô số vũ trụ bên ngoài và chúng sanh bên trong. Đó là những gì tạo ra tất cả sanh tử và niết bàn. Ở cấp độ thanh tịnh, nó tạo nên trạng thái thanh tịnh của các hiện tướng Phật, vô số các cõi Tịnh độ, và vân vân … Ở cấp độ bất tịnh, có ba cõi sanh tử – dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Nó tạo nên cả sanh tử và niết bàn, là những gì biểu hiện vô số lần. Đức Phật đã thấy biết nhiều loại chúng sanh khác nhau. Nếu bạn lấy động vật làm ví dụ, có những sinh vật to như một trái núi và có những sinh vật nhỏ như một hạt nguyên tử (một dạng sống vi tế trong nước). Rồi cũng có những chúng sanh không có thân thể. Mặc dù họ không có thân thể, họ vẫn kinh nghiệm đau khổ. Họ vẫn còn có bốn uẩn – thọ, tưởng, hành và thức. Họ chỉ không có hiện tướng vật chất. Giống như khi một người đang ngủ, vẫn có cảm giác của việc nắm giữ một cái “Tôi” và dính mắc vào cái “Tôi” ấy. Ngay cả trong những giấc mơ không có thân thể, chúng ta cũng trải qua đủ loại đau khổ và sợ hãi biểu hiện dựa trên ý thức về cái “Tôi” và “bản ngã”. Chừng nào chúng ta chưa tách rời khỏi việc nắm giữ cái “Tôi” và “bản ngã”, thì ngay cả khi chúng ta tách rời khỏi thân thể vật chất của mình, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi đau khổ. Đây là điều mà Đức Phật đã thấy biết. Đức Phật nói: “Ba cõi hiện hữu này có bản chất của đau khổ và gốc rễ của sự đau khổ đó là việc nắm giữ bản ngã.” Trong Ba mươi bảy Pháp hành Bồ tát đạo có nói: “Tất cả đau khổ, không có ngoại lệ, đều xuất phát từ mong muốn hạnh phúc cho chính mình.” Cho đến khi chúng ta thoát khỏi việc nắm giữ bản ngã, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi nỗi sợ hãi. Mặc dù chúng sanh không có thân thể, giống như các vị thần thế gian, không giống như các vị thần thanh tịnh và có trí huệ. Những vị thần thế gian này vẫn là chúng sanh. Ở cấp độ bất tịnh, thân thể của họ giống như cầu vồng trên bầu trời, nhưng họ phải trải qua đau khổ và sợ hãi rất lớn. Họ không thoát khỏi đau khổ và họ không thể ban cho chúng ta bất kỳ sự bảo vệ nào. Mặt khác, các vị thần có trí huệ có thể ban cho chúng ta sự bảo vệ tạm thời và tối thượng, nhưng các vị thần thế gian chỉ giống như là những tên tội phạm. Chúng ta làm bạn với những tên tội phạm. Đôi khi họ có lợi cho chúng ta và đôi khi họ làm hại chúng ta. Nếu chúng ta làm họ hài lòng, họ có thể mang lại cho chúng ta một số lợi ích nhưng nếu chúng ta làm họ không hài lòng, họ có thể gây hại cho chúng ta ngay lập tức. Họ không thể mang lại lợi ích tối hậu cho chúng ta. Vì vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên chúng ta không nên cầu khẩn các vị thần thế gian. Có hai loại thần – thần thế gian và thân trí huệ. Một số người gọi những vị thần thế gian đó là ác thần hay ma quỷ. Nói như vậy là đúng bởi vì họ có một tâm xấu xa, ganh đua. Do đó, họ không thể thực sự mang lại lợi ích cho chúng ta. Nếu bạn nghĩ về tất cả những chúng sanh trong ba cõi này: một số lớn như một ngọn núi trong khi một số khác nhỏ như một hạt cơ bản trong nước, bạn sẽ hiểu được sự rộng lớn của chúng sanh. Tuy nhiên, tất cả họ đều có chung một mong muốn, đó là họ đều muốn hạnh phúc và họ đều không muốn đau khổ. Ví dụ, ngay cả một sinh vật tí xíu với thân thể nhỏ bé tinh vi trong nước cũng có tâm và do đó, họ muốn kinh nghiệm hạnh phúc và không muốn đau khổ, giống như một con người. Vì vậy, bất kể chúng ta biểu hiện dưới hình dạng và kích thước nào, chúng ta đều có mong muốn và cảm xúc hoàn toàn giống nhau.

Tuy cùng một Nền Tảng duy nhất, nhưng có hai con đường và hai kết quả. Nền tảng duy nhất có thể được hiểu từ các phương diện: bên ngoài, bên trong và bí mật. Về phương diện bên ngoài của nền tảng duy nhất này, trước hết, tất cả hiện tướng và hiện hữu, bao gồm vô số các vũ trụ và chúng sanh hữu tình, đều có một nền tảng duy nhất, đó là nó bao gồm năm yếu tố – đất, nước, lửa, gió và không gian. Trong không gian, các yếu tố khác sanh khởi và vũ trụ biểu hiện. Bất kể thứ gì biểu hiện trong vũ trụ, tất cả đều bao gồm năm yếu tố này. Ví dụ, thân thể của một người bao gồm cả năm yếu tố (xương và thịt là yếu tố đất, máu là yếu tố nước, hơi thở là yếu tố gió, hơi ấm/thân nhiệt là yếu tố lửa và tâm là yếu tố không gian). Như vậy năm yếu tố bên ngoài và năm yếu tố bên trong của thân thể một người và những phiền não của tâm người đó đều có quan hệ với nhau. Bản tánh của tất cả chúng sanh đều giống nhau mặc dù các hình thể bên ngoài biểu hiện theo những cách khác nhau, ví dụ như một con người, một con vật hay một sinh vật sống đều sở hữu một thân thể bao gồm năm yếu tố. Phương diện bên trong của nền tảng duy nhất là bên trong tâm, tất cả chúng sanh, thậm chí động vật, đều sở hữu năm loại phiền não. Tất cả đều có chung mong muốn được kinh nghiệm hạnh phúc chứ không phải trải qua đau khổ. Các nhà khoa học ngày nay đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để cố gắng tìm hiểu hành vi của các loài động vật trên thế giới, chúng làm gì, ăn gì, có thái độ gì, vân vân … Chúng được thúc đẩy bởi mong muốn giống như con người. Thân thể và tâm thức của con người và động vật hoàn toàn giống nhau về nền tảng. Nền tảng bên ngoài giống nhau và bao gồm năm yếu tố. Nền tảng bên trong giống nhau là tất cả chúng ta đều có chung mong muốn được kinh nghiệm hạnh phúc, không bị đau khổ. Trong trường hợp này, hình tướng bên ngoài và bên trong giống nhau, nhưng tại sao chúng ta vẫn biểu hiện dưới rất nhiều hình dạng khác nhau? Đó là do sự đa dạng của nghiệp. Nền tảng duy nhất bí mật là những gì Đức Phật giải thích như là bản tánh căn bản của tâm. Tâm đó là nền tảng của tất cả sanh tử và niết bàn. Nó giống như năng lượng ánh sáng. Nền tảng duy nhất bí mật này được tất cả chúng sanh chia sẻ chung với nhau. Thân thể của chúng ta có năm yếu tố và trên nền tảng duy nhất của tâm là yếu tố không gian. Thực ra yếu tố không gian cũng là một phần của năm yếu tố khác. Tâm giống như không gian là nền tảng của sanh tử và niết bàn. Đức Phật đã thấy biết rằng trong nền tảng duy nhất đó (tâm), Phật và chúng sanh hữu tình là một, không hiện hữu riêng biệt.

Đức Phật đã thấy biết rằng mặc dù mọi thứ biểu hiện và hiện hữu trong sanh tử và niết bàn là vô hạn và rộng lớn như không gian, chúng cùng một nền tảng duy nhất, nhưng có hai con đường và hai kết quả. Đức Phật đã thành tựu ba phẩm tính – trí huệ thấu suốt, tâm đại bi yêu thương và sức mạnh để bảo vệ người khác. Qua trí huệ thấu suốt, Đức Phật đã thấy biết rằng tuy cùng một nền tảng, nhưng mức độ đau khổ của chúng sanh là vô tận. Với tình thương yêu và tâm đại bi cao thượng, Đức Phật đã cố gắng tìm ra con đường giải thoát chúng sanh khỏi đau khổ. Nhờ sức mạnh để bảo vệ chúng sanh của Đức Phật, ngài nhận thấy rằng mặc dù đau khổ của vũ trụ này là vô tận, nhưng nó xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất là việc nắm giữ bản ngã. Việc nắm giữ bản ngã này không thể bị phá hủy dễ dàng ngay cả khi bạn tấn công nó bằng bom nguyên tử. Đức Phật đã thấy biết rằng chỉ cần bạn nảy sinh mong muốn làm lợi ích cho người khác – tâm vị tha – ngay lúc đó, không có việc nắm giữ bản ngã. Do đó, trong Ba mươi bảy Pháp hành Bồ tát đạo có nói “Vị Phật toàn hảo sanh khởi từ tâm vị tha”. Như vậy, có một nền tảng duy nhất và có hai con đường và hai kết quả. Con đường thành tựu những lợi ích của người khác dẫn đến kết quả hạnh phúc và con đường coi trọng bản thân dẫn đến kết quả đau khổ. Hai con đường ở đây không đề cập đến những con đường làm bằng vật chất mà chúng ta bước đi trên đó, mà nó đề cập đến những cách suy nghĩ khác nhau trong tâm của chúng ta, tùy thuộc vào việc hiểu biết và không hiểu biết sự vận hành của nghiệp (nghiệp và kết quả của nghiệp).

Có hai loại kết quả. Điều này có thể được nhận thấy bằng cách xem xét, ví dụ như, sự khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ mà con người và động vật trải qua hoặc sự khác biệt giữa kinh nghiệm hạnh phúc của các vị Bồ tát ở các địa và những đau khổ của những con người nắm giữ bản ngã. Trong đó, giữa các chúng sanh, có những cấp độ đau khổ khác nhau. Điều quan trọng nhất cần hiểu ở đây là không phải những biểu hiện bên ngoài hay những điều kiện bên ngoài của hạnh phúc là chính yếu, mà quan trọng nhất là kinh nghiệm của tâm. Để minh họa cho quan điểm này, tôi lấy kinh nghiệm cá nhân của bản thân tại thời điểm bị giam cầm. Nhiều người đã bị bỏ tù vào thời điểm đó, như vậy, hoàn cảnh bên ngoài là như nhau cho tất cả mọi người. Chúng tôi ở trong cùng một nhà tù và chúng tôi mặc quần áo giống nhau và ăn cùng một loại thức ăn, vân vân… Vẫn có rất nhiều kinh nghiệm khác nhau. Nói chung, có hai khu vực trong nhà tù: một khu giam giữ tất cả các Lạt ma và tăng sĩ và khu vực khác giam giữ những người còn lại. Các Lạt ma và tăng sĩ bị giam giữ riêng biệt vì họ được coi là đã sai phạm nhiều hơn và do đó, sẽ phải chịu mức án nặng hơn những người khác. Nhưng ngoài điều đó ra, mọi thứ đều giống nhau. Mỗi Chủ nhật, các Lạt ma và tăng sĩ sẽ gặp nhau và có một khoảng thời gian vui vẻ. Chúng tôi cùng nhau cười to thích thú. Đôi khi viên cai ngục đến và nói: “Các anh có biết đây là một nhà tù không? Tại sao các anh lại thích thú như vậy? Các anh không biết rằng các anh đã lãnh án để ngồi ở đây? Đây không phải là nơi để các anh tự vui thích trong nhà tù.” Điều này rất quan trọng cần phải đề cập đến bởi vì cùng thời điểm đó, có những tù nhân khác đã liên tục tự sát. Tôi thực sự kinh ngạc bởi sự khác biệt giữa hiểu biết và không hiểu biết sự vận hành của nghiệp (nghiệp và quả của nó) và cách tâm nhìn nhận sự việc. Đây là điều quyết định hạnh phúc và đau khổ của chúng ta. Chúng ta có thể thấy sự tương phản lớn trong kinh nghiệm giữa con người và động vật, nhưng ngay cả giữa con người với nhau, bạn cũng có thể thấy nhiều loại hạnh phúc và đau khổ. Điều này là do rất nhiều nghiệp khác nhau mà con người đã tạo ra trước đây. Do đó mà có các loại kết quả khác nhau. Ví dụ này cho thấy rằng không phải hoàn cảnh bên ngoài tạo nên sự khác biệt, mà thực sự là nội tâm, cách tâm nhìn nhận mọi thứ.

Được phô diễn một cách như huyễn như là tánh giác hoặc vô minh, tánh giác hay vô minh có nghĩa là biết hoặc không biết về Nền tảng duy nhất này, các con đường và sự vận hành của nghiệp (nghiệp và kết quả của nó). Một con đường là chuyển hóa đau khổ thành hạnh phúc; cái còn lại là chuyển hoá hạnh phúc thành khổ đau. Trong sanh tử, đầu tiên chúng ta có thể tìm thấy một số hạnh phúc, ví dụ như chúng ta trở nên giàu có, chúng ta kết hôn và chúng ta rất hạnh phúc. Rồi ngày càng tệ hơn, chúng ta luôn luôn tranh đấu và cả hai đều khốn khổ nên hạnh phúc biến thành đau khổ. Như vậy là chúng ta đã chuyển hạnh phúc thành khổ đau. Nó là một cách nghĩ khác. Tâm trạng của chúng ta là chìa khóa để xác định xem liệu chúng ta có chuyển hóa hạnh phúc thành đau khổ hay đau khổ thành hạnh phúc hay không. Vậy chúng ta phải suy nghĩ như thế nào để có thể chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc? Trong bất kỳ truyền thống Phật giáo nào, trong phần mở đầu của lời cầu nguyện: “Nguyện tất cả chúng sanh là mẹ hiền, nhiều vô tận như bầu trời, có được hạnh phúc và những nguyên nhân của hạnh phúc…” Vậy hạnh phúc của bạn là gì? Tại sao bạn lại cảm thấy hạnh phúc? Hạnh phúc là thứ mà tự thân bạn đã tạo ra những nguyên nhân cho nó trong các đời trước của mình. Trong các đời trước, bạn đã làm điều gì đó thông qua thân thể và lời nói của mình với động lực là tình yêu thương trong tâm bạn. Đó là lý do tại sao bây giờ bạn cảm thấy hạnh phúc như vậy. Nếu hiểu được như vậy, bạn sẽ nghĩ: nếu sau này mình muốn có một chút hạnh phúc nho nhỏ thì mình phải vun đắp thêm tình yêu thương trong tâm. Lời cầu nguyện tiếp tục, “Nguyện họ thoát khỏi đau khổ và những nguyên nhân gây đau khổ…” Vậy nỗi khổ hay khó khăn của bạn là gì? Ai đã gây ra điều đó? Chính bạn đã tạo ra nó. Bằng cách nào? Trong quá khứ, bạn đã làm điều đó với tâm giận dữ và ghen tị. Làm sao điều này lại xảy ra? Nó đến từ việc nắm giữ bản ngã. Trong Ba mươi bảy Pháp hành Bồ tát đạo có nói: “Tất cả đau khổ đều đến từ mong muốn hạnh phúc cho riêng mình và Phật toàn hảo sanh khởi từ tâm vị tha.” Nguyên nhân của hạnh phúc trong ba cõi chỉ có vậy, chỉ duy nhất là tâm vị tha, yêu thương. Đây là điều mà Đức Phật đã chỉ cho chúng ta. Đức Phật nói: “Đây là nguyên nhân của hạnh phúc và bạn nên thực hành nó. Đây là những nguyên nhân gây ra đau khổ và bạn nên từ bỏ chúng”. Nếu bạn hiểu tất cả những điều đó, bạn sẽ mở to mắt và để ý đến nghiệp, bạn sẽ tỉnh giác và biết những gì nên làm và những gì không nên làm. Ví dụ khi tôi ở trong tù, lúc đó tôi cũng hiểu được rằng đó là nghiệp của chính tôi mà tôi đã gây ra trong quá khứ. Không phải tất cả mọi người đều phải ngồi tù, ví dụ như Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể thoát khỏi thành công sang Ấn Độ. Một số người khác như tôi đã không thể làm được điều đó. Tôi hiểu được rằng chính tôi đã tạo ra nguyên nhân đó. Hiện tại nguyên nhân đó ở đâu? Nguyên nhân đó ở trong tâm của chính tôi. Kẻ thù thực sự của chính tôi là tâm giận dữ của riêng tôi, tâm ghen tị của riêng tôi. Nếu tôi nổi giận với bất kỳ ai, điều đó không phải tại hoàn cảnh đó mà là do chính phiền não trong tâm của riêng tôi. Cũng qua kinh nghiệm này, tôi hiểu được rằng tôi đã trả xong món nợ nghiệp của mình. Bằng cách trải qua đau khổ, tôi đã tịnh hoá một số nghiệp xấu. Vì vậy, tôi thấy nó rất có lợi. Nó rất hữu ích, giống như làm một cuộc phẫu thuật, nó đau đớn nhưng nó tốt cho bạn. Đó là một đau khổ hữu ích. Bạn nhìn nhận nó theo một cách tích cực, mặc dù, nó tạm thời gây đau đớn. Đây chỉ là một cách nhìn và suy nghĩ khác về nó. Lý do tại sao tôi không trải qua đau khố là vi tôi hiểu nghiệp. Nếu bạn hiểu được nghiệp, bạn cũng có thể loại bỏ những nguyên nhân của đau khổ và tạo ra những nguyên nhân của hạnh phúc.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VÀI SUY NGHĨ VỀ MỘT NỀN VĂN HÓA PHẬT TÍNH
  2. LỜI NGUYỆN CỦA ĐỨC PHẬT PHỔ HIỀN
  3. NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO

Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI