HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
Trích: Những Lời Khai Thị Từ Bậc Tôn Quý; Trung tâm Drikung Dharma Surya biên tập năm 2013 và giữ mọi bản quyền.
Đức Phật đã dạy tám mươi bốn ngàn Pháp môn khác nhau nhưng nếu chúng ta đi tìm bản chất của những giáo lý này thì chúng ta sẽ thấy rằng nền tảng của tất cả các giáo huấn đó là tìm cầu Giác ngộ hay Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là nguyên nhân dẫn đến mọi hạnh phúc của chúng ta. Đó là tình yêu thương và lòng bi mẫn.
Sinh trưởng tại miền Đông Tây Tạng vào sáng sớm ngày 25 của tháng thứ Nhì, năm Hỏa Ngưu (1937), Đạo sư Garchen Rinpoche thứ 8 đương thời là hóa thân của một hành giả thâm chứng đã từng sống trong thế kỷ thứ 12 có tên là Gar Chodingpa là một trong các đệ tử tâm truyền của Đức Kyobpa Jigten Sumgon Rinpoche, sơ tổ của dòng Drikung Kagyu, vốn được chân truyền từ đại dịch giả – học giả Marpa Lotsawa và đại thi hào – hành giả Milarepa. Đại sư Garchen Rinpoche, nổi tiếng với sự chứng ngộ cao thâm, với lòng từ ái và bi mẫn quảng đại, rất được kính trọng không những bởi các đại sư và đệ tử của dòng Drikung mà còn cả của các dòng phái khác.
Bài viết dưới đây được trích từ quyển sách “Những lời khai thị từ bậc tôn quý“, tổng hợp 108 bài pháp đặc biệt đầy trí huệ về các giáo huấn cốt tủy của Đức Phật liên quan đến Ba mươi bảy pháp hành Bồ tát đạo, luật nhân quả không sai chệch và các thực hành tối hậu về Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm viên mãn.
—– ??? —–
KHAI THỊ SỐ 9
ÂN NHÂN YÊU THƯƠNG VÀ ÂN NHÂN NHẪN NHỤC
Đối với tôi, trong cuộc đời này có hai loại chúng sinh hữu tình: những ân nhân ‘thương yêu’ và những ân nhân ‘nhẫn nhục’ của tôi. Đa số là ân nhân thương yêu; họ rất tốt và giúp đỡ tôi. Một số người khác lại tìm cách hãm hại và gây trở ngại; đó là những ân nhân ‘nhẫn nhục’ của tôi. Lòng tốt của từng loại ân nhân ngang bằng nhau và do đó, tình yêu thương mà tôi dành cho họ cũng bình đẳng như nhau. Những ân nhân ‘nhẫn nhục’ lại còn có thể đối xử với tôi tốt hơn thế nữa vì họ tạo điều kiện cho tôi thực hành hạnh nhẫn nhục. Như thế, tôi rất biết ơn những người không ưa thích tôi và làm cho tôi phải điều phục cơn giận của mình. Đồng thời, tôi cũng rất thương cảm cho nỗi ưu phiền của họ, nhưng vì họ cho phép tôi thực hành hạnh nhẫn nhục và làm cho tâm sân hận, đố kỵ của tôi giảm bớt, vì thế họ là những người thầy của tôi.
Bởi thế, cuối cùng khi tôi đạt giác ngộ, tâm sân hận và đố kỵ của tôi không còn; đó là nhờ lòng tốt của họ. Do đó, tôi yêu thương họ vô cùng.
KHAI THỊ SỐ 10
TÌNH YÊU THANH TỊNH VÀ TÌNH YÊU BẤT TỊNH
Có tình yêu thanh tịnh và tình yêu bất tịnh. Sự khác biệt là ở chỗ chiếm hữu hay buông xả. Tình yêu thanh tịnh là gốc rễ của hạnh phúc lâu dài. Tình yêu bất tịnh chỉ tạo ra khổ đau mà thôi. Tình yêu bất tịnh bị nhiễm ô bởi cái tôi và sự chiếm hữu dẫn đến sự ganh ghét, sân hận và cuối cùng là chia ly. Tình yêu thanh tịnh không có sự chiếm hữu dẫn đến sự hài hòa, an bình và thậm chí có thể chuyển hóa một người bạn tiêu cực. Kế đến, mối quan hệ sẽ trở thành công hạnh của Bồ tát.
Người thấu hiểu tự tánh kết bạn ngay cả với kẻ xấu vì người này hiểu rằng những cảm xúc tiêu cực chỉ là tạm thời; chúng đến rồi chúng lại đi. Tâm thức của kẻ quấy rối kia và tâm thức của chúng ta chủ yếu là một. Cái lưu lại qua nhiều đời kiếp như hạt giống hạnh phúc là tình yêu thanh tịnh. Do đó, khi chúng ta thực sự thấu hiểu tự tánh của mình thì các mật nguyện sẽ không thể nào bị phá vỡ. Thậm chí khi người ta cãi nhau, cái sự cố tạm thời này chẳng thể nào lay động được tình yêu chan hòa. Nếu chúng ta không thấu hiểu bản tâm, chúng ta sẽ bám chấp và cố gắng chiếm hữu. Rồi chúng ta sẽ đối xử tốt với những người đối xử tốt với chúng ta và đối xử không tốt với những người đối xử không tốt với chúng ta. Tình yêu như thế ấy là vô thường và không thể trụ lâu được. [Ngược lại] tình yêu thanh tịnh luôn luôn bền vững. Và tình yêu mà thầy dành cho các con cũng luôn luôn bền vững.
KHAI THỊ SỐ 25
BỒ ĐỀ TÂM
Bồ đề tâm không phải là một pháp hành thích hợp ở đây hay ở kia. Bồ đề tâm là tất cả. Bồ đề tâm là pháp sơ khởi, Bồ đề tâm cũng là pháp hành chính yếu; Bồ đề tâm cũng là kết quả cuối cùng. Do đó, con phải liên tục ngày đêm trưởng dưỡng Bồ đề tâm. Khi thức giấc trong đêm, con đừng nghĩ về bản thân mình mà hãy nghĩ về các chúng sinh và khổ đau của họ. Người nào chưa chứng ngộ được bản tâm, chưa chứng ngộ được chân thực tại thì họ sẽ còn phải đau khổ. Cho dù có giàu, nghèo, xinh đẹp, quyền thế, khôn ngoan hay không, nếu chưa chứng ngộ được thực tướng của các pháp thì chắc chắn sẽ còn phải đau khổ. Con đừng quên khổ đau của chúng sinh, hãy khởi quyết tâm dũng cảm không bỏ rơi họ và tham gia các hoạt động giúp họ thoát khổ. Qua Bồ đề tâm, con sẽ chứng ngộ được rằng chẳng có bản ngã, sự chấp ngã sẽ bị đoạn diệt, vì khi con nghĩ về người khác, con sẽ không nghĩ về bản thân mình. Cuối cùng, ‘ta’ và ‘người’ chỉ là những ý niệm. Khi chúng ta hiểu được rằng chúng ta không tách lìa khỏi người khác thì chúng ta bắt đầu thấu triệt một cách sâu thẳm về sự trân quý của lòng bi mẫn và Bồ đề tâm.
KHAI THỊ SỐ 77
BẢN CHẤT CỦA KẺ THÙ VÀ KẺ GÂY CHƯỚNG NGẠI
(Lời dạy của Garchen Rinpoche về cầu nguyện ‘Nhất là những kẻ thù đang thù ghét con’)
Mỗi khi tụng câu này, chúng ta phải quán chiếu bản chất của những người được gọi là kẻ thù hay kẻ gây chướng ngại, những chúng sinh hại người. Chúng ta phải hỏi rằng những người này từ đâu đến? Nếu chúng ta không tạo ác nghiệp trong các đời kiếp trước đây thì chẳng bao giờ chúng ta lại phải chịu quả báo hiện tại là bị người khác hãm hại.
Nếu chúng ta nhận biết được điều này, nếu chúng ta hiểu được rằng chúng ta đang mang một món nợ về nghiệp đối với những người này thì thay vì ghét bỏ họ, chúng ta có thể nhận ra rằng họ lại còn tử tế hơn cả chính cha mẹ chúng ta [bởi vì họ đang tạo cơ hội cho chúng ta tịnh hóa ác nghiệp và thực hành nhẫn nhục]. Chúng ta có thể trưởng dưỡng sự sẵn lòng hiến dâng cho họ thân xác của chính mình, dâng hiến sự sống của chính mình cho những người đang tạo cơ hội cho chúng ta tịnh hóa nghiệp chướng và vô minh ấy. Do đó, khi chúng ta tụng câu nguyện này, chúng ta phải rất nỗ lực để nhận biết những người mà chúng ta thường xem là kẻ thù là bậc cha mẹ từ ái của mình. Những người đang hại mình không những thực sự tử tế trong hiện tại mà sẽ còn tử tế trong tương lai và đặc biệt vào lúc mà chúng ta lìa đời. Nếu chúng ta có thói quen xem chúng sinh là kẻ thù, nếu chúng ta có thói quen nghĩ rằng những người đang hại mình là kẻ thù thì trong tương lai và nhất là khi lìa đời, tất cả các hiện tượng khởi sinh trong tâm mình sẽ bị xem như kẻ thù.
Chính Đức Phật đã dạy chúng ta rằng kẻ thù đích thực chính là sân hận mà cách đối trị là sự thực hành nhẫn nhục. Vì thế, khi chúng ta tụng như vậy, chúng ta khởi phát tâm nhẫn nhục và cuối cùng sẽ khởi được lòng từ ái và Bồ đề tâm cho họ. Đây là nền tảng để thực hành nhẫn nhục và chứng ngộ Đại Thủ Ấn.
KHAI THỊ SỐ 79
BỒ ĐỀ TÂM – NỀN TẢNG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT
Đức Phật đã dạy tám mươi bốn ngàn Pháp môn khác nhau nhưng nếu chúng ta đi tìm bản chất của những giáo lý này thì chúng ta sẽ thấy rằng nền tảng của tất cả các giáo huấn đó là tìm cầu Giác ngộ hay Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là nguyên nhân dẫn đến mọi hạnh phúc của chúng ta. Đó là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Cho dù bất kỳ ai có thuyết pháp, thì vào lúc khởi đầu, nếu người ấy có được động cơ đúng đắn, có được tâm cầu giác ngộ bao la thì đây là điều quan trọng nhất. Sau đó, chúng ta thực hành phương tiện thiện xảo quảng đại và rồi đi đến ý nghĩa tối hậu của Kim Cang Thừa. Trước tiên, chúng ta phải phát khởi Bồ đề tâm; chúng ta phải thực hành Bồ đề tâm chân chính. Cuối cùng, chúng ta phải hồi hướng mọi công đức [mà chúng ta tạo được qua việc trưởng dưỡng] Bồ đề vì lợi lạc của toàn bộ chúng sinh. Đây chính là điểm mấu chốt mà thầy muốn nêu ra: Chúng ta cần trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn.
Do đó, mỗi khi chúng ta giảng Pháp, lắng nghe giáo pháp hay thiền định và thực hành Pháp – trước hết nói về việc giảng Pháp thì đầu tiên vị thầy giảng Pháp phải có được ý định mang lại lợi lạc cho tất cả các chúng sinh – mẹ hiền, vốn vô lượng như hư không. Vị thầy phải có ước nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc và thoát khổ và phải giảng Pháp với duy nhất ý định này mà thôi. Nếu thiếu ý định này, nếu vị thầy chỉ giảng Pháp vì động cơ tự tôn thì giáo pháp mà vị thầy thuyết giảng sẽ chẳng có lợi ích gì.
Còn người nghe Pháp phải xem xét lại động cơ của chính mình. Phải nhắm đến lợi ích của toàn bộ chúng sinh, mong muốn cho họ thoát khổ và có được hạnh phúc. Nếu chúng ta chỉ mong cầu cho hạnh phúc của chính mình, nếu chúng ta nghe pháp với một thái độ chấp ngã, nếu chúng ta không thể xa lìa sự chấp ngã thì chúng ta sẽ chẳng có được hạnh phúc mà mình đang mong cầu.
Do đó, chúng ta phải có động cơ mang lại lợi lạc cho toàn bộ chúng sinh. Chúng ta phải coi trọng kẻ thù và những kẻ gây chướng ngại cho mình, trưởng dưỡng lòng bi mẫn và Bồ đề tâm đối với họ ngay lúc đầu. Rồi khi chúng ta thiền định và quán tưởng Bổn tôn hay khi tụng chú, chúng ta thực hành mà không xa lìa Bồ đề tâm. Nếu chúng ta không xa lìa Bồ đề tâm khi tu tập pháp Bổn tôn thì chúng ta sẽ thành tựu được Bổn tôn thực thụ.