BƯỚC NHẢY DÀI TỚI TỰ DO (PHẦN 1)

MATTHIEU RICARD

Trích “Bàn Về Hạnh Phúc”; Tác giả: Matthieu Ricard; Dịch giả: Lê Việt Liên; NXB: Lao Động & Thái Hà Book, Năm 2017

 

Người mang trên mình một gánh nặng vô bổ cảm thấy nhẹ nhõm biết nhường nào khi trút bỏ được nó sau một chặng đường dài đi trong thế giới khổ đau.
– Longchen Rabjam

Tự do có nghĩa là làm chủ được chính mình. Đối với rất nhiều người, một sự tự do như vậy có nghĩa là tự do hành động và suy nghĩ, là dịp để thực hiện những mục tiêu mà họ đã đề ra. Làm như vậy, người ta chủ yếu coi tự do nằm ở bên ngoài mình mà không ý thức được sự câu thúc của tư tưởng. Trên thực tế, có một quan niệm phổ biến ở phương Tây cho rằng tự do có nghĩa là có thể làm tất cả những gì mình nghĩ và biến thành hành động những thói đỏng đảnh nhỏ nhất của mình. Thật là một quan niệm lạ lùng, bởi vì làm như vậy, chúng ta đã trở thành đồ chơi của những suy nghĩ, chúng làm điên đảo tâm trí chúng ta, giống như những cơn gió thổi rạp các ngọn cỏ trên đỉnh đồi về mọi hướng.

Một thiếu nữ Anh đã trả lời phỏng vấn của đài BBC như sau: “Với tôi, hạnh phúc là muốn làm gì thì làm mà không bị ai cấm đoán về bất cứ điều gì”. Tự do bừa bãi, với mục đích duy nhất là thực hiện ngay lập tức những dục vọng có thể mang lại hạnh phúc hay không? Điều đó thật đáng nghi ngờ. Tính bộc phát là một phẩm chất quý báu với điều kiện không được lẫn lộn nó với hoảng loạn tâm thần. Nếu chúng ta để xông bầy quỷ dục vọng, ghen tỵ, kiêu mạn hoặc giận hờn trong tâm, chúng sẽ nhanh chóng ngự trị và áp đặt cho ta một vũ trụ ngục tù không ngừng mở rộng. Các nhà giam dần tăng lên và kề liền bên nhau, lấp kín mọi niềm vui sống. Trái lại, chỉ cần một không gian tự do nội tâm cũng đủ để ôm lấy toàn bộ tầm cỡ của tâm thức. Một không gian bao la, sáng suốt và thanh thản làm biến đi mọi dằn vặt, trăn trở và nuôi dưỡng mọi trạng thái thanh bình.

Tự do nội tâm, trước hết, là vượt lên trên sự độc tài của “cái tôi” và cái “của tôi”, vượt lên trên con người bị phụ thuộc và sự chế ngự của sở hữu, vượt lên trên “cái ngã” luôn luôn xung đột với những gì nó không thích và cố gắng một cách vô vọng để chiếm hữu cái gì nó thèm muốn. Biết tìm ra điều cốt lõi và không còn lo lắng về những điều vặt vãnh sẽ kéo theo một cảm giác hài lòng sâu sắc mà những trò ngông cuồng của “cái tôi” không thể làm ảnh hưởng tới được. Tục ngữ Tây Tạng có câu: “Ai có được cảm giác hài lòng ấy chính là người đang nâng một kho báu trong lòng bàn tay”.

Vậy tự do có nghĩa là thoát khỏi sự ràng buộc của những khổ đau đè nặng lên tâm thức và làm tâm tối đi; là làm chủ cuộc đời mình, thay vì phó mặc nó chạy theo những khuynh hướng đã huân tập thành thói quen và theo tình trạng lẫn lộn của tâm. Đó không phải là buông tay, mặc cho những cánh buồm bay theo gió khiến tàu đi chệch hướng, mà là lèo lái con tàu đi về hướng mình đã chọn.

Những khúc mắc của tính do dự

Người ta không thể khâu bằng một cái kim có hai đầu
– Tục ngữ Tây Tạng

Ở Tây Tạng, người ta kể câu chuyện về một con chó sống ở hai tự viện cách nhau một con sông. Một hôm, nghe thấy tiếng chuông báo giờ ăn trưa của tự viện thứ nhất, nó bèn bơi sang sông. Đến giữa dòng, nó lại nghe thấy tiếng chuông của tự viện thứ hai và quay lại. Rốt cuộc, nó lỡ cả hai bữa ăn.

Như vậy, tính lưỡng lự có thể làm hỏng mọi việc. Bị dằn vặt bởi những kịch bản xảy ra, không có khả năng quyết đoán, cho nên rốt cuộc vừa định tâm hành động, ta lại rơi vào trạng thái nghi ngờ có thể làm khác đi thì tốt hơn cách mà mình vừa chọn chăng? Chờ đợi và lo ngại giằng xé chúng ta. Thường chúng biểu hiện khi ta cảm thấy bất an sâu sắc trước một tương lai đầy hi vọng đồng thời cũng chồng chất những lo sợ. Do đó, tính lưỡng lự, và trì trệ đi theo nó, trở thành một chướng ngại lớn cho công cuộc tìm kiếm hạnh phúc. Tính lần lữa không thể có từ một suy nghĩ khôn ngoan, hay từ một thái độ nghi ngờ đúng đắn; nó sinh ra từ một thái độ do dự, làm tê liệt mọi hành động, từ những toan tính nghiền ngẫm lo âu, liên hệ mật thiết tới cảm giác mình là người quan trọng. Càng cố bận tâm về mình, người ta càng liên tục bị giằng co giữa hi vọng và lo sợ. Nhưng cảm xúc này sẽ độc quyền tâm thức và làm cho óc suy đoán trở nên tối tăm, liên tục bị giằng co giữa vài phương án”. Thế là con người bị trạng thái dao động này tước đi giấc ngủ, loay hoay với những giải pháp vô vọng chẳng quyết định được điều gì và cứ mỗi lần chúng dấy lên lại khiến họ giãy giụa như cá nằm trên thớt”.

Những ai không bị “cái ngã” ám ảnh thì dễ dàng xem xét một cách khách quan đầu đuôi sự việc, ra những quyết định và quyết tâm thi hành chúng. Khi thấy chọn lựa khó khăn, nên giữ một khoảng cách nhất định đối với các sự kiện sắp xảy ra; điều đó sẽ giúp ta giải quyết được việc mà không bị xơ cứng vì do dự hoặc sợ hãi. Người ta nói rằng người sáng suốt ít hành động, song khi đã quyết định ra tay thì lời nói của họ tựa như dao chém đá vậy.

Trong cuộc sống hàng ngày, sự tự do này giúp ta cởi mở và kiên nhẫn với mọi người, trong khi vẫn kiên định đi theo hướng mình đã chọn. Thật vậy, có ý thức định hướng cho cuộc đời là điều cơ bản. Ở Himalaya, trong các đợt đi dã ngoại, mọi người phải đi bộ nhiều ngày đường, thậm chí suốt cả tuần lễ. Người ta khổ sở vì lạnh, vì độ cao, vì những trận bão tuyết, nhưng vì mỗi bước chân đưa dẫn tới đích nên bao giờ người ta cũng có niềm vui để nỗ lực đi tới. Chỉ cần bị lạc lối, bị mất phương hướng trong một thung lũng xa lạ hoặc một khu rừng là lập tức ta mất hết can đảm: mệt mỏi và cô độc bỗng dưng đè nặng lên mình, lo âu tăng dần và mỗi bước đi là một thử thách. Ta không buồn bước nữa mà chỉ muốn ngồi phịch xuống, thất vọng. Cũng như vậy, lo lắng mà một số người cảm nhận phải chăng là do thiếu định hướng cho cuộc đời? Phải chăng là do không ý thức được tiềm năng chuyển hóa trong họ?

Ý thức được rằng mình không hoàn thiện mà cũng chẳng hoàn toàn hạnh phúc đâu phải là một sự yếu đuối? Đó là một nhận xét rất lành mạnh, khác hẳn với thái độ thiếu tự tin, thương xót cho số phận của mình hoặc nhìn đời bằng con mắt bi quan. Ý thức được như thế sẽ khiến ta đánh giá lại những ưu tiên trong cuộc sống, giúp ta có một nghị lực mạnh mẽ mà đạo Phật gọi là sự buông xả. Thuật ngữ này thường bị hiểu nhầm, thực ra nó diễn tả một khát khao tự do sâu thẳm.

Nghịch lý của buông xả

Trong suy nghĩ của nhiều người, ý tưởng buông xả và người bạn đồng hành của nó là không bám chấp gợi ngay tới cuộc sống khổ hạnh và giới luật chặt chẽ. Không còn được hưởng những thú vui nho nhỏ hàng ngày. Không được làm điều này, điều nọ. Một loạt những mệnh lệnh, những cấm đoán khiến cho việc tự do hưởng thụ bị co hẹp lại. Tục ngữ Tây Tạng có câu: “Nói Với ai đó về việc xả bỏ cũng tựa như dội gáo nước lạnh lên đầu họ. Họ không hề thích điều đó chút nào !”. Tuy nhiên, buông xả thực sự giống như con chim cất cánh bay lên không trung khi thoát khỏi những gióng chuồng giam giữ nó. Những mối bận tâm không dứt đè nặng lên tâm trí bỗng dưng biến mất, để cho tiềm năng tự do nội tâm được thỏa sức thể hiện. Chúng ta thường giống như những người đi bộ kiệt sức do mang vác nặng nề trên lưng hàng đống lương thực và đá. Đặt chúng xuống một lúc để phân loại và vứt bỏ bớt đi chẳng hợp lý hơn ư?

Như vậy, buông xả không phải là tự tước đi những gì đem lại cho ta niềm vui và hạnh phúc – như thế thì vô lý – mà là chấm dứt những gì gây cho chúng ta khổ đau vô tận và liên tục. Buông xả là lòng can đảm vượt qua tình trạng phụ thuộc vào chính những nguyên nhân dẫn đến bất an, là quyết tâm “thoát hiểm”, điều mong muốn ấy chỉ có thể phát sinh từ sự quán chiếu về những điều xảy ra ở bên trong chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Bởi khi không muốn dành thời gian và công sức để phân tích những nguyên nhân gây khổ đau, người ta dễ dàng thiếu trung thực với bản thân và tự lừa dối mình.

Tóm lại, buông xả không phải là nói “không” với tất cả những gì dễ chịu, là nhịn một cốc kem dâu hay khước từ một vòi nước nóng để tắm khi đi dã ngoại trên núi trở về, mà là tự hỏi trước một số yếu tố của cuộc đời rằng “Liệu chúng có khiến mình hạnh phúc hơn không?” Khác hẳn sự phấn khích giả tạo, một niềm hạnh phúc thực sự phải tồn tại lâu bền, trải qua các thăng trầm của cuộc đời. Thay vì tự cấm đoán mình mong ước, chúng ta ôm vào minh tất cả những gì đáng được khát khao nhất. Khước từ là có can đảm và thông minh để xem xét những gì mà bình thường ta coi là lạc thú và kiểm tra xem chúng có thực sự mang lại hạnh phúc hơn cho ta hay không. Khước từ không phải là người tự hành hạ mình, coi những cái tốt đều là xấu: chẳng ai có thể chấp nhận được một sự ngu xuẩn như vậy! Đó là người đã biết dành thời gian để tự xem xét nội tâm của chính mình và nhận ra rằng có một số chuyện không đáng để mình theo đuổi.

Cuộc sống của chúng ta có muôn vàn hoạt động không ngừng nghỉ. Trước hết, đương nhiên đó là việc làm. Nhưng có cần phải luôn luôn giàu có hơn nữa khi đã có một cuộc sống khá giả hay không? Ngay khi chúng ta có những trò giải trí, có thời gian rỗi rãi, chúng ta sẽ làm gì? Thay đổi đèn chùm, sơn lại cửa sổ từ màu tím sang màu nâu, trồng lại cây cối trong vườn theo trăm ngàn kiểu khác nhau có phải là những việc cấp thiết nhất không? Có thực sự cần thiết phải đi sắm đồ cho tới lúc kiệt sức, phải thay ô tô ba năm một lần không? Càng nhiều đồ đạc, càng nhiều quần áo, một cái nhà được trang trí theo phong cách riêng, một đầu bếp tinh tế chắc chắn sẽ khiến chúng ta hài lòng, song cái giá phải trả là bao nhiêu? Là thời gian, công sức và sự chuyên tâm của chúng ta. Nếu cân nhắc nên hay không, có biết bao nhiêu thứ chúng ta có thể bỏ đi để có một cuộc sống tươi đẹp hơn, ít bị phân tán vì những điều không cần thiết. Như nhà thông thái Trang Tử của đạo Lão đã nói: “Ai đã thấu hiểu ý nghĩa của cuộc đời sẽ không phí công sức cho những gì không góp phần làm cuộc sống tươi đẹp”.

Khi đã chán ghét sâu sắc cái thế giới bị khổ đau và si mê ngự trị (đạo Phật gọi thế giới ấy là cõi luân hồi), người ta sẽ tránh được những điều không thiết yếu. Nó được biểu hiện qua thái độ tỉnh ngộ trước những mối bận tâm vô bổ nhất trong cuộc đời. Không bám chấp là sức mạnh bình yên, quyết không để mình bị các suy nghĩ lôi kéo đi, cũng như giữ cho minh không bị mọi kiểu hoạt động và tham vọng tầm thường sáo rỗng chiếm đoạt, những thứ này nuốt chửng hết thời gian và rốt cuộc, chỉ mang lại những điều toại nguyện nhỏ nhoi và phù du mà thôi.

Không chấp thủ hoàn toàn không phải là thái độ bàng quan, thờ ơ. Nó có nghĩa là niềm hoan hỉ, nỗ lực hăng hái và tự do. Nó giúp ta mở lòng ra đối với mọi người, sẵn sàng cho và nhận, thoát khỏi sự chờ đợi và lo âu. Nó mang lại trạng thái nhẹ nhõm khinh an vì rốt cuộc, ta đã thoát khỏi tình trạng bất mãn triền miên vì một vòng luẩn quẩn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỰ DO THỰC SỰ
  2. TỰ DO CHO CHÍNH NGHĨA

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC
  2. VIẾT LÊN TƯỜNG BẰNG MỘT CÂY BÚT DẠ
  3. TỰ TẠO RA NIỀM HẠNH PHÚC CỦA RIÊNG MÌNH