ALFIE KOHN
Trích: Cha Mẹ Vô Điều Kiện; Người dịch: Thu Hiền, Huệ Chi; Nxb Phụ Nữ
Hai cách nuôi dạy trẻ: Những quan niệm cơ bản Con gái tôi, Abigail, đã trải qua mấy tháng khủng hoảng sau sinh nhật lần thứ tư của mình, có lẽ liên quan tới sự ra đời của cậu em trai. Bé trở nên ương bướng, hay mè nheo, la hét và giậm chân. Bé đang ngoan ngoãn, hiền lành bỗng nhiên trở nên bướng bỉnh, quấy khóc. Tôi còn nhớ một buổi tối, bé hứa sẽ đi tắm ngay sau bữa tối. Nhưng bé đã không làm thế và khi tôi nhắc lại về lời hứa, bé gào toáng lên đến nỗi đánh thức cả em trai bé. Khi tôi yêu cầu bé hạ giọng, bé lại càng gào to hơn. Vậy câu hỏi ở đây là: Liệu sau khi bé đã bình tĩnh trở lại, tôi và vợ tôi có nên tiếp tục lịch trình sinh hoạt buổi tối bình thường của bé bằng cách vỗ về và đọc truyện cùng bé? Nếu theo cách tiếp cận của cha mẹ có điều kiện câu trả lời sẽ là “không”: Nếu chúng tôi chọn cách sinh hoạt bình thường, nghĩa là chúng tôi đã tán thành hành vi không thể chấp nhận được đó của bé. Chúng tôi nên tạm dừng việc yêu thương vỗ về và đọc truyện cùng bé, đồng thời cần phải nhẹ nhàng nhưng dứt khoát báo cho bé biết đó là “hậu quả” bởi vì bé đã cư xử không đúng.
Hành động này dường như quen thuộc với hầu hết các bậc cha mẹ và thống nhất với những tư vấn trong các cuốn sách về làm cha mẹ. Hơn nữa, tôi phải thừa nhận rằng cách xử phạt đó cũng thỏa mãn tôi ở một mức độ nào đó vì sự bướng bỉnh của Abigail đã khiến tôi cảm thấy hết sức khó chịu. Việc xử phạt này cũng cho tôi một ý nghĩ rằng tôi – với tư cách là cha mẹ – có quyền đặt mình đúng vào vị thế của cha mẹ, để cho bé hiểu rằng bé không được phép cư xử như vậy. Tôi phải giành lại quyền kiểm soát.
Ngược lại, cách tiếp cận của yêu thương vô điều kiện cho rằng sau khi cơn nóng giận đã được kiểm soát, cha mẹ nên vỗ về yêu thương bé và đọc sách cùng bé như bình thường. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải bỏ qua tất cả những gì vừa xảy ra. Cha mẹ vô điều kiện không có nghĩa là để trẻ làm bất cứ điều gì trẻ muốn. Mà điều rất quan trọng là (sau khi cơn bão đã qua đi) phải giải thích cho trẻ và cùng nhau xem xét lại cách cư xử của trẻ. Chúng tôi luôn làm như thế sau khi đọc cho con bé nghe một câu chuyện. Bất cứ bài học gì chúng tôi muốn truyền đạt cho bé, bé đều sẽ dễ dàng tiếp thu nếu biết rằng cho dù bé cư xử tồi tệ như thế nào, tình yêu của chúng tôi dành cho con bé không hề thay đổi.