CHUYỂN BẠI THÀNH THẮNG

NGUYỄN HOÀNG NHẬT TÂN

Trích: Thomas Watson Sr. Và IBM - Xác Lập Công Thức Tư Duy; NXB. Pace & NXB. Trẻ

Cái tên đó (IBM) cho thấy rằng các máy móc của chúng tôi là những công cụ hỗ trợ cho việc kinh doanh ở cả quy mô lớn lẫn nhỏ, từ bộ phận kế toán của các hãng xe lửa đến những giao dịch thông thường của các cửa hàng bán lẻ. Và chúng có ý nghĩa thực tế trong thế giới văn minh.
Thomas J. Watson Sr.

Thomas John Watson, Sr. (1874 – 1956) là người thành lập và là cựu chủ tịch IBM

Thomas Watson đã kinh doanh hay sử dụng kinh doanh như là phương tiện cho mục tiêu khác?

Thomas Watson đi đến trung tâm New York. Jeannette ủng hộ chuyến đi tìm một việc làm của chồng. Watson để người vợ trẻ và con trai đầu lòng mới sinh ở Dayton để đến đây tìm một cơ hội. Cơ hội đang ở trước mắt ông. Đó là tòa nhà 20 tầng số 25 Broadway, ngay giữa trung tâm chứng khoán New York.

LÀM LẠI CUỘC ĐỜI Ở TUỔI 40

Từ đường phố mùa đông, Watson đẩy cửa bước vào và cảm nhận sự ấm áp bên trong. Ông đến văn phòng Flint & Co.. Ở đây, Watson sẽ gặp người đàn ông 64 tuổi còn từng trải hơn mình nhiều lần. Người đàn ông xuất thân từ người làm thuê không lương cho hãng tàu Grace & Co. vào năm 18 tuổi, giờ đây đã là nhà tư bản lớn mà bạn bè là ông vua thép Andrew Carregie và sau này là các tổng thống như Roosevelt, Harrison và McKinley. Ông có một tá tập đoàn trong tay, bằng nhiều cách, kể cả dịch vụ trang bị súng ống cho tàu chiến của Mỹ hay ngư lôi.

Watson biết rằng nhà tư bản này đã mua công ty đo lường Dayton, công ty đo lường Detroit và công ty đo lường Moneyweight và nhiều hãng cân điện tử nhỏ khác. Các công ty này được gộp chung lại thành một nhóm và sản xuất những loại cân có thể tính toán tổng cộng được một lượng hàng. Tên của tổ hợp này là Computing Scale Company of America, trụ sở ở Dayton, bang Ohio – một nơi rất quen thuộc với Watson. Watson cũng biết rằng CTR chỉ chừng 400 nhân viên và đang chìm dần vì thua lỗ. Nó rời rạc và được quản lý kém. Flint cứu vãn nó bằng cách mua công ty máy đếm Tabulating Machine, ở bang Washington của nhà phát minh Herman Hollerith, và sát nhập tất cả lại. Nhưng tổ hợp này vẫn không cất cánh lên được. Flint cần một người cứu và làm cho nó lớn lên. Watson sẽ gặp Flint để được phỏng vấn.

Watson nhận thấy Flint treo trên tường văn phòng những tấm ảnh phóng lớn hình những người bạn danh tiếng của Flint. Họ còn gặp nhau vài lần nữa trong các bữa ăn tối tại những nhà hàng sang trọng của New York. Watson nói về bản án đang treo lơ lửng cho Flint nghe. Nhưng điều họ quan tâm là Watson muốn vị trí điều hành một công ty chứ không phải là vị trí nào khác.

Cả hai phát hiện ra rằng họ đều ghét rượu và thuốc lá, mặc dù thỉnh thoảng có dùng xì gà. Họ cùng thích ô-tô và nói về đam mê những khám phá mới. Watson tỏ ra là người có uy lực khi tiếp xúc với người khác, ham thích những cuộc cách tân trong mọi lĩnh vực của thời đại, và trên hết Watson là một người đam mê kinh doanh. Watson chinh phục Flint. Mặc dù một ủy viên hội đồng quản trị đã đặt câu hỏi với Flint: “Ai sẽ điều hành khi anh ta nằm chết trong tù?” nhưng Flint vẫn ký hợp đồng với Watson. Bản hợp đồng tháng 4.1914 cho thấy Watson nhận một mức lương không cao lắm là 25.000 đôla một năm, 1.200 cổ phiếu có giá 36.000 đôla và được chia 5% lợi tức sau thuế. Nhưng Watson sẽ không giữ chức chủ tịch cho đến khi mãn hạn án tù treo.

Mùa xuân năm 1914, phiên tòa phúc thẩm xét xử NCR khép lại, xóa tội cho tất cả các bị can cam kết “không tái phạm” và cả Watson, mặc dù ông không ký vào cam kết đó. Ngày 15.3 năm đó, Watson được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị CTR, như Flint đã cam kết.

TINH THẦN TIÊN PHONG VÀ CÁI TÊN IBM

Năm 1982, nhân việc IBM đạt doanh thu ngất ngưởng là 3 tỉ đôla, một con số mà Time đánh giá là cao nhất đối với dạng công ty sản xuất hàng công nghiệp, tạp chí này đã nhắc lại tinh thần doanh nghiệp của Watson:

“Trong năm 1930, công ty này đã tiên phong trong lĩnh vực máy đánh chữ có sử dụng điện nhưng thành quả lớn nhất có tính cách mạng là sự tiên phong của công ty trong lĩnh vực máy vi tính. Với nỗ lực và tầm nhìn của mình, IBM đã tăng sức mạnh điện tử trong kinh doanh ở Mỹ và nhân rộng lợi ích này đi khắp thế giới”.

Thomat Watson Sr. luôn luôn muốn tiên phong. Chi tiết “năm 1930” là chi tiết rất quan trọng, vì đó là thời điểm xảy ra vụ sụp đổ thị trường chứng khoán lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Bằng cách nào Watson lại tiên phong vào ngay lúc đó?

Maney bình luận trong cuốn tiểu sử về Watson, cuốn Marverick, rằng ông cần chứng tỏ cho Patterson và cả thế giới rằng ông có thể làm tốt hơn Patterson và “ông là một thương nhân có đạo đức và thẳng thắn”. Tuy nhiên, ngay trong cuốn sách mà Maney là người tiên phong khám phá hàng chục ngàn tài liệu, đã không chỉ ra một lần nào từ chính Watson đã nói lên mục đích kinh doanh này.

Time thì dựa trên thực tế lịch sử mà đánh giá. Watson đã hai lần ghi cột mốc tiên phong: máy đánh chữ điện tử và đặt chân vào cuộc cách mạng máy tính. Đây là những đợt xung phong tiến lên của Watson với ý nghĩa của việc kinh doanh là “nhân rộng lợi ích đi khắp thế giới”. Với Time, Watson chọn kinh doanh làm nghiệp mà không có dấu vết thù hằn với một cá nhân nào.

Để giữ vị trí tiên phong về công nghệ, ông đã dùng nhiều chiến lược như sở hữu các bằng sáng chế hay liên kết với các trung tâm nghiên cứu để phát minh. Để có sáng chế, ông đi tìm tài năng. Vào thời điểm của mình Watson đã đi liên tục từ nhà máy đến văn phòng để tìm những nhân viên tài năng. Và ông luôn để mắt, nghe ngóng những kỹ sư, những nhà sáng chế. Chẳng hạn như năm 1917, người được Watson tuyển là James Bryce. Vị kỹ sư này rút cuộc cho ra đời đến 400 bằng sáng chế và được Văn phòng Sáng chế của Mỹ vinh danh là một trong mười nhà sáng chế vĩ đại của nước Mỹ, khi còn sống. Bằng cách đăng ký sáng chế và giữ độc quyền khai thác, Watson giữ cho công ty luôn đi trước các đối thủ cùng ngành.

Năm 1920, sau 6 năm lãnh đạo công ty, CTR đã vượt qua một chặng đường dài. Năm đó, nó có lãi ròng hai triệu đôla trong 12 triệu doanh thu. Số nhân viên đã tăng từ 400 lên gần 2.700, gấp bảy lần. Tốc độ tăng trưởng lên đến 20% mỗi năm. Nó có mặt trên khắp nước Mỹ và một vài chi nhánh ở châu Âu cũng như Canada.

Vào mùa đông năm 1914, Watson gõ cửa văn phòng của nhà tư bản danh tiếng Flint, để tìm một công việc. Và Watson được nhìn thấy logo của một tập đoàn CTR rời rạc. Đó là biểu tượng CTRCo với kiểu chữ bay bướm Moroco rất quen thuộc của thế kỷ thứ XIX. Chữ T được đặt giữa, to hơn cả và đè lên dang đôi cánh của nó lên bốn mẫu tự còn lại.

Chữ “o” cuối cùng (của Co.,) nằm lọt trong lòng chữ C – “mẹ” của nó. Tất cả các ký tự màu đen này được đặt nằm trong một hình tròn nền trắng. Và vòng tròn này được đặt tiếp giữa một cột chữ nhật màu đen.

Mười năm sau, khi công cuộc tái thiết và hợp nhất CTR thành công vượt bậc, Watson nhìn biểu tượng bay bướm của công ty và ông thấy rằng nó vẫn còn hợp thời nhưng nó không thể hiện được lòng mong muốn của ông về một tổ chức vinh quang.

Điều đặc biệt mà ông cảm thấy rõ là hàng ngàn nhân viên của ông giờ đây đã là một khối văn hóa chặt chẽ. Điều này có nghĩa là khối tinh thần đó có nhu cầu đi những bước dài thêm nữa. Và như vậy, ông phải đáp ứng tinh thần tiến lên đó, nếu không muốn nó tàn lụi như cái cây thiếu không gian để vươn lên. Logo CTRCo đã trở thành cái chậu bé nhỏ hoặc là một cái lồng chật chội và loằng ngoằng. Đó là khi Watson nhìn từ bên trong. Nhưng nhìn từ ngoài vào, thật ra công ty của ông còn thật nhỏ so với các nhà công nghiệp nước Mỹ lúc đó.

Watson nhận ra rằng mình đã ở tuổi 50 mà đường đến ước mơ hoàn thành còn quá xa.

Ông phải hành động nhanh hơn nữa.

Giữa lúc như vậy, ông đưa ra một quyết định kỳ lạ. Đó là đổi tên công ty. Ông bắt đầu lựa chọn những cái tên có thể thống nhất toàn bộ các bộ phận trên thế giới và nó đủ sức đi ra toàn cầu và đi dài lâu. Ông nhớ năm 1917, khi cơ cấu lại công ty các chi nhánh hải ngoại được gọi là Interna- tional Business Machines thay vì gọi là “CTR Canada” hay “CTR Mỹ Latinh”. Với Watson chỉ có một IBM mà thôi.

Ngày 5.2.1924, Watson nộp đơn đăng ký cái tên International Business Machines. Cái tên CTR biến mất và ba chữ cái viết tắt IBM đi vào lịch sử, gắn liền với tên tuổi của ông.

Đó là một cách ông phát biểu tầm nhìn dài hạn cho tập đoàn. Ông đã đặt một cái tên rất lớn – international, quốc tế – cho một công ty rất nhỏ của nước Mỹ. Điều này có nghĩa rằng sứ mạng của nó là làm ra các loại máy cho việc kinh doanh – busi- ness, kinh doanh – trên phạm vi quốc tế. Watson đã giải thích cái tên đó:

“Cái tên đó cho thấy rằng các máy móc của chúng tôi là những công cụ hỗ trợ cho việc kinh doanh ở cả quy mô lớn lẫn nhỏ, từ bộ phận kế toán của các hãng xe lửa đến những giao dịch thông thường của các cửa hàng bán lẻ. Và chúng có ý nghĩa thực tế trong thế giới văn minh”.

Đó cũng chính là sứ mạng của công ty: Phục vụ các nhà kinh doanh. Và đó cũng là ý nghĩa kinh doanh của IBM: ý nghĩa thực tế trong một thế giới văn minh.

Watson hài lòng với bản thiết kế của họa sĩ. Đó là một logo hình địa cầu không có bất cứ đường viền giới hạn nào. Chữ “Business” nằm phía trên cùng của bán cầu bắc. Chữ “Machines” là bán cầu nam. Tầm nhìn toàn cầu là chữ “International” vắt ngang đường xích đạo. Một bản vẽ trắng đen mới hơn so với thời kỳ này – thuở mà người ta còn thích cách xếp đặt các con chữ bay bướm cổ điển.

KHỦNG HOẢNG 1930 KHI WATSON MẮC SAI LẦM

Tinh thần tiên phong trong suy nghĩ về quản trị của Watson thể hiện rất rõ trong đợt khủng hoảng những năm 1930. Người ta chứng kiến Watson bắt đầu tư tưởng “Không sa thải”.

Mười giờ sáng ngày 29.10.1929, thị trường chứng khoán phố Wall náo loạn, lệnh bán cổ phiếu dồn dập, chỉ số chứng khoán rớt nhanh. Trong khi đó, đoàn tàu đặc biệt do công ty IBM bao thầu lăn bánh từ Dayton vẫn trực chỉ đến Endicott để ăn mừng ngày IBM. Đó luôn luôn là một đại lễ. Chủ tịch Watson có mặt trên tàu. Mọi người mặc những bộ đồ đẹp nhất. Điểm cuốn hút nhất của chuyến tàu là toa ăn uống. IBM luôn đảm bảo đó là một ngày hạnh phúc.

Đến chiều, tại phố Wall, 16 triệu cổ phiếu đã được sang tay. Các stock tickers (nhân viên kiểm phiếu) của chợ chứng khoán lớn nhất thế giới lúc đó, không thể theo kịp các lệnh bán và mua. Thiệt hại khoảng 30 tỉ đôla. Nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng chứng khoán lớn chưa từng thấy (39 năm sau mới lặp lại một lần nữa vào năm 1968).

Sau năm giờ hành trình, đoàn tàu IBM dừng lại tại một bãi đất trống của khu nhà máy IBM ở Endicott. Quý bà và quý ông lần lượt bước xuống, chủ tịch Watson trong bộ vest đẹp như dẫn đầu. Đội kèn đứng đón trỗi nhạc những bài IBM song. Cờ hoa lộng lẫy. Sau nghi thức long trọng, Watson được báo tin tình hình phố Wall.

Các báo bắt đầu tường thuật những trường hợp chết vì đau tim, người khác thì bắn vào đầu khi tài sản ra đi với cú rơi tự do của thị trường chứng khoán. Watson bước lên bục và nâng ly chúc mừng như không có gì xảy ra. Sáu trăm thực khách nhìn thực đơn và phì cười: Nước dùng tiết kiệm sức lao động (nước bổ dưỡng), Cải trộn linh kiện tính toán (gỏi cải trộn gia vị) và một món được thiết kế đại loại như vậy. Ban nhạc của IBM chơi suốt buổi tối những bài hát IBM. Không ai nói đến phố Wall khi Watson chưa nói đến phố Wall, như thể dù trời có sập thì cũng chẳng thể quan trọng hơn nền văn hóa của IBM.

Sáng hôm sau, New York Times viết: “Ngày kinh doanh kinh hoàng nhất của lịch sử”.

Watson ở Endicott nói ngược lại. Và Maney đã tìm thấy phát biểu của ông chủ IBM trên tờ Binghamton Press: “Nền kinh tế Mỹ sẽ đứng vững mặc dù có sự sụp đổ của thị trường chứng khoán”.

Nhưng rút cuộc thì ông đã không đúng. Và đợt sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929 được ghi nhận là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ mất rất nhiều năm để hồi phục. Watson đã thú nhận nhận định của mình là sai trong cuộc họp sau đó:

“Tôi công nhận là IBM đang đi xuống”.

Khi nói như vậy, ông biết rằng cổ phiếu mà nhân viên của ông đã mua sẽ ảnh hưởng đến từng hộ gia đình của họ. Ai cũng nơm nớp lo sợ một đợt cắt giảm lao động để giảm chi phí. Watson bắt đầu nói về đẩy mạnh bán hàng:

“Chúng ta chỉ mới khai thác thị trường ở mức rất nhỏ mà thôi”.

Ông chỉ ra cho lực lượng bán hàng rất nổi tiếng của ông, trong những bộ trang phục được gọi là “những người đàn ông bảnh bao” gõ cửa các ngân hàng, những công ty lớn cần những cái máy nhỏ, ít chi phí – những nơi chưa từng là khách hàng của IBM trong thị phần khổng lồ còn lại, ngoài 5% đã có. Nhân viên IBM thở phào khi ông chủ làm ngược lại kỹ thuật thông thường là sa thải. Watson cố vượt qua lối mòn đó để xây dựng lòng trung thành của nhân viên – phẩm chất quan trọng nhất để Watson đưa IBM đi xa trên con đường xích đạo toàn cầu mà ông đã vẽ trên logo công ty.

Có thể thấy gì qua sự kiện này? Nhiều đánh giá cho rằng Watson kiêu ngạo và thiếu phán đoán về thị trường chứng khoán trước những biến động lớn. Thật ra, ít ai có thể hình dung trước được những vụ sụp đổ lớn như vậy. Người ta ghi nhận được rằng, đối với Watson, đây không phải là lần duy nhất ông không cho phép một biến cố nào đó làm thay đổi các sự kiện văn hóa của công ty. Ông xem trọng những lễ hội của nhân viên hơn nhiều điều khác.

Vào lúc này, thay vì cắt giảm nhân lực như nhiều nơi khác, Watson làm điều ngược lại là tuyển thêm nhân viên bán hàng, để thực hiện mục tiêu bán thêm nhiều máy lập bảng, máy tính đục thẻ. Thông điệp của ông rất rõ: IBM có thể giảm lợi nhuận nhưng không một nhân viên nào bị bỏ rơi. Spenser Ante viết trên Business Week Online ngày 12.5.2003 “Trong cuộc đại suy thoái năm 1932, ông đã chi thêm một triệu đôla, tức 6% doanh thu, để nâng công suất nhà máy lên một phần ba, xây dựng phòng nghiên cứu và thí nghiệm đầu tiên, yêu cầu các nhà nghiên cứu chiếm lĩnh thị trường mới”. Điều này có nghĩa là tăng thêm nhân công và lực lượng bán hàng. Đối với ông, khi ông trung thành với công ty cũng có nghĩa là trung thành việc duy trì việc làm của nhân viên.

Quyết định từ bỏ lối mòn sa thải trong đại suy thoái, Watson, với việc tuyển thêm nhân viên đã tỏ rõ cách thức xây dựng lòng trung thành của nhân viên. Đó không phải là một kỹ thuật quản lý kinh tế khôn ngoan vì ông suýt bị sa thải với quyết định làm tụt dốc doanh thu này. Vận may đã cứu ông khi đạo luật bảo hiểm ra đời và công việc thống kê tăng đột biến buộc người ta phải mua máy của IBM. Điều này cho thấy, Watson đã coi trọng nhân viên hơn lợi nhuận.

Ngày nay, bạn có thể thấy các nhà lãnh đạo áp dụng Ngày tiếp xúc – đón tiếp trực tiếp bất cứ ai – thì Watson chính là một trong những người đầu tiên làm điều đó. Điều này rất đặc biệt bởi lẽ ông được miêu tả là nhà lãnh đạo gia trưởng, nóng tính và quyền lực – hình ảnh của ông được treo khắp nơi trong công ty, nhà máy.

TẬN DỤNG LUÔN KHỦNG HOẢNG

Thomas Watson đã đặt nền tảng cho IBM trở thành ông vua ngành máy tính sau này. Vào thời đại của ông, không ai nghĩ rằng, xử lý dữ liệu lại là một ngành kinh doanh.

Việc Watson chọn chiến lược sở hữu công nghệ để giữ vị trí tiên phong khiến cho người ta nhớ lại anh bạn Ket của Watson ở câu lạc bộ Dayton, hồi ông còn ở CTR. Nhà phát minh ra nút khởi động ô-tô tự động, thay cho việc quay bánh trớn bằng tay, là người đầu tiên chỉ cho Watson biết rằng, công nghệ tạo ra kinh doanh và kinh doanh ở vị trí tiên phong. Với Watson, tiên phong không đơn thuần là để giữ ưu thế cạnh tranh mà là để thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và xã hội, là vì văn minh xã hội như ông đã giải thích trong thư về việc thay đổi tên công ty thành IBM. Ông đã đặt nền tảng cho giá trị doanh nghiệp bằng câu nói nổi tiếng:
“Đừng bàn nhiều về máy móc, hãy nói đến những khó khăn của doanh nghiệp”.

Như vậy với ông, sứ mạng của công ty của ông là kinh doanh bằng cách giúp kẻ khác kinh doanh. Watson đã khái quát kinh nghiệm này thành một chiến lược: Cách thức để vươn ra thế giới vẫn tiếp tục là cố gắng giữ vị trí tiên phong bằng cách sở hữu độc quyền các sáng chế. Cho đến đầu thế kỷ XXI, IBM là tập đoàn đứng đầu danh sách sở hữu bằng sáng chế.

Năm 1927, Watson quyết định loại bỏ bộ phận Cân và Đo để dốc toàn lực vào các bảng tính. Lý do không đơn thuần là các bộ phận kia thua lỗ mà vì ông nhận ra rằng xử lý dữ liệu là một ngành có triển vọng, lúc này nó chỉ mới bắt đầu. Quyết định này làm thay đổi số phận IBM, đưa công ty này đi vào con đường xử lý thông tin đến tận ngày nay. Bằng cách tiến vào những triển vọng mới, Watson nắm vị trí tiên phong và nhờ đó đặt nền tảng để có thể đi ra khắp thế giới. Phòng thí nghiệm của Bryce làm việc rất hiệu quả nhưng vẫn chưa thỏa mãn ý chí của ông chủ – người giờ đây đã giữ cổ phần lớn trong IBM sau khi các nhà sáng lập qua đời. IBM giờ đây là của Watson.

Ông tìm cách mua các đối thủ để sở hữu các phát minh. Đáng kể nhất là Clair Lake một nhà
sáng chế trẻ đã tạo ra những tấm phiếu nhỏ hơn và đục được đến 80 lỗ một cột và mỗi cột có 12 khoảng. Như vậy một phiếu có thể ghi được 960 lỗ – mỗi lỗ tương tự như một bit thông tin biểu thị một chữ hoặc một đơn vị tiền thanh toán.

Đầu những năm 1930, Watson đã đến Đức và phát biểu với giới trẻ. Đó cũng là lần đầu tiên Pe-ter Drucker, bấy giờ là một phóng viên trẻ đã phỏng vấn Watson. Nhà lý thuyết quản trị hiện đại này nhớ lại với US Today năm 2003:

“Khi đó Watson đã nói đến một cái gì đó gọi là xử lý dữ liệu, điều mà không gây ra một ấn tượng nào với tôi và người nghe, vì chẳng ai quan tâm và không ai biết gì về nó”.

Drucker nhớ lại với US Today năm 2006 rằng, khi ông đưa bản thảo bài báo cho tòa soạn, các sếp nhìn sơ qua các từ như “hòa bình”, “xử lý dữ liệu” và quăng bản thảo vào sọt rác với nhận xét mà Drucker còn nhớ đến tận tuổi 80: “Watson là một gã gàn”.

Thực tế là, thế giới đã diễn ra như “gã gàn” đã nói, không chỉ với ngành xử lý dữ liệu mà đỉnh cao là máy tính ngày nay. Phương cách của Watson là các phiếu ghi số liệu của Lake chỉ dùng được với máy của IBM – một cách tư duy quen thuộc của những năm đầu thế kỷ XX. Do vậy, ngay cả khi đối thủ của IBM là Remington Rand cho ra đời loại phiếu ghi được
nhiều thông tin hơn với 90 lỗ trên mỗi cột, thì công ty này vẫn không thể làm mất vị trí của IBM, mặc dù giá ngang nhau. Các khách hàng của IBM phải dùng thẻ của IBM. Sau này, ông sẽ phải vất vả với phương cách này. Nhưng bây giờ là lúc đang nói đến khí chất tiên phong của IBM.

THUỞ BAN ĐẦU R&D VÀ ĐƯỜNG DÀI TƯ DUY

Mở phòng thí nghiệm trong thời kỳ suy thoái là một quyết định ngược đời khác của Watson.
Năm 1930, nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, giảm 8% vào năn đó và giảm thêm 7% nữa vào năm sau. Ba ngàn ngân hàng đóng cửa. Tổng thống Herbert Hoover (Tổng thống thứ 31 của Mỹ) chưa có cách nào để vực dậy nền kinh tế đang rơi vào đợt suy thoái lớn nhất từ trước đến lúc này. Các nhà máy đóng cửa như một phản ứng thường thấy. Cắt giảm nhân công bắt đầu gây kinh hoàng cho giới lao động. Và 12 triệu người thất nghiệp, chiếm 20% số dân. IBM không phải là ngoại lệ, khi lượng mua trong ngành thiết bị văn phòng giảm một nửa.

Giữa lúc như vậy, Watson triệu tập cuộc họp cao cấp, tính khí nóng nảy thường ngày biến mất thay vào đó là sự dịu giọng nhưng thông điệp lại rất nhiệt huyết. Vẫn là thông điệp ngược lại nhiều nhận định mà ông phát biểu trên Forbes ngày 1.4.1930:

“Thực tế, theo tôi, năm 1930 là năm kết thúc và là một năm tốt đẹp”.

Người ta đã hỏi ông vì sao lại tăng sản xuất và tích trữ máy cùng với linh kiện, trong khi từ Mỹ đến các nước châu Âu người ta phải giảm số lượng. Giờ đây, Watson lý giải với cấp dưới của mình rằng:

“Thật ra IBM chỉ mới khai thác 5% nhu cầu thị trường và nếu các doanh nghiệp thắt lưng buộc bụng bây giờ thì khi qua đợt suy thoái nhu cầu sẽ tăng vọt”.

Watson gần như thách thức thời gian: Nếu đợt suy thoái kéo dài thì dự định của ông sẽ trở thành quả đại bác bắn vào chính mình.

Quyết định táo bạo khác của ông là tăng chi phí cho nghiên cứu để tìm những thị trường mới, tìm những thị trường nước ngoài. Và ngay trong suy thoái nghiêm trọng ông đã dành đến 6% thu nhập trong một năm, khoảng một triệu đôla, để mở phòng thí nghiệm IBM. Đó là phòng thí nghiệm đầu tiên của tập đoàn về sau là gã khổng lồ. Tòa nhà hoàn thành vào năm 1933 này là giấc mơ của các nhà khoa học. Nó đủ chỗ cho tất cả họ ở đó. Tất cả các bức tường ốp gỗ và các cửa sổ cho phép ngắm toàn cảnh Endicott. Nhà vòm trên cùng là một thư viện khoa học được sưởi ấm bằng lò sưởi. Watson mua tất cả máy móc mà các kỹ sư thấy cần thiết.

Tầng hầm của tòa nhà là một giấc mơ của các kỹ sư thuở đó: Phòng tái tạo thời tiết để các kỹ sư tiến hành các thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu còn được Watson “nuông chiều” bằng một đường hầm nối thẳng phòng thí nghiệm, băng qua phố North, vào nhà máy của IBM bên kia đường. Nhờ đường hầm riêng này, các kỹ sư không phải đi ngoài trời giá lạnh của mùa đông. Toàn bộ tòa nhà dùng làm thí nghiệm này sử dụng máy điều hòa nhiệt độ – thiết bị rất hiếm vào thời đó.

Watson chịu đựng và chịu thiệt để chuẩn bị đón đầu và bứt phá vào nhu cầu tăng cao sau khủng hoảng. Nhưng cho đến năm năm 1933, giá cổ phiếu IBM rớt một nửa, thu nhập công ty không tăng. IBM đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng nhờ sự mạo hiểm, IBM đã có nhiều sản phẩm đổi mới. Cuối cùng, phòng thí nghiệm cũng vượt qua được công nghệ của đối thủ Remington Rand với thẻ xử lý 250 dữ liệu trong một phút, thông tin lập bảng cho phép in thành chữ chứ không còn là chữ số. Một đột phá lớn. Một loại máy xử lý thẻ đục lỗ lần đầu tiên cho phép tính phép nhân và phép chia. Watson đã đẩy doanh số bán hàng lên gần 30% trong thời gian khủng hoảng kinh tế, tức đến hết năm 1933. Trong thành công của Watson, có một phần may mắn. Đó là lần đầu tiên nước Mỹ tiến hành kiểm tra dân số. Chính phủ cần một lượng lớn các máy tính dập thẻ đục lỗ để tính toán. IBM có được khách hàng khá lớn từ đây.

Trong khi Watson nỗ lực tạo ra một IBM to lớn, ông đã khám phá ra những cách thức mới trong kinh doanh. Bằng cách từ bỏ những lối mòn có sẵn, Watson đã vất vả để đưa công ty của mình tăng trưởng lên gấp đôi, rồi gấp ba lần. Trong quá trình đó, ông cũng đồng thời tìm thấy con đường phát triển lâu dài của một doanh nghiệp. Đó là tinh thần tiên phong, không ngại khám phá dù có thể mắc sai lầm. Dù thị trường và xã hội đang khủng hoảng, Watson vẫn nhìn về tương lai và chuẩn bị bằng những quyết định khác thường: không sa thải nhân công mà còn mở rộng kinh doanh và chuẩn bị đường dài bằng cách đầu tư mạnh vào nghiên cứu. Làm lại cuộc đời ở tuổi 40 thường không dễ chút nào. Điều này chỉ có thể giải thích bằng hoài bão của Watson. Hoài bão đó còn đẩy ông đến những quyết định đầy phiêu lưu tiếp theo.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ KHÁC BIỆT CỦA NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG
  2. 10 THÓI QUEN TẠO TƯ DUY TÍCH CỰC CỦA NGƯỜI THÀNH CÔNG
  3. TƯ DUY NGOÀI CÁI HỘP

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU