CHUYỆN MỘT VỊ NI TÁI SINH

LAMA SURYA DAS

Trích: Sư Tử Tuyết Bờm Xanh-Truyện cổ dịch; Nguyễn Tường Bách dịch; NXB Hội Nhà Văn

CÁCH ĐÂY KHOẢNG chín trăm năm có một cặp vợ chồng trẻ sống tại Shoto, một thành phố Tây Tạng gần Drigung. Họ là những người đơn giản, ngoan đạo và không mong gì hơn là sinh được một đứa con để hết lòng nuôi nấng. Nhưng hai vợ chồng bị hiếm muộn, không thuốc men nào chữa được, đi cầu nguyện bao nhiêu cũng không có kết quả. Tuy thế hai vợ chồng vẫn tin rằng có một đứa trẻ chỉ đang chờ cơ hội được sinh ra với mình và cuối cùng hai vợ chồng quyết đi hành hương ở Kathmandu (Nepal), là nơi có một bức tượng do trời đất sinh ra, nghe nói có một thần lực rất mạnh và cho tất cả các lời cầu xin được thành sự thật. Trước các bảo tháp ở Swayambhu tại vùng núi non Kathmandu, hai vợ chồng quỳ gối cầu nguyện đức Phật Cồ-đàm mỗi ngày và xin làm cha mẹ của một thần thức nào đang sẵn sàng nhận một thân bằng xương bằng thịt. Họ chấp nhận bất cứ thức nào, dù thức đó mang lại ác nghiệp, hay dù thân sinh ra sẽ tật nguyền hay tâm trí thấp kém. Họ sẵn lòng chịu khó khăn gian khổ, chỉ cần có được một đứa con.

Nhiều tháng trôi qua, hai vợ chồng thuận thành sống theo qui định của người Phật tử. Rồi một đêm nọ, cả hai vợ chồng đều thấy chung một giấc mộng: Mặt trời mặt trăng cùng mọc trong bầu trời đêm xanh thẫm và một tia sáng rực rỡ chiếu xuống, xuyên vào tim của hai vợ chồng. Hôm sau lúc tỉnh dậy, hai người rất xúc động biết mình mơ cùng một giấc mơ. Họ biết rằng tương lai sẽ hé mở cho mình những điều kỳ diệu, không kể đứa con sinh ra sẽ là con của mình hay của một cặp vợ chồng khác. Họ treo đèn kết hoa lên bảo tháp với lòng cảm tạ, bố thí cho người nghèo khổ, cho người bị hắt hủi. Trên đường về nhà, họ không còn cầu xin ước nguyện nữa, mà nếu có cầu nguyện thì họ chỉ biết cảm tạ về những điều đã xảy ra.

Lâu sau người vợ mang thai và một năm sau thì sinh con. Khi sinh người mẹ không hề đau đớn, một bé gái ra đời mang hương thơm đầy nhà, nó có ánh sáng ngũ sắc chói lọi. Đứa trẻ ra đời mở mắt nhìn quanh một cách tỉnh giác, như xuất phát từ một tâm hồn rất già dặn. Cả làng Shoto đều đồn đại về đứa trẻ và nhiều vị Lạt-ma đến viếng, mục đích xem đứa bé lạ lùng này là ai. Có người nói: “Đứa bé này là tái sinh của nữ thần Kim Cương (Vajra Dakini)”. Có người lại nói của nữ thần Tara. Có người cho rằng nên đợi lúc đứa bé lớn lên thì tự khắc sẽ biết nguồn gốc của nó.

Không bao lâu, nguồn gốc đứa bé lại trở thành câu chuyện thời sự trong làng Shoto. Ai cũng bàn tán về câu chuyện này, ban ngày ngoài đồng áng hay ban đêm bên đống lửa. Có một Tăng sĩ nhắc lại lời tiên tri của một tập kinh trong tu viện mình như sau: “Lời tiên tri đó báo trong thế kỷ này sẽ có một nữ thần Dakini sẽ sinh trong hang Tidro gần Shoto, để giúp hàng ngàn người. Trong hang Tidro, đức Liên Hoa Sinh đã từng sống và đã từng cứu độ hàng ngàn Dakini trong thiên giới. Như mọi người đều biết, các vị thiên cũng không thoát khỏi ảo giác; cũng chịu qui luật vô thường; các vị đó một ngày kia rồi cũng phải chết và tái sinh nơi một cảnh thấp kém hơn; trừ khi các vị đó cũng tu học giáo pháp để giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc”. Sau lời giải thích đó thì mọi việc đã rõ: Đứa bé đích thị là tái sinh của thần Dakini. Vì nhớ ơn Liên Hoa Sinh mà vị ấy xuống làm người để cứu độ hàng ngàn người, như ngày xưa Liên Hoa Sinh đã giúp các vị thiên nhân trong thiên giới. Chỉ có hai vợ chồng nọ là không quan tâm đến tung tích đứa bé, họ đầy hạnh phúc. Họ chỉ muốn một điều là đứa trẻ được đầy đủ và lớn lên phát triển hợp với thiên nhiên.

Đến ba tuổi rồi mà đứa trẻ vẫn chưa có tên chính thức, người ta chỉ gọi bằng cái tên tạm cho đến khi một cái tên đúng nghĩa sẽ được thông báo. Đứa trẻ đã học câu thần chú Tara và lẩm bẩm một cách thú vị, đôi lúc hàng giờ. Đến lúc người mẹ cho con chơi với trẻ con khác, bỗng nhiên bà biết phải đặt tên con thế nào. Khác với những đứa trẻ khác, đứa bé này không hề la khóc khi bị ai xô đẩy, ăn hiếp và giật đồ chơi. Thay vào đó, nó lại đọc thần chú Tara một cách nghiêm túc, hầu như nó biết rằng làm như thế, nữ thần Tara sẽ cứu độ. Sau đó không bao lâu, nó chỉ cho bạn biết cách đọc chú Tara và đi đâu nó cũng vẽ vời những chữ đó. Cuối cùng cha mẹ đặt tên đứa bé Drolma, tên này là từ Tây Tạng chỉ nữ thần Tara. Tara là dạng xuất hiện nữ tính của Bồ đề tâm. Drolma cũng đồng nghĩa với “giải thoát”.

Từ lâu, người ta đã biết đây là tái sinh của một vị đạo sư. Nhưng cũng như mọi chúng sinh trên trái đất, Drolma cũng phải trải qua nhiều đau khổ, và với đau khổ đó con người hoặc phải phát triển hơn hay chịu vùi dập. Drolma chưa đầy mười tuổi mà cha mẹ nàng đã chết sớm và nàng phải ở với một người cậu. Ông cậu là một người đã già và không hề hiểu được tâm hồn của cháu gái mình. Đối với đứa cháu cứng đầu này, ông cậu thấy mình phải uốn nắn nàng cho phải, sau đó ông định gả nàng cho một nông dân trong làng. Mặc các Lạt-ma hay trưởng lão trong làng nói gì, ông cậu nhất định không chịu tin nàng là một tái sinh của một vị nữ thần, chứ đừng nói tới Tara tái sinh. “Mỗi người thì cũng là tái sinh của người khác”, ông cậu nói, “Thì cũng chẳng có gì đặc biệt để đội mũ lên đầu cho người đó và cho nó làm đủ thứ chuyện”.

Nhiều bà con cũng đồng tình với ông cậu. Họ cho rằng cô bé mười bốn tuổi này phải lo lấy chồng sinh con đẻ cái, chứ đừng làm chuyện đạo sư gì, đừng giảng giải gì cho cái làng quen đồng áng này những chuyện cao xa, những chuyện mà cô bé trẻ tuổi này không thể tự mình biết được. Đám cưới với con trai nông dân hầu như đã định sẵn, trong lúc đó Drolma cúi đầu, nhưng phản đối quyết liệt: “Con sẽ đi Kham, ở đó con sẽ gặp một tu sĩ, số phận đã định con lấy người đó. Chúng con sẽ sinh con đẻ cái, những đứa trẻ đó sẽ trở thành Rinpoche (đạo sư quỹ báu), sẽ đi vào lịch sử của đất nước”.

Bà con thở dài ngao ngán và coi thường những lời tiên tri của đứa trẻ non dạ. Tuy thế họ cũng phân vân, không rõ con người Drolma còn gì bí ẩn. Có thể nàng là một thiên tài, là hiện thân của Tara, nhưng đúng hơn nàng không hề được cha mẹ dạy dỗ gì về đời sống thực tế này. Khi Drolma lên mười lăm tuổi thì có một thương nhân đi ngang qua Shoto. Drolma dồn hết chút của cải, chạy đến xin cậu cho mình ra đi theo đoàn: “Con cảm ơn cậu đã dành nhiều ưu ái cho con, nhưng con phải theo người này đi Kham, là nơi con phải đến”.

“Ta cấm con không được rời khỏi nhà”, ông cậu la lên, “Làm sao con biết người này đi Kham? Con nói chuyện riêng với y à? Con hẹn hò với hắn, không cho ta biết ư?”.

“Không”, Drolma trả lời, “Con có thông tin của con từ một nguồn khác. Bây giờ con phải đi, giờ đã điểm”.

Cậu Drolma dùng mọi cách giữ nàng lại, kể cả uy quyền làm cha nuôi. Nhưng khi ông thấy nàng nhất quyết ra đi, ông dành phải hạ giọng năn nỉ: “Ta xin con đừng đi, hãy nghĩ lại trước khi tai họa ập đến với con, ta có trách nhiệm với con”. Phần lớn quyến thuộc của Drolma cũng có mặt, cả nửa dân làng cũng ra can gián. Cuối cùng nhiều người tiễn đưa nàng đến cuối làng, nơi mà thương nhân và đám tùy tùng đang đợi. Drolma nói với thương nhân: “Tôi không có gì đáng giá cho ông nhưng nếu mang tôi đi Kham, ông hưởng được phước lành bằng cách khác”.

Thương nhân ngạc nhiên: “Nhưng tại sao cô lại biết tôi đi Kham?”. Thật ra thì ông cũng có quyết định đi nẻo này mới đây thôi. Drolma im lặng. Nàng ôm ông cậu và nói: “Chúng ta sẽ gặp nhau, cách này hay cách khác. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng đạt giác ngộ. Cậu hãy luôn hướng tới Tara, vì Tara và con là một”. Nàng gỡ tay ông cậu ra và kêu lớn với mọi người: “Trong cõi Phật Tara, chúng ta sẽ gặp nhau”. Với lời này, nàng rời bỏ quyến thuộc bằng xương bằng thịt ra đi và tìm cho ra người quyến thuộc tâm hồn, một tu sĩ ở Kham, một người mà không ai biết liệu có thật trên đời này chăng.

Vài tuần sau, đoàn thương nhân đến Kham. Tại thị trấn Dento Tsongur, Drolma từ giã đoàn và đi thẳng vào một nơi hoang dã, cứ như nàng biết rõ đường đi nước bước. Qua thời gian, đoàn người đã biết tính cương quyết của Drolma nên cũng không ai ngăn cản nàng nữa. Ai cũng biết muốn ngăn nàng thì phải dùng vũ lực mới được, mà điều đó thì không ai muốn. Drolma đi thẳng vào lều của một trong những tu sĩ có tiếng nhất vùng đó. Tsultrim Gyamtso là một truyền nhân của gia đình Kyura, như Drolma đã từng tiên tri mấy năm về trước. Thay vì nhận lãnh cơ nghiệp của cha và lập gia đình bình thường, chàng lên đường sống nơi hoang dã, thệ nguyện sống viễn ly và diệt dục. Tsultrim ra trước lều, chào người khách bất ngờ. Ngày hôm nay chàng không định gặp ai và dân làng xung quanh cũng ít ai khi gặp chàng mà không báo trước. Tsultrim nhìn cô gái mặc quần áo nghèo khổ đang đứng ở bậc cửa, lòng đầy hình ảnh lạ lùng. Giấc mơ và sự thực hòa vào nhau một cách đáng sợ và trước khi người tu sĩ định thần lại thì cô gái đã nghiêng mình chào với một nụ cười của người hiểu chuyện: “Tôi… là người bạn đời, đã định sẵn cho anh. Trong tình yêu thương của Tara, chúng ta sẽ lấy nhau và có con với nhau, ánh sáng của chúng ta sẽ làm sáng lên cõi trần này”.

Tsultrim Gyamtso không nói được tiếng nào, đứng qua một bên nhường chỗ cho Drolma vào lều. Trong một giấc mơ cách đây không lâu, chàng thấy một nữ thần Dakini sắc lục hiện lên và báo trước, con cháu của chàng sẽ có những khả năng tâm linh vĩ đại, sẽ làm lợi cho con người hàng thế kỷ. Bấy giờ, giấc mơ đó bắt đầu sáng tỏ, sứ giả của một thế giới khác đang cần chàng một tu sĩ diệt dục, để làm sứ mạng đó.

Trong những ngày và tuần sau đó, Drolma và Tsultrim làm quen thêm với nhau, vì trong một hay nhiều kiếp trước, hai người đã từng chung sống với nhau dưới dạng này hay dạng khác. Hai người nhớ lại kỷ niệm ngày xưa và niềm vui đoàn tụ tưởng không dứt. Không bao lâu sau, cả hai đều biết rõ họ sinh ra là để vì nhau và đời này họ cưới nhau. Tuy nhiên, Tsultrim chỉ là một tu sĩ độc cư nghèo và không có gì để cử hành hôn lễ với tất cả nghi thức, đó là không kể chuyện lập gia đình và sinh con đẻ cái. Drolma nói: “Anh đừng lo, hãy mời gia đình và bạn hữu tới tham dự buổi lễ. Em sẽ lo tất cả”. Thấy vợ còn ngây thơ trẻ con, Tsultrim Gyamtso bật cười: “Em không sợ gì trong thế giới này sao? Cũng không sợ bố mẹ chồng thuộc dòng Kyura nghiêm khắc sao?”.

“Không, em chủ động sinh vào thế giới này để giúp tất cả mọi người không chút phân biệt. Không phải em có sức mạnh của thiên giới mà sức mạnh đó tác động thông qua em. Vì vậy em biết rằng mọi việc em làm đều tốt lành và tất cả ai theo em sẽ đều giác ngộ”.

Drolma lên mười sáu lúc nàng cưới vị tu sĩ đã nhập dòng Tsultrim Gyamtso. Lễ cưới được tổ chức với sự tham dự của hơn một trăm khách và cả trăm người đó đều xác nhận rằng, lúc đó trong túp lều nghèo nàn và chung quanh xa hàng mẫu đất có một thứ ánh sáng êm dịu tỏa ra; còn Drolma thì đánh chiếc trống nhỏ và mắt đăm đăm nhìn bầu trời. Một mùi hoa lạ chưa từng có lan khắp nhà, trên bàn thờ những ánh sáng li ti nhảy múa, rực rỡ hơn bất cứ ánh sáng thế gian nào. Khách mời đều nhận được mùi vị ngọt ngào của một thứ nước thánh, tuy không thấy thật nhưng tất cả đều được thọ hưởng. Sau buổi lễ, Drolma xòe bàn tay cho chồng thấy bốn miếng xương trừu có dạng vuông vức kỳ lạ vừa hiện trong lòng bàn tay. Drolma cũng ngạc nhiên trước hiện tượng này, nhưng nàng biết ngay và nói: “Đây là dấu hiệu chúng ta sẽ có bốn đứa con trai, chúng sẽ đạt giác ngộ ngay trong đời này”.

Như tiên tri, Drolma sinh bốn con và mỗi người đều được điểm đạo. Drolma và chồng cũng có nhiều đệ tử và trở thành đạo sư có tiếng. Lúc đứa con thứ tư đến tuổi trưởng thành, Drolma đưa các con và một số đệ tử về lại hang Tidro, là nơi đạo sư Liên Hoa Sinh đã từng sống và giáo hóa cho các nữ thần Dakini. Khi Drolma đến nơi thì hang động sù sì bỗng biến thành một cửa thành dẫn vào thiên giới. Người ta nhìn thấy một phong cảnh như bằng ngọc quý dựng lên, thiên nhiên tuyệt đẹp hàng đoàn, hàng đoàn xuất hiện. Drolma căn dặn mọi người đừng quên rằng cảnh đẹp tuyệt vời này cũng chỉ là ảo giác. Dù Chân như rất gần với chúng ta, gần hơn tất cả nhưng chúng ta luôn luôn chỉ thấy ảo giác của một đời sống bị trói buộc. Với những lời đó Drolma bắt đầu lễ điểm đạo. Nhiều giờ trôi qua, sau nghi lễ Mật tông, Drolma đã cho giới đệ tử thâm nhập được thiên giới, ngộ hiểu các vị thiên nhân và Phật tính uyên nguyên của các vị đó. Trong thời gian ngắn ngủi này, nhiều đệ tử đã chứng ngộ được nhiều khả năng siêu nhiên mà tu tập thông thường phải mất hàng năm. Drolma dặn dò những thần thông đó không phải là mục đích tu học, chúng chỉ là kết quả tự nhiên trên đường liễu ngộ Chân như. Cuối cùng Drolma đặt cuốn kinh lên bàn thờ trong động và tuyên bố trách nhiệm của nàng trong thế gian này đã hoàn thành. Nàng long trọng thệ nguyện rằng sẽ cứu độ mọi người tầm đạo trong vài ngàn năm tới, một khi người đó nghĩ, nhớ hay nhắc đến tên nàng. Sau đó nhiều điều xảy ra không ai còn nhớ rõ. Drolma chết trong động Tidro của Liên Hoa Sinh, mỗi người hiện diện thấy sự việc một cách khác nhau. Truyền rằng, nàng lên một con ngựa xanh bay về cõi thần Dakini, có thiên nhạc vang lừng tiếp đón. Các con nàng chỉ mỉm cười khi nhắc đến cái chết của mẹ, làm ta biết rằng lúc chết cũng như lúc sinh, nàng không hề đau đớn mà đó là một biến cố hỉ lạc.

Drolma và con cháu nàng đã đi vào lịch sử của Tây Tạng, là các vị đạo sư quan trọng. Cháu của Drolma là vị đạo sư Jigten Sumgon cao trọng. Đến ngày nay, dòng giáo hóa Drigung Kagyu của Drolma vẫn còn, một dòng lấy các lời khai thị của nàng trong động núi cách đây trên chín trăm năm làm cơ sở. Người Tây Tạng tin rằng, nếu có ai nhớ, nghĩ tới nàng thì sẽ được nàng nghe đến và tiếp dẫn. Và ai làm theo lời khai thị của nàng, sẽ sớm được giác ngộ hơn người khác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VƯỢT THOÁT LUÂN HỒI
  2. NGUỒN GỐC TIẾN HÓA – LUÂN HỒI VÀ TÁI SANH
  3. DO ĐÂU TIN CÓ TÁI SANH

Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP