NGUYỄN HIẾU TÍN
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo số 343 ngày 1-5-2020 (Nhập lưu TVHS 1-6-2020)
Ai là chủ nhân của Trái đất?
Trong thần thoại Hy Lạp có chuyện kể rằng thần Prometheus là vị thần có khả năng tiên tri xuất sắc và luôn dành tình cảm cho loài người. Chính Prometheus đã âm thầm dạy con người các kỹ năng sinh tồn và phát triển. Nhờ đó, con người dần có trí tuệ, thoát dần khỏi sức mạnh của thần linh.
Chính điều đó làm thần Zeus vô cùng tức giận. Đỉnh điểm của sự tức giận ấy là việc Prometheus đã đánh cắp ngọn lửa thiêng của thần Hephaistos để khai minh cho loài người. Và để trừng phạt, Thần Zeus đã sai thần Hephaistos lấy đất sét nặn thành một người con gái xinh đẹp đặt tên là Pandora và sứ mệnh của nàng Pandora là đem lại bất hạnh cho loài người, bằng cách vị thần này mang nàng xuống trần thế và trao cho nàng chiếc hộp định mệnh mà ngài dặn dò không bao giờ được mở ra. Nhưng sau đó, nàng Pandora tò mò đã hé mở chiếc hộp, và kể từ đây những điều xấu xa nhất, dịch bệnh (virus) liên tục tìm đến con người từ ngày này qua đêm khác, âm thầm mang lại nỗi khốn khổ cho trần gian.
Tuy vậy, dưới ánh sáng khoa học hiện đại, các nhà nghiên cứu đã phát hiện virus xuất hiện sớm hơn nhiều so với loài người. Trong mối quan hệ phức tạp giữa con người và virus: con người luôn cho rằng mình là chủ nhân của Trái đất, nhưng kỳ thực, nói theo nhà văn Tất Thục Mẫn (tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Virus Tràng Hoa) thì “Nếu như nhất định phải nói ai là chủ nhân của hành tinh, virus có tư cách hơn chúng ta nhiều”.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Phân loại virus quốc tế, đã phân loại được gần 5.000 chủng loại virus, chưa bao gồm những virus mới chưa được phân loại. Dân số thế giới của chúng ta có 7 tỉ người, nhưng vi rus có dân số khoảng 1031, tức là 1 cùng với 31 con số 0 đằng sau, hay nói cách khác, chủ nhân của Trái đất có khi chính là virus! Mặt khác, phần lớn các nhà thiên văn học tin rằng, sự xuất hiện của con người chỉ là một tình cờ ngẫu nhiên và vũ trụ không được tạo ra để chỉ mình chúng ta nhìn ngắm. Hẳn còn rất nhiều những hành tinh khác cư ngụ sự sống, thậm chí sự sống bậc cao, đang lấp ló đâu đó trong khoảng không bao la này.
Không phải ngẫu nhiên, Bill Gates từng nói: “Trong tương lai, bệnh truyền nhiễm là mối đe dọa còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh hạt nhân”.
Thật vậy, rủi ro lớn nhất mà loài người phải đối diện không phải là vũ khí hạt nhân, cũng không phải đói nghèo, mà chính là virus – kẻ thù cuối cùng trên hành tinh, và làm thế nào để sống chung với virus (hiện loài người hầu như đang trong thế hoàn toàn bị động) là vấn đề nan giải. Thật vậy, dường như con người đi xa đến đâu, virus và bệnh tật cũng đi được xa chừng ấy. Trong lịch sử nhân loại, đã xuất hiện nhiều loại virus nguy hiểm như Nipah, Hendra, Ebola, Marburg v.v…
Trong số đó, virus Ebola có thể khiến 25% đến 90% người nhiễm bệnh tử vong, tỷ lệ trung bình là 50%.
Mặc dù, tỷ lệ tử vong do virus Covid-19 gây ra không cao như vậy nhưng tốc độ lây lan của chủng virus này rất nhanh và có sức đe dọa rất lớn đến sức khỏe con người cũng như những thách thức đối với xã hội hiện đại. Còn nhớ trong tác phẩm “Những con đường tơ lụa” của Peter Frankopan, tác giả đã dành riêng một chương bàn về con đường của dịch hạch, một căn bệnh đã có thời điểm dìm châu Âu vào màn đêm tăm tối và giết chết khoảng 25% – 60% dân số của lục địa này. Hay nhân loại cũng đã từng chứng kiến những “công xưởng bệnh tật” từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, như một nỗi ám ảnh về những cơn đại dịch.
Đạo pháp tự nhiên thành
Virus là thứ vô tri vô giác, không có bộ não. Loài người là sinh vật cao cấp nhất trên hành tinh, có lương tri và lý trí. Virus đang biến chủng, loài người đang tiến hóa. Loài người cũng không phải vạn năng, virus cũng không thể tự động dừng tấn công loài người. Đối với virus, không làm phiền chúng, đừng ép chúng chạy ra khỏi nơi trú ẩn của mình, không nên tàn phá nơi sinh sống của chúng, không nên phá vỡ giới hạn sinh tồn. Một khi nó biến chủng “tái xuất giang hồ”, giai đoạn đầu giao chiến với chúng, loài người hầu như không có biện pháp phòng ngừa, đẩy loài người đang trong tình thế bất lợi, số ca lây nhiễm và tử vong lớn là điều khó tránh khỏi.
Trước tình thế đó, theo các chuyên gia nhận định, biện pháp tốt nhất có khả năng chiến thắng virus chính là làm sao sống hòa bình với các loài sinh vật trong tự nhiên trên hành tinh xanh này một cách cân bằng. Bởi lẽ, sự bùng phát của dịch bệnh là một phần mà cái giá chúng ta phải trả từ việc con người đã xâm nhập, can thiệp quá sâu vào thiên nhiên, khai thác một cách triệt để thế giới tự nhiên trong việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa… vô tình đánh thức những chủng virus gây chết người, mở màn cho cuộc phản công của tự nhiên. Do vậy, loài người và vạn vật trên Trái đất nhất định phải sống hòa thuận với nhau.
Điều này chợt nhớ đến quan niệm về Đạo của Lão Tử cách đây hàng nhiều thế kỷ: Đạo luôn vận hành theo quy luật. Quy luật đó không phải gì khác mà chính là lẽ tự nhiên (Đạo pháp tự nhiên). Bản thân lẽ tự nhiên là chuẩn mực rồi “Người phỏng theo lẽ của đất, đất phỏng theo lẽ của trời, trời phỏng theo lẽ của đạo, đạo phỏng theo lẽ tự nhiên”.
Trong Đạo đức kinh của Lão Tử, tự nhiên là một trong những chủ điểm quan trọng vào loại bậc nhất trong học thuyết này, nên chương 25 ông đã viết: Đạo pháp tự nhiên. Đạo theo tự nhiên, đạo với tự nhiên là một. Theo đó, một vật gì trời sinh ra, không có bàn tay của người, ta gọi là tự nhiên; một cử động, ngôn ngữ phát tự lòng ra mà không tính toán trước, ta cũng gọi là tự nhiên. Bốn mùa cứ thay đổi nhau mà vận hành, vạn vật cứ theo bản năng mà thích ứng với hoàn cảnh. Điều đó ai cũng thấy. Đạo vô tri vô giác, cố nhiên là không can thiệp vào đời sống của vạn vật, nhưng loài người vốn hữu tri hữu giác lại hay can thiệp vào thế giới tự nhiên ngày càng sâu đậm gây ra các dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, can thiệp sâu vào đời sống của nhau, gây ra loạn lạc, chiến tranh. Vì vậy, không nên can thiệp vào đời sống vạn vật, để cho vạn vật tự do phát triển. Tuy nhiên, tự nhiên của Lão Tử không phải là bỏ mặc, cứ để y nhiên sự việc, mà người đã chủ trương “khử thậm, khử xa, khử thái”, nghĩa là trừ khử những gì thái quá, đồng thời nâng đỡ những gì bất cập, để lập lại thế quân bình của Đạo, của tự nhiên.
Từ quan niệm cốt lõi này, ông cho rằng xã hội con người không những không tách khỏi thế giới tự nhiên mà ngược lại không được làm những gì ngược lại với tự nhiên, từ đó ông đề xuất tư tưởng vô vi. Vô vi theo ông, không phải không làm gì cả (vô vi nhi vô bất vi), mà chính là cách làm tốt nhất. Có lẽ, điều này ít nhiều đúng với biện pháp giãn cách xã hội – một trong những biện pháp tương đối hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus trong các cơn dại dịch. Về bản chất, sự xa cách này trái ngược với tính cách vốn có của con người, một sinh vật xã hội sống theo bầy đàn. “Con người không phải là một hòn đảo”, nhà thơ John Donne từng nói, ám chỉ đến vai trò hợp tác xã hội trong lịch sử loài người. Biện pháp này cũng trái ngược với bản năng cơ bản của con người trong thời nguy hiểm: tụ tập lại để hợp sức, chống lại mọi đe dọa…
Nếu thời hiện đại tôn sùng sự gấp gáp, vội vã và xem “sống chậm” là biểu hiện của tính thụ động thì trong cơn đại dịch này như một lập trình của thế giới tự nhiên khiến con người phải cân bằng lại, phải sống chậm, phải tự cách ly để bảo vệ nhóm xã hội, cộng đồng. Không vì cơn đại dịch, mà ngày nay nhiều quốc gia (đặc biệt những quốc gia lấy Phật giáo làm quốc giáo) ra sức khuyến khích sống chậm giữa cuộc đời nhanh, để tạo sự cân bằng của tạo hóa, của tự nhiên, được trở về với thiên nhiên, với chính mình. Sống chậm nhưng lúc nào thần cũng định, trí cũng sáng.
Trong dịch “văn tiên nghi tư lự”, Gia Cát Lượng có viết: Nguy cơ xuất hiện từ chỗ an toàn Diệt vong xuất hiện từ chỗ tồn tại Hỗn loạn xuất hiện từ chỗ quản lý.
Người xưa nhìn rõ được cái nhỏ, xem đầu biết được cuối. Vì vậy sẽ không thể phát sinh tai họa được. Đó cũng là cách biết lo nghĩ xa và thấu đáo giữa thời cuộc.
Covid-19 đang thử thách sự phát triển của nhân loại, nó không chỉ tấn công người bệnh mà còn thách thức sức đề kháng xã hội loài người. Sự day dứt về đại dịch cũng là cơ hội để con người có thể bản lai diện mục, nhìn lại những ứng xử văn hóa với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của mỗi quốc gia.
Nói như nữ nhà văn Guzel Yakhina, đại dịch này “đang diễn ra cuộc khảo sát nguồn dự trữ nhân tính của nhân loại, được tích lũy qua hàng thiên niên kỷ của đời sống văn hóa”, và trong cơn đại dịch, hơn bao giờ hết “văn hóa chính là chiếc nạng vô hình, vô thức nhưng hết sức quan trọng”.
Câu chuyện thần thoại Hy Lạp kể trên, còn một chi tiết khá thú vị, trong chiếc hộp xấu xa, bệnh tật mà nàng Pandora mở ra vẫn còn một điều tốt đẹp duy nhất, hiếm hoi sót lại, đó là niềm hy vọng. Nhờ có hy vọng, con người mới có thể đứng vững, và vượt qua mọi thử thách khó khăn của cuộc đời như cuộc đối đầu với virus đang diễn ra, chắc chắn con người sẽ tìm cách đẩy lùi được virus.
Hy vọng rằng, cuộc chiến này sẽ giúp con người nhận thức tỏ hơn chỗ đứng của mình trong cán cân sinh học, kết nối tạo nên một năng lượng thiện lành, yêu thương và bầu khí quyển tích cực, cùng hướng đến sự phát triển bền vững của nhân loại một cách hiệu quả hơn.