YÊU THƯƠNG CÁC SINH VẬT

LAMA SURYA DAS

Trích: Đánh Thức Phật Tâm-Đưa Yêu Thương, Ý Nghĩa Và Sự Gắn Kết Vào Mọi Khía Cạnh Cuộc Sống; Người dịch: Thái An; NXB.Hồng Đức

“… chúng ta đã trở nên kiêu ngạo bởi một niềm tin sai lầm rằng con nguời có quyền chi phối chim trên trời và cá dưới nước”.

– Jane Goodall

Thế giới tự nhiên tạo ra vô số các cơ hội thực hành lòng trắc ẩn và sự quan tâm của Bồ tát. Có một câu chuyện rất hay, được kể ở Tây Tạng về một lạt ma già, mỗi ngày đều đến ngồi thiền trên một tảng đá lớn gần một ao nước tĩnh lặng. Tuy nhiên, mỗi khi ông vừa bắt chéo chân, yên vị, bắt đầu phần cầu nguyện của mình thì phát hiện một con côn trùng nhỏ đang vật lộn trong nước. Hết lần này đến lần khác, ông nhấc tấm thân gầy gò, ốm yếu của mình, nhẹ nhàng bắt con côn trùng trong tay, đưa nó lên chỗ an toàn ở một cái cây gần đó. Giây phút ông ngồi xuống để bắt đầu lại, chuyện tương tự lại xảy ra.

Các tu sĩ đồng đạo của ông, cũng hàng ngày tới ngồi thiền một mình ở vùng nông thôn Tây Tạng đầy đá, đã để ý điều ông đang làm. Một số họ trở nên khá âu lo. Làm sao vị lạt ma già có thể hành thiền được nếu tất cả thời gian ông dành cho việc cứu lũ côn trùng từ một cái ao nước? Là những Phật tử của Phật giáo Tây Tạng, họ cũng nhận thức được trí huệ trong việc cứu vớt đời sống của mọi chúng sinh, dù nhỏ bé cỡ nào. Dẫu vậy, một số người tự hỏi vị tăng già có nên ngừng ngồi thiền bên cái ao và chuyển tới đâu đó khác, nơi sẽ ít xao nhãng hơn chăng?

Một ngày, cuối cùng nhiều người trong số họ cũng đến chỗ ông để đưa ý kiến và lời khuyên. Một người hỏi, “Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu ông có thể hành thiền mà không bị làm xao nhãng? Khi ấy, ông mới đạt được giác ngộ hoàn toàn nhanh hơn, sẽ có khả năng giải thoát mọi chúng sinh khỏi đại dương của sự tồn tại bị trói buộc”.

“Nếu ông muốn hành thiền bên hồ”, người khác gợi ý, “sao không nhắm mắt?”.

Một trong những vị tăng trẻ nhất hỏi: “Làm sao ông có thể hy vọng có được sự an tĩnh hoàn toàn, phát triển định lực sâu xa như kim cương nếu cả ngày ông cứ đứng lên ngồi xuống?”.

Vị lạt ma già thông thái yên lặng lắng nghe. Cuối cùng, ông cúi mình và nói: “Tôi chắc rằng mình sẽ hành thiền sâu hơn, hiệu quả hơn nếu ngôi bất động cả ngày, giống như các bạn nói. Nhưng làm sao một kẻ già nua vô dụng như tôi, người đã nguyện hết lần này đến lần khác sẽ dâng hiến cả đời này, và tất cả các kiếp sống, để phụng sự và giải thoát mọi chúng sinh, lại có thể cứ ngồi nhắm mắt, cầu nguyện và trì thần chú vị tha của đấng Đại từ bi, trong khi ngay trước chính mắt mình, những chúng sinh vô vọng đang chết đuối?”.

Trước câu hỏi đơn giản, khiêm nhường ấy, không ai trong các vị tăng kia tìm được câu trả lời.

Khi mở rộng đôi mắt và nhìn xung quanh, ta thấy nhiều sinh vật của hành tinh đang chịu khổ và cần tới sự chú ý của chúng ta. Một số người với trái tim đa cảm sẽ đặc biệt nhạy bén với đau khổ của những con vật yếu đuối. Nhiều người đóng góp thời gian, tiền bạc cho các tổ chức cố gắng bảo tồn môi trường sống tự nhiên. Giúp đỡ những loài vật không thể tự giúp mình, đó là một cách đã đi vào truyền thống để thực hiện nhiệm vụ của một Bồ tát và để thực hành từ bi. Ở Tây Tạng, người ta nói rằng những thực hành này sẽ tác động trở lại, ban tặng nhiều phúc lành. Các lạt ma Tây Tạng dạy rằng, việc cứu giúp các cuộc đời sẽ giúp kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khoẻ và sinh lực của chính bạn.

Sharon Tracy, một Phật tử sống ở New York, nói rằng khoảng mười năm trước, cô trải qua một cuối tuần tại Woodstock với vị thầy tâm linh của mình; sau khi tạm biệt thầy, cô đang lái xe chở một người bạn thì phát hiện một sinh vật đáng thương đã chết bên lề đường. Do chỉ mới rời khỏi sự hiện hữu của thầy, nên cô nói mình rộng mở đón nhận trải nghiệm ấy. Đột nhiên, cô nhận biết một cảm giác đồng cảm sâu sắc cho nỗi khổ của động vật ở khắp mọi nơi. Trong một khoảnh khắc, cô biết chúng đang cảm thấy gì.

Ngày đó đánh dấu một bước ngoặt thật sự trong cuộc đời cô. Kể từ ấy, Sharon dành nhiều thời gian giúp đỡ nhữmg con vật bất lực. Sharon nói, ở phương diện nào dó, sự quan tâm này đã trở thành thực hành tâm linh của cô mặc dù nó không phải điều cô đã tính tới. Nhưng việc ấy cũng khiến cô không thể thực hiện những thứ khác mà cô muốn làm. Chẳng hạn, cô muốn có chuyến hành hương tới Nepal để tu học, nhưng không thế. Vì như cô nói, “còn có tất cả những việc khác ở đây”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÒNG YÊU THƯƠNG LÀ NỀN TẢNG CỦA NHÂN LOẠI
  2. CỘI NGUỒN YÊU THƯƠNG – SỰ SỐNG BẤT TỬ
  3. GIỚI NGUYỆN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG