CÔNG ĐỨC

DZONGSAR JAMYANG KHYENTSE

Trích: Đạo Sư Uống Rượu; Pema Trần dịch; Công ty Cổ Phần Sách Thái Hà; NXB. Hà Nội

?Những phương pháp tích lũy công đức

Nếu việc hiện thực hóa sự giác ngộ phụ thuộc vào công đức, bạn có thể tự hỏi: “Điều gì đến trước: Bậc thầy hay công đức? Cuối cùng thì chẳng phải bậc thầy là người sẽ dạy chúng ta cách tích lũy công đức hay sao?”. Câu trả lời là có rất nhiều cách để tích lũy công đức mà không cần đến một bậc thầy.

Để tích lũy công đức, chúng ta cần nương tựa vào những công hạnh đơn giản, như tử tế với người khác, không lừa dối, không giết hại, không nói dối, cùng những thực hành và hoạt động thiện hạnh khác được công nhận phổ quát. Chúng ta cũng có thể tích lũy công đức nhờ đi hành hương, cúng dường hương và hoa, đốt đèn bơ. Bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể tích lũy công đức bằng việc giữ ước nguyện tìm kiếm một bậc thầy, người sẽ hành động như một người hướng dẫn chúng ta trên con đường đến giác ngộ.

Vì thế, thay vì lãng phí thời gian với việc tiến hành tìm kiếm một bậc thầy, hãy thả lòng để đốt hương hoặc đốt đèn bơ. Hãy lạo ra những suy nghĩ từ bi, như là, “Ước nguyện rằng tất cả chúng sinh đều có nước sạch” hoặc “Ước nguyện rằng những ai đang bị lạc lối sẽ tìm thấy dường đi”. Và bạn có thể nâng cấp ước nguyện của mình với ý nghĩ “Ước rằng tất cả chúng sinh nhận ra sự thật. Uớc rằng tất cả chúng sinh được tự do thoát khỏi mê mờ”.

Cuối cùng, những hành động này sẽ tạo ra những điều kiện đủ để bạn gặp được đúng người.

?Công đức sẽ có đường đi của nó

Bạn có thể lên kế hoạch lựa chọn bậc thầy của mình một cách hợp lý, sau khi đã nghiên cứu và suy ngắm thấu triệt, nhưng hãy nhớ rằng bạn có thể cuối cùng lại lựa chọn dựa trên cảm xúc và sự thôi thúc thuần khiết. Bạn có thể thấy rằng khi bạn có bước nhảy vọt, nó xảy ra đầy cảm hứng, toàn tâm toàn ý, không thể kiểm soát được, không cảm thấy xấu hổ, đầy e thẹn, táo bạo, không thể kìm lại được. Mặt khác, bạn có thể được biết đến như là một người đầy cảm xúc, phi lý trí nhưng khi đến việc này, bỗng nhiên bạn lại là người tỉnh táo và khắt khe nhất. Cho dù thế nào, thậm chí bạn nghĩ rằng bạn có sự xa xỉ trong việc đưa ra quyết định, thì đó không hẳn là một quyết định. Việc bạn cho rằng mình suy nghĩ thấu triệt để lựa chọn bậc thầy chỉ là một ảo tưởng.

Mọi người nói những điều như thế này: “Tôi cảm thấy một kết nối mạnh mẽ với bậc thầy như thế này, như thế kia…”. Có được cảm xúc đó là điều quan trọng, bởi vì với những ai đang tìm kiếm sự giác ngộ, kết nối quan trọng nhất là kết nối tâm linh. Những cảm xúc như vậy có thể là chất xúc tác: cảm xúc của bạn hướng tới một bậc thầy có bộ ngực đầy lông đến từ dãy núi Himalaya có thể dẫn đến một hành trình tâm linh ý nghĩa và tuyệt vời. Nhưng cũng xin nhớ rằng cảm xúc của chúng ta rất dễ thay đổi, và những cảm xúc mạnh mẽ không nhất thiết phải là dấu hiệu của một kết nối đạo sư-đệ tử từ trong kiếp trước.

Những kết nối cũng không phải là duy nhất với các bậc thầy. Là những chúng sinh, chúng ta nếu được kết nối với nhau theo mọi cách khác nhau: con nợ/chủ nợ, mẹ/con, người đi săn/con mồi, người tình/bồ nhí, kẻ săn đầu người/nạn nhân. Vì vậy, cảm xúc của bạn đối với bậc thầy có thể chỉ là kết quả của một món nợ nghiệp từ mảnh vườn sum xuê nghiệp quả mà bạn phải trả. Mặc dù như thế, bạn cũng không nên bỏ qua. (Điều quan trọng của việc lần theo bản năng của bạn sẽ được thảo luận kỹ hơn trong những chương tiếp theo).

Sự vận hành của những kết nối nghiệp và công đức là vô tận và thường không thể giải thích được. Gia đình nhà Lee ở Hồng Kông đã có mối nhân duyên nghiệp quả tuyệt vời nhất là được kết nối với những bậc thầy vĩ đại nhất trong thế kỷ này. Cả gia đình đếu thịnh vượng, và họ được ban phước không chỉ với nguồn lực mà với ước nguyện được tiếp đón nhiều bậc thầy, rất nhiều vị đã thường ở trong nhà của họ hàng tháng trời. Có con gái út nhà họ Lee là một người rất lý trí, tỉnh táo và là một sinh viên có tư duy phản biện. Cô không xem mọi chuyện là ngẫu nhiên và đặt ra những câu hỏi thông minh nhất cho mọi người trong gia đình. Trong khi cả gia đình đón tiếp các vị Lạt-ma với lòng sùng mộ theo cách truyền thống, lòng sùng mộ của cô đến từ phân tích và suy nghĩ lý luận. Các bậc thầy Phật giáo đã có thể trả lời những câu hỏi của cô theo cách cô bị thuyết phục và cảm thấy hài lòng.

Nhưng đâu đó trên con đường cô va phải một vị thầy tự phong. Người tự tuyên bố rằng ông ta có chìa khóa mở vào cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Vị này đã cố gắng thôi miên cô gái, và bây giờ cô gái trẻ có tư duy phân tích, lý tính, uyên bác, có trái tim lạnh lùng trở thành một kẻ xu thời. Thật là một sự mất mát cho cô gái: đã đi lạc hoàn toàn trong khi các vị đạo sư vĩ đại luôn ở ngay trong nhà cô. Điều này chỉ có thể là vấn đề của công đức và nghiệp quả.

Có một bằng chứng sống khác về nghiệp quả xảy ra xung quanh tất cả chúng ta. Hãy xem những người phương Tây, không vì một lý do gì, không vì một người nào, lại trở thành Phật tử, chưa nói đến những Phật tử Mật thừa, những người đang trên con đường. Họ lớn lên với những biểu tượng như cô bé Lọ Lem và Chúa Jesus. Có thể họ đi lễ nhà thờ Thiên Chúa giáo hoặc trường dạy tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ), hoặc họ có thể có cha mẹ là những người vô thần. Nhưng rất nhiều người trong số họ được gợi cảm hứng từ hình ảnh từ bi an bình của Đức Phật. Và có những người cảm thấy có kết nối với Đức Liên Hoa Sinh, người mà có những chiếc mũ và đoàn tùy tùng không hề giống một vị tăng giản dị. Họ được gợi cảm hứng không chỉ bởi Đức Phật mà còn bởi các hiện tượng Mật thừa – bởi các vị bổn tôn với đầu ngựa, cốc sọ người, các chủng tự cùng những vị bổn tôn hợp nhất.

?Công đức quyết định cách chúng ta cảm nhận bậc thầy

Có một loạt lý do tại sao Prashant thích ăn hành sống. Anh dường như cảm thấy run rẩy với cảm giác râm ran đưa lên mũi. Hiên tượng sợ mùi hành băm chưa từng xảy ra với anh. Những điều kiện và kết quả như vậy không xảy ra với Joon: cô luôn kiểm tra để đảm bảo rằng bánh hamburger của cô không có hành. Và hai người họ lại hợp thành một đôi. Tại sao? Phải có một chất xúc tác và một loạt các nguyên nhân, điều kiện khác lôi kéo khiến cho người ghét hành và người thích hành sống cùng nhau, bỏ những sự khác biệt về cảm nhận của họ.

“Nguyên nhân và điều kiện” chỉ là một cách diễn đạt khác của “nghiệp”. Công đức là bất kỳ hành động nghiệp nào đưa bạn đến gần hơn với sự chứng ngộ về sự thật, với tình yêu thương và lòng bi mẫn. Do vậy, công đức đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của chúng ta. Phải là nghiệp dẫn dắt người Trung Quốc tôn sùng Phật pháp từ nhiều thế kỷ trước đây, và rồi gần đây lại phá hủy Phật giáo dưới ngọn cờ của Cách mạng Văn hóa. Và nghiệp cũng góp một tay đưa Phật giáo trở lại với Trung Quốc gần như chỉ sau một đêm vào những năm 1990. Nhưng tại nơi khai sinh của Đức Phật, ở Ấn Độ, rất nhiều người Ấn thậm chí không biết đến Phật là ai – lại là do nghiệp của họ.

Khi Phật giáo lần đầu đến Trung Quốc, đó là thời kỳ giao thương vĩ đại. Gia vị, vải vóc, nhạc cụ, mì, niềm tin và bệnh tật đều được trao đổi qua lại. Nhưng bởi vì các điều kiện về nghiệp, đặc biệt là công đức của những Phật tử Trung Quốc, Phật giáo đã trở thành một trong những mặt hàng nhập khẩu lâu đời nhất từ Ấn Độ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. QUY LUẬT NGHIỆP QUẢ HAY NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ
  2. MƯỜI BỐN CÔNG ĐỨC VÔ ÚY CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
  3. BỒ TÁT DI LẶC KHEN NGỢI CÔNG ĐỨC CỦA THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ

Bài viết khác của tác giả

  1. NĂM GIA ĐÌNH PHẬT
  2. CHỨNG CHỈ CHO ĐIỀU KHÔNG THỂ DIỄN TẢ
  3. TRAO TRUYỀN TRÍ TUỆ

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG